Bản tin Việt Tân – Tuần lễ 25 – 31/12/2023

Đảng Việt Tân

Chứng nhận “Đánh dấu 50 năm Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị xâm lược" với chữ ký của chủ tịch Thượng và Hạ Viện cùng 30 dân biểu, thượng nghị sĩ Tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ (screenshot)

BẢN TIN VIỆT TÂN
(Tuần lễ 25-31/12/2023)

Bản tin này để gửi đến quý vị một số sinh hoạt của Việt Tân cùng những nhận định về một số sự kiện lớn trên thế giới hoặc có ảnh hưởng tới Việt Nam. Để ghi danh nhận hoặc ngưng bản tin, xin liên lạc: bantin@viettan.org

Cảm ơn quý vị đã đọc, ủng hộ và tiếp tay loan tải Bản Tin này.

Ban biên tập Bản Tin Việt Tân

***

Nội dung bao gồm:

  • Sinh hoạt Đánh Dấu 50 Năm Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm;
  • Bộ Ngoại Giao Hòa Lan Gặp Cộng Đồng Việt Nam;
  • Đảng Việt Tân công bố tài liệu: “Một cách thức kiểm duyệt khác – Tìm hiểu về tiêu chuẩn cộng đồng Facebook tại Việt Nam”;
  • Lễ 49 Ngày của Cố Chiến hữu Nguyễn Kim.

SINH HOẠT VIỆT TÂN

SINH HOẠT ĐÁNH DẤU 50 NĂM HOÀNG SA BỊ TRUNG QUỐC CƯỠNG CHIẾM

– HƠN 15.000 NGƯỜI ĐÃ KÝ TÊN VÀO KIẾN NGHỊ “HOÀNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM”

Vào đầu năm 2023, một trăm ba mươi sáu tổ chức Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới đã ký vào Lá Thư Chung: Hành Động Vì Trường Sa Hoàng Sa, tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam, lên án hành động xâm lược, chiếm đóng trái phép của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời kêu gọi mọi người cùng hành động bảo vệ chủ quyền đất nước.

Hơn 130 tổ chức, đoàn thể lên án Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đồng thời kêu gọi mọi người cùng hành động bảo vệ chủ quyền đất nước

Lá Thư Chung đã được gửi đến Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế (PCA – Permanent Court of Arbitration) trong ngày 11/3/2023, cùng lúc diễn ra cuộc biểu tình đầy khí thế với hàng trăm người tham dự ngay trước trụ sở của cơ quan quốc tế này tại The Hague (Hòa Lan).

Tòa Án Trọng Tài Thường Trực là cơ quan liên chính phủ thường trực, đóng vai trò giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua thủ tục trọng tài và “các phương tiện ôn hòa khác.” Vào năm 2016, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, PCA đã khẳng định “không có cơ sở pháp lý” đối với đòi hỏi “quyền lịch sử” của Trung Quốc về những tài nguyên tại các vùng biển nằm trong bản đồ “đường 9 đoạn” ở Biển Đông mà nước này đơn phương tuyên bố để đưa ra yêu sách chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, gây tranh chấp với các nước Brunei, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Một số hình ảnh cuộc biểu tình trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế tại The Hague (La Haye), Hòa Lan ngày 11/3//2023:

Việt Nam đã tham gia PCA vào năm 2012 bằng việc ký kết Công ước La Haye 1907 về Giải quyết Tranh chấp Quốc tế ở Thái Bình Dương. Và mới đây, PCA đã khai trương văn phòng đại diện mới ở Hà Nội, hôm 24 tháng 11, 2022, với sự hiện diện của Tổng thư ký PCA và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn.

Ngay sau cuộc biểu tình, một cuộc vận động chữ ký nhằm kêu gọi nhà cầm quyền CSVN đệ đơn kiện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại PCA, khi Trung Quốc đang ngày càng hung hăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông.

Tính cho đến ngày 25 tháng 12, 2023 đã có hơn 15.000 người khắp nơi ký tên vào Kiến Nghị, với số chữ ký được ghi nhận như sau: Hoa Kỳ (3.988), Việt Nam (3.177), Úc Châu (2.615), Đức (2.106), Canada (639), Pháp (510), Hòa Lan (501), Vương Quốc Bỉ (333), Thụy Sĩ (315), Na Uy (189), Nhật Bản (172), Đan Mạch (160), Vương Quốc Anh (151), Đài Loan (136). Hiện việc thu nhận chữ ký vẫn tiếp tục.

Đặc biệt trong cuộc vận động này, Cộng Đồng Người Việt tại Tiểu Bang Hawaii đã tạo một dấu ấn lịch sử khi lần đầu tiên vận động được một cơ quan lập pháp cấp tiểu bang Hoa Kỳ lên tiếng công nhận “Hoàng Sa là của Việt Nam.”

Chủ tịch Hạ Viện Scott Saiki và Chủ tịch Thượng Viện Ronald Kouchi của Tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ đã cùng 30 dân biểu và thượng nghị sĩ khác ký tên ban hành bản Chứng nhận “Đánh dấu 50 năm Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị xâm lược.”

Cơ quan lập pháp khóa thứ 32 của Tiểu bang Hawaii ghi nhận Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối với Quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ thứ 19 và đang kiểm soát nơi này khi bị nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc xâm lược vào ngày 19 tháng 01 năm 1974, khiến 74 hải quân VNCH hy sinh tính mạng.

Tuyên bố cũng nhắc lại rằng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã nhận định “các hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông đã phá hoại hòa bình và an ninh trong khu vực.” Cơ quan lập pháp Tiểu bang Hawaii cũng đã vinh danh tất cả những người Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Chứng Nhận “Đánh dấu 50 năm Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị xâm lược” với chữ ký của Chủ tịch Thượng Viện, Chủ tịch Hạ Viện và 30 dân biểu, thượng nghị sĩ Tiểu bang Hawaii

– ĐẢNG BỘ ORANGE COUNTY VẬN ĐỘNG CHỮ KÝ CHO HOÀNG SA TẠI LITTLE SÀI GÒN, NAM CALIFORNIA

Trong không khí rộn ràng của mùa lễ hội cuối năm ở miền Nam California, Đảng bộ Việt Tân Orange County đã tổ chức buổi xuống đường tiếp xúc với đồng hương tại vùng Little Saigon để quảng bá chiến dịch kêu gọi đồng bào ký tên vào Kiến nghị thư Hoàng Sa thuộc Việt Nam.

Anh chị em Việt Tân xuống đường tiếp xúc với đồng hương tại khu thương xá Phước Lộc Thọ, vùng Little Saigon hôm 23/12/2023 để kêu gọi ký tên vào Kiến nghị thư Hoàng Sa thuộc Việt Nam. Ảnh: Đảng bộ Việt Tân Orange County

Vào sáng thứ Bảy ngày 23 tháng 12, 2023, bàn thông tin Việt Tân được thiết lập ngay tại khu vực sân khấu chính của trung tâm thương mại sầm uất Phước Lộc Thọ, trên phố Bolsa, đã gây sự chú ý của đông đảo khách viếng tại đây.

Rất nhiều tài liệu về Lá Thư Chung: Cùng Hành Động Vì Hoàng Sa – Trường Sa, bản tóm tắt các diễn biến lịch sử liên quan tới sự kiện Trung Quốc ngang nhiên cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa… được nhanh chóng phân phối tới quý đồng hương. Qua sự trao đổi và gặp gỡ trực tiếp, anh chị em Việt Tân đã nhận được sự đồng thuận và sẵn lòng cùng ký tên vào Kiến nghị thư của nhiều đồng bào đủ mọi thành phần, nam nữ, già trẻ và kể cả một số du khách Hoa Kỳ.

Đồng hương đồng lòng ký tên vào Kiến nghị thư Hoàng Sa thuộc Việt Nam. Ảnh: Đảng bộ Việt Tân Orange County

– CHUN BỊ BIỂU TÌNH – HỘI THẢO ĐÁNH DẤU 50 NĂM (1974-2024) HOÀNG SA BỊ TRUNG QUỐC CƯỠNG CHIẾM

Để đánh dấu 50 năm Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm và kết thúc chiến dịch một năm vận động ký tên vào Kiến Nghị Thư: Hoàng Sa Thuộc Việt Nam, một số sinh hoạt đang được chuẩn bị:

Tại Hòa Lan

1/ Biểu Tình Trước Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế tại La Haye

Vào Thứ Bảy, ngày 20 tháng 1, 2024 từ 14:00 giờ đến 16:00 giờ (giờ địa phương)
tại Carnegieplein 2 – 2517 KJ Den Haag

2/Hội Thảo và Văn Nghệ Đấu Tranh “Hoàng Sa 50 Năm Nhìn Lại và Những Việc Cần Làm”

Thứ  Bảy, ngày 20 tháng 1, 2024 từ 17:00 giờ đến 21:00 giờ
tại Dienstencentrum Copernicus – Daguerrestraat 16 – 2561 TT Den Haag

Tại Houston, Hoa K

Hội Thảo “Biển Đông Dậy Sóng làm cách nào lấy lại Hoàng Sa?”

Thứ Bảy, ngày 20 tháng 1, 2024 từ 14:00 giờ đến 17:00 giờt
tại Phòng Sinh Hoạt Câu Lạc Bộ Thân Hữu Việt Tân, Houston

Với diễn giả: Giáo sư Nguyễn Trần Quý, nguyên Thư Ký Quốc Hội VNCH và Tiến sĩ Trần Diệu Chân, Giám Đốc Chương Trình Radio Tiếng Nước Tôi Sacramento, California.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về các sinh hoạt này trong các bản tin tới.

BỘ NGOẠI GIAO HÒA LAN GẶP ĐẠI DIỆN CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM

Ngày 14 tháng 12, 2023 vừa qua, bà Karlijn van Bree và bà Mirjam Hoogendam, đại diện Bộ Ngoại Giao Hòa Lan đã tiếp xúc một phái đoàn gồm cô Nguyễn Phượng Thanh Quyên, đại diện Cộng đồng người Việt, bà Nguyễn Thị Thu Vân và bà Nguyễn Phi Yến, đại diện Cơ sở Đảng Việt Tân tại Hòa Lan, để tìm hiểu về tình hình đàn áp nhân quyền tại Việt Nam.

Quang cảnh cuộc trao đổi giữa đại diện Bộ Ngoại Giao Hòa Lan với Phái đoàn đại diện cộng đồng người Việt tại Hòa Lan về tình hình đàn áp nhân quyền tại Việt Nam

Năm 2022 Việt Nam được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Thay vì trả tự do cho các nhà hoạt động đang bị giam cầm, nhà cầm quyền Việt Nam lại đàn áp ngày một thêm mạnh mẽ. Hiện nay chế độ đang giam cầm ít nhất là 200 nhà hoạt động xã hội dân sự, ký giả độc lập và ngay cả những người bình thường dùng mạng xã hội. Như bà Ngô Thị Tố Nhiên, blogger Đường Văn Thái…

Cô Nguyễn Phượng Thanh Quyên, thuộc thế hệ thứ hai của cộng đồng, tỏ ra rất quan tâm đến vấn đề vi phạm nhân quyền và đàn áp các tổ chức xã hội dân sự của nhà cần quyền CSVN trong thời gian gần đây. Cô đã tích cực liên lạc với Bộ Ngoại Giao Hòa Lan yêu cầu có những áp lực mạnh mẽ về nhân quyền lên chế độ Hà Nội xuyên qua các hỗ trợ về nhân đạo.

Bà Karlijn đã bày tỏ sự quan tâm đến những người bị bắt và cho biết Bộ Ngoại Giao Hòa Lan luôn luôn tìm cách có mặt trong những phiên tòa xét xử những người đấu tranh. Nhưng do Hà Nội tìm mọi cách ngăn cản, nên có nhiều phiên tòa nhân viên sứ quán Hòa Lan đã không được phép tham dự. Ngoài ra, cả hai vị đại diện Bộ Ngoại Giao cũng đã tìm hiểu về các hoạt động của đảng Việt Tân.

Sau hơn một tiếng trao đổi, cô Thanh Quyên (ảnh trên) và bà Thu Vân (ảnh dưới) đã trao thỉnh nguyện thư và tài liệu về việc kiểm duyệt mạng của nhà cầm quyền Việt Nam cũng như báo cáo về tù nhân lương tâm.

ĐẢNG VIỆT TÂN CÔNG BỐ TÀI LIỆU “MỘT CÁCH THỨC KIỂM DUYỆT KHÁC – TÌM HIỂU VỀ TIÊU CHUẨN CỘNG ĐỒNG FACEBOOK TẠI VIỆT NAM”

Trang bìa tài liệu “Một cách thức kiểm duyệt khác – Tìm hiểu về tiêu chuẩn cộng đồng Facebook tại Việt Nam” do Việt Tân công bố tháng 12/2023

Internet đã giúp người dân Việt Nam kết nối với nhau và với thế giới. Do ở Việt Nam không có báo chí độc lập, nên người dân tìm đến mạng xã hội để theo dõi tin tức và tranh luận về các vấn đề của đất nước. Từ sự trao đổi chính trị trên mạng đã giúp dẫn đến sự phát triển của xã hội dân sự trong thực tế.

Để kiểm duyệt internet chính phủ Việt Nam chặn đường truy cập vào các trang mạng nước ngoài, làm chậm lưu lượng truy cập internet và chỉ đạo các công ty công nghệ ngăn chặn người dùng địa phương truy cập nội dung “nhạy cảm” về chính trị.

Trong khi sự kiểm duyệt trực tiếp của chính phủ vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng, các nhà hoạt động và nhà báo công dân Việt Nam đang ngày càng bị kiểm duyệt nhiều hơn bởi cái gọi là tiêu chuẩn cộng đồng của các mạng truyền thông xã hội. Các tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook, có mục tiêu bảo vệ người dùng, đang bị các thành phần có mục tiêu bất chính lạm dụng để bảo vệ chính phủ Việt Nam và bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận.

Tài liệu Một cách thức kiểm duyệt khác – Tìm hiểu về tiêu chuẩn cộng đồng Facebook tại Việt Nam báo động về hành vi lạm dụng các tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook để tấn công các nhà hoạt động và các tổ chức vận động cho Nhân Quyền ở Việt Nam. Tài liệu cũng đưa ra các khuyến nghị cho công ty Meta để xây dựng một môi trường mạng xã hội an toàn.

LỄ 49 NGÀY CỦA CỐ CHIẾN HỮU NGUYỄN KIM ĐƯỢC TỔ CHỨC CÁC NƠI

Lễ Cầu Siêu 49 Ngày Cố Chiến hữu Nguyễn Kim tại Chùa Phật Giáo, Thành phố Boston, Massachusetts ngày 26/12/2023

Chiến hữu Nguyễn Kim, cựu Trung Tá Không Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cựu Chủ Tịch Đảng Việt Tân (2001-2006) sinh ngày 13 tháng 11 năm 1944 đã mãn phần vào ngày 8 tháng 11 năm 2023, hưởng thọ 79 tuổi. Tang lễ của Chiến hữu Nguyễn Kim đã được cử hành một cách trang trọng tại Thành phố Sacramento vào ngày 16 tháng 11 năm 2023 với sự tham dự đông đảo của gia đình, bằng hữu, thân hữu và các chiến hữu Việt Tân từ nhiều nơi trên Thế giới và các Tiểu bang Hoa Kỳ về tiễn đưa.

Ngày 26 tháng 12 vừa qua, Lễ 49 Ngày của cố Chiến hữu Nguyễn Kim đã được trang trọng tổ chức tại một số nơi.

Hoa Kỳ: Chùa Bảo Phước, Thành Phố San Jose và Chùa Phật Giáo, Thành Phố Boston.

Canada: Chùa Pháp Hoa Monastery, Thành Phố Surey, Vancouver B.C.

Pháp: Chùa Khánh Anh, Evry, Paris.

Các thân hữu, chiến hữu và gia đình của Chiến hữu Nguyễn Kim dự Lễ Cầu Siêu 49 Ngày tại Chùa Bảo Phước, Thành phố San Jose, California chiều ngày 26 tháng 12 năm 2023

Chiến hữu Nguyễn Kim đã để lại cho anh chị em Việt Tân ba tấm gương sáng của người lãnh đạo: Sống đời bình dị, Đối xử thân ái và tương kính, Đóng góp Tận lực bất kể vị trí cao thấp trong tổ chức.

Cảm ơn quý vị đã đọc, ủng hộ và tiếp tay loan tải Bản Tin Việt Tân

Việt Tân là tập hợp của những con dân Việt từ mọi miền đất nước và khắp năm châu cùng khát vọng dân chủ hóa và canh tân đất nước