Bác Sĩ Đặng Vũ Chấn Trả Lời Phỏng Vấn VNN: “Suy Tư Và Ước Nguyện Đầu Năm Về Tổ Quốc”

(Trích Bản Tin VNN, ngày 31 tháng 1 năm 2007)

Phỏng Vấn Đặc Biệt

Lời Giới thiệu của VNN: Những biến chuyển trong nước năm vừa qua cùng với sự kiện Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới sẽ có ảnh hưởng ra sao đối với tiến trình Dân chủ hóa Việt Nam trong tương lai sắp tới? Kinh tế sẽ chuyển hóa chính trị, hay ngược lại? Hoa Kỳ đã trở thành một yếu tố mới và ngày càng đậm nét hơn trong đường lối đối ngoại của CSVN, điều nầy sẽ ảnh hưởng như thế nào với mối quan hệ 16 Chữ Vàng với Bắc Triều? Con đường đu giây giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn của CSVN sẽ là một lợi ích hay thảm họa cho dân tộc Việt Nam? Điều nào chắc sẽ xảy ra? Tại sao?… Đầu năm mới, thông tấn VNN đã rất hân hạnh được Bác sĩ ĐẶNG VŨ CHẤN, Ủy viên Trung Uơng Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, từ Washington DC, dành cho một cuộc phỏng vấn đặc biệt sau đây do phóng viên Võ Triều Sơn thực hiện. Xin kính mời quý vị theo dõi.

Sơ lược Tiểu sử Bác sĩ Đặng Vũ Chấn

Bác sĩ Đặng Vũ Chấn, Ủy Viên Trung Ương Đảng Việt Tân

Là Bác sĩ Chuyên khoa Tâm Thần Tổng Quát và Chuyên khoa Tâm Thần Bệnh Ghiền hiện đang hành nghề tại vùng Hoa Thịnh Đốn. Đã giảng dậy tại Đại học Y Khoa Howard và Chương Trình Hậu Đại học Chuyên Khoa Tâm Thần tại Bệnh viện St. Elizabeth’s, Washington DC.
Suốt hơn 20 năm qua, kể từ khi gia nhập Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Việt Tân) năm 1985, Bác sĩ Đặng Vũ Chấn đã tham gia, tổ chức và hoạt động rất tích cực trên nhiều lãnh vực đấu tranh, văn hóa, xã hội, y tế v.v… trong Cộng Đồng Việt Nam Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ.
Hiện Bác sĩ là Ủy Viên Trung Ương Đảng Việt Tân.

VNN: Kính chào Bác sĩ, chúng tôi rất hân hạnh được tái ngộ Bác sĩ trên diễn đàn nầy. Kính thưa Bác sĩ, ngày 28.12.06 vừa qua, trả lời cuộc phỏng vấn của Thông tấn xã CSVN về vấn đề Trung Quốc vừa xây bia chủ quyền trên một số điểm cơ sở trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ông Lê Dũng, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao CSVN đã có những lời lẽ khá cứng rắn đối với Bắc Kinh, như ’’Việc Trung Quốc dựng bia chủ quyền tại một số điểm cơ sở trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, do vậy hoàn toàn không có giá trị’’. Xin Bác sĩ cho biết nhận định như thế nào về vấn đề nầy? Đây có phải là chỉ dấu của một sự thay đổi của CSVN trong mối quan hệ với Trung Quốc không? Tại sao?

Bác sĩ Đặng Vũ Chấn: Từ trước đến nay, thái độ của Hà Nội đối với Bắc Kinh thay đổi qua hai cực. Lúc thì quỵ lụy, nhu nhược, lép vế nhượng bộ; lúc thì ra vẻ cứng rắn, bình đẳng, ngang ngạnh. Để ý theo dõi những lúc Hà Nội ngang ngạnh với Bắc Kinh, ta thấy thái độ này thường diễn ra trong hai bối cảnh thời gian. Hoặc là lúc Hà Nội có khuynh hướng ngả sang ôm chân một cường quốc khác như Liên Xô trước đây hay Hoa Kỳ hiện nay, hoặc lúc Hà Nội đã hay sắp sửa công khai nhượng bộ hay lộ rõ sự lệ thuộc vào Bắc Kinh. Dựa hơi một anh lớn khác để lên mặt với Đại Ca của mình là điều dễ hiểu đối với Hà Nội, còn khi vừa chịu lép vế vừa ra vẻ cứng rắn với Bắc Kinh thì có lẽ hoặc vì bị Bắc Kinh chơi ép cưỡng không nổi nên ra vẻ cứng rắn gỡ gạc thể diện cho đỡ tức, hoặc vì đã bán đứng quyền lợi dân tộc cho Bắc Kinh nên cố ra vẻ ngang ngạnh độc lập biểu kiến để khỏa lấp tội lỗi của mình đối với nhân dân. Thí dụ năm 2004, trước khi Quốc Hội Đảng Biểu chính thức thông qua Hiệp định Vịnh Bắc Bô nhường biển cho Trung Cộng vào tháng 6 thì tháng 4 năm đó, CSVN làm động tác biểu kiến tổ chức du lịch tại Trường Sa – Hoàng Sa với ý khẳng định chủ quyền của mình.

VNN: Ngày 30.12, Thông tấn xã CSVN loan tin ’’Tổng thống Mỹ George W. Bush ngày 29.12 đã ký tuyên bố chính thức tăng cường mối quan hệ thương mại đầy đủ Mỹ – Việt Nam và mở đường để Việt Nam có thể nhận viện trợ quân sự của Mỹ, một bước đi quan trọng để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước’’. Bản tin nầy cũng đã trích dẫn một câu trong thư của Tổng Thống Bush gửi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Condoleezza Rice, như sau: ’’việc cung cấp các hạng mục và dịch vụ quốc phòng cho Việt Nam sẽ góp phần tăng cường an ninh nước Mỹ’’. Xin Bác sĩ cho biết nhận định như thế nào về những hiện tượng nầy? Và ’’góp phần tăng cường an ninh nước Mỹ’’ có nghĩa là gì trong bối cảnh nầy?

Bác sĩ Đặng Vũ Chấn: Như thế là ta thấy có vẻ Hà Nội muốn dựa hơi anh Mỹ để làm nư với Trung Cộng như trên đã trình bày. Cũng có thể sự cứng rắn với Bắc Kinh ở trên là để khuyến khích mời gọi Mỹ nhẩy vào Việt Nam hay để vừa lòng sự thử thách của Mỹ trước khi Mỹ chính thức hứa viện trợ ngay một ngày sau đó. Và như câu của Tổng Thống Mỹ trích dẫn ở trên, đương nhiên Mỹ ưu tiên phục vụ quyền lợi của Mỹ, và ưu tiên chiến lược của Hoa Kỳ hiện nay là chống khủng bố và ngăn chặn nguy cơ Trung Cộng bá quyền đe dọa thế siêu cường số 1 của Hoa Kỳ và quyền lợi của Mỹ tại Á Châu. Vì Việt Nam ở vị trí chiến lược, Hoa Kỳ có nhu cầu giành Việt Nam ra khỏi quỹ đạo Trung Cộng và muốn Việt Nam thành nút chặn cản sự bành trướng của Trung Cộng xuống phía Nam. Nên ta không ngạc nhiên khi thấy Hoa Kỳ đang tìm cách dần dần gây dựng lại ảnh hưởng chính trị và sự hiện diện quân sự của mình tại Việt Nam. Những cuộc viếng thăm của các Tổng Thống Clinton, Bush, các Tướng lãnh Quốc phòng, các tàu hải quân, và nay sự hứa hẹn viện trợ quân sự nằm trong tính toán trên.

VNN: Rất cảm ơn Bác sĩ. Tất cả những diễn biến mới trên đây trong mối quan hệ Việt – Mỹ – Trung, theo nhận định của Bác sĩ, chúng có ảnh hưởng như thế nào đối với việc CSVN, ngày 16.11, đã cùng ký với Trung Quốc để hai bên cùng thành lập Ủy Ban Chỉ Đạo Quan Hệ Song Phương? Việc Trung Quốc yêu cầu CSVN phải ký thành lập Ủy Ban nầy ngay vào thời điểm diễn ra Hội Nghị APEC có ý nghĩa như thế nào?

Bác sĩ Đặng Vũ Chấn: Hiển nhiên, đây là nỗ lực của Trung Cộng để cột chặt Hà Nội trong vòng ảnh hưởng của mình. Khi tương quan thầy trò giữa hai đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam khá rõ, thì Ủy Ban Chỉ Đạo Quan Hệ Song Phương (UBCĐQHSP) là nơi mà CSVN sẽ nhận áp lực, chỉ thị trực tiếp từ CSTQ nhiều hơn là quan hệ bình đẳng. Việc thành lập UBCĐQHSP nầy vào ngay thời điểm APEC là một hình thức để Bắc Kinh nhắc nhở, khẳng định với quốc tế chủ quyền của mình trên Hà Nội. Giống như kiểu anh Kép bắn tiếng cho mọi người, khi Đào mở party, rằng “Đào này là của tôi đừng có lộn xộn ’’cua’’ nhe, muốn mời nhẩy đầm thì phải nể mặt tôi mà xin phép” và kè sát Đào trong lúc party qua UBCĐQHSP. Nhưng hơn một tháng sau đó, được anh Washington dụ dỗ chi đó, em Hà Nội lại lên mặt với anh Bắc Kinh. Có vẻ Hà Nội đang muốn đu giây giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ và đây là chuyện nên làm của một nước nhỏ yếu trước hai đại cường quốc đang muốn tranh giành ảnh hưởng, để có thể sinh tồn. Nhưng ta sẽ phải xem màn xiệc đu giây này của CSVN trên thực tế sẽ đem lại những gì cho Việt Nam.

VNN: Phải công nhận rằng CSVN có rất nhiều kinh nghiệm trong việc dùng thế lực hậu thuẫn của ngoại bang để ổn định an ninh chính trị nội bộ. Trong mối quan hệ mới với Trung Quốc và Mỹ trong bối cảnh phức tạp hiện nay, liệu CSVN lần nầy có thể tiếp tục thành công như trong quá khứ nữa không trong mục tiêu bảo vệ an ninh nội bộ với hậu thuẫn của ngoại bang? Tại sao?

Bác sĩ Đặng Vũ Chấn: Nếu nhìn kỹ lại từ trước đến nay, ta sẽ thấy Đảng CSVN ngoài miệng luôn hô hào đề cao hai chữ dân tộc độc lập làm bình phong nhưng thực chất luôn lệ thuộc vào ngoại bang và tìm nước đàn anh đỡ đầu. Đây cũng là sự khác biệt căn bản giữa Đảng CSVN và Đảng Việt Tân chúng tôi. Việt Tân chủ trương kêu gọi vận động sự hợp tác hỗ trợ của quốc tế nhưng không sợ phải chiến đấu đơn độc vì chúng tôi lấy sức mạnh của dân tộc làm căn bản cho nội lực của mình. Còn CSVN, khi đã coi dân chúng là đối tượng cần phải trấn trị bằng bạo lực chuyên chế, thì không thể lấy dân tộc làm căn bản nội lực mà phải tìm nội lực từ nơi khác, trước đây từ thế giới Cộng sản, rồi từ Liên Xô vĩ đại, Trung Quốc vĩ đại và nay có chỉ dấu muốn ôm chân Mỹ. Trước kia, chủ thuyết Cộng sản còn là chất keo dán chặt CSVN với Liên Sô, Trung Cộng, nhưng ngày nay sự liên kết hợp tác giữa CSVN và Trung Cộng hay Hoa Kỳ đặt căn bản trên quyền lợi an ninh và kinh tế. Có nghĩa là hai nước này không có nhu cầu kiên quyết bảo vệ CSVN nhưng sẽ sẵn sàng quan hệ đối tác với những thành phần có khả năng thay thế CSVN trong vai trò quyết định hướng đi của Việt Nam. Và đó phải là đại diện hợp tình, hợp hiến dân chủ của dân tộc Việt Nam.
Khi CSVN còn thống trị, với bản chất ngoại thuộc của nó, ta sẽ khó mà lạc quan về viễn cảnh đu giây của Hà Nội giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ. Khi không dựa vào sức mạnh của dân tộc để chủ động thế trung lập giữa hai đối tác đang tương tranh, mà chỉ tìm sự đỡ đầu che chở từ hai anh lớn đang kình nhau, thì sự đu giây của Hà Nội có nhiều xác xuất đưa Việt Nam trở thành đấu trường cho Mỹ và Trung Cộng thử sức nhau. Như đã từng là võ đài cho một bên là Mũi Nhọn Xung Kích của Cộng sản Quốc Tế và bên kia là Tiền Đồn của Thế Giới Tự Do trước đây. Và chỉ dấu báo trước hiện tượng này đang xẩy ra qua những đấu đá gay go quyết liệt trên thượng từng lãnh đạo của CSVN giữa thành phần chạy theo Trung Quốc và thành phần muốn ôm chân Mỹ.

VNN: Rất cảm ơn Bác sĩ đã phân tích rõ. CSVN đã hoàn tất Hội Nghi APEC, được gia nhập WTO, được Mỹ rút tên ra khỏi CPC và được hưởng quy chế PNTR; ngoài ra, còn được các nước tài trợ cấp vốn ODA cho năm 2007 lên tới 4,45 tỷ Mỹ kim cùng với những triển vọng gia tăng đầu tư của quốc tế trong tương lai… Những chiếu cố đặc biệt như vậy của Mỹ và cộng đồng quốc tế đối với CSVN phải chăng là một bảo đảm vững chắc để tiếp tục duy trì và tín nhiệm vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng CSVN và tạm gác sang một bên chủ trương một chế độ đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam? Việt Tân nhận định như thế nào về vấn đề nầy?

Bác sĩ Đặng Vũ Chấn: Lẽ tất nhiên về mặt biểu kiến thì điều trên là những thành quả mà bộ máy tuyên truyền CSVN đang ra sức đánh bóng cho chế độ. Nhưng xét cho kỹ thì coi vậy nhưng không hẳn vậy. Đây mới chỉ là những lạc quan bước đầu vẫn ở giai đoạn hứa hẹn. Những năm trước đây, các khoản tiền tài trợ cấp vốn cho ODA vẫn chưa được tháo khoán hết như đã hứa dù số tiền ít hơn năm nay. Các nước viện trợ không dại gì mà khoán trắng cho Hà Nội số tiền viện trợ đầu tư, mà luôn đòi hỏi quyền theo dõi, thanh tra, làm việc sát với Việt Nam để có ít nhiều ảnh hưởng. Có nghĩa là càng nhận được nhiều tiền viện trợ, CSVN sẽ càng bị lệ thuộc quốc tế nhiều hơn và phải mở cửa nhiều hơn để chịu sự theo dõi kiểm tra của quốc tế. Đây có thể là những củ cà rốt đi trước dọn đường cho cây gậy theo sau. Và khi CSVN càng mở cửa cho quốc tế kiểm tra theo dõi, thì lại càng thêm khoảng rộng cho làn gió dân chủ len vào. Đây cũng là dịp để những người chủ trương lấy kinh tế chuyển hóa chính trị thực nghiệm lý thuyết của mình, khai thác hiện tượng kinh tế giữa các nước và Việt Nam mà ta không chủ động, theo chiều hướng có lợi cho tiến trình Dân chủ hóa.

VNN: Một trong những yếu tố hấp dẫn đầu tư ngoại quốc hiện nay là Việt Nam có một tình hình ổn định không bị đe dọa bởi những bất ổn chính trị hay khủng bố như một số nước trong khu vực đang gặp. Trên thực tế vấn đề nầy như thế nào, kính thưa Bác sĩ?

Bác sĩ Đặng Vũ Chấn: Đây là điều mà CSVN thường khoe để chiêu dụ đầu tư ngoại quốc nhưng trên thực tế sự ổn định chính trị không phải là yếu tố quyết định sự thuận lợi của đầu tư. Điển hình ví dụ nước lân bang Thái Lan, trải qua bao kỳ đảo chính như cơm bữa, nhưng kinh tế vẫn phát triển hơn Việt Nam 10-12 lần mà theo ước tính của các nhà kinh tế thì với cùng đà đó, phải tới khoảng hơn 20 năm nữa Việt Nam mới bắt kịp Thái, nếu duy trì được mức phát triển khoảng 10% một năm.
Ở đây, chúng ta cũng cần phải phân biệt hai loại ổn định. Loại thứ nhất là sự ổn định cơ chế chính trị xã hội ở các xứ dân chủ không lệ thuộc vào sự thay đổi tập đoàn lãnh đạo. Loại thứ hai là sự ổn định cái ghế ngồi trên của nhóm cầm quyền. Loại ổn định thứ hai này thực sự rất bấp bênh vì phải duy trì bằng bạo lực trấn áp để kềm hãm sự bùng nổ từ nhân dân. Loại ổn định này có thể thu hút những tài phiệt quốc tế muốn nhẩy vào làm ăn chụp giựt giành lợi nhuận nhanh nhất trong ngắn hạn, thích đi đường tắt, khai thác làm ăn đối tác với thiểu số cầm quyền tham nhũng bất kể quyền lợi dài hạn của nước và dân nước đó nói chung. Trong khi đó, loại ổn định thứ nhất (về cơ chế) mới thực sự là môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư lương thiện đi vào làm ăn trong tinh thần tuân thủ những luật lệ minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế, có lợi lâu dài cho cả hai bên (tư bản quốc tế và quốc gia được đầu tư vào).

VNN: Rất cảm ơn Bác sĩ. Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam không thể tránh khỏi một cuộc cạnh tranh quốc tế gay gắt trong tương lai trước mặt. Có lo ngại cho rằng công nhân Việt Nam sẽ bị bóc lột thảm hại hơn vì sự cấu kết của nhà cầm quyền tham nhũng độc tài với giới tài phiệt nước ngoài để thủ lợi tối đa. Một lo ngại khác nữa là Việt Nam không có những quy định đúng mức để bảo vệ môi trường sinh thái vì muốn giúp cho tư bản nước ngoài dễ dàng hơn trong việc thiết lập các nhà máy, hãng xưởng… điều nầy sẽ gây ra những tác hại lớn lao về lâu dài cho môi sinh Việt Nam như đang xảy ra tại Trung Quốc với 1/3 lãnh thổ bị nạn mưa acid và hơn 50% sông rạch Trung Quốc bị ô nhiễm, khoảng 300 triệu người dân Trung Hoa hiện không còn nước sạch để uống… Theo nhận định của Bác sĩ, những lo ngại nầy có cơ sở không hay chỉ là những tưởng tượng được đưa ra nhằm hạ uy tín chế độ đương quyền tại Việt Nam trước công tâm thế giới?

Bác sĩ Đặng Vũ Chấn: Những dữ kiện mà ông vừa đưa ra tự nó đã là cơ sở của những lo ngại trên. Những lo ngại này là từ những chiêm nghiệm những gì đã và đang xẩy ra trên đất nước ta và Trung Quốc hôm nay chứ không phải chỉ là dự phóng lý thuyết. Những tin tức về công nhân bị bóc lột chà đạp, về sự hủy hoại nhiễm độc môi sinh vẫn đầy dẫy trên báo, ngay cả giấu không được trên các báo chí trong nước vốn chịu sự kiểm duyệt của nhà nước CSVN. Nhưng bên cạnh những lo ngại đó, chúng ta cũng có những lạc quan. Đó là WTO cũng tạo điều kiện để cho người dân có thể chủ động khai thác các hoàn cảnh điều kiện mới để giành lấy quyền tự chủ, phát huy tiềm năng để đương đầu với những thách đố mới. Ở đây, tôi chỉ xin lưu ý một điều là Việt Nam vào WTO tự nó không phải là điều hoàn toàn bi quan hay hoàn toàn thắng lợi cho bất cứ phe nào. WTO chỉ là môi trường mới, hoàn cảnh mới với những điều kiện khách quan mới mà ai thích ứng khai dụng được theo hướng mình một cách nhanh chóng hữu hiệu thì sẽ thắng lợi. CSVN tuyên truyền là họ đã thành công dẫn dắt đất nước vào được WTO ví như dẫn được con Tầu ra biển lớn. Thực ra bất cứ Tầu nào hướng ra biển, không sớm thì muộn cũng sẽ ra tới cửa biển thôi. Vấn đề là khi ra biển, con Tầu có chạy tốt vượt được gió bão đi đúng hướng hay không, còn tùy thuộc vào tài năng của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn. Biển lớn cũng là nơi mà thủy thủ đoàn dễ nổi loạn giành lấy quyền kiểm soát con tầu từ tay những thuyền trưởng bất tài, thất nhân tâm.

VNN: Kính thưa Bác sĩ, dù đã gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục bị xem là một nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm nữa. Đây phải chăng là một chèn ép bất công đối với Việt Nam từ phiá các cường quốc kinh tế trong WTO hay là hậu quả tất nhiên của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa bấy lâu dưới chế độ CSVN? Bác sĩ nhân định như thế nào về vấn đề nầy? Tiếp tục bị xem là phi thị trường như thế, kinh tế Việt Nam sẽ phải gặp những bất lợi như thế nào?

Bác sĩ Đặng Vũ Chấn: Theo tôi hiểu một cách đơn giản của người không phải là kinh tế gia, thì Kinh tế thị trường là kinh tế tự do được định đoạt chính bởi luật cung cầu của thị trường, với chính quyền chỉ đóng vai điều hòa, hỗ trợ, trọng tài chứ không trực tiếp quyết định các giao dịch vận hành. Kinh tế Việt Nam hiện nay tự nó vẫn chưa phải hoàn toàn là một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa khi nó vẫn nằm dưới sự chỉ đạo của Đảng CSVN lái nó theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN), và khi khu vực kinh tế quốc doanh vẫn còn chiếm ưu thế. Quả thế, theo bảng xếp hạng chỉ số tự do kinh tế năm 2007 do Tạp chí Wall Street và Tổ chức Heritage vừa công bố, Việt Nam năm nay vẫn thuộc nhóm có vị trí thấp nhất trong bảng xếp hạng. Theo định hướng XHCN, chỉ là một cách nói, chứ thực ra CSVN cũng còn loay hoay chưa biết dung hợp cách nào hai vế hoàn toàn phủ định nhau là kinh tế thị trường và định hướng XHCN. Thực chất sâu xa nhất của nó là Đảng CSVN vừa muốn làm giàu qua kinh tế thị trường vừa vẫn muốn kiểm soát mọi cơ cấu kinh tế làm ra lợi nhuận để nuôi chính mình, để có thể dễ dàng bù lỗ sang cho khu vực quốc doanh. Các hãng quốc doanh là nơi nuôi dưỡng, trả công cán bộ trung thành của Đảng để họ tha hồ tham nhũng rút ruột, không cần để ý làm lời vì đã có bao cấp từ nhà nước. Cho nên, nhà nước CSVN sẵn sàng can thiệp trực tiếp vào các quyết định vận hành kinh tế bất cứ lúc nào, và điều nay có thể tạo một tương quan làm ăn bấp bênh, bất bình đẳng đối với các đối tác từ các nền kinh tế thị trường. Ví dụ như tư nhân mà giao dịch làm ăn với quốc doanh được nhà nước bênh vực, bao cấp, vừa đá bóng vừa thổi còi, thì chỉ có lỗ nếu không biết móc ngoặc với tham nhũng. Vì thế, khi WTO vẫn xếp Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, có nghĩa là họ muốn tạo điều kiện cho các nước kinh tế tự do có lý do hợp pháp để ép Việt Nam, để bảo vệ doanh nghiệp của họ. Ví dụ các nước này vẫn có thể đặt ra những rào cản đối với hàng nhập từ Việt Nam, đồng thời có những bao cấp cho những hàng nhập vào Việt Nam để cạnh tranh đè bẹp kỹ nghệ nội hóa, mà Việt Nam sẽ khó tranh tụng hơn khi chính mình chưa phải là kinh tế thị trường.

VNN: Rất cảm ơn Bác sĩ đã phân tích. Như vậy, theo nhận định của Bác sĩ, giải pháp nào tốt nhất để giải quyết vấn đề nầy cho đất nước?

Bác sĩ Đặng Vũ Chấn: Đó là dẹp cái định hướng XHCN, nói đúng hơn là dẹp sự kiểm soát của Đảng CSVN trên nền kinh tế. Chuyện này sẽ khó xảy ra ngày nào Đảng CSVN còn thống trị vì họ không đời nào buông “đồng tiền đi liền khúc ruột” của họ. Cho nên cuối cùng cũng vẫn phải dẹp chế độ CSVN thôi.

VNN: Rất cảm ơn Bác sĩ. Song song với hai Công Đoàn độc lập vừa hình thành trong nước là Công Đoàn Độc Lập Việt Nam và Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam, một Hội Nghị Quốc tế về Quyền Lao Động tại Việt Nam cũng đã được tổ chức thành công tại Warszawa với sự ra đời của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam vào tháng 10.2006. Kính thưa Bác sĩ, sự xuất hiện cùng với chủ trương, đường lối hoạt động của những Tổ Chức tranh đấu cho người lao động nầy có ảnh hưởng như thế nào đối với mặt trận Dân sinh – Dân quyền mà Việt Tân đang nỗ lực tiến hành trong nước hiện nay?

Bác sĩ Đặng Vũ Chấn: Trong thời gian qua, các lực lượng đấu tranh, trong đó có Việt Tân, đã đầu tư công sức vào mặt trận Dân sinh – Dân quyền vốn là vấn đề thiết thực và gần gũi với người dân trong nước hơn là vấn đề tự do dân chủ vẫn còn trừu tượng đối với nhiều người, nhất là khi CSVN cũng hô hào cùng chữ Tự do Dân chủ theo nghĩa khác. Mặt trận Dân sinh – Dân Quyền này có mục đích thúc đẩy một phong trào quần chúng đứng lên đòi lại quyền tự chủ vận mạng và quyền sinh sống của mình, chống lại mọi bất công, thối nát, bóc lột. Sự xuất hiện của các Tổ chức Công Nông kể trên, độc lập với chế độ, có ý nghĩa đột phá, đánh thẳng vào bản chất căn cước của Đảng CSVN. CSVN luôn tự nhận là đại diện của hai giai cấp công nhân và nông dân. Ấy thế mà đã không tranh đấu bảo vệ quyền lợi cho hai giai cấp cơ bản của mình, phải để họ tự đứng ra tự lo, tự bảo vệ quyền lợi của chính mình. Đây là hiện tượng tiêu biểu cho sự hình thành một xã hội dân sự, trong đó người dân tự đứng ra tự lo cho mình để dần dần gạt vai trò làm cha mẹ dân, kiểm soát chi phối của tập đoàn cầm quyền độc tài sang bên lề lịch sử.

VNN: Rất cảm ơn Bác sĩ. Năm 2006, có thể nói là năm dài nhất trong chặng đường dài hơn ba thập niên qua với sự xuất hiện ngay trong nước của nhiều Tổ chức đấu tranh Dân tộc – Dân chủ, những cơ quan Ngôn Luận tự do, các Công Đoàn độc lập v.v… Theo nhận định của Bác sĩ, sự kiện nào được xem là có ý nghĩa và ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với tiến trình Dân chủ hóa Việt Nam? Tại sao?

Bác sĩ Đặng Vũ Chấn: Theo tôi, đó là Tuyên Ngôn Dân Chủ của Khối 8406. Nó có giá trị đột phá, đánh dấu lần đầu tiên một tập thể đông đảo quần chúng đã vượt qua sự sợ hãi và công khai thách đố bạo quyền trong sự bình tĩnh bất bạo động, không phản ứng theo cảm tính nhất thời. Nó là cột mốc khởi đầu cho một loạt các nỗ lực công khai thách đố bạo quyền sau đó mà chúng ta đã biết.

VNN: Xin Bác sĩ cho biết nhận định như thế nào về Quyết định 1568 ngày 27.11.06 của Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng về việc sử dụng Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa xưa? Đây có phải là một thiện chí hòa giải dân tộc của tân Thủ tướng CSVN không? Tại sao?

Bác sĩ Đặng Vũ Chấn: Đọc cái Quyết định trên của Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 27/11/06, tôi chẳng thấy có hàng chữ nào đề cập đến tinh thần hòa giải với các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa cả. Điều 1 đầu tiên xác định ngay mục đích tiền đâu của CSVN: “Đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 hecta đất khu nghĩa địa… sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tếxã hội tỉnh BìnhDương”.Chẳng phải là doanh nhân làm ăn buôn bán, ta cũng thấy ngay CSVN đang mở ra một cơ hội làm tiền từ nghĩa địa trước đây chỉ là nơi đóng quân không sinh ra tiền, với dân thường không được bén mảng đến. Bây giờ khai thác dân sự, dân được vào, nhu cầu cúng viếng, chăm sóc trùng tu các mộ phần đẻ ra nhiều dịch vụ làm tiền trên xác chết mà thân nhân vẫn hoan hỉ cám ơn nhà nước nay đã cho phép họ vào thăm mộ. Ta sẽ không ngạc nhiên một thời gian sau đó sẽ là màn khuyến khích áp lực thân nhân cải táng dời mộ đi nơi khác để Đảng và nhà nước lấy lại quản lý luôn 58 hecta vùng đất càng ngày càng lên giá chung quanh Sài Gòn. Và tiến trình cải táng dời mộ này lại là thêm dịp làm tiền lần chót trên xác chết với các dịch vụ liên hệ. Vừa làm tiền vừa vô tình hay cố ý tạo được ảo tưởng nơi “đám ngụy” là mình có thiện chí hòa giải, thì dại gì mà CSVN không làm.

VNN: Rất cảm ơn Bác sĩ. Cách đây 50 năm, ở miền Bắc đã nở rộ Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, tranh đấu cho quyền tự do tư tưởng và sáng tác. Chế độ CSVN lúc ấy đã để cho trăm hoa được đua nở rồi sau đó đã xuống tay đàn áp khốc liệt Phong trào như chúng ta đã thấy. Việt Tân có nghĩ rằng 50 năm sau, lịch sử sẽ tái diễn một lần nữa là ngay sau thời kỳ nở rộ, Phong trào Dân Chủ tại Việt Nam hiện nay rồi cũng sẽ bị CSVN đàn áp khốc liệt như Nhân Văn Giai Phẩm trước đây không? Tại sao?

Bác sĩ Đặng Vũ Chấn: Lịch sử tái diễn ở chỗ là khi có áp chế, sẽ luôn có những phong trào tranh đấu bùng lên rồi xẹp xuống, tái diễn cho đến khi thành công. Trong khi đó, có những điểm khác nhau quan trong giữa Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ngày xưa và Phong trào Dân Chủ tranh đấu hiện nay. Xưa, dân trí còn thấp hơn nay, Đảng CSVN còn hào quang chiến thắng giải phóng đất nước chưa lộ nguyên bản chất tồi tệ thối nát như nay. Xưa, màn bưng bít thông tin còn bao trùm, CSVN còn toàn trị, nay CSVN không còn khả năng kiểm soát toàn diện nhất là về mặt thông tin. Xưa, Phong trào chỉ giới hạn trong giới văn nghệ sĩ, nay mở rộng ra tới mọi tầng lớp xã hội. Xưa, Phong trào bị cô lập không có hậu thuẫn từ Cộng đồng người Việt ngoài nước và hậu thuẫn quốc tế như nay. Xưa, Việt Nam còn trong ốc đảo Cộng sản, nay Việt Nam đã hội nhập vào làng thế giới và điểm tựa thế giới Cộng sản không còn. Tóm lại, hòan cảnh môi trường, tương quan lực lượng đã khác nên Phong trào Dân Chủ hiện nay nắm thế tất thắng dù có bị đàn áp khốc liệt.

VNN: Với những chỉ dấu tích cực như vậy, xin Bác sĩ cho biết nhận định như thế nào về triển vọng của tiến trình Dân chủ hóa Việt Nam trong năm mới 2007 nầy?

Bác sĩ Đặng Vũ Chấn: Tôi dự phóng năm 2007 Phong trào Dân Chủ sẽ càng lấy đà để phát triển lớn mạnh và đồng thời CSVN sẽ càng phản ứng gia tăng đàn áp khốc liệt. Cuộc tương tranh sẽ càng quyết liệt và phức tạp hơn không chỉ đơn giản trắng đen quốc cộng và Phong trào Dân Chủ trong và ngoài nước sẽ đối đầu với hai cản lực chính: một là sự đàn áp từ bạo quyền, hai là những đụng chạm trong nội bộ Phong trào mà địch sẽ cố thúc đẩy khai thác. Những đụng chạm này là điều bình thường xảy ra trong tiến trình ngồi lại với nhau trước khi dung hòa các dị biệt từ những góc nhìn đa nguyên, để đồng liên minh hợp lực chống độc tài. Trong đà đấu tranh bất bạo động của Phong trào Dân Chủ hiện nay, bạo quyền càng đàn áp bằng bạo lực, sẽ càng cho thấy sự nao núng, thất thế mất chính nghĩa của họ, và thay vì dập tắt Phong trào thì chỉ càng nuôi dưỡng thêm lửa đấu tranh và khuyến khích thêm nhiều người nhập cuộc. Có dứt điểm được bạo quyền trong năm 2007 hay không hoặc tối thiểu là củng cố, xây dựng được một bối cảnh đa nguyên để làm bàn đạp dứt điểm bạo quyền hay không sẽ tùy thuộc rất nhiều vào nỗ lực hành động cụ thể và trình độ nhận thức về ta, về bạn và về địch của bên phía đấu tranh, trong đó có mỗi người Việt yêu tự do chúng ta.

Võ Triều Sơn: Đại diện cho thông tấn VNN, tôi xin cảm tạ Bác sĩ Đặng Vũ Chấn, Ủy Viên Trung Ương Đảng Việt Tân, dù rất bận rộn công việc vẫn cố gắng dành nhiều suy nghĩ và thì giờ quý báu để chia sẻ chân thành cùng quý độc giả của VNN nhiều vấn đề quan trọng của tình hình Việt Nam hôm nay. Nhân dịp đầu năm, VNN chúng tôi xin hân hoan kính chúc Bác sĩ cùng quý quyến và toàn Đảng Việt Tân một Năm Mới 2007 được thêm nhiều nghị lực và thành công như ước nguyện.

Bác sĩ Đặng Vũ Chấn: Xin cám ơn VNN đã dành cho tôi cơ hội được hân hạnh chia sẻ những suy tư của mình và xin kính chúc quý cơ quan cùng quý độc giả một năm mới tràn đầy sức khỏe và thắng lợi.