Áp Chót Là Vị Trí Của VN Hiện Nay

Ngô Văn

Trong phụ trang của tờ tạp chí Economic phát hành tại Anh quốc số đầu năm 2007 đã đưa ra một bản xếp hạng về mức độ tự do dân chủ của16 quốc gia ở vùng Đông Nam và Đông Bắc Á châu. Bản xếp hạng này là sự tổng hợp kết quả của những cuộc điều tra thực tiển ở 5 hạng mục, đó là:

1. Mức độ công minh chính đại trong việc bầu cử.

2. Sự chấp nhận của người dân về kết quả bầu cử.

3. Mức độ tham gia chính trị của người dân.

4. Mức độ hiệu quả của bộ máy nhà nước.

5. Mức độ tự do: Tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do lập hội và sự tôn trọng nhân quyền.

Đứng đầu bản xếp hạn này là Nhật Bản với số điểm 8.15 trên 10, thứ đến là Hàn quốc, Đài Loan, Mông Cổ, Philippines, Indonesia, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Thái, Cambodia, Trung quốc, Việt Nam, Lào, Miến Điện, Bắc Triều Tiên.

Số điểm củaViệt Nam là 2,75; Lào là 2,10; Miến Điện là 1,77; Bắc triều Tiên đội sổ với số điểm 1,03. Kèm theo bản xếp hạn này là bản đồ của16 nước trong vùng Đông Nam và Đông Bắc Á châu, nước nào bị bôi đen là coi như không có sự hiện diện đích thực của nền tự do dân chủ. Bốn nước bị bôi đen là Trung quốc, Bắc Triều Tiên, Miến Điện, Lào và Việt Nam; Cambodia không bị bôi đen mà bôi lấm chấm, nghĩa là mức độ tự do dân chủ hơn hẳn bốn nước vừa kể trên.

Số điểm của Việt Nam từ hạng mục số 1 đến hạng mục thứ 5 lần lượt là 0,83 điểm, 4,38 điểm, 2,78 điểm, 4,29 điểm và 1,47 điểm. Ở hạng mục số 2, Việt Nam đứng sau Lào và Miến Điện.

Về mức độ tự do, dân chủ của Việt Nam hiện nay là như thế, nên chính quyền CSVN lúc nào cũng tìm cách tránh né hoặc trả lời bứa cho qua chuyện mỗi khi bị ai đặt vấn đề về những chuyện này, họ thường lái sang lãnh vực kinh tế. Nhưng lãnh vực kinh tế của Việt Nam dưới chế độ cộng sản cũng chẳng có gì khá hơn, vẫn đang chạy áp chót vì có rất nhiều mâu thuẫn.

Cái mâu thuẫn thứ nhất mà theo các kinh tế gia hàng đầu của thế giới là danh xưng, khi mà danh không chính thì ngôn không thuận vì trong lãnh vực kinh tế làm gì có cái chuyện ’’Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa’’. Đã gọi là thị trường thì phải để cho tất cả mọi người dân kể cả người nước ngoài có quyền tự do cạnh tranh, chứ không được dành tất cả mọi ưu tiên cho các công ty quốc doanh. Vậy mà cả Trung quốc lẫn Việt Nam đều đang làm cái chuyện vô lý này, nên càng làm càng phát sinh nhiều mâu thuẫn không thể nào giải quyết nổi.

Hiện nay cả thế giới đang ở trong thời kỳ hội nhập nên những người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa, nhìn rộng nhưng những người lãnh đạo đảng CSVN thì hầu hết có cái nhìn theo thói quen đầy định kiến với những tư duy sơ cứng, nên đã gây thêm một mâu thuẫn nữa trong nhu cầu hội nhập. Chính ngay Nguyễn Đình Lương (nguyên Trưởng đoàn đàm phán Thương mại Việt-Mỹ) cũng đã thốt lên rằng: Xã hội ta hôm nay, đâu đó vẫn còn bám giữ những tư duy định kiến, lúc nào cũng lo ’’chệch hướng’’. Có người lo chệch hướng vì không đủ thông tin, nhưng cũng có người hô hào chống chệch hướng vì lợi ích riêng tư.

Cũng theo ông Lương, cho đến hôm nay chỗ này hay chỗ kia (ông Lương không dám nói là tất cả), có nơi vẫn quen xây dựng chiến lược kinh tế ngành, cơ bản theo tập quán thời bao cấp, xây dựng trên cơ sở vật chất mà ít đề cập đến khả năng cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế và hàng hóa VN. Thêm một mâu thuẫn nữa giữa yêu cầu phải có bước đi nhanh vững chắc mà chân còn bị dính chặt bao nhiêu dây nhợ của các tệ nạn tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy án, chạy tội, chạy thành tích, tình trạng vô cảm, quan liêu, hành dân, hành doanh nghiệp…

Ông Lương còn kể thêm mấy cái mâu thuẫn khác nữa như mâu thuẩn giữa yêu cầu một môi trường kinh doanh thông thoáng, hệ thống pháp luật công khai, minh bạch dễ thực thi với tình trạng cố bám giữ quyền quản lý càng nhiều càng tốt và một nền hành chính ’’hành dân là chính’’. Mâu thuẫn giữa xã hội hội nhập với sự kiểm soát thông tin, xã hội hội nhập là xã hội mở, thông tin là hơi thở của nền kinh tế hội nhập, kinh tế tri thức. Thông tin là đầu vào và cũng là sản phẩm. Phải có thông tin đầy đủ nhất và phải sống trong môi trường thông tin thì những quyết định về sản xuất, kinh doanh mới hy vọng đúng đắn và thành công.

Khi mà một nước không thoát khỏi được hạng chót hay áp chót trong bảng sắp hạng về mặt chính trị lẫn kinh tế thì quốc gia đó làm sao mà theo kịp đà tiến hóa của nhân loại.Việt Nam dưới chế độ cộng sản đang ở vào tình trạng này thế mà những người lãnh đạo đảng vẫn rêu rao là đất nước đang phát triển. Phát triển thêm nhiều mâu thuẫn thì có.