Belarus: Liên Âu trừng phạt quan chức “đàn áp biểu tình,” “gian lận bầu cử”

Trọng Thành - RFI

Những người ủng hộ phe đối lập Belarus tập trung gần một ga tàu điện ngầm ở trung tâm thủ đô Minsk, ngày 15/08/2020, để tham dự lễ tang một người biểu tình thiệt mạng do bị cảnh sát đàn áp. Ảnh: AFP

Hôm qua, 14 tháng Tám, 2020, Liên Hiệp Châu Âu quyết định ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức Belarus đàn áp người biểu tình, gian lận trong kiểm phiếu. Lãnh đạo đối lập Belarus kêu gọi nhân dân tiếp tục biểu tình, phản kháng ôn hòa trong kỳ nghỉ cuối tuần.

Theo AFP, chiều hôm qua, “Liên Âu quyết định sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt, nhắm vào các quan chức, thủ phạm gây ra các hành động bạo lực, bắt bớ và gian lận liên quan đến bầu cử” tổng thổng Belarus. Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde thông báo tin trên, sau cuộc họp qua cầu truyền hình với các đồng nhiệm châu Âu. Một danh sách các quan chức bị trừng phạt sẽ được lập ra. Các biện pháp trừng phạt có hiệu lực sau khi các quốc gia thành viên Liên Âu thông qua danh sách này.

Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn tố cáo “chủ nghĩa khủng bố Nhà nước tại Belarus, điều không thể chấp nhận được tại châu Âu thế kỷ 21.” Quốc vụ khanh Pháp phụ trách châu Âu, Clément Beaune, cho biết Paris “triệt để cam kết thực hiện việc trừng phạt có trọng điểm nhắm vào các thủ phạm, và ủng hộ người Belarus thực thi các quyền tự do của mình.”

Liên Âu thúc đẩy chính quyền của Tổng thống Loukachenko đàm phán theo kế hoạch ba điểm, do Ba Lan, Litva và Estonia đề xuất, trong đó có đề nghị tổ chức bầu cử lại, với sự giám sát của các quan sát viên quốc tế.

Cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật 08 tháng Tám, với kết quả chính thức là Tổng thống Alexandre Loukachenko tái đắc cử với 80% số phiếu, đã bị phe đối lập Belarus tố cáo là gian lận. Từ đó đến nay, ngày nào cũng có các cuộc xuống đường phản đối kết quả bầu cử. Phong trào phản kháng bị cảnh sát đàn áp dữ dội. Tính đến hôm qua, có khoảng 150 người biểu tình bị thương phải điều trị ở bệnh viện, ít nhất 2 người chết do bị cảnh sát đàn áp.

Nhiều nhân chứng cho AFP biết về các điều kiện giam giữ tồi tệ, bị bỏ đói, không cho nước uống (có lúc 50 người bị đẩy vào một phòng giam thông thường chỉ dành cho 4 tù nhân), nhiều người bị đánh đập, chích điện. Tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International cho biết có một số người biểu tình “bị lột trần, đánh đập tàn bạo và đe dọa cưỡng hiếp.”

Tổng thống Loukachenko kêu gọi “kiềm chế” với người biểu tình

Hôm qua, chính quyền Minsk tỏ dấu hiệu muốn xuống thang, khi tuyên bố sẵn sàng “đối thoại mang tính xây dựng .” Tính đến tối hôm qua, hơn 2.000 người biểu tình đã được phóng thích, trên tổng số khoảng từ 6.700 đến hơn 7.000 người bị bắt. Tổng thống Loukachenko kêu gọi lực lượng an ninh “kiềm chế” trước người biểu tình.

Lãnh đạo đối lập, Svetlana Tikhanovskaïa, từng là ứng cử viên tổng thống và hiện giờ đang tị nạn tại Litva, kêu gọi người dân “biểu tình ôn hòa” trên khắp cả nước trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Bà Svetlana Tikhanovskaïa, 37 tuổi, giáo sư tiếng Anh, buộc phải rời Belarus sau khi bị chính quyền đe dọa, theo thông tin từ những người ủng hộ bà. Lãnh đạo đối lập Svetlana Tikhanovskaïa chỉ mới tham gia vào chính trường, khi ra ứng cử, kế tục chồng bà, một ứng cử viên tổng thống Belarus bị chính quyền bỏ tù từ tháng Năm.

Bất chấp đàn áp dữ dội, phong trào phản kháng tiếp tục. Phong trào phản đối chính quyền Loukachenko còn lan sang cả giới tinh hoa trong chính quyền. Nhiều phóng viên báo đài Nhà nước thông báo từ nhiệm, hơn 1.000 nhà khoa học lên tiếng phản đối “bạo lực.”

Belarus giao 32 lính đánh thuê” Nga cho Matxcơva

Cho đến nay, chính quyền Loukachenko luôn nhận được sự hậu thuẫn của Matxcơva. Nga tố cáo nước ngoài can thiệp vào nội bộ Belarus. Tuy nhiên, quan hệ giữa Belarus và Nga cũng căng thẳng. Hôm qua, Matxcơva thông báo đã đón nhận được 32 người Nga từng bị chính quyền Belarus cáo buộc là lính đánh thuê, gây bất ổn tại Belarus và bắt giữ hồi cuối tháng Bảy, 2020.

Trọng Thành

Nguồn: RFI