Bài Bênh Vực Luật Sư Nguyễn Văn Đài Nhân Phiên Tòa Phúc Thẩm

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Chồng Tôi Yêu Nước, Chồng Tôi Vô Tội

Ngày 14 tháng 11 năm 2007

Vào ngày 11.5.2007, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã kết án chồng tôi, luật sư Nguyễn Văn Đài, 5 năm tù và 4 năm quản chế vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Ngay sau khi chồng tôi bị bắt giữ vào ngày 6.3.2007, nhiều cơ quan truyền thông của Đảng và Nhà nước đã mở chiến dịch nói xấu chồng tôi, để đưa ra hình ảnh của một con người xấu xa, phản bội tổ quốc. Họ xuyên tạc những hoạt động nhân quyền của chồng tôi bằng cách tuyên truyền rằng chồng tôi “tổ chức thu thập thông tin về mặt chính trị, xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực tôn giáo để cung cấp cho nước ngoài xuyên tạc, bôi nhọ Việt Nam” (SGGP online, 12.4.2007).

Xuất phát từ lòng yêu nước, chồng tôi đã nhiều lần công khai phê phán những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của những nhân viên và cơ quan nhà nước. Tôi cho rằng những hoạt động về nhân quyền của chồng tôi trên thực tế đã giúp Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền và nâng cao uy tín với thế giới. Chồng tôi không nói sai sự thực. Là một luật sư về nhân quyền, chồng tôi đã tiếp nhận nhiều bằng chứng về việc xâm phạm quyền tự do tôn giáo ở các địa phương. Đó là những tài liệu về việc giải tán các buổi nhóm tôn giáo, tịch thu tài sản của tín đồ, người Hmông bị chính quyền địa phương bắt bỏ đạo hay những tín đồ Tin lành bị cán bộ công an đánh đập có thương tích. Chồng tôi đã viết đơn thư khiếu nại hợp pháp và thường chọn con đường đối thoại ôn tồn với các cấp thẩm quyền trước khi đưa vấn đề ra công luận. Trong một số trường hợp, nhờ sự lên tiếng báo động của chồng tôi mà chính quyền trung ương mới khám phá ra những việc làm vi phạm luật pháp của giới chức địa phương và đã có biện pháp can thiệp. Ở một vài nơi, tình hình được cải thiện khi sự chú ý của quốc tế đã khiến chính quyền trung ương hoặc địa phương phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề. Một phần nhờ chồng tôi mà Việt Nam đã cải thiện được tình hình tự do tôn giáo. Vì thế Hoa kỳ rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC vào tháng 11.2006 vừa qua. Nhờ những người như chồng tôi mà chính quyền cũng đã bớt nghi ngờ đạo Tin lành là đạo Mỹ, là đạo phản động và cho phép tín đồ Tin lành được sinh hoạt bình thường. Từ khi các điểm nhóm Tin lành được phép sinh hoạt bình thường từ giữa năm ngoái thì rõ ràng các sự cố gây căng thẳng đã giảm, giảm đi rất nhiều. Việc làm này đã góp phần làm ổn định xã hội. Cho nên những tiếng nói của những người như chồng tôi rất cần thiết, cho dù điều này không làm vừa lòng một vài nhân viên chính quyền.

Ls. Nguyễn Văn Đài tại phiên toà sơ thẩm 11/5/2007

Việc các cơ quan truyền thông nhà nước, bản cáo trạng và bản án sơ thẩm đồng loạt cho rằng chồng tôi là luật sư nhưng“chưa bao giờ bào chữa cho ai kể từ ngày mở văn phòng luật sư cho đến ngày bị bắt” là một sự xuyên tạc vô cùng ác ý, làm cho quần chúng có cái nhìn sai lầm về chồng tôi. Ác ý này càng lộ rõ khi bản án sơ thẩm ghi sai sự thật rằng chính chồng tôi đã khai nhận điều này trong phiên xử. Để phản biện, tôi chỉ cần nêu một số trường hợp mà ai cũng có thể kiểm chứng được. Ít nhất, chồng tôi đã bào chữa cho chị Nguyễn Thị Thuý là Quản nhiệm Hội thánh Ngũ Tuần ở thành phố Việt Trì vào đầu năm 2000, đã bào chữa cho mục sư Nguyễn Hồng Quang là tổng thư ký của Giáo hội Mennonite Việt Nam hồi tháng 04.2005 và đã can thiệp pháp lý cho mục sư Thân Văn Trường thuộc Giáo hội Báp Tít Liên hiệp Việt Nam khi ông bị giam giữ vô cớ trong bệnh viện tâm thần Biên Hoà từ tháng 09.2004 đến tháng 09.2005. Chồng tôi đã làm Uỷ viên Pháp chế Hội đồng Quản trị Sản nghiệp của Tổng hội Tin lành Miền Bắc và đã tư vấn miễn phí cho rất nhiều người.

Trên những bài báo trong thời gian vừa qua đã không thiếu những thông tin sai lạc như trên. Việc loan tin xấu đã tạo ra thành kiến xấu về chồng tôi, gây cho dư luận cảm tưởng rằng chồng tôi thực sự có tội và cuối cùng tạo thuận lợi cho việc kết án chồng tôi. Theo tôi, các cơ quan điều tra, kiểm sát và toà án đã chỉ làm việc với mục đích kết án chồng tôi.

Việc kết án chồng tôi trong phiên xử sơ thẩm ở Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội đã dựa trên những suy diễn sai lầm, hậu quả của cách làm việc cẩu thả và có thiên kiến của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trước và trong phiên xử sơ thẩm, các cơ quan này đã vi phạm nghiêm trọng nhiều nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam. Cho nên toà đã không tìm được sự thật của vụ án.

Vì vụ án của chồng tôi cần được nhìn trong một tổng thể lớn nên trong phần trình bày dưới đây tôi sẽ đóng góp những ý kiến để làm sáng tỏ một số vấn đề về quyền công dân trong Hiến pháp 1992 (HP) và các Điều ước Quốc tế trước khi mổ xẻ về những cáo buộc đối với chồng tôi về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

1) Cần hủy bỏ bản án sơ thẩm vì các cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

a) Trong giai đoạn trước khi bị xét xử

Ngay ở Điều 1 của Chương I, Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) đã xác định nhiệm vụ của bộ luật này là xử lý công minh, không làm oan người vô tội và bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân. Muốn thế BLTTHS phải được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản như được ghi trong chương II. Nhưng ngay từ trước khi chồng tôi bị đưa ra toà, các cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm nặng nề những nguyên tắc cơ bản của BLTTHS.

Tôi xin đơn cử như sau:

Trên nguyên tắc, chồng tôi phải được xem là vô tội cho đến khi nhận được một bản án đã có hiệu lực pháp luật của Toà án. Do đó mọi hành vi kết tội trước đó của cá nhân, tổ chức hay cơ quan đều vi phạm quyền được suy đoán vô tội (Đ.72, HP) và quyền được tôn trọng về danh dự và nhân phẩm (Đ.71, HP) của chồng tôi. Thế nhưng khi gặp tôi ngay sau khi chồng tôi bị bắt giam, các nhân viên công an đã khẳng định rằng chồng tôi sẽ không thoát khỏi án tù. Dù toà chưa xử, công an đã biết rằng chồng tôi sẽ bị kết án, đã xem chồng tôi là người có tội, đã đối xử với chồng tôi như đối với người có tội khi bắt chồng tôi mặc quần áo phạm nhân để đưa lên truyền hình. Công an cũng đã cung cấp thông tin, hình ảnh về hồ sơ vụ án của chồng tôi cho các cơ quan truyền thông nhà nước để những nơi này khởi động một chiến dịch bôi nhọ thanh danh và xúc phạm nhân phẩm của chồng tôi. Tôi đã gửi thư đến 17 cơ quan truyền thông để yêu cầu họ phải điều tra kỹ lưỡng trước khi loan những tin xấu như vậy nhưng đến nay chưa nhận được bất cứ một sự đáp ứng nào.

Đoàn Luật sư Hà Nội đã dựa vào sự kiện chồng tôi bị tạm giam để ra quyết định thu hồi thẻ luật sư của chồng tôi và Bộ Tư pháp đã dựa vào đó để thu hồi Giấy phép hành nghề của Văn phòng luật sư Thiên Ân. Những cơ quan trong ngành luật này đã không cho chồng tôi có được cơ hội biện hộ và không cần chờ quyết định có hiệu lực của toà án. Như vậy các cơ quan truyền thông, cơ quan công an điều tra, Viện kiểm sát, Đoàn luật sư Hà nội và Bộ tư pháp đã vi phạm các nguyên tắc tố tụng cơ bản là:

• “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật“ (Đ.9, BLTTHS)

• “Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân“ (Đ.7, BLTTHS),

Các cơ quan tiến hành tố tụng đã không có thái độ vô tư như luật pháp đòi hỏi. Sự vô tư của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng thể hiện ở việc họ thực hiện đúng, đầy đủ và khách quan nhiệm vụ của mình theo luật định trong quá trình tố tụng. Tôi thấy có nhiều chỉ dấu về sự thiếu vô tư của Viện Kiểm sát và Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội. Từ ngày nhận hồ sơ chồng tôi vào ngày 19.4.2007 đến khi viết xong cáo trạng vào ngày 23.4.2007, Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội đã chỉ cần vỏn vẹn có 4 (bốn) ngày để hoàn thành tất cả trách vụ được qui định trong Đ.23 BLTTHS. Viện kiểm sát đã không tận dụng thời hạn 30 ngày mà BLTTHS dự trù cho những vụ án rất nghiêm trọng như vụ của chồng tôi (Đ.166, BLTTHS).

Theo tôi, thời gian 4 ngày đã không đủ để cho cơ quan này kiểm soát kỹ lưỡng tính hợp pháp của các thủ tục truy tố trong một vụ án có số lượng vật chứng khá lớn (6 CPU, 1 máy tính xách tay, 2 ổ cứng, 121 tài liệu). Đáng lẽ khi nhận được 2 (hai) đơn thư của tôi khiếu nại về những cản trở trái pháp luật trong việc mời luật sư, Viện kiểm sát đã phải có ngay sự điều chỉnh cần thiết. Nhưng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã không cứu xét những thư khiếu nại của tôi mà vẫn tiếp tục cách làm việc vội vã một cách khó hiểu để đưa ra một bản cáo trạng với nhiều nhận định thiếu cơ sở thực tế. Phiên xử sau này đã sử dụng những nhận định này để đưa ra những kết luận sai sót. Viện kiểm sát đã viết vội vàng đến nỗi quên đánh số công văn và quên đề ngày tháng trên bản cáo trạng, khiến cho bản cáo trạng này trên nguyên tắc phải bị toà án xem là không hợp lệ vì đã vi phạm qui định trong Đ. 167 BLTTHS.

Nhưng sự kiện sau đây đã khiến tôi cũng nghi ngờ luôn cả về sự độc lập và vô tư của toà án. Vào ngày 19.4.2007, hãng thông tấn AFP của Pháp đã dựa vào một nguồn tin từ toà án để loan báo một cách vô cùng chính xác rằng chồng tôi sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 11.5.2007. Cần lưu ý rằng ngày 19.4.2007 chính là ngày mà Sở Công an Hà Nội chuyển hồ sơ của chồng tôi sang cho Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội. Như vậy khi sở công an Hà Nội vừa kết thúc điều tra, Toà án Nhân dân Hà Nội đã ấn định ngay ngày xử chồng tôi – cho dù vào lúc đó viện kiểm sát chưa viết xong cáo trạng và vì thế toà án cũng chưa nhận được hồ sơ của chồng tôi. Điều này cũng cho thấy rõ ràng rằng toà án đã chỉ muốn đưa chồng tôi ra xét xử chứ không cần cân nhắc đến những khả năng giải quyết khác như đã được qui định trong Đ.176 BLTHS, thí dụ như khả năng kiểm tra và trả hồ sơ về cho viện kiểm sát điều tra bổ sung hoặc khả năng đình chỉ vụ án. Sự nghi ngờ này được xác nhận một lần nữa khi báo Hà Nội Mới số ra ngày 25.4.2007 – nghĩa là chỉ một ngày sau khi Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội chính thức nhận được hồ sơ do Viện kiểm sát chuyển đến – loan tin rằng chồng tôi sẽ bị đưa ra xử vào ngày 11.5.2007.

Tôi có cảm tưởng rằng ngay từ đầu các cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định chung phương hướng kết tội chồng tôi chứ không có mục đích bảo vệ sự tự do của chồng tôi và tìm ra sự thật của vụ án. Rõ ràng Viện Kiểm sát Nhân dân và Toà án Nhân dân Hà Nội đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tố tụng cơ bản:

• “Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành tố tụng“ (Đ.14, BLTTHS)

Các cơ quan công an và kiểm sát đã cố tình cản trở việc bảo vệ chồng tôi khi không cho chồng tôi được gặp luật sư trong thời gian trước khi hồ sơ được chuyển sang toà án. Sự gây cản trở bắt đầu từ những việc nhỏ như không giao cho chúng tôi lệnh tạm giam, lệnh khám nhà, lệnh khám văn phòng, biên bản thu giữ tài liệu và đồ vật theo đúng những qui định của các điều 80, 85, 126, 145 BLTTHS, mặc dù tôi đã làm đơn khiếu nại nhiều lần. Vì không có các giấy tờ này nên vợ chồng tôi đã không biết chúng tôi bị thu giữ đồ vật gì và trong một thời gian dài chúng tôi đã không biết một cách chính xác rằng chồng tôi bị khởi tố về tội gì.

Ngay sau khi chồng tôi bị bắt vào ngày 6.3.2007, tôi đã nhiều lần xin phép công an điều tra cho chồng tôi gặp luật sư nhưng không được công an đáp ứng. Đến ngày 5.4.2007 luật sư của chồng tôi gửi cho Sở Công an thành phố Hà Nội đơn yêu cầu được cấp Giấy chứng nhận bào chữa. Công an điều tra viên chỉ trả lời miệng rằng “vì chồng bà bị buộc tội trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia nên luật sư không được tham gia trong giai đoạn điều tra“. Nếu đúng như vậy thì chiểu theo Đ.58 BLTHS, chính Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội phải ra quyết định đó. Trên thực tế tôi đã không nhận được bất kỳ một văn bản nào từ phía Sở Công an Hà Nội hay Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội trả lời về việc hạn chế tham gia tố tụng của luật sư trong vụ án của chồng tôi. Việc mời luật sư của chồng tôi đã bị treo lửng cho đến khi hồ sơ được chuyển sang toà án. Vì luật sư của chồng tôi không được tham gia ngay từ đầu vào việc tố tụng cho nên nhiều quyền lợi hợp pháp của chồng tôi đã không được bảo vệ. Vì luật sư không nhận được bản kết luận điều tra của Sở Công an thành phố Hà Nội (Đ.162, BLTTHS) cũng như bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội (Đ.166, BLTTHS) nên luật sư không kịp thời biết được quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng về các sự kiện xảy ra, các chứng cứ buộc tội và hướng giải quyết của họ để bảo vệ cho chồng tôi một cách có hiệu quả.

Mãi đến ngày 2.5.2007 luật sư của chồng tôi mới được Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội cấp „Giấy chứng nhận bào chữa“. Nếu tính đến ngày 10.5.2007 và trừ đi các ngày nghỉ cuối tuần, luật sư của chồng tôi chỉ còn thời gian tổng cộng là 7 ngày làm việc để chuẩn bị cho việc bào chữa cho chồng tôi và cô Lê Thị Công Nhân. Rõ ràng thời gian này quá ngắn ngủi để luật sư có thể chu toàn công việc xem xét số tài liệu lớn lao, gặp thân chủ, thu thập chứng cứ để bào chữa (Đ.58, BLTHS). Nếu xem đây là một vụ án phức tạp đã được hàng trăm bài báo, bài tường thuật trên các phương tiện truyền thông nhà nước đề cập liên tục trong nhiều tuần liên tiếp thì bên bị cáo đã bị lép vế rõ ràng so với bên công tố vì thời gian dành cho việc điều tra và buộc tội (từ 3.2.2007 đến 19.4.2007) dài gấp 10 lần so với thời gian để chuẩn bị bào chữa. Tóm lại Sở Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân và Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội đã vi phạm nguyên tắc tố tụng cơ bản về việc “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” (Đ.11, BLTTHS)

Trong thời gian chồng tôi bị giam và chờ bị đưa ra xét xử, tôi đã gửi tổng cộng 61 đơn khiếu nại hoặc thư đề nghị, trong đó có 24 đơn gửi đến các cơ quan chức năng liên hệ và 37 đơn gửi đến các cơ quan có nhiệm vụ lãnh đạo, giám sát để yêu cầu tôn trọng hoặc can thiệp để bảo vệ các quyền hợp pháp của chồng tôi. Nhưng đến nay tôi chưa nhận được của các cơ quan giám sát một sự trả lời nào về các vấn đề tố tụng. Vì những vi phạm này đã giới hạn nghiêm trọng quyền bào chữa của chồng tôi nên tôi đã làm đơn xin hoãn phiên xử vào ngày 4.5.2007. Đơn này được gửi đến 16 cơ quan chức năng nhưng đến nay tôi đã không nhận được hồi âm. Như vậy các cơ quan chức năng đã vi phạm các nguyên tắc tố tụng cơ bản:

• “Tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân” (Đ.4, BLTTHS),
• “Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự” (Đ.31, BLTTHS),
• “Giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng” (Đ.32, BLTTHS)

b) Trong phiên xử sơ thẩm

Phiên xử sơ thẩm diễn ra vào ngày 11.5.2007 cũng đã vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc cơ bản của BLTTHS.

Phiên xử đã không đạt các tiêu chuẩn công khai mặc dù tòa không thông báo xử kín. Khi tham dự, tôi có cảm tưởng rằng những người có mặt hôm đó thuộc thành phần được chọn lọc. Trong số những người tham dự tôi nhận thấy nhiều khuôn mặt quen thuộc làm việc trong các cơ quan công an. Người thân, người quen và bạn bè của các bị cáo đã không thể vào tham dự phiên xử. Họ bị chặn lại ngoài cổng toà vì không có giấy mời. Mỗi bị cáo chỉ có duy nhất một thân nhân trực hệ được tham gia nhưng họ chỉ vào được phòng xử sau khi phiên toà đã bắt đầu. Họ bị đưa ngồi vào hàng ghế sau cùng của phòng xử nên không thể nghe rõ hết phiên xử này. Các quan sát viên quốc tế và phóng viên bị hạn chế sự quan sát vì họ bị đưa vào một phòng riêng để theo dõi phiên xử qua màn ảnh truyền hình. Lời nói trong phiên toà được phát qua hệ thống loa. Trong khi lời nói của thẩm phán chủ toạ và kiểm sát viên luôn luôn được nghe thấy rất đầy đủ thì nhiều lúc lời phát biểu của các luật sư và bị cáo đã không nghe được rõ ràng. Sự kiện này đã khiến cho người tham dự không hiểu đầy đủ lý luận của phía bị cáo và luật sư, đã cười chế giễu và tạo nên một áp lực đè nặng lên tâm lý các bị cáo và luật sư. Thẩm phán chủ toạ đã không can thiệp để thay đổi tình trạng này. Như vậy Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội đã vi phạm nguyên tắc tố tụng cơ bản về: • “Xét xử công khai“ (Đ.18, BLTTHS).

Cách bố trí chỗ ngồi trong phòng xử đã tố cáo một sự thiên vị rõ ràng. Trong khi 2 kiểm sát viên được ngồi gần nhau trên bục cao thì 2 luật sư của chồng tôi đã bị sắp xếp ngồi cách xa nhau. Họ không thể trao đổi với nhau và với chồng tôi. Trong phiên xử, các bị cáo không được đối xử bình đẳng vì họ không được cho nghe phần xét hỏi các người làm chứng. Tất cả các nhân chứng được thẩm phán chủ toạ mời ra xét hỏi đều là nhân chứng buộc tội. Nhân chứng gỡ tội do chồng tôi mời đã không được chủ toạ mời tham gia phần xét hỏi nhân chứng tại toà. Thẩm phán chủ toạ cũng đã không mời luật sư xét hỏi các nhân chứng.

Bị cáo và luật sư đã không được phép đề cập đến hoặc tranh luận và bào chữa về các vấn đề tôn giáo, tổ chức chính trị và đảng phái. Trong khi đó kiểm sát viên lại được nói về vấn đề này, tạo ấn tượng sai lầm rằng chồng tôi chống Nhà nước một cách có tổ chức.

Trong phần phát biểu sau cùng dành cho bị cáo, thẩm phán chủ tọa đã nhiều lần cắt lời chồng tôi và mặc dù chồng tôi có yêu cầu chủ toạ không được giới hạn thời gian phát biểu vì làm như thế là vi phạm Đ.220 BLTTHS.

Bản án sơ thẩm đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng khi không ghi trung thực lại diễn biến của phiên xử, đặc biệt ở những đoạn liên quan đến lời khai của chồng tôi trước toà. Ở nhiều chỗ, bản án ghi rằng chồng tôi đã khai nhận một việc nào đó mặc dù tại phiên xử chồng tôi đã nói rõ ràng là hoặc không thừa nhận, hoặc chỉ thừa nhận một phần hay không nhớ rõ điều đó. Việc ghi sai này đã tạo ngộ nhận tai hại rằng chồng tôi đã thú nhận tội lỗi và việc kết án của toà là đúng. Do đó Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc tố tụng cơ bản sau đây:

• Xác định sự thật của vụ án (Đ.10,BLTTHS)
• Bảo đảm quyền bình đẳng trước Toà án (Đ.19,BLTTHS)
• Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (Đ.11,BLTTHS)

Như thế việc xét xử chồng tôi đã không diễn ra một cách công bằng theo thủ tục luật định. Sự thật của vụ án do đó đã không được xác định một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ vì trong tiến trình tố tụng đã xảy ra những vi phạm nghiêm trọng BLTTHS. Vì các cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng quá nhiều nguyên tắc cơ bản của BLTTHS nên toà phúc thẩm không thể chỉ sửa mà cần huỷ bỏ toàn bộ bản án sơ thẩm (BAST).

2) Chồng tôi đã thực thi các quyền công dân được ghi trong Hiến pháp CHXHCNVN 1992 và được bảo đảm bởi các điều ước quốc tế về quyền con người mà Nhà nước Việt Nam đã tham gia ký kết

Theo Hiến pháp CHXHCNVN 1992 (HP 1992), công dân có các quyền hiến định về dân sự như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền lập hội theo qui định của pháp luật (Đ.69, HP), quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Đ.70, HP), quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm (Đ.71, HP), quyền nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động văn hoá (Đ.60, HP), quyền được tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước (Đ.53, HP) và quyền khiếu nại (Đ.74, HP). Chồng tôi trong tư cách là một luật sư có ý thức về chức năng xã hội của mình đã cương quyết thực thi và bảo vệ đầy đủ những quyền hiến định này vì đây là những thành tựu của quá trình dân chủ hoá đất nước.

Trong HP 1992 và các văn bản quy phạm luật Việt Nam người ta không tìm thấy định nghĩa về quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên vì Việt Nam đã gia nhập Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (CƯQT QDSCT) vào ngày 24.9.1982 và vì Việt Nam không đưa ra bảo lưu nào khi ký kết Công ước này cho nên các định nghĩa về quyền tự do ngôn luận trong Điều 19 CƯQT QDSCT mặc nhiên được áp dụng một cách đầy đủ và trọn vẹn cho các quyền dân sự tương ứng ghi trong HP 1992 như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền tự do tôn giáo, quyền nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động văn hoá và quyền được tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước.

Ngoài ra, Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện Điều ước Quốc tế do Quốc hội Việt Nam ban hành ngày 14.06.2005 định nghĩa rất rõ rằng “Gia nhập là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước CHXHCNVN” (Đ.2 K10). Luật này cũng qui định việc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế tại Điều 6: “Trong trường hợp văn bản quy phạm luật và điều ước quốc tế mà CHXHCNVN là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”. Như vậy Nhà nước Việt Nam đã thừa nhận cho mọi công dân Việt Nam quyền tự do ngôn luận đầy đủ theo như quy định của điều 19 CƯQT QDSCT.

Điều 19 CƯQT QDSCT quy định rằng:

(1) Mỗi người có quyền giữ vững quan điểm mà không bị ai can thiệp;
(2) Mỗi người có quyền tự do bày tỏ; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi loại thông tin và ý kiến bằng cách truyền khẩu, bằng bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông tự chọn khác, không kể biên giới quốc gia;
(3) Việc hành sử những quyền được ghi tại khoản 2 nêu trên đòi hỏi đương sự phải có những trách nhiệm và bổn phận đặc biệt. Do đó quyền này chỉ có thể chịu một số giới hạn nhất định nào đó, nhưng những giới hạn này phải được qui định bởi luật pháp và vì nhu cầu:
a) tôn trọng quyền tự do và thanh danh của người khác;
b) bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ công cộng và đạo lý công cộng.

(Article 19 International Covenant on Civil and Political Rights
1. Everyone shall have the right to hold opinions without interference.
2. Everyone shall have the right to freedom of expression; this right shall include freedom to seek, receive and impart information and ideas of all kinds, regardless of frontiers, either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media of his choice.
3. The exercise of the rights provided for in paragraph 2 of this article carries with it special duties and responsibilities. It may therefore be subject to certain restrictions, but these shall only be such as are provided by law and are necessary:
(a) For respect of the rights or reputations of others;
(b) For the protection of national security or of public order (ordre public), or of public health or morals.)

Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (Human Rights Committee) là cơ chế được LHQ giao cho nhiệm vụ giám sát việc thi hành CƯQT QDSCT ở tại các quốc gia thành viên và nhiệm vụ diễn giải tổng quát về các điều khoản trong Công ước này. Những diễn giải này sẽ giúp cho các quốc gia thành viên thực thi Công ước một cách đúng đắn hơn. Các quốc gia thành viên có trách nhiệm phải gửi báo cáo định kỳ về việc thực thi CƯQT QDSCT đến Uỷ ban Nhân quyền LHQ này. Trong văn bản CCPR/C/21/Rev.1 (19.05.1989) Uỷ ban này đã giải thích rõ về các khoản 1, 2 và 3 trong Điều 19 CƯQT QDSCT về quyền tự do ngôn luận như sau:

1) Khoản 1 (của Điều 19 CƯQT QDSCT, tôi chú thích) đòi hỏi phải bảo vệ “Quyền giữ vững quan điểm mà không bị ai can thiệp”. CƯQT QDSCT không chấp nhận bất cứ một hạn chế hoặc ngoại lệ nào đối với quyền này (…)

2) Khoản 2 qui định về việc bảo vệ quyền tự do bày tỏ. Quyền này không chỉ bao gồm “quyền phổ biến mọi loại thông tin và ý kiến” mà còn gồm cả quyền tự do “tìm kiếm” và “tiếp nhận” những thông tin và ý kiến này dưới bất kể hình thức nào, “bằng cách truyền khẩu, bằng bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông tự chọn khác, không kể biên giới quốc gia”(…)

3) …

4) Khoản 3 đặc biệt nhấn mạnh rằng việc thực thi quyền tự do bày tỏ cũng gắn liền với những trách nhiệm và bổn phận đặc biệt. Vì thế CƯQT QDSCT cho phép (các quốc gia thành viên, tôi chú thích) đặt ra một số hạn chế đối với quyền này trong trường hợp có liên quan đến quyền lợi của các cá nhân khác hoặc quyền lợi của toàn thể cộng đồng. Tuy nhiên nếu một quốc gia thành viên muốn giới hạn quyền tự do bày tỏ thì việc đó không được phá hỏng tự thân quyền này. Khoản 3 đặt ra những điều kiện và chỉ cho phép (quốc gia thành viên, tôi chú thích) đưa ra những hạn chế trong (khuôn khổ của, tôi chú thích) các điều kiện này: việc hạn chế phải được “qui định bằng một đạo luật”; những hạn chế này chỉ được đặt ra vì một trong các mục đích qui định bởi điểm a và b của khoản 3; và quốc gia thành viên phải biện minh được “sự cần thiết” của những hạn chế này vì các mục đích đó.

(Text of general comment :

1. Paragraph 1 requires protection of “the right to hold opinions without interference”. This is a right to which the Covenant permits no exception or restriction. The Committee would welcome information from States parties concerning paragraph

2. Paragraph 2 requires protection of the right to freedom of expression, which includes not only freedom to “impart information and ideas of all kinds”, but also freedom to “seek” and “receive” them “regardless of frontiers” and in whatever medium, “either orally, in writing or in print, in the form of art, or through any other media” of one’s choice. Not all States parties have provided information concerning all aspects of the freedom of expression. For instance, little attention has so far been given to the fact that, because of the development of modern mass media, effective measures are necessary to prevent such control of the media interfere with the right of everyone to freedom of expression in a way that is not provided for in paragraph

3. Many reports of States parties confine themselves to mentioning that freedom of expression is guaranteed under the Constitution or the law. However, in order to know the precise regime of freedom of expression, in law and in practice, the Committee needs in addition pertinent information about the rules which either define the scope of freedom of expression or which set forth certain restrictions, as well as any other conditions which in practice affect the exercise of this right. It is the interplay between the principle of freedom of expression and such limitations and restrictions which determines the actual scope of the individual’s right.

4. Paragraph 3 expressly stresses that the exercise of the right to freedom of expression carries with it special duties and responsibilities and, for this reason certain restrictions on that right are permitted which may relate either to the interests of other persons or to those of the community as a whole. However, when a State party imposes certain restrictions on the exercise of freedom of expression, these may not put in jeopardy the right itself. Paragraph 3 lays down conditions and it is only subject to these conditions that restrictions may be imposed: the restrictions must be “provided by law”; they may only be imposed for one of the purposes set out in subparagraphs (a) and (b) of paragraph 3; and they must be justified as being “necessary” for that State party for one of those purposes.)

Việt Nam đã sống trong hoà bình và đã phát triển ổn định từ năm 1975. Trong những năm qua Việt Nam không có cuộc bạo loạn nào ở tầm mức quốc gia. Do đó theo quan điểm của luật quốc tế, Việt Nam không nằm trong tình trạng mà cả nước bị đe doạ về mặt chính trị hoặc an ninh hay trật tự. Ngoài ra, cũng theo quan điểm này, sự kiện Việt Nam không ban hành một đạo luật riêng biệt nào để giới hạn quyền tự do ngôn luận theo các mục đích được ghi rõ trong Điều 19, Khoản 3, điểm a và b của CƯQT QDSCT là một chứng cứ cho thấy Nhà nước CHXHCNVN đã mặc nhiên công nhận cho công dân Việt Nam có đầy đủ quyền tự do có quan điểm riêng và quyền tự do bày tỏ theo Điều 19 khoản 1 và 2 của CƯQT QDSCT mà không chịu bất cứ một giới hạn luật định nào cả. Nói cách khác, nếu có một văn bản luật hay dưới luật nào giới hạn quyền tự do ngôn luận thì văn bản này phải bị xem vi phạm việc ký kết gia nhập và chính CƯQT QDSCT.

không đủ yếu tố cấu thành tội phạm

Việc chồng tôi có quan điểm chính trị riêng, việc chồng tôi sử dụng quyền bày tỏ một cách ôn hoà qua những bài viết hoặc phát biểu hay trao đổi, hành động tiếp nhận và phổ biến bài viết hoặc ý kiến với người khác, dù người đó đang ở bất cứ nơi nào trên thế giới là những điều hoàn toàn phù hợp với quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp 1992 và CƯQT QDSCT của LHQ. Như đã nêu ở trên, khi Việt Nam đã hội nhập thế giới và gia nhập những điều ước quốc tế, thì lý luận cho rằng nếu là công dân Việt Nam thì chồng tôi “phải tuyệt đối chấp hành pháp luật của Việt Nam, nếu vi phạm thì sẽ phải bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật Việt Nam” (BAST, tr. 10) là một lý luận cần nhưng không đủ. Không đủ vì ở đây toà sơ thẩm chỉ muốn giới hạn vào luật hình sự mà không xét đến các bộ luật khác và không xét đến sự mâu thuẫn có thể xảy ra giữa luật hình sự và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Muốn cho đầy đủ thì cần phải xem Luật quốc tế và Luật Việt Nam như là một kết cấu chặt chẽ được ràng buộc bằng Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện Điều ước Quốc tế 2005. Nếu luật Việt Nam đã được thích ứng với điều ước quốc tế thì sự phân biệt giữa luật Việt Nam và luật quốc tế không cần phải đặt ra nữa. Còn trong trường hợp luật Việt Nam chưa thích ứng được với điều ước quốc tế thì điều 6 của Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện Điều ước Quốc tế cho phép ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế. Một cách cụ thể, nếu xét thấy Đ.88 Bộ luật Hình sự (BLHS) không phù hợp với điều ước quốc tế thì Nhà nước Việt Nam sẽ phải huỷ bỏ hay ngưng thi hành nó.

Không phải chỉ có một mình chồng tôi nhận thấy rằng hiện Việt Nam ta có nhiều quy phạm luật và quy phạm dưới luật về quyền con người và quyền công dân chưa hoàn toàn phù hợp với quy phạm của Hiến pháp. Quan điểm này được nhiều nhà nghiên cứu chia xẻ, thí dụ như PGS TS Nguyễn Văn Động viết trong sách Quyền Con Người, Quyền Công Dân Trong Hiến Pháp Việt Nam (nxb Khoa học Xã hội, 8/2005). Cũng như nhiều người khác, chồng tôi cũng nêu lên những ý kiến về việc phải có một Toà án Hiến pháp để phán xét về tính hợp hiến của các quy phạm luật và dưới luật. Một vấn đề lớn khác đang được xã hội thảo luận là việc nội luật hoá trong Hiến pháp và luật pháp các điều ước quốc tế về quyền con người mà Nhà nước Việt Nam ký kết hoặc gia nhập mà, theo PGS TS Nguyễn Văn Động, việc tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các điều ước là nghĩa vụ của nhà nước và nhân dân (sđd, tr. 231). Do đó những phát biểu và bài viết của chồng tôi liên quan đến các vấn đề trên cần được xem là những đóng góp xây dựng để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và để Việt Nam hội nhập trọn vẹn vào cộng đồng quốc tế.

Cũng cần nhấn mạnh rằng chồng tôi không phải là người duy nhất thực thi các quyền công dân hiến định. Từ trước khi chồng tôi bị giam giữ cho đến nay, đã có rất nhiều trí thức, nhà nghiên cứu, luật sư, chuyên viên, cán bộ cao cấp, đại biểu quốc hội và những nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước khác – dù còn tại chức hay đã về hưu – đã thực hiện quyền tự do ngôn luận hiến định này trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trong cũng như ở ngoài nước. Không khác gì chồng tôi, họ cũng tham gia đóng góp nhũng ý kiến sôi nổi về các vấn đề như Điều 4 Hiến Pháp, quan niệm đảng lãnh đạo, đa nguyên, đa đảng, dân chủ, nhân quyền, hoà giải với cộng đồng người Việt hải ngoại. Thông thường, Nhà nước cần khuyến khích một nền văn hoá trao đổi quan điểm một cách ôn hoà như thế về những vấn đề của đất nước.

3) Chồng tôi không vi phạm điều 88 của Bộ luật hình sự

a) Bản án dựa trên nhiều kết quả điều tra thiếu chính xác để kết luận hàm hồ.

Bản án hình sự sơ thẩm số 153/2007/HSST đã dựa trên thiên kiến buộc tội và những điều tra cẩu thả của cơ quan công an nên có nhiều kết luận hàm hồ đến mức phi lý.

Ngay trong phần mở đầu, bản án đã cố tình tạo ra ấn tượng phạm tội bằng một sự kiện bắt quả tang: “Sáng ngày 03.02.2007, tại văn phòng luật sư Thiên Ân – số 10 Đoàn Trần Nghiệp, Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội và Bộ Công an phát hiện Lê Thị Công Nhân đang tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và xuyên tạc các chủ trương chính sách của nhà nước ta về dân chủ, nhân quyền cho 03 sinh viên Khoa Báo chí Trường Cao đẳng phát thanh truyền hình I Hà Nam” (BAST, tr. 2). Đây là một xác định ngây ngô. Sự thật là vào ngày 3.2.2007, luật sư Lê Thị Công Nhân chỉ vừa kịp chào hỏi và phát bài viết “Nhân phẩm, nền tảng của nhân quyền” cho 3 sinh viên Hà Nam thì công an đã ập vào.

Theo lời khai thống nhất của Lê Thị Công Nhân, Phạm Văn Trội và Bạch Ngọc Dương, mọi việc diễn ra trong khoảng thời gian chưa đầy 5 (năm) phút thì công an đã đến giải tán vào lúc 10g10’. Ngay cả Giáp Văn Hiếu là người được Viện Kiểm sát mời ra làm nhân chứng cũng khai trước toà rằng ông “chưa kịp đọc tài liệu thì công an đã vào bắt”. Năm (5) phút là thời gian rất ngắn ngủi và chắc chắn không thể đủ để cho Lê Thị Công Nhân làm công việc to tát kinh khủng là “tuyên truyền chống Nhà nước … và xuyên tạc các chủ trương chính sách của nhà nước ta về dân chủ, nhân quyền”. Cũng cần nói thêm rằng bài “Nhân phẩm, nền tảng của nhân quyền” là một bài nghiên cứu học thuật của tiến sĩ triết học Đỗ Mạnh Tri ở Pháp. Tính học thuật thể hiện ngay tại đầu bài khi tác giả Đỗ Mạnh Tri ghi rõ “cách trình bày dùng phương pháp phân tách, lồng vào phương pháp lịch sử. Nói cách khác: dựa vào một vài mốc lịch sử để tiếp cận ý niệm nhân phẩm và dẫn chứng tính cách nền tảng của ý niệm này trong tiến trình nhận thức và đề cao nhân quyền”. Về nội dung, bài này đã dùng một số ý niệm triết học và thần học và không có một ý nào hoặc một chữ nào đả động đến Việt Nam. Khi toà chấp nhận một kết luận hoàn toàn không có cơ sở thực tế, không hợp lý và sai sự thật như vậy, tôi cho rằng toà đã có sẵn thành kiến với các bị cáo.

Toà sơ thẩm đã tiếp nhận một cách thiếu suy xét nhiều ý kiến khác của cơ quan điều tra. Cũng giống như cáo trạng, bản án đã gộp chung nhiều người, nhiều việc không liên quan vào với nhau để tạo cảm tưởng về sự nghiêm trọng và rằng chồng tôi là người cầm đầu xúi giục. Bản án viết: “cơ quan an ninh điều tra còn xác định Phạm Văn Trội và 4 nhân viên văn phòng luật sư Thiên Ân là: Phạm Sỹ Nguyên, Nguyễn Xuân Đệ, Trần Thanh và Nguyễn Thị Hương Lan do bị Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân tuyên truyền lôi kéo nên đã tham gia vào các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc chống nhà nước“ (BAST, tr. 3). Trước hết, những nhân sự trên không làm việc trên cùng lãnh vực với nhau. Ông Phạm Văn Trội là thành viên của Uỷ ban Nhân quyền Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Đệ là nhân viên lái xe và bà Trần Thanh là nhân viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Luật. Chỉ riêng bà Nguyễn Thị Hương Lan là kế toán viên và ông Phạm Sỹ Nguyên là nhân viên của văn phòng luật sư Thiên Ân. Năm người này có những công việc làm hàng ngày khác nhau, có người chỉ làm những việc rất chuyên môn như lái xe hay kế toán. Tất cả 4 nhân viên thuộc 2 văn phòng khác nhau của chồng tôi đã khai rằng họ không có hoạt động tuyên truyền xuyên tạc chống Nhà nước và do đó cũng không bị ai lôi kéo cả. Ông Trội là người hoạt động độc lập và cũng khai không bị chồng tôi lôi kéo. Việc thẩm phán chủ toạ Nguyễn Hữu Chính không mời ông Phạm Văn Trội và các nhân viên của chồng tôi tham gia phần xét hỏi nhân chứng tại phiên toà ngày 11.05.2007 đã khiến cho sự thật của vụ án bị bóp méo theo hướng bất lợi cho chồng tôi.

b) Điều 88 BLHS có nhiều khái niệm quá mơ hồ và bao quát.

Từ ngày BLHS 1999 được ban hành đến nay, Nhà nước đã chưa có văn bản pháp luật nào để hướng dẫn về nội hàm của các hành vi được ghi trong Chương “Xâm phạm An ninh Quốc gia” của bộ luật này, ở đây cụ thể là các hành vi theo Đ.88 BLHS. Thế nào là chống? Chống Nhà nước, chống chính quyền là gì? Hành vi như thế nào và ở mức độ nào thì bị gọi là chống Nhà nước, chống chính quyền? Tuyên truyền là gì, hoạt động ở mức độ nào thì bị xem là tuyên truyền? Phê bình chính sách của Đảng hoặc của Nhà nước, phê bình hoặc tố cáo các hành vi vi hiến, vi luật của cán bộ Đảng, cán bộ công nhân viên chức Nhà nước, nêu lên những sự thật lịch sử có bị xem là hành vi xuyên tạc, phỉ báng chính quyền không? Như thế nào là tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý?

Tuyên truyền như thế nào thì bị xem là gây hoang mang trong nhân dân? Hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu là gì và ở mức độ nào thì bị xem là phạm luật? Những khái niệm này đến nay vẫn còn rất mơ hồ và bao quát khiến ai muốn hiểu thế nào cũng được. Nói chung các luật gia, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam vẫn còn xem những vấn đề vừa kể thuộc vào loại chính trị “nhạy cảm” nên đã tránh né các vấn đề này và không có công trình nghiên cứu làm sáng tỏ các khái niệm trên. Họ vẫn còn mang mặc cảm sợ sệt mà quên rằng Việt Nam đang ở trong hoàn cảnh mới, đang hội nhập quốc tế, đang xây dựng Nhà nước pháp quyền và đang cần tìm sự hoà hợp giữa những điều khoản trong Chương Xâm phạm An ninh Quốc gia của BLHS, những quyền công dân trong Hiến pháp và nhân quyền trong điều ước quốc tế.

Vì luật pháp không rõ ràng, vì không có cách hiểu chính thống nên trong xã hội đã có nhiều cách hiểu khác nhau. Công dân nào bạo dạn thì cho rằng mình có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm, công dân nào yếu đuối thì bị hoang mang không dám sử dụng quyền công dân hiến định của mình một cách đúng mức. Còn cơ quan thực thi pháp luật lại có cách hiểu riêng, áp dụng co giãn tuỳ tiện, khi bắt giam người này khi làm ngơ người kia, lúc đưa ra truy tố lúc lại áp dụng biện pháp hành chánh, khiến cho việc áp dụng luật không được nghiêm minh, làm cho dân chúng hoang mang vì không biết hành động thế nào cho đúng ý Nhà nước. Theo tôi, Nhà nước pháp quyền Việt Nam không thể để cho một điều luật quan trọng như Đ.88 BLHS bị diễn giải tuỳ tiện như thế được. Do đó các cơ quan nhà nước có chức năng lập pháp phải có nhiệm vụ mau chóng làm rõ các khái niệm của Đ.88 BLHS. Trong khi chờ đợi, Nhà nước có thể tạm hoãn áp dụng Điều 88 này dựa trên nguyên tắc “Không có tội khi không có luật” (Đ.2 BLHS). Trong phiên xử sơ thẩm, tuy kiểm sát viên có thú nhận sự thiếu sót của BLHS, nhưng lại đưa ra những diễn giải riêng để kết tội chồng tôi. Do đó tôi xin phản bác như sau.

c) Chồng tôi không chống Hiến pháp và không chống Nhà nước CHXHCNVN.

Trong phần trình bày dưới đây tôi sẽ chủ yếu sử dụng những định nghĩa của Tự điển Bách khoa Toàn thư Việt Nam (BKTT). Đây là bộ tự điển được xem là chính thống ở Việt Nam vì nó được soạn thảo bởi một cơ quan chính phủ. Tự điển này đã định nghĩa khái niệm Nhà nước một cách rất trừu tượng: “Nhà nước là tổ chức chính trị của xã hội, công cụ cơ bản của quyền lực chính trị trong xã hội có giai cấp” (BKTT Tập 3, 2003). Trong khi đó, theo Đ.2 HP 1992 thì “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.(…) Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Hiến pháp 1992 qui định rõ các cơ quan nhà nước là Quốc hội (Đ.83, HP), Chủ tịch nước (Đ.101, HP), Chính phủ (Đ.109, HP), Hội đồng nhân dân (Đ.119, HP), Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân (Đ.126, HP). Cần xác định rằng, theo HP 1992, Đảng Cộng sản Việt Nam tuy là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Đ.4, HP) nhưng không được xem là cơ quan nhà nước. Do đó nếu có một công dân Việt Nam nào chống đảng Cộng sản Việt Nam thì sự chống đối này cũng không thể bị đem đồng hoá với việc chống Nhà nước.

Chống nhà nước được hiểu là chống một hay nhiều cơ quan nhà nước hiến định kể trên. “Chống” là làm trái lại, ngược lại. Theo nghĩa chính trị, chống là “Chống đối”, nghĩa là chống lại với thái độ đối địch. Vấn đề đầu tiên cần đặt ra ở đây là nếu một công dân Việt Nam có quan điểm (trong đầu) trái với quan điểm của Nhà nước Việt Nam thì công dân đó có phạm tội hình sự không? Các vị lãnh đạo nhà nước Việt Nam trả lời là không. Bằng chứng là các vị luôn luôn khẳng định rằng chính quyền Việt Nam không giam giữ ai vì lý do bất đồng chính kiến hoặc Việt Nam không có tù nhân chính trị mà Việt Nam chỉ giam giữ những người vi phạm luật pháp. Vậy câu hỏi tiếp theo là khi một công dân đã có quan điểm “chống đối” thì hành vi nào của công dân này bị xem là phạm tội và hành vi nào là hành vi được bảo vệ bởi quyền hiến định về tự do ngôn luận (và như thế không phạm tội)?

Vì Đ.88 BLHS xem ý thức chống Nhà nước là yếu tố chủ quan của tội phạm cho nên điều luật này rất dễ bị lạm dụng khi được áp dụng trong thực tế. Luật quốc tế giải quyết vấn đề này một cách đơn giản hơn khi phân biệt rõ ràng rằng các hành vi chống đối bằng bạo lực là hành vi phạm tội hình sự và hành vi bày tỏ ý kiến chống đối một cách ôn hoà là không phạm tội hình sự. Để tôn trọng việc gia nhập CƯQT QDSCT, Nhà nước Việt Nam phải xem những hành động đấu tranh, phê bình, chỉnh sửa một cách ôn hoà, bằng lời nói hay bằng chữ viết của công dân đối với các cơ quan hoặc nhân viên nhà nước là những hành vi hợp pháp vì được bảo vệ bởi quyền công dân trong Hiến pháp (Đ.50, Đ.69 HP) và quyền tự do ngôn luận trong CƯQT QDSCT. Quyền này cũng đang được bảo vệ và khuyến khích ở mọi quốc gia khác trên thế giới.

Chồng tôi đã nhiều lần khẳng định – cả trong phiên xử sơ thẩm – rằng chồng tôi không chống Nhà nước CHXHCNVN mà chỉ thực hiện các quyền công dân hiến định. Nhưng toà sơ thẩm vẫn cứ dựa vào những suy đoán hời hợt để kết luận rằng chồng tôi chống nhà nước. Toà sơ thẩm đã đưa ra 3 lý do để kết tội chồng tôi chống Nhà nước: vì chồng tôi chống Hiến pháp, vì có liên lạc với những người chống Nhà nước và vì là cảm tình viên hoặc thành viên của các tổ chức chống nhà nước. Cả 3 lý do này đều không vững.

Nếu xét kỹ thì lập luận của toà sơ thẩm nhằm chứng minh rằng chồng tôi chống Hiến pháp 1992 đã dựa trên một tiền đề sai. Tôi khẳng định rằng chồng tôi không chống mà còn thường có hành vi bảo vệ tinh thần của Hiến pháp 1992, đặc biệt tinh thần tôn trọng quyền công dân trong hiến pháp này.

Trong bài viết “Quyền Tự do Thành lập đảng ở Việt Nam” được toà xem là một chứng cớ tiêu biểu, chồng tôi nhận xét rất chính xác rằng Hiến pháp 1992 không có điều khoản nào ngăn cấm việc thành lập các chính đảng khác bên cạnh đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó – dưới cái nhìn của một luật gia – chồng tôi cho rằng công dân Việt Nam có quyền thành lập chính đảng. Chồng tôi đã áp dụng nghiêm túc một nguyên tắc chính yếu của Nhà nước pháp quyền, đó là nguyên tắc “người dân có quyền làm mọi điều mà pháp luật không cấm” (BKTT, sđd). Theo BKTT, “Nguyên tắc này thể hiện nội dung dân chủ của nhà nước, phát huy mọi sáng tạo của các chủ thể phục vụ lợi ích của xã hội, của Nhà nước và của công dân”.

Trên thực tế, Hiến pháp 1992 không còn qui định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội nữa. Đây là một thay đổi lớn vì Hiến pháp 1980 còn qui định rằng Đảng cộng sản Việt Nam là “lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội” (Điều 4, HP1980). Vào thời điểm năm 1980, trên chính trường Việt Nam, ngoài đảng Cộng sản còn có thêm hai đảng Dân chủ và đảng Xã hội, và hai đảng này còn tồn tại đến năm 1988. Như vậy trong 8 năm thực thi Hiến pháp 1980 với một qui định rõ ràng về sự lãnh đạo duy nhất của đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam cũng không xem đảng Dân chủ và đảng Xã hội là những đảng bất hợp pháp. Xin nhấn mạnh rằng hai chính đảng này được thành lập vào các năm 1944, 1946 và đã tự ý giải thể vào năm 1988 chứ không phải bị chính quyền giải tán hay cấm hoạt động.

Ngày nay, khi Điều 4 Hiến pháp 1992 đã bỏ đi chữ “duy nhất” trong cụm từ “lãnh đạo duy nhất” của Điều 4 Hiến pháp 1980, thì mọi suy diễn về sự duy nhất của đảng Cộng sản Việt Nam trên chính trường Việt Nam và từ đó cho rằng hoạt động của các đảng phái khác là bất hợp pháp đều không có cơ sở lý luận và thực tế vững chắc. Vì đã dùng một tiền đề sai về tính chất “duy nhất” (“Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất lãnh đạo Cách mạng Việt Nam”) cho nên toà sơ thẩm đã liên tiếp kết luận sai khi cho rằng “mọi đảng phái, hoạt động (chép theo đúng nguyên bản, tôi ghi chú) đều là vi phạm, đều là bất hợp pháp“ và “mọi hành vi phê phán Đảng Cộng sản … là vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp” (BAST, tr. 6). Bản án đã dựa trên lập luận sai này nên đã kết án chồng tôi một cách phi lý về tội chống Nhà nước.

Viện Kiểm sát Nhân dân và Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tiếp nhận thiếu suy xét những suy đoán hàm hồ của cơ quan an ninh điều tra. Toà sơ thẩm đã dựa vào sự kiện là chồng tôi có liên lạc với các Việt kiều hải ngoại như các ông Vũ Quốc Dụng, Nguyễn Đình Thắng và Trần Ngọc Thành để kết luận rằng chồng tôi chống Nhà nước (BAST, tr. 6). Cả bản cáo trạng lẫn bản án đã có kết luận vơ đũa rằng họ là “những phần tử người Việt Nam lưu vong ở nước ngoài có ý thức chống đối Nhà nước ta quyết liệt” (BAST, tr. 6). Nhưng bản án sơ thẩm không dẫn chứng được rằng trong số những người nêu trên có người nào đã làm gì để bị toà xem là “phần tử có ý thức chống đối Nhà nước ta quyết liệt”.

Những người kể trên là những nhân vật hoạt động công khai trong nhiều lãnh vực khác nhau ở nước ngoài trong đó có hai người làm việc trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế. Toà đã không nghiên cứu kỹ về họ nên đã viết sai cả tên họ cũng như tên của tổ chức của họ. Một người tên Vũ Quốc Dụng và đang là Trưởng ban Á châu của Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (International Society for Human Rights, ISHR) chứ không phải là Vũ Đức Dụng của Mạng lưới Nhân quyền Quốc tế. Cái tên “Mạng lưới Nhân quyền Quốc tế” thoát thai từ định kiến sai lầm rằng “Vũ Quốc Dụng là người cầm đầu Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam ở Mỹ” (báo An ninh Thế giới online ngày 22.4.2007 và nhiều báo khác). Người kia, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng là Giám đốc Điều hành của Uỷ ban Cứu Người Vượt Biển (Boat People SOS) chứ không phải là “người cầm đầu Uỷ ban Cứu trợ Thuyền nhân Việt Nam ở Mỹ”. Chữ cầm đầu dùng trong câu này cố ý gây cảm tưởng rằng uỷ ban này là một tổ chức bất hợp pháp. Trên thực tế hai tổ chức phi chính phủ này đã hoạt động uy tín lâu năm tại quốc gia sở tại mà họ đăng ký tổ chức cũng như tại nhiều quốc gia khác.

Cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy rằng các tổ chức này chủ trương hay có hoạt động chống đối bất cứ một nhà nước cá biệt nào. Ngoài ra, tổ chức ISHR đã được Liên Hiệp Quốc cấp cho Quy chế Tham Vấn (Consultative Status) nên không thể vượt ra ngoài phạm vi của Hiến chương LHQ để hoạt động lật đổ chính quyền của một quốc gia thành viên của LHQ được. Do đó kết luận rằng chồng tôi có ý định cùng với những người này – mà không xác định cụ thể là ai – “thành lập một số tổ chức, đảng phái chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam, chống lại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (BAST, tr. 6) là một cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ và phi thực tế.
Bản án còn cáo buộc chồng tôi là thành viên của tổ chức “Công đoàn Độc lập”, “Đảng Thăng tiến” và “Khối 8406”, và là cảm tình viên của “Đảng Dân chủ 21”. Tại phiên xử, thẩm phán chủ toạ đã không cho chồng tôi và các luật sư bào chữa được tranh luận về vấn đề đảng phái mặc dù đây là vấn đề quan trọng, có mục đích qui kết về ý thức chống Nhà nước có tổ chức của chồng tôi. Đây là một thiếu sót lớn. Tôi sẽ không xét đến cáo buộc rất yếu liên quan đến vấn đề “cảm tình viên của Đảng Dân chủ 21”. Cáo buộc này rất yếu vì khi chính Nhà nước chưa truy cứu trách nhiệm pháp lý của các thành viên lãnh đạo của đảng Dân chủ 21 này, nghĩa là chưa xem đảng này là bất hợp pháp, thì chưa thể kết tội một người bị cáo buộc là cảm tình viên như chồng tôi . Bản án đã xác định một cách nhập nhằng và cẩu thả rằng “Bị cáo đã tham gia và ủng hộ tích cực cương lĩnh hoạt động của cái gọi là “Đảng Thăng Tiến Việt Nam” và “Khối 8406” của Nguyễn Văn Lý – một tổ chức hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam” (BAST, tr. 6).

Viết như thế là sai. Thứ nhất, việc gộp chung Khối 8406 và đảng Thăng Tiến vào làm một tổ chức là sai vì ai cũng biết rằng Khối 8406 và Đảng Thăng tiến là 2 thực thể khác nhau. Thực tế đã cho thấy rằng có nhiều người nằm trong Khối 8406 nhưng không phải là đảng viên của đảng Thăng Tiến. Thứ nhì, chồng tôi không hề tham gia đảng Thăng tiến mà chỉ tham gia Khối 8406. Vậy cáo buộc rằng chồng tôi tham gia đảng Thăng tiến là sai. Khối 8406 gồm những người ký tên ủng hộ “Tuyên ngôn Tự do Dân chủ” và không phải là của riêng của linh mục Nguyễn Văn Lý. Cần xác định rằng Khối 8406 không có cương lĩnh và cũng không có chương trình làm việc thống nhất vì Khối 8406 không phải là một đảng chính trị. Có khi, có những người trong nhóm này có quan điểm hành động khác nhau. Thí dụ, trong vấn đề bầu cử Quốc hội khoá 7, linh mục Nguyễn Văn Lý chủ trương tẩy chay cuộc bầu cử này và đã có nhiều văn bản kêu gọi cho việc này. Trong khi đó ai cũng biết rằng chồng tôi là người công khai tuyên bố không tẩy chay bầu cử và ủng hộ việc công dân ra ứng cử độc lập. Vậy, việc qui kết chồng tôi ủng hộ tích cực “cương lĩnh hoạt động của Khối 8406”, một cái không hiện hữu, cũng hoàn toàn sai.

Việc cáo buộc chồng tôi là thành viên của tổ chức “Công đoàn Độc lập” cũng dựa trên cách lập luận cẩu thả tương tự. Thay vì chứng minh bằng cách đưa ra danh sách thành viên của tổ chức này, toà sơ thẩm đã dựa vào những dấu hiệu mơ hồ như “Theo lời khai của nhân chứng Trần Văn Hoà khẳng định tháng 9 năm 2006, Đài yêu cầu Hoà lên Hà Nội để cùng Đài sang Trung Quốc gặp người có tên là Trần Ngọc Thành là Việt kiều ở Ba Lan sang bàn về thành lập cái gọi là “Tổ chức Công đoàn” (BAST, tr. 7). Toà đã không cho kiểm chứng lời khai này.

Sau này nhân chứng Trần Văn Hoà đã cho biết rằng ông ta bị công an tra tấn để mớm cung và ép cung trong thời gian bị giam giữ từ ngày 21.9.2006 đến ngày 3.10.2006 (lời khai ngày 13.7.2007). Do đó trên nguyên tắc, các lời khai mà công an lấy được của ông Hoà trong thời gian này phải bị xem là vô giá trị trước toà. Ông Hoà cho biết rằng dù bị ép cung ông đã chỉ khai về những việc liên quan đến chính mình. Ông Hoà khẳng định, ông không hề khai rằng chồng tôi đã yêu cầu ông ta lên Hà Nội để đi cùng đi với chồng tôi sang Trung quốc. Trên thực tế, chồng tôi cũng không có dự định đi Trung quốc vào ngày 21.9.2006 vì đã chuẩn bị đi du lịch Thái Lan vào ngày 23.9.2007. Nhưng chuyến đi Thái Lan vào hôm ấy cũng như chuyến đi sang Ấn Độ được dự định thực hiện vào ngày 25.10.2006 sau đó đã bất thành. Cơ quan điều tra có thể kiểm chứng một cách dễ dàng sự kiện chồng tôi bị công an chặn không cho xuất cảnh tại phi trường Nội Bài vào 2 ngày ấy. Cáo buộc chồng tôi là thành viên của tổ chức Công đoàn Độc lập là võ đoán và do đó vô căn cứ.

d) Cần có đánh giá thật chính xác về các vấn đề “tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” và “làm ra, tàng trữ, lưu hành tài liệu chống Nhà nước”

Như đã phân tích ở trên, đối với chồng tôi, tội phạm theo Đ. 88 BLHS không được cấu thành vì thiếu yếu tố chủ quan là động cơ chống Nhà nước. Tuy nhiên tôi xin được bàn thêm về những khái niệm được nêu lên trong các điểm a và c của khoản 1 Đ.88 BLHS vì tôi có cảm tưởng rằng toà sơ thẩm đã có quan niệm rất tuỳ tiện, làm cho quyền tự do ngôn luận hiến định bị mất đi ý nghĩa đích thực của nó. Theo tự điển BKTT (sđd), tuyên truyền là “hành vi phổ biến một chủ trương, một học thuyết để làm chuyển biến thái độ của quần chúng và thúc đẩy quần chúng hành động theo một đường lối và nhằm một mục đích nhất định”.

Trước hết cần xác định rằng tuyên truyền là một từ ngữ được dùng riêng trong lãnh vực chính trị với một nội hàm nhất định nên không thể bị đem ra sử dụng một cách bừa bãi được. Cách nói “ông bạn A tuyên truyền với ông bạn B rằng …” hay “ông bố tuyên truyền với đứa con rằng …” là lối dùng từ bừa bãi. Tuy nhiên tuỳ cách nhìn từ các nền văn hoá hoặc thể chế chính trị khác nhau mà bản thân từ tuyên truyền mang nghĩa tiêu cực hay tích cực. Trong những nền văn hoá xem trọng nhân phẩm của con người cá nhân ở phương Tây, hành vi tuyên truyền – với bất kể nội dung tuyên truyền nào – luôn mang nghĩa tiêu cực vì bản thân hành vi này đã có chủ ý lèo lái đối tượng về một lối suy nghĩ hoặc hành động mà chính đối tượng đó không muốn có. Trong cách hiểu này, tuyên truyền là nhồi sọ hoặc che lấp khả năng phê phán của đối tượng. Trong khi đó, trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam, tuyên truyền được sử dụng với nghĩa trung dung. Theo đó, hành vi tuyên truyền được đánh giá xấu hay tốt là tuỳ vào nội dung được tuyên truyền. Người nào tuyên truyền tốt cho chính sách của Nhà nước Việt Nam thì là người tốt, người nào tuyên truyền chống đối nó thì bị xem là phạm pháp. Nhưng dù hiểu thế nào, hành vi tuyên truyền cũng có một số đặc điểm chung khiến người ta không thể lầm lẫn nó với các hành vi truyền thông khác.

Về mặt nội dung, những điều được đem ra tuyên truyền phải xuất phát từ một học thuyết hoặc chủ trương, tức là tập hợp những suy tư có hệ thống lớp lang. Không ai gọi sự bày tỏ những ý nghĩ vụn vặt, nông cạn hay ngẫu hứng là tuyên truyền. Hiện nay cộng đồng nhân loại có chung quan điểm chống lại một số chủ trương như chủ trương diệt chủng, chống nhân loại, chống hoà bình, kỳ thị chủng tộc, khủng bố. Do đó mọi hành vi tuyên truyền cho chúng và thực hiện chúng cũng bị cấm. Thông thường, muốn cấm một đề tài chính trị, các Nhà nước pháp quyền phải đưa ra luật để định nghĩa rõ ràng về đề tài bị cấm đó. Luật pháp cũng sẽ phải ấn định thật rõ những phương tiện nào bị cấm dùng để tuyên truyền cho đề tài này. Thí dụ có thể chỉ cấm dùng tài liệu, phim ảnh hoặc dấu hiệu nhưng không cấm lời nói. Như vậy không phải bất cứ một hành vi nào liên quan đến một đề tài bị cấm tuyên truyền thì cũng đương nhiên bị cấm. Luật pháp nhiều nước còn nêu rõ cả các trường hợp ngoại lệ, thí dụ qui định rõ việc cho phép sử dụng những phương tiện tuyên truyền – chẳng hạn như tài liệu, phim ảnh – cho những đề tài bị cấm khi chúng được dùng trong mục đích giải thích, giáo dục quần chúng, nghệ thuật, nghiên cứu, tường thuật về lịch sử,…Thí dụ trong một bài nghiên cứu về lịch sử chủ nghĩa Apartheid thì được sử dụng những hình ảnh, trích dẫn lấy từ những tài liệu về chủ nghĩa kỳ thị người da đen ở Nam Phi.

Về mặt hình thức, người tuyên truyền luôn luôn tìm cách đưa ra thông tin một cách thiên vị để dễ lèo lái đối tượng. Những thông tin này không nhất thiết phải sai lạc. Chúng có thể đúng ở một mặt nào đó nhưng nhất định không thể hiện vấn đề một cách trọn vẹn và đầy đủ. Ngoài ra, để dễ kích động quần chúng, người tuyên truyền thường dùng cách trình bày giản lược, có khuynh hướng đánh động vào những cảm xúc hơn là khơi dậy sự suy xét của đối tượng. Phương tiện tuyên truyền là tờ rơi, bích chương, phim ảnh, báo chí, truyền hình, radio và các phương tiện truyền thông đại chúng khác. Để thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, chủ thể tuyên truyền đặt ra một kế hoạch quy mô để lập đi lập lại vấn đề một cách có hệ thống trên các phương tiện truyền thông.

Nếu thiếu một hay nhiều đặc điểm về nội dung, phương thức thực hiện và cả về sự qui mô nêu trên thì một hành vi sẽ không còn được gọi là tuyên truyền nữa. Thí dụ, nếu thiếu đặc điểm thiên vị và đánh động cảm tính thì phương cách trình bày sẽ có thể được gọi là một bài thuyết trình khoa học, bài nghiên cứu hay lý luận học thuật. Nếu thiếu tính chất hệ thống thì người ta gọi là lời phát biểu ngẫu hứng hay ý kiến riêng. Nếu (trong lãnh vực kinh tế) có một món hàng được trình bày lập đi lập lại nhiều lần trên bích chương dán trên đường phố thì người ta có thể gọi đó là quảng cáo. Trong lãnh vực giáo dục và tôn giáo người ta dùng chữ truyền bá hay truyền giáo. Nếu không có sự qui mô về nội dung và hình thức, thí dụ như trong trường hợp của một người phát biểu ngẫu hứng về một đề tài thời sự trước vài người bạn trong một buổi gặp gỡ riêng thân mật, thì một hành vi cũng không thể gọi là tuyên truyền. Cả sự gộp chung tất cả những phát biểu rời rạc ấy cũng không thể gọi là tuyên truyền. Chủ thể của hành vi tuyên truyền có thể là một chính quyền, một tổ chức hay một chính đảng.

Lịch sử ngày nay còn nhắc đến những chủ thể tuyên truyền nổi tiếng như nhà nước Liên Xô, Đức thời Quốc Xã, Cộng hoà Dân chủ Đức. Trên thực tế, nếu xét về mặt hiệu quả, tầm mức quy mô và tầm mức ảnh hưởng, cũng chỉ có một nhà nước mới có khả năng tuyên truyền một cách hữu hiệu vì chỉ có nhà nước mới có đủ phương tiện để phổ biến chủ trương hoặc học thuyết một cách có hệ thống, trong thời gian lâu dài, bằng các phương tiện truyền thông đại chúng, đến đông đảo quần chúng để làm chuyển biến thái độ của quần chúng và thúc đẩy quần chúng hành động theo một đường lối nhất định. Để tuyên truyền, Nhà nước Việt Nam đã sử dụng một bộ máy khổng lồ gồm khoảng 700 cơ quan truyền thông làm việc có qui củ dưới sự lãnh đạo rất chặt chẽ của các cơ quan văn hoá, thông tin và tư tưởng. Để tuyên truyền cho một chính sách hoặc chủ trương, các cơ quan nhà nước Việt Nam thường cho phổ biến hẳn một kế hoạch về tuyên truyền trong đó ấn định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, phương tiện thực hiện và bộ phận chỉ đạo. Trước ưu thế ấy, một cá nhân ở Việt Nam khó có thể làm được công việc tuyên truyền hoặc phản tuyên truyền cho có kết quả.

Theo tôi, các cơ quan điều tra đã thổi phồng quá đáng về qui mô cũng như tầm ảnh hưởng của các hoạt động của chồng tôi khi cho rằng chồng tôi tuyên truyền chống chính quyền. Khi xem xét vụ việc của chồng tôi, các cơ quan này đã không áp dụng cùng một tiêu chuẩn đánh giá như đối với các cơ quan Nhà nước. Cơ quan điều tra không chứng minh chồng tôi đã có kế hoạch tuyên truyền cho học thuyết nào, với mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, phương tiện hoạt động và bộ phận chỉ đạo ra sao. Trong phiên xử sơ thẩm, danh từ tuyên truyền đã bị hiểu đơn giản là hành vi nói hay viết một điều gì đó cho người khác nghe một vài lần. Nếu hiểu tuyên truyền theo nghĩa đó thì bất cứ ai trao đổi điều gì với người khác cũng có thể bị xem là phạm pháp nếu công an cho rằng điều đó có mục đích chống Nhà nước. Hiểu theo nghĩa đó thì bất cứ lời phát biểu bất mãn nào dù ở trong quán nhậu hay phạm vi gia đình đều là hành vi phạm pháp. Với cách hiểu như thế, số người vi phạm pháp luật ở Việt Nam sẽ rất lớn . Hậu quả là các cơ quan thi hành luật sẽ xử lý không xuể các trường hợp phạm tội. Việc phải nhắm mắt làm ngơ đối với số đông và chỉ xử lý chọn lọc một số trường hợp đã đẻ ra tình trạng áp dụng luật một cách tuỳ tiện hoặc độc đoán. Nếu như vậy thì Đ. 88 BLHS này – ít nhất trong phiên bản hiện nay – đã không khả thi nữa. Khi thấy có một điều luật bị vô hiệu hoá như vậy thì trên nguyên tắc cơ quan làm luật Việt Nam cần phải xét đến việc sửa đổi điều luật đó như thế nào đế việc áp dụng được thực hiện nghiêm minh và tạo niềm tin hơn vào công lý pháp quyền.

Về mặt hình thức, những điều mà chồng tôi đã làm không có qui mô của hành vi tuyên truyền, nếu hiểu từ ngữ này theo đúng nghĩa của nó. Chồng tôi chỉ mới gặp có một lần cả 3 người sinh viên Hà Nam, trong đó có một người đã gặp 3 lần, mỗi lần từ 30 đến 90 phút, trong đó nội dung trao đổi luôn bị thay đổi, bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau từ hỏi thăm cá nhân, tư vấn pháp lý, các vấn đề triết học, nhân quyền và thời sự. Toà dẫn chứng rằng chồng tôi đã viết 2 bài “Quyền tự do thành lập đảng” và “Dân trí Việt Nam có đủ khả năng xây dựng chế độ đa đảng” và gửi đăng trên đài BBC ở Anh Quốc. Nhưng hai bài này không mang nội dung chống Nhà nước, như tôi đã phân tích trong vấn đề Đảng và Hiến pháp ở trên. Những bài này, rõ ràng nhất là bài thứ 2, mang tính cách đóng góp cho một cuộc thảo luận công khai trên một trang web truyền thông và không mang tính tuyên truyền. Như đã đề cập ở trên các nhân viên của chồng tôi đều khai rằng họ không hoạt động tuyên truyền và không bị chồng tôi lôi kéo vào các hoạt động này. Ông Phạm Văn Trội cũng khai rằng ông tự ý tìm đến chồng tôi để nhờ tư vấn về nhân quyền và pháp luật chứ không phải để hoạt động tuyên truyền. Tất cả những người này đều có trình độ đại học nên biết rõ điều họ đã làm.

Về mặt nội dung, bản án ghi rằng chồng tôi đã viết một số bài và trả lời phỏng vấn trên một vài trang internet và kết luận chung chung rằng những điều chồng tôi nói hoặc viết là “sai sự thật, bóp méo, xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, kích động nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi thay đổi chế độ, v.v…” (BAST, tr. 7). Toà sơ thẩm không vạch được ra những điều cụ thể nào do chồng tôi trực tiếp viết hoặc nói ra mà bị toà xem là “xuyên tạc chính quyền nhân dân”. Theo BKTT (sđd), xuyên tạc là “trình bày sai sự thật với dụng ý xấu”, còn chính quyền là “bộ máy điều hành, quản lí công việc của nhà nước”. Như vậy nếu điều được trình bày là đúng sự thật thì đó không phải là xuyên tạc. Ngay cả khi điều được trình bày đúng sự thật ấy có nhằm phê phán chính quyền thì hành vi này cũng không nằm trong phạm vi truy tố của điểm a Khoản 1 của Đ.88 BLHS vì điều này chỉ qui định về việc xuyên tạc.

Trong lãnh vực nhân quyền, tôi có thể khẳng định rằng những điều mà chồng tôi từng phát biểu đều có cơ sở thực tế, có chứng cứ, có nhân chứng nên không thể sai sự thật. Chồng tôi vốn biết rằng nhân quyền là lãnh vực mà chính quyền xem là nhạy cảm nên đã làm việc rất cẩn thận và trung thực, không bao giờ dám phóng đại hoặc vu cáo. Nếu toà sơ thẩm mà để cho chồng tôi tranh luận về đề tài này thì chắc chắn toà đã không thể kết luận hàm hồ như thế. Tương tự, vì toà sơ thẩm không nêu được chứng cứ cụ thể về việc chồng tôi “phỉ báng chính quyền” nên lời cáo buộc này cũng không đứng vững. Phỉ báng là “chê bai, nói xấu” (sđd) và thường tuỳ thuộc vào quan điểm cá nhân. Theo tôi, đối với bất cứ việc làm nào cũng có người khen kẻ chê. Cho nên đòi hỏi không có lời chê là một đòi hỏi không thực tế. Toà đã dẫn chứng rằng chồng tôi “nói xấu chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam” trong khi vấn đề này lại hoàn toàn nằm ngoài phạm vi truy tố của Đ. 88 BLHS 1999. Tôi thiết nghĩ toà sơ thẩm đã không phân biệt rạch ròi chính quyền với chế độ XHCN và Đảng CSVN. Cần nói thêm rằng chỉ có BLHS của năm 1992 mới có tội danh “Tuyên truyền chống chế độ XHCN” (Đ. 82) mà thôi. BLHS 1999 đã bỏ điều này. Riêng cá nhân tôi còn cho rằng những người đứng ra gánh vách việc nước – dù ở bất cứ nước nào – cũng cần phải chấp nhận một mức độ bị phê phán cao hơn người thường vì có như vậy họ mới nhạy bén đón nhận những bức xúc của nhân dân và từ đó có thể làm tốt hơn công việc mà nhân dân giao phó cho họ được.

Chồng tôi là một luật sư nhân quyền. Để giúp thân chủ đòi hỏi quyền lợi chính đáng và hợp pháp, chồng tôi có quyền và có trách nhiệm nâng cao sự hiểu biết của mình bằng cách nghiên cứu các luồng tư tưởng và các quan điểm trên các lĩnh vực khác nhau của xã hội. Luật khoa học và công nghệ cho biết: “Nghiên cứu khoa học là hoạt động phát hiện, tìm hiểu các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo các giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn” (Đ.2, Luật khoa học và công nghệ). Toà sơ thẩm đã kết án chồng tôi vì tội “tàng trữ, lưu hành tài liệu chống Nhà nước”. Theo tôi, vì các nhà làm luật Việt Nam chưa làm rõ được các khái niệm “tàng trữ và lưu hành” trong thời đại mới nên họ đã để cho các qui định này của Đ.88 BLHS đục ruỗng nội dung của các quyền hiến định về dân sự của công dân như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền nghiên cứu khoa học và quyền được tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước.

Tôi cho rằng nội dung của Đ.88 BLHS đang có mâu thuẫn trầm trọng với nội hàm của quyền tự do nghiên cứu và sáng tạo (Đ.51, Bộ luật Dân sự 2005) và chức năng xã hội của luật sư (Đ.3, Luật Luật sư 2006), trong đó chức năng xã hội của luật sư là “góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” . Ở đây rõ ràng các nhà làm luật Việt Nam cần cấp tốc điều chỉnh các qui định khác nhau để bảo đảm tính nhất quán của các quyền hiến định đối với các bộ luật con.

Để kết tội “làm ra, tàng trữ, lưu hành” của Đ.88 BLHS, toà đã sử dụng 121 đầu tài liệu thu giữ được ở nhà hoặc văn phòng của chồng tôi. Vợ chồng chúng tôi hiện không thể xác nhận có phải tất cả 121 tài liệu này là của chúng tôi hay không. Cá nhân tôi đã nhiều lần khiếu nại để xin công an gửi cho tôi biên bản thu giữ đồ vật của chúng tôi nhưng vẫn chưa được các cơ quan công an và giám sát trả lời. Toà đã không phân loại tính chất và phân tích nội dung của 121 tài liệu này nên tôi giả thiết rằng chỉ có một số tài liệu trong số này bị toà xem là có “vấn đề” và được liệt kê trong bản án sơ thẩm. Chồng tôi thừa nhận có viết 2 bài “Quyền tự do thành lập đảng” và “Dân trí Việt Nam có đủ khả năng xây dựng chế độ đa đảng” mà toà cho rằng “có nội dung bôi nhọ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng trong điều kiện hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam không đủ năng lực để lãnh đạo cách mạng nên cần phải có một đảng khác thay thế hoặc phải đa nguyên, đa đảng mới đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo đói” (BAST, tr. 4 và 5). Như đã xác định ở phần 2, việcviết hai bài này hoàn toàn nằm trong phạm vi của quyền tự do ngôn luận của chồng tôi là điều được Hiến pháp 1992 và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị bảo vệ. Ngoài ra theo phân tích ở trên, toà sơ thẩm cũng đã không đưa đủ cơ sở lý luận và thực tế để qui kết 2 bài này có tính cách chống Nhà nước.

Cách dùng từ như “bôi nhọ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam” cho thấy toà đã tìm cách áp đặt quan điểm chủ quan của mình và đi ra ngoài phạm vi truy tố của Đ. 88 BLHS. Ngoài ra bản án sơ thẩm đã kết luận rằng chồng tôi là “người trực tiếp soạn thảo ‘Điều lệ Đảng Dân chủ’ … của Hoàng Minh Chính” (BAST, tr. 6) mặc dù trong phiên xử, toà đã không tìm đủ chứng cứ để buộc tội chồng tôi về điểm này. Dư luận xã hội hiện đang đàm tiếu rất nhiều về việc Nhà nước đang làm chuyện ngược ngạo là khi chưa có biện pháp xử lý đối với đảng Dân chủ 21 mà đã đi buộc tội chồng tôi về việc có liên quan đến đảng này. Do đó cáo buộc chồng tôi “làm ra tài liệu chống Nhà nước” là vô căn cứ.

Tàng trữ là việc cố ý “cất giấu cẩn thận, không muốn cho ai biết” (BKTT, sđd). Ở đây, các tài liệu thu được tại văn phòng cũng như nhà riêng của chồng tôi là những tài liệu được chồng tôi sử dụng làm tài liệu nghiên cứu nên chồng tôi không có ý định che giấu chúng. Các nhân viên công an theo dõi chồng tôi trong những tháng qua có thể xác nhận rằng cửa của văn phòng luật sư Thiên Ân lúc nào cũng rộng mở cho mọi người ra vào và các máy tính ở đó cũng đã để cho nhiều người sử dụng chung cho nên cáo buộc chồng tôi bí mật cất giấu tài liệu là một cáo buộc phi thực tế. Khi công an đến khám xét văn phòng cũng như nhà riêng của chồng tôi, các tài liệu này đang ở trong 5 máy tính hoặc được để trên các giá sách và trong tủ tài liệu cùng với các tài liệu nghiên cứu về pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế cũng như các hồ sơ của khách hàng.

Tính chất sưu tầm để nghiên cứu thể hiện rõ ở 2 điểm. Thứ nhất, những tài liệu này thể hiện nhiều quan điểm khác nhau, có bênh có chống, nằm lẫn lộn với những tác phẩm nghiên cứu và những tài liệu pháp lý. Thứ hai, chồng tôi không nhất thiết phải có cùng quan điểm với những tài liệu mà mình đang có. Thí dụ chồng tôi không chống bầu cử trong khi vẫn giữ những tài liệu kêu gọi tẩy chay bầu cử của linh mục Lý. Để nghiên cứu và tìm hiểu thấu đáo một vấn đề, chồng tôi không thể chỉ nghe người khác nói không thôi hoặc chỉ đọc những tài liệu được viết theo cùng một quan điểm. Khi biết chồng tôi quan tâm đến một số vấn đề, nhiều người đã đem đến trao tận tay hoặc gửi lại văn phòng một số tài liệu bị toà đánh giá là “cực kỳ phản động, bóp méo, xuyên tạc sự thật” như “Đảng cộng sản Việt Nam là nghiệp chướng”, “Nhật ký Dân oan” hay tài liệu của Quốc-Quốc. Trong phiên xử sơ thẩm, chồng tôi trung thực nhận có giữ những tài liệu này mặc dù có nhiều tài liệu chồng tôi không hay biết là có trong văn phòng hoặc chưa đọc qua. Điều này thể hiện rằng chồng tôi không có ý giấu diếm – ngay cả đối với những tài liệu bị cáo buộc nặng nề nhất – vì tin vào quyền tự do ngôn luận, quyền tự do nghiên cứu hiến định của mình. Việc cáo buộc chồng tôi tàng trữ đã vi phạm các quyền tự do hiến định này của chồng tôi.

Tôi xin nói thêm về khái niệm “tàng trữ tài liệu trong máy tính”. Trong thời đại nối mạng toàn cầu ngày nay, khái niệm này đã bị lỗi thời. Hàng ngày, dù muốn hay không, người sử dụng email đã phải nhận hàng trăm tài liệu từ những người quen lẫn người lạ. Nếu có siêng năng mà huỷ đi các tài liệu này thì một người sử dụng máy tính bình thường cũng không thể xoá sạch vết tích trên máy tính được. Thông thường, ít ai có thể quản lý hữu hiệu được khối lượng email nhận được hàng ngày. Ngoài ra mạng internet toàn cầu còn là một kho lưu trữ thông tin khổng lồ. Bất cứ lúc nào người sử dụng cũng có thể lên internet để lấy thông tin cần thiết, hoặc có thể lưu trữ thông tin riêng trên internet, mà không cần phải “tàng trữ” riêng trên máy tính cá nhân nữa. Do đó trong thời đại internet hiện nay, việc ấn định biên giới địa lý trong việc lưu trữ tài liệu là một hành động trái tự nhiên và không thể thực hiện hữu hiệu được trong thực tế.

Trong bản án sơ thẩm không có một chỗ nào cáo buộc rõ chồng tôi về hành vi “lưu hành các tác phẩm, văn hoá phẩm có nội dung chống phá Nhà nước”. Lưu hành là “đưa ra sử dụng rộng rãi từ người này, nơi này đến người khác, nơi khác trong xã hội” (BKTT, sđd). Tuy nhiên trong phần xét về tội trạng của chồng tôi ở trong BAST, tôi lại thấy có đoạn ghi: “Các bị cáo đã phát tán các tài liệu này trên các phương tiện thông tin cho các tổ chức phản động người Việt tại nước ngoài” (BAST, tr. 5). Để loại bỏ mọi ngộ nhận, tôi giả thiết rằng toà hiểu phát tán là lưu hành. Ngay cả trong giả thiết này, việc cáo buộc đã thiếu hẳn sự chính xác cần thiết. Thay vì liệt kê cụ thể rằng chồng tôi đã có những hành vi phạm tội gì, bằng phương tiện nào và ở đâu thì toà lại mô tả sự việc bằng một chuỗi những từ không xác định như “các bị cáo”, “các tài liệu”, “các phương tiện thông tin”, “các tổ chức phản động” trong câu nêu trên. Cũng như ở nhiều chỗ khác trong bản án sơ thẩm, việc vơ đũa sự kiện ở đây đã làm vấn đề trở nên mơ hồ và khó hiểu.

Trong ngữ cảnh của bản án, cụm từ “các tài liệu này” chắc đã được dùng để chỉ 2 tài liệu “Quyền tự do thành lập đảng” và “Dân trí Việt Nam có đủ khả năng xây dựng chế độ đa đảng” đã được liệt kê ngay trong đoạn viết trước đó. Như đã phân tích ở trên, toà không có đủ lý luận để cáo buộc 2 bài này có mục đích chống Nhà nước. Chồng tôi đã thừa nhận gửi đăng hai bài này trên trang web của (MỘT) đài phát thanh BBC. Đài BBC là một cơ quan truyền thông hoạt động có uy tín trên thế giới từ nhiều năm qua và hiện có đại diện chính thức và hợp pháp tại Hà Nội. Không ai có thể hàm hồ nói rằng đài BBC là của người Việt ở nước ngoài hoặc là phương tiện thông tin của CÁC tổ chức phản động người Việt tại nước ngoài. Nhiều nhân viên cao cấp chính phủ, dân biểu, cán bộ nghiên cứu nước ta đã thường lên đài này để phát biểu, trong số đó có nhiều ý kiến phê phán chính quyền khá mạnh mẽ. Toà không có chứng cứ nào về việc chồng tôi phát tán 2 tài liệu này đến các cơ quan truyền thông khác. Trong thời đại internet, các tờ báo và trang web có thể dễ dàng sao chép, sử dụng, nhân rộng các thông tin có sẵn ở trên một trang web khác để làm rộng đường dư luận mà không cần phải xin phép tác giả. Tóm lại kết luận cho rằng chồng tôi đã thực hiện hành vi lưu hành tác phẩm có nội dung chống phá Nhà nước là hoàn toàn vô căn cứ.

4) Kết luận và kiến nghị với toà án phúc thẩm

Chồng tôi là một người yêu nước. Là một luật sư nhân quyền, chồng tôi đã hết lòng bảo vệ quyền công dân hiến định và đã đấu tranh phê phán những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của những nhân viên và cơ quan nhà nước. Trên thực tế, những đóng góp trong lãnh vực tự do tôn giáo của chồng tôi đã giúp Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền và nâng cao uy tín với thế giới. Những đóng góp này của chồng tôi cũng giúp cho chính quyền hiểu hơn về những người theo đạo Tin lành và từ đó giúp cho tình hình Việt Nam thêm ổn định.

Việc bắt giam và xét xử chồng tôi đã không được thực hiện một cách hợp pháp và đúng thủ tục qui định. Cơ quan công an đã điều tra cẩu thả về các việc làm của chồng tôi và đưa ra những suy đoán buộc tội hàm hồ. Viện Kiểm sát Nhân dân và Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tiếp nhận thiếu suy xét những kết luận sai lầm này để buộc tội và kết án chồng tôi theo Đ.88 BLHS. Vì đã phạm quá nhiều sai sót về thủ tục và sẵn có thành kiến với bị cáo nên phiên toà sơ thẩm ngày 11.5.2007 đã không tìm ra sự thật của vụ án và kết án oan chồng tôi.

Chồng tôi đã thực thi có ý thức quyền tự do ngôn luận của mình. Quyền dân sự của công dân này được bảo vệ bởi Hiến pháp 1992. Quyền hiến định này cũng được bảo vệ một cách vững chắc về pháp lý bởi Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị kể từ khi Nhà nước CHXHCNVN ký kết tham gia công ước này vào năm 1982 và bởi Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện Điều ước Quốc tế vào năm 2005. Như thế, công dân Việt Nam được hưởng đầy đủ và trọn vẹn quyền tự do ngôn luận theo qui định của điều 19 của CƯQT QDSCT mà không chịu bất cứ một giới hạn luật định nào khác. Luật quốc tế xem hành vi bày tỏ ý kiến phản đối chính quyền một cách ôn hoà là không phải là tội phạm hình sự. Như vậy hành động đấu tranh, phê bình, chỉnh sửa một cách ôn hoà, bằng lời nói hay bằng chữ viết của chồng tôi đối với các cơ quan hoặc nhân viên nhà nước cần được xem là những hành vi hợp pháp.

Dù đứng trên quan điểm của luật hình sự Việt Nam, những lý luận buộc tội chồng tôi cũng không đứng vững. Để cáo buộc chồng tôi tội chống Nhà nước CHXHCNVN, toà đã viện dẫn lý do chồng tôi chống Hiến pháp, có liên lạc với những những người Việt Nam lưu vong có ý thức chống Nhà nước quyết liệt và là thành viên của những tổ chức chống Nhà nước CHXHCNVN. Nhưng tất cả các cáo buộc này đều sai vì đã dựa trên một sự ngộ nhận về tính duy nhất của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và dựa vào những suy luận, võ đoán, gán ghép vô căn cứ và phi thực tế về một số cá nhân và tổ chức ở trong và ngoài nước. Vì không chứng minh được rằng chồng tôi có ý thức chống Nhà nước – là yếu tố chủ quan của tội phạm – nên hành vi phạm tội theo Đ.88 BLHS cũng đã không được cấu thành.

Ngoài ra, như tôi đã phân tích ở trên, Nhà nước cần xét lại toàn bộ nội dung của Đ.88 BLHS để bảo đảm tính nhất quán với các bộ luật khác, với Hiến pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Đ.88 BLHS hiện có những khái niệm rất mơ hồ và bao quát nên đã tạo cơ hội cho các cơ quan thi hành pháp luật diễn giải sai, tuỳ tiện hay độc đoán khiến cho việc áp dụng luật pháp không còn nghiêm minh nữa. Trong khi chờ đợi sửa đổi và soi sáng điều luật này, tôi có đề nghị Nhà nước ngưng thi hành Đ.88 BLHS.

Sau khi phân tích lại toàn bộ vụ án của chồng tôi, luật sư Nguyễn Văn Đài, tôi kiến nghị toà phúc thẩm những điều sau đây:

a) Huỷ bản án sơ thẩm mang số 153/2007/HSST và tuyên bố đình chỉ vụ án theo Đ.251 BLTTHS vì các cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng quá nhiều nguyên tắc cơ bản của BLTTHS và vì chồng tôi thực sự vô tội theo nguyên tắc “Không có tội khi không có luật” của Đ.2 BLHS;

b) Trả tự do ngay cho chồng tôi;

c) Hoàn trả cho chúng tôi mọi tài sản bị tịch thu;

d) Phục hồi danh dự cho chồng tôi bằng cách huỷ bỏ quyết định thu hồi thẻ luật sư và giấy phép hành nghề của văn phòng luật sư Thiên Ân.

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2007
Vũ Minh Khánh,
vợ luật sư Nguyễn Văn Đài

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Bà Kelly Billingsley, Phó Đại diện thường trú tại LHQ của Phái bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (trái), phát biểu trong kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 7/5/2024. Ảnh: UN Web TV

Mỹ, Anh kêu gọi Việt Nam sửa đổi Điều 117, 331 Bộ Luật Hình sự

Chính phủ Hoa Kỳ, Anh bày tỏ sự quan ngại về các hình phạt hình sự đối với việc thực hiện quyền tự do ngôn luận và lập hội tại Việt Nam, đồng thời khuyến nghị Hà Nội sửa đổi các điều luật 117, 331 của Bộ Luật Hình sự.

Phát biểu tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 7/5, bà Kelly Billingsley, Phó Đại diện thường trú tại LHQ của Phái bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bày tỏ sự quan ngại về việc chính quyền Việt Nam sử dụng các điều luật hình sự đối những người bày tỏ quan điểm ôn hòa.

Nhà hoạt động Nguyễn Văn Dũng (phải), tự Dũng Aduku, trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội. Ảnh: Facebook Nhật Ký Yêu Nước

Xã hội dân sự chia buồn về cái chết của nhà hoạt động Nguyễn Văn Dũng

Giới xã hội dân sự hôm 9/5 dấy lên nhiều lời chia buồn về cái chết của nhà hoạt động Nguyễn Văn Dũng, tự Dũng Aduku, cựu quản trị viên trang Facebook “Nhật Ký Yêu Nước.”

Một ngày trước, trang Facebook “Nhật Ký Yêu Nước” xác nhận về cái chết của ông Dũng và mô tả ông “từng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống quân Trung Cộng bành trướng lãnh hải Việt Nam như vụ giàn khoan HD-981.”

Hai tuyến đường thủy từ Phnom Penh ra biển Đông: Tuyến bên trái đi qua kênh đào Funan, tuyến bên phải đi qua sông Tiền. Ảnh chụp từ Google Map, Phạm Phan Long minh họa

Kênh đào Funan và những “mảng tối” chưa rõ!

Trao đổi với RFA, Kỹ sư Phạm Phan Long đặt ra câu hỏi nếu kênh đào Funan không thay thế được tuyến đường sông Tiền ra biển, vậy Campuchia còn có thể có mục đích nào khác khi xây kênh đào này. Ông phán đoán:

“Nếu kinh tế không phải là lý do để xây dựng kênh đào Funan thì chắc hẳn phải có lý do khác. Ngoài tưới ruộng và thủy sản, không thể loại trừ khả năng họ xây dựng kênh đào để chuẩn bị cho tình huống xung đột nếu nó xảy ra, nếu có xung đột xảy ra, sông Tiền bị khóa thì họ còn một đường thủy khác. Kênh đào Funan do đó có mục đích chiến lược chứ không phải chỉ mục đích kinh tế…”

Giới thạo tin cho rằng “lò” có thể sẽ đốt cả bà Trương Thị Mai (phải), thường trực Ban Bí thư kiêm trưởng Ban Tổ chức Trung ương đảng. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vỡ bình, đất nước sẽ ra sao?

Công cuộc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng cho đến nay, chẳng những đã thất bại, đã không trị được cội rễ của tham nhũng mà còn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ông ta. Rải rác đã có lời đồn đoán phen này không chừng chủ lò lại biến thành củi vì “trách nhiệm chính trị của người đứng đầu” khi hàng loạt đảng viên cao cấp – đảm nhiệm từ chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, phó thủ tướng, bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh đến tướng tá quân đội và công an – bị cách chức, bị tống giam đến mức “đã đủ nhân sự lập một chính phủ trong tù!”