Bangladesh: Cách mạng đường phố lật đổ chính phủ chuyên quyền

Thu Hằng - RFI

GS Muhammad Yunus (thứ tư từ trái), người đoạt giải Nobel Hòa Bình 2006 tuyên thệ nhậm chức thủ tướng lâm thời ở Dacca, Bangladesh hôm 8/08/2024 sau cuộc cách mạng đường phố khiến nữ Thủ tướng độc tài Sheikh Hasina từ chức, trốn sang Ấn Độ. Ảnh: Reuters - Mohammad Ponir Hossain

Bangladesh cuối cùng đã sang trang 15 năm “triều đại” Sheikh Hasina. Nữ thủ tướng 76 tuổi đã đánh đổi danh tiếng của gia tộc, với người cha Sheikh Mujibur Rahman được coi là nhà lập quốc, để bám quyền và cuối cùng phải chạy sang Ấn Độ và từ chức. Cũng vì bà “tham quyền cố vị” mà hơn 400 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình bị cảnh sát thẳng tay trấn áp. Chính phủ lâm thời đã được (người đoạt) giải Nobel Hòa Bình Muhammad Yunus thành lập ngày 8/8/2024.

Việc “triều đại” Hasina bị lật đổ có thể được giải thích qua nhiều yếu tố. Nhưng lý do đầu tiên là sự phẫn nộ của giới trẻ dẫn tới cuộc cách mạng đường phố. Nguyên nhân sâu xa là hệ thống hạn ngạch công chức được cho là ưu ái đối với con em cựu chiến binh có công lập quốc, có nghĩa là người của đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) của thủ tướng.

Việc “triều đại” Hasina bị lật đổ có thể được giải thích qua nhiều yếu tố. Nhưng lý do đầu tiên là sự phẫn nộ của giới trẻ dẫn tới cuộc cách mạng đường phố. Nguyên nhân sâu xa là hệ thống hạn ngạch công chức được cho là ưu ái đối với con em cựu chiến binh có công lập quốc, có nghĩa là người của đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) của thủ tướng.

Đường phố thắng thủ tướng

Năm 2009, trở lại điều hành chính phủ sau 5 năm làm phe đối lập, Thủ tướng Sheikh Hasina bị lên án đưa đất nước vào vòng xoáy chuyên chế, nhất là kể từ khi bà tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 vào tháng 1/2024 sau cuộc bầu cử lập pháp bị đối lập tẩy chay. Dưới thời của bà, nền kinh tế Bangladesh đã phát triển mạnh nhưng chính phủ lại không kiểm soát được lạm phát và thất nghiệp tăng cao, đặc biệt là ở giới trẻ.

Chính vì thế, sinh viên bất bình đòi xóa bỏ “hệ thống hạn ngạch công chức,” từng được giảm nhẹ năm 2018, nhưng lại được khôi phục từ tháng 6/2023. Họ lên án hệ thống này ưu ái với con em của các cựu chiến binh, chủ yếu là người ủng hộ đảng BNP cầm quyền. Phong trào bùng phát từ ngày 16/7 sau khi nhiều người biểu tình bị sát hại. Chính phủ không bãi bỏ hệ thống hạn ngạch nhưng giảm tỉ lệ 20% dành cho con em cựu chiến binh xuống còn 5%. Nhưng phẫn nộ đã lan rộng, làn sóng biểu tình lan khắp cả nước, người biểu tình đòi thủ tướng từ chức.

Vai trò bình ổn của quân đội

Lý do thứ hai góp phần vào thành công là quân đội Bangladesh không ủng hộ Thủ tướng Sheikh Hasina, trái với lực lượng cảnh sát giúp chính phủ trấn áp đẫm máu người biểu tình. Reuters, trích thông tin từ một quan chức Ấn Độ, cho biết trước ngày Thủ tướng Sheikh Hasina trốn sang Ấn Độ, Tổng tư lệnh Quân đội Waker-Uz-Zaman, đã họp với các tướng lĩnh, sau đó liên lạc với văn phòng của bà Hasina, để thông báo rằng quân đội không thể triển khai biện pháp “phong tỏa” như bà yêu cầu.

Lần đầu tiên, quân đội Bangladesh từ chối trấn áp biểu tình, khiến Thủ tướng Sheikh Hasina mất nơi nương tựa. Luật gia Pháp Nordine Drici, giám đốc văn phòng chuyên môn và tư vấn ND Consultance, giải thích trên đài RFI về vai trò của quân đội:

“Từ năm 1990, quân đội không thực sự và không trực tiếp giữ vai trò chính trị ở Bangladesh. Tổng thống cuối cùng xuất thân từ quân đội là Tướng Ershad, người thành lập đảng Jatiya, một đảng lớn ở Bangladesh. Chính quyền dân sự thực sự bắt đầu từ năm 1990 với nữ thủ tướng đầu tiên Khaleda Zia, sau đó là Sheikh Hasina Wajed. Quân đội không còn có vai trò chính trị trực tiếp mà giữ vai trò bình ổn cho chính trị. Đó là vai trò điều phối mà chúng ta thấy ở Bangladesh hiện giờ. Đó chính xác là vai trò hiện nay của Tướng Waker-Uz-Zaman [Tổng tư lệnh Quân đội]. Ông ấy bảo đảm an toàn cho tiến trình chính trị này.

Tiếp theo, phe quân sự cũng không ngây thơ, theo nghĩa họ cũng có lợi ích khi bà Sheikh Hasina cầm quyền, trong đó có lợi ích kinh tế, vì giữa quân đội và lĩnh vực tư nhân có một mối liên hệ mạnh mẽ. Và họ muốn giữ những ưu đãi đó, giữ khả năng đầu từ vào lĩnh vực tư nhân. Cho nên, tôi nghĩ rằng họ sẽ gây ảnh hưởng để trở thành một lực lượng chính trị ở Bangladesh nhưng không trực tiếp là một đảng.”

Tại sao lại chọn Muhammad Yunus?

Tướng Waker-Uz-Zaman đã đóng vai trò điều phối khi tổ chức các cuộc gặp với các đảng đối lập, đại diện của sinh viên để chuẩn bị cho việc thành lập một chính phủ lâm thời. Tất cả đồng tình chọn Kinh tế gia Muhammad Yunus, người được trao giải Nobel Hòa Bình năm 2006, và được coi là “ngân hàng của người nghèo” để thành lập chính phủ chuyển tiếp trong lúc chờ bầu cử Quốc hội. Tại sao lại là Muhammad Yunus? Một sinh viên Đại học Dacca giải thích với RFI :

“Chúng tôi muốn một ai đó đủ tín nhiệm, ai đó không bị thiên lệch. Giáo sư Muhammad Yunus là một người mà chúng tôi cho là thích hợp để đảm nhiệm chức vụ này, ông ấy nổi tiếng cho đến bây giờ. Gần đây, ông ấy bị chính phủ Bangladesh truy bức, bị cáo buộc là khai thác nhân viên của ông, cùng với nhiều cáo buộc hoàn toàn bịa đặt khác. Đó là người thích hợp nhất cho vị trí này bởi vì chúng tôi muốn một người nào đó đủ khả năng và đáng tin tưởng để điều hành phong trào này. Năm 2007, khi quân đội đảo chính và lật đổ chính phủ, quân đội đã yêu cầu Muhammad Yunus thành lập chính lâm thời nhưng giải Nobel Hòa Bình từ chối vì theo ông, việc đó có lẽ là phản bội lại nhân dân Bangladesh. Một người có tầm vóc như ông ấy lại không tham quyền thì xứng đáng với niềm tin của chúng tôi.”

5 thách thức của chính phủ lâm thời

Ông Muhammad Yunus đã tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời ngày 8/8. Ngay lập tức, Pakistan, Trung Quốc, Hoa Kỳ… đã hoan nghênh và hy vọng Bangladesh ổn định trở lại. Ngày 5/8, trước khi từ Paris – nơi ông tạm lánh nạn sau khi vào đầu năm, bị tư pháp Bangladesh kết án 6 tháng tù vì vi phạm luật lao động – để về Dacca, ông là khách mời của Đài Truyền hình France 24. Ông nhấn mạnh đến quyền công dân nhưng người Bangladesh bị tước đoạt từ nhiều năm qua:

“Chúng tôi cần một chính phủ vì chính phủ đã không còn nữa. Hasina đã rời đất nước. Chuyện gì sẽ xảy ra? Một chính phủ lâm thời đã được thông báo, chính phủ này phải đảm trách việc tổ chức bầu cử vì chúng tôi không có bầu cử từ nhiều năm qua. Lần đầu tiên, chúng tôi sẽ có một cuộc bầu cử công bằng và minh bạch để mọi người có thể đi bỏ phiếu và quyết định họ muốn có ai trong chính phủ, ai đại diện họ ở Quốc hội. Đó là quyết định của họ, vậy mà họ từng không thể thực hiện quyền này, người ta đã chọn thay cho họ. Chúng tôi muốn một hệ thống dân chủ trong sạch, nơi không ai có thể can thiệp vào quyền được bỏ phiếu và bày tỏ chính kiến và Nhà nước pháp quyền.”

Một ngày trước khi về nước, ông được Tòa án Lao Động Bangladesh xử trắng án sau khi kháng cáo. Ông cho biết không có ý định nắm quyền lâu dài và chỉ muốn toàn tâm toàn ý vào những dự án hỗ trợ vốn cho người lao động, thông qua quỹ Grammen Bank (thành lập năm 1983). Ông là người đã giúp hàng triệu người Bangladesh thoát nghèo, xóa tình trạng bần cùng ở quốc gia từng nằm trong số những nước nghèo nhất thế giới.

Một chương mới mở ra cho Bangladesh. Tuy nhiên, theo AFP, chính phủ lâm thời sẽ phải đối mặt với 5 thách thức. Trước tiên, vai trò thiếu rõ ràng của quân đội trong chính phủ lâm thời. Giám đốc Viện Nam Á của Wilson Center tại Washington cho rằng “các chỉ huy quân đội sẽ giữ vai trò lớn trong việc giám sát chính phủ lâm thời dù họ không trực tiếp điều hành.” Tiếp theo là phải lập lại an ninh, vực dậy nền kinh tế bởi vì các vụ bạo loạn đã khiến hoạt động của công xưởng may mặc thế giới bị tác động. Vấn đề thứ 4 liên quan đến tư pháp, phải mở điều tra về những sự kiện tang thương trong những tuần vừa qua. Cuối cùng là tổ chức bầu cử để “khôi phục nền dân chủ, bị xói mòn trong những năm qua, ở Bangladesh,” theo nhà phân tích Thomas Kean của tổ chức International Crisis Group, trong khi phe đối lập cũng “bị suy yếu và chia rẽ .”

Thu Hằng

Nguồn: RFI

XEM THÊM: