Bị Hà Nội Chèn Ép, Công Ty Bảo Hiểm Đức Rút Khỏi Việt Nam

Vào ngày 5 tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chánh nhà nước CSVN tiết lộ cho các ký giả biết công ty bảo hiểm Allianz VN có vốn đầu tư nước ngoài 100% đã làm đơn xin rút ra khỏi Việt Nam,và toàn bộ công ty này sẽ được bán lại cho một doanh nghiệp bảo hiểm Việt Úc, một công ty liên doanh giữa ngân hàng đầu tư & phát triển Việt Nam và tập đoàn bảo hiểm QBE của Úc. Allianz là một công ty bảo hiểm lớn của Đức. Năm 2001 công ty bảo hiểm Allianz đã mua lại ngân hàng lớn thứ ba của Đức là Dresdner với giá 29,7 tỷ Euro (tương đương 21 tỷ mỹ kim tính theo giá hối suất vào thời điểm đó). Từ việc mua bán này, Allianz có thêm được 6,5 triệu khách hàng do ngân hàng Dresdner cung cấp, nâng tổng số khách hàng lên thành 23,5 triệu người. Năm 1999, khi đầu tư vào Việt Nam, Allianz đã liên doanh với AGF (một công ty bảo hiểm của Pháp) và được coi như là một công ty bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Nhưng đến năm 2002, AGF đã chuyển nhượng hết 15% phần góp vốn của mình với Allianz cho IFC (Công ty Tài chánh Quốc tế).

Dư luận trong nước và giới đầu tư nước ngoài thắc mắc là tại sao việc đầu tư vào Việt Nam của người nước ngoài ngày càng tăng, đặc biệt về dịch vụ bảo hiểm thì đang trên đà phát triển mạnh theo chiều sâu theo như chính quyền Hà Nội thường hay khoe thì công ty bảo hiểm hạng nhất Allianz VN lại tuyên bố đóng cửa, rút ra Việt Nam trong lúc này. Những thắc mắc này đã phần nào được giải đáp khi có một nguồn tin thân cận của công ty cho biết là ban lãnh đạo Allianz tại Trung ương (Munich, Đức) muốn biên chế lại cơ cấu hoạt động và tập trung vào những thị trường hiệu quả hơn. Nói thẳng ra là Allianz không còn muốn đầu tư làm ăn tại thị trường Việt Nam nữa vì không có lời.

Công ty bảo hiểm Allianz VN vào Việt Nam chưa đầy 5 năm mà đã vượt qua cả “Đại gia” Bảo Việt trong dịch vụ bảo hiểm nhân thọ. Còn các dịch vụ bảo hiểm khác (phi nhân thọ) thì Allianz đã nhanh chóng chiếm được ngôi vị thứ ba trong số bảy công ty bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài. Với 1,66% trong tổng số thị trường bảo hiểm của bảy công ty bảo hiểm có vốn nước ngoài chỉ chiếm 7%, số thị trường còn lại 93% thuộc về bảy doanh nghiệp nhà nước, tức là các công ty bảo hiểm quốc doanh. Nhưng 6 tháng đầu của năm 2005, tổng số thị trường của bảy công ty bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bị thu hẹp lại chỉ còn 5,7%.

Các chuyên gia của nhà nước Việt Nam giải thích về việc thị trường bị thu hẹp này của các công ty bảo hiểm nước ngoài như sau: Một trong những lý do dẫn đến việc các công ty bảo hiểm có vốn nước ngoài hoạt động ì ạch là vì chính sách kinh doanh của họ không cho phép trả hoa hồng cho khách hàng mua bảo hiểm. Hầu hết các doanh nghiệp mua bảo hiểm (phi nhân thọ) đều đặt điều kiện đòi hoa hồng này. Trong khi đó, phía các chuyên gia bảo hiểm quốc tế cho rằng nếu không có sự bảo hộ của chính nhà nước Cộng sản Việt Nam đối với các công ty bảo hiểm quốc doanh của mình thì không lý gì mà số thị trường buôn bán của những công ty bảo hiểm có vốn nước ngoài bị giảm đi, vì từ hình thức kinh doanh cho đến cung cách phục vụ đều vượt trội hơn bảy công ty bảo hiểm quốc doanh kia rất nhiều. Sự bảo hộ này là vi phạm vào nguyên tắc kinh tế thị trường và không giữ đúng cam kết khi kêu gọi các công ty bảo hiểm nước ngoài vào Việt Nam đầu tư làm ăn. Allianz thấy rõ mình bị chơi ép, cho dù có nỗ lực bao nhiêu cũng không thể chiếm thêm được thị phần nên chỉ còn cách đóng cửa, rút ra khỏi Việt Nam là phương cách tốt nhất, khỏi mất công thưa kiện mà chắc cũng chẳng đi đến đâu. Phía công ty Tài chánh Quốc tế (IFC) cũng khẳng định vốn góp của IFC cũng sẽ được bán cùng với số vốn của Allianz.

Sự kiện công ty bảo hiểm Allianz của Đức phải tuyên bố rút khỏi Việt Nam là một dấu hiệu rất xấu cho Hà Nội trong việc thúc đẩy đầu tư từ những đại công ty của Cộng đồng chung Âu Châu. Nếu Hà Nội không tạo một sân chơi công bằng thì việc kêu gọi đầu tư vào Việt Nam sẽ ngày một gặp khó khăn mà thôi.