Bí quyết kiểm soát Internet của Trung Quốc

Minxin Pei/ Foreign Policy - Trung Điền lược dịch

Cảnh người sử dụng mạng Internet tại một Internet cafe ở Vũ Hán, năm 2010. Ảnh: Jie Zhao/ Corbis via Getty Images

Bài viết China’s Secret to Controlling the Internet (Bí Quyết Kiểm Soát Internet của Trung Quốc) là một tiểu luận mà Giáo sư Minxin Pei viết và đăng trên trang Foreign Policy vào ngày 18 tháng 2, 2024 để giới thiệu về Tập sách “The Sentinel State: Surveillance and the Survival of Dictatorship in Chinacủa mình vừa mới xuất bản vào tháng 2, 2024.

Lược dịch: Trung Điền

Khi Internet lần đầu tiên có thể truy cập được trên toàn thế giới, những người lạc quan hy vọng rằng nó sẽ có thể phá vỡ khả năng kiểm soát thông tin của các chế độ độc tài. Người ta cho rằng các chế độ độc tài sẽ bất lực trong việc chống lại cuộc cách mạng thông tin được tạo ra bởi bản chất phi tập trung của Internet. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không nghĩ như vậy.

Mặc dù ban đầu họ không có một kế hoạch toàn diện, nhưng họ đã phát triển các chiến thuật trong nhiều thập kỷ để đóng đinh câu ngạn ngữ “Jell-O” vào bức tường lửa vĩ đại của Trung Quốc. Cách tiếp cận độc nhất của Bắc Kinh tập trung vào việc kiềm chế cuộc cách mạng thông tin: Họ tập trung vào việc kiểm soát quyền truy cập Internet chứ không chỉ kiểm duyệt nội dung. Chính quyền Trung Quốc ưu tiên muốn biết ai đang trực tuyến – và điều này cho phép họ xác định, theo dõi, đe dọa và trừng phạt những ai là mối đe dọa tiềm tàng.

Khái niệm này – mà nhà nước Trung Quốc gọi là “kiểm soát chiến trường” – củng cố một trong những chiến thuật giám sát được sử dụng rộng rãi nhất cả trực tuyến và ngoại tuyến của Bắc Kinh. Đối với đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn coi việc trấn áp bất kỳ mối đe dọa nào đối với quyền lực của mình là một cuộc đấu tranh sinh tử, không gian mạng là một chiến trường mới. Và ĐCSTQ không chỉ dựa vào công nghệ để kiểm soát nó. Nó cũng sử dụng công nghệ để biết nơi nào và khi nào cần khai triển thêm lực lượng cảnh sát đến tuyến đầu trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát công cộng, cho dù đó là nhà ga xe lửa, trung tâm mua sắm, khách sạn hay trường đại học.

Để thống trị chiến trường không gian mạng, Bắc Kinh dựa vào hai cơ quan giám sát: Ủy ban các Vấn đề Không gian mạng Trung ương, một bộ phận của ĐCSTQ và các đơn vị cảnh sát. Cơ quan kiểm duyệt của đảng xác định nội dung nào cần ngăn chặn hoặc sàng lọc, trong khi cảnh sát thực thi quyền kiểm duyệt thông qua các chiến thuật như cài đặt phần cứng giám sát, chặn và lọc thông tin liên lạc của nghi phạm cũng như tiến hành điều tra và bắt giữ.

ĐCSTQ bắt đầu tiến hành kiểm soát Internet vào giữa những năm 1990, nhưng phải đến năm 2014, thì mới thành lập Nhóm Lãnh đạo Thông tin và An ninh mạng Trung ương, một cơ quan tích hợp cấp quốc gia chịu trách nhiệm cả về quản lý và kiểm duyệt. (Năm 2018, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thăng cấp nhóm này lên thành Ủy Ban trung ương.) Trong khi đó, các khu vực địa phương thì thành lập những văn phòng tương đương trực thuộc các ủy ban địa phương.

Các cơ quan địa phương của Ủy ban về Vấn đề Không gian mạng – mà tôi gọi là “các Cơ quan mạng” – hầu hết thiếu nhân lực và năng lực công nghệ để tiến hành giám sát tinh vi. Thay vào đó, nhiệm vụ chính của họ là kiểm duyệt thường xuyên và tung những thông tin sai lệch. Ví dụ, cơ quan mạng thành phố Long Nam, với dân số chỉ dưới 3 triệu người, báo cáo rằng vào cuối những năm 2010, cơ quan này đã sử dụng dữ liệu lớn và điện toán đám mây để theo dõi dư luận trực tuyến; vào năm 2019, cơ quan này đã theo dõi 515.000 thông tin trực tuyến về Long Nam, 8.000 trong số đó được coi là tiêu cực. Các cơ quan mạng địa phương cũng tuyển dụng các dư luận viên trên Internet để thực hiện các chiến dịch trực tuyến nhằm thao túng dư luận và truyền bá thông tin sai lệch.

Mặt khác, các đơn vị cảnh sát mạng chịu trách nhiệm thực thi và giám sát. Cảnh sát mạng lần đầu tiên được tổ chức tại các cơ quan an ninh công cộng, hay PSB, trên khắp Trung Quốc vào đầu những năm 2000. Đơn vị cảnh sát mạng của thành phố Yanan đã báo cáo rằng nhiệm vụ chính của họ bao gồm “giám sát và kiểm soát thông tin có hại; thu thập, phân tích và báo cáo các diễn biến trên Internet; thực thi các quy định về quán cà phê Internet; và điều tra, xử lý tội phạm mạng.” Các đơn vị cảnh sát mạng tại các PSB địa phương tương đối nhỏ mặc dù họ thực hiện những nhiệm vụ như vậy. Một đơn vị cảnh sát mạng cấp quận điển hình có khoảng năm đến sáu sĩ quan. Cả cơ quan mạng địa phương và các đơn vị cảnh sát mạng đều khai triển các giải pháp công nghệ cao để tuần tra trên Internet 24/7. Ví dụ: cơ quan mạng của quận Santai đã sử dụng công nghệ giám sát trang web có tên là Real Time eXchange. Các sĩ quan cảnh sát mạng được yêu cầu báo cáo những diễn biến quan trọng cho lãnh đạo PSB cũng như cho chính quyền và đảng ủy quận.

Mặc dù hồ sơ địa phương không nêu rõ điều này, nhưng có vẻ như các cơ quan mạng sẽ xác định nội dung nào cần xóa và chặn rồi chỉ đạo cảnh sát thực thi nội dung đó. Ví dụ, đơn vị cảnh sát mạng của PSB, thành phố Ergun, đã tuyên bố rằng họ chịu trách nhiệm “tổ chức và thực hiện ‘công việc thường lệ’ của cơ quan mạng Ergun.” (“Công việc thường lệ” gần như chắc chắn đề cập đến việc kiểm duyệt nội dung trực tuyến.) Các báo cáo về việc cảnh sát mạng nhận hối lộ từ các doanh nhân để xóa các bài đăng quan trọng cũng cho thấy cảnh sát mạng được giao nhiệm vụ thực thi. Và khi các cơ quan mạng phát hiện ra các tài liệu trực tuyến cần điều tra, họ sẽ báo cho cảnh sát mạng. Ví dụ, ngay sau khi cơ quan mạng của quận Yunlian biết được cái mà họ gọi là “tin đồn trên mạng” nghiêm trọng vào năm 2017, họ đã liên lạc với đơn vị mạng của quận PSB để điều tra.

Sự phân công nhân sự này có ý nghĩa hành chính. Không cần thiết phải nhân đôi năng lực công nghệ giữa các cơ quan và năng lực giám sát nhà ở trong các tòa nhà cảnh sát ít gây ra rủi ro về an ninh hơn vì chúng được bảo vệ tốt hơn các tòa nhà chính phủ. Cảnh sát cũng vận hành Hệ thống Kiểm soát và Giám sát An ninh Mạng Thông tin Công cộng của Trung Quốc – hay còn gọi là Vạn lý Tường lửa.

Công việc giám sát và kiểm soát đòi hỏi nhiều nhân lực – cảnh sát mạng phải tiến hành điều tra trực tiếp và đến thăm những cá nhân bị nghi ngờ vi phạm, chẳng hạn như đăng các tài liệu bị kiểm duyệt. Năm 2016, cảnh sát mạng ở quận Bạch Vân, thành phố Quý Dương đã đích thân điều tra 85 cá nhân. Cảnh sát mạng ở quận lân cận, Yunyan, thậm chí còn hung hãn hơn, báo cáo 200 cuộc điều tra như vậy trong năm đó. Hình phạt cho các vi phạm trực tuyến bao gồm giam giữ, phạt tiền và đưa đi “giáo dục.”

Công an mạng sử dụng một số chiến thuật để phát hiện danh tính của những người vi phạm và những ai có tiềm năng vi phạm. Cách phát hiện thông thường là theo dõi địa chỉ IP, nhận dạng duy nhất được liên kết với mạng địa phương kết nối với mạng rộng lớn hơn. Điều này dễ thực hiện vì được cung cấp bởi những công ty viễn thông nhà nước. Nhưng những người dùng tinh vi hơn có thể tránh kiểu nhận dạng này bằng cách vượt tường lửa với một mạng ảo riêng và dùng những tài khoản ẩn danh. Vào tháng 2 năm 2015, các quy định mới yêu cầu tất cả người dùng Internet phải cung cấp tên thật của họ khi đăng ký mở những tài khoản trên các chatroom, WeChat, Weibo và tất cả các phương tiện truyền thông xã hội khác.

Một cảnh sát mạng đang tuần tra một Internet cafe ở Bắc Kinh tháng 6/2002. Ảnh: AFP via Getty Images

Cảnh sát mạng cũng giám sát các địa điểm truy cập như quán cà phê Internet và mạng Wi-Fi công cộng trong khách sạn, trung tâm thương mại, sân bay và các địa điểm khác để xác định người dùng ở ngoài mạng gia đình của họ. (Các quán cà phê Internet ngày nay không còn phổ biến như những năm đầu thập niên 2000, nhưng chúng vẫn được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là bởi các game thủ.) Các quy định giúp họ thực hiện điều này. Năm 2001, chính phủ yêu cầu các quán cà phê Internet tư nhân, vốn phải yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân của mọi người dùng, phải lưu giữ thông tin khách hàng, bao gồm danh tính và hoạt động trực tuyến, trong 60 ngày. Các nhà điều hành quán cà phê Internet cũng phải có giấy phép từ PSB địa phương và Cục Văn hóa, Cơ quan quản lý lĩnh vực giải trí của chính quyền. Các quy định gần đây hơn yêu cầu các quán cà phê Internet phải cài đặt máy đọc thẻ ID để khách hàng chỉ có thể truy cập trực tuyến sau khi quét ID lưu trữ thông tin nhận dạng, bao gồm cả ảnh chân dung màu.

Các quy định tương tự đã được đưa ra ngay cả trước khi công an mạng ra đời nhưng được thực thi một cách lỏng lẻo. Ngày nay, công an mạng thực thi nghiêm ngặt các quy tắc này và cũng đào tạo “nhân viên an ninh” tại các quán cà phê Internet, những người phải tuyệt đối tuân thủ các quy định và theo dõi khách hàng. Tại một số khu vực đặc biệt, công an mạng còn yêu cầu các quán cà phê Internet phải lắp đặt camera để giám sát khách hàng.

Đối với việc giám sát các mạng Wi-Fi công cộng, vào cuối những năm 2000, công an mạng địa phương bắt đầu yêu cầu các nhà khai thác cài đặt “các biện pháp kỹ thuật bảo mật” không xác định. Một nỗ lực phối hợp quốc gia trên mặt trận này có thể đã bắt đầu vào năm 2014. Chẳng hạn, năm đó, cảnh sát Vũ Hán đã khởi xướng một chương trình kéo dài 3 năm để cài đặt “hệ thống quản lý an ninh” trên tất cả các mạng Wi-Fi công cộng. Năm 2016, Yunyan PSB đã cài đặt 560 hệ thống giám sát Wi-Fi công cộng. Hàng nghìn hệ thống tương tự đã được lắp đặt ở hai quận thuộc tỉnh Tứ Xuyên trong năm 2017-2018. Trung bình, một thiết bị giám sát Wi-Fi có giá khoảng 306 USD, cho thấy chương trình giám sát này – bao gồm chi phí vận hành và bảo trì sau lắp đặt – đòi hỏi nguồn lực đáng kể.

Công an mạng đặc biệt chú ý đến những người được chỉ định là “cá nhân chủ chốt,” những người bị chính quyền địa phương đưa vào danh sách đen vì tham gia vào các hoạt động được coi là mối đe dọa đối với an ninh chế độ và an toàn công cộng. Những điều này có thể trùng lặp với các nhà bất đồng chính kiến, các học giả tự do, nhà hoạt động nhân quyền, thành viên của các tổ chức tôn giáo và các học viên Pháp Luân Công cũng như các phong trào khác bị nhà nước coi là “tà giáo.” Các cá nhân chủ chốt này cũng được cho là bao gồm một số nhân vật nổi tiếng tuy có lập trường ủng hộ chính phủ, cho thấy sự hoang tưởng của Bắc Kinh về các cá nhân có lượng công chúng đông đảo theo dõi bất kể lòng trung thành chính trị của họ.

Số lượng cá nhân đưa vào danh sách “chủ chốt trực tuyến” khác nhau ở các khu vực của Trung Quốc, chứng tỏ rằng các khu vực có quyền rộng rãi trong việc đưa ra các chỉ định này. Năm 2018, quận Hành Dương có 100 cá nhân chủ chốt bị giám sát. Cảnh sát mạng Oroqen ở Nội Mông tuyên bố đã giám sát 25 người vào năm 2015. Quận Yunhe của thành phố Thường Châu báo cáo rằng cảnh sát của họ đã liên hệ trực tiếp với 62 cá nhân chủ chốt trong năm 2016. Tuy nhiên, một số khu vực pháp lý đã xác định được nhiều người khác. Quận Jishan có 1.141 mục tiêu như vậy, tương đương khoảng 0,3% dân số, bị giám sát vào năm 2018. Từ năm 2011 đến năm 2014, cảnh sát mạng ở quận Đàm Thành đã “đăng ký và kiểm soát” 3.475 cá nhân chủ chốt, khoảng 0,4% dân số.

Mặc dù có rất ít thông tin công khai về cách Trung Quốc giám sát những cá nhân chủ chốt, nhưng đây là một trong những chiến thuật giám sát quan trọng nhất ở Trung Quốc vì nó cho phép chính quyền theo dõi những cá nhân có nhiều khả năng gây rắc rối nhất. Ở mức tối thiểu, có vẻ như công an mạng có các hồ sơ đặc biệt về mục tiêu của họ, như đã báo cáo ở một số khu vực pháp lý. Ví dụ, theo một báo cáo do PSB thành phố Neijiang đưa ra vào tháng 2 năm 2011, đơn vị công an mạng đã được chỉ thị thu thập thông tin cơ bản về tất cả các loại cá nhân chủ chốt, chỉ định các sĩ quan sử dụng “các phương tiện kỹ thuật khác nhau” để xem xét kỹ lưỡng họ và sử dụng một cơ sở dữ liệu cảnh sát đặc biệt không xác định để xác định danh tính trực tuyến của họ. Báo cáo cũng đề cập đến việc giám sát các mục tiêu theo thời gian thực thông qua thông tin thu được từ các nhà cung cấp dịch vụ Internet và quán cà phê Internet.

Một hệ thống giám sát phân tán như vậy đã cho phép nhà nước giám sát của Trung Quốc kiểm soát chiến trường trên không gian mạng và vô hiệu hóa các mối đe dọa đối với sự cai trị của ĐCSTQ. Cũng như các hình thức đàn áp phòng ngừa khác, những chiến thuật này cho phép nhà nước giám sát hoạt động của những người phản đối chế độ và hạn chế quyền tự do hành động của họ.

Trạng thái giám sát này dựa vào sức mạnh tổ chức và huy động của ĐCSTQ, các bộ máy quan liêu chuyên môn mới – trong trường hợp này là các cơ quan mạng và cảnh sát mạng – nhanh chóng được hình thành để thực hiện chương trình nghị sự của nhà nước trung ương. Mặc dù công nghệ là quan trọng nhưng người cung cấp thông tin, việc điều tra và đe dọa của cảnh sát là rất cần thiết. Thành công của Trung Quốc trong việc kiểm soát chiến trường trên không gian mạng cho thấy khả năng thích ứng chiến thuật của ĐCSTQ khi đối mặt với mối đe dọa mới đối với quyền lực của họ. Dù sao đi nữa, điều đó cho thấy rằng chúng ta không bao giờ được đánh giá thấp quyết tâm của đảng trong việc duy trì sự cai trị của mình – hoặc khả năng của đảng để làm điều đó.

Nguồn: Foreign Policy