Bao Giờ Thì Nhật Ra Dự Luật Nhân Quyền Đối Với Bắc Triều Tiên

Mặc dù hơn 70% dân chúng Nhật tán thành việc chế tài kinh tế Bắc Triều Tiên, nhưng chính quyền ông Koizumi vẫn đang còn do dự, chưa có thái độ dứt khoát vì muốn cho Bình Nhưỡng có thêm một thời gian nữa để bày tỏ thiện chí của mình trong những cuộc hội đàm sắp tới. Thế nhưng từ mấy tháng nay thái độ của Bình Nhưỡng vẫn ngoan cố khiến cho người dân Nhật càng thêm bất mãn chính quyền ông Koizumi. Đứng trước tình trạng này đảng đối lập, Dân Chủ, đã tuyên bố nếu chính quyền Koizumi không chịu áp dụng biện pháp chế tài kinh tế Bắc Triều Tiên thì Quốc hội phải sử dụng biện pháp riêng của mình đó là cho thông qua một dự luật Nhân Quyền đối với Bắc Triều Tiên. Tuy đi sau một bước nhưng đảng cầm quyền, Tự Do Dân Chủ, cũng đã chứng tỏ thực lực của mình khi công bố rằng sẽ đệ trình Quốc Hội dự luật Nhân Quyền đối với Bắc Triều Tiên vào khóa họp này. Vào ngày 15 tháng 3 năm 2005, Đại diện đảng cầm quyền họp báo cho hay mặc dù nội dung dự luật Nhân Quyền mà chúng tôi soạn thảo có khác biệt với đảng đối lập đôi chút, nhưng trên căn bản là cả hai đảng đều nhất trí phải sớm thành hình một dự luật Nhân Quyền đối với Bắc Triều Tiên.

Theo các nhà đấu tranh cho Nhân Quyền thì việc lên án chế độ cộng sản Bắc Triều Tiên vi phạm nhân quyền là điều đúng mà đáng lý ra phải làm từ lâu vì mọi người, đặc biệt là các dân biểu nghị sĩ ai cũng biết chính quyền Bình Nhưỡng chà đạp nhân quyền một cách trắng trợn. Đợi đến khi quyền lợi của Nhật bị Bắc Triều Tiên uy hiếp thật sự mới tính đến chuyện ra dự luật Nhân Quyền đối với nước này thì ở trên một mặt nào đó không có giá trị bằng đạo luật Nhân Quyền đối với Bắc Triều Tiên của Hoa Kỳ đưa ra vào tháng 10 năm ngoái, nhưng có còn hơn không.

Sử dụng dự luật Nhân Quyền để áp lực chính quyền cộng sản Bắc Triều Tiên phải tôn trọng những quyền căn bản của người dân như quyền tự do phát biểu ý kiến, quyền tự do báo chí, quyền đi lại…và nhất là không được đàn áp, bắt bớ người dân một cách vô cớ. Không sử dụng dự luật Nhân Quyền chỉ với mục đích bắt chính quyền Bình Nhưỡng phải nghiêm chỉnh giải quyết vấn đề những thường dân Nhật bị Bắc Hàn bắt cóc. Đó là những ý kiến của các chuyên gia đưa ra để nhắc nhở các nhà làm luật của Nhật cần lưu ý đến ý nghĩa đích thực của một dự luật Nhân Quyền mỗi khi đưa ra. Cũng theo các chuyên gia này thì mặc dù ngoài mặt chính quyền Bình Nhưỡng làm như chẳng ngán gì về cái đạo luật Nhân Quyền đối với Bắc Triều Tiên mà Hoa Kỳ đưa ra vào tháng 10 năm 2004, thế nhưng thực tế cho thấy Bắc Hàn rất lao đao về cái dự luật Nhân Quyền này. Sở dĩ đạo luật Nhân Quyền mà Hoa Kỳ đưa ra có đủ sức mạnh vì cái đạo luật Nhân Quyền đó bênh vực cho người dân Bắc Hàn đang bị áp bức bởi chính quyền cộng sản độc tài, không nhắm đến quyền lợi riêng cho Hoa Kỳ. Đi kèm với dự luật đó Washington sẵn sàng chi ra mỗi năm 20 triệu mỹ kim và trong bốn năm liền để giúp đỡ những người tị nạn Bắc Hàn và điều quan trọng là chấp nhận cho những ai có đủ điều kiện đến định cư tại Hoa Kỳ. Ngoại trừ khoản viện trợ nhân đạo, chính quyền ông Bush cũng đã cắt hết mọi viện trợ cho đến khi nào tình trạng nhân quyền tại Bắc Triều Tiên được cải thiện.

Vào đầu tuần này, các dân biểu thuộc đảng cầm quyền ở trong Ủy ban soạn thảo dự luật Nhân Quyền đối với Bắc Triều Tiên cho hay Nhật cũng đã có luật về xác nhận tư cách người tị nạn thì căn cứ vào đó mà xét. Về phía các dân biểu đảng đối lập thì tích cực hơn khi cho rằng những người Bắc Hàn vượt biên chắc chắn sẽ bị bức hại nếu bị trả về nước, Nhật Bản đã ký vào điều ước Tị Nạn của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc thì chiếu theo đó mà thu nhận người tị nạn Bắc Hàn cũng như đã từng thu nhận người tị nạn Đông Dương trước đây.

Liên quan đến vấn đề thâu nhận người tị nạn Bắc Hàn, bộ Tư pháp Nhật đã có ý kiến như sau nhận người tị nạn với lý do nhân đạo là việc nên làm, nhưng cũng phải thận trọng vì Bình Nhưỡng sẽ lợi dụng lòng nhân đạo đó để cho gián điệp trà trộn vào, một điều rất nguy hiểm cho nền an ninh của Nhật, Hàn Quốc đang điên đầu về chuyện này.

Nếu Quốc hội Nhật thông qua dự luật Nhân Quyền đối với Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ có vài quốc gia lên tiếng chỉ trích, trong số đó ắt hẳn sẽ có Trung quốc và Việt Nam vì hai nước này vi phạm nhân quyền đâu thua gì Bắc Triều Tiên.