Bia Kỷ Niệm Thuyền Nhân tại Genève

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Tác giả xin chân thành cảm tạ Bà Nguyễn Thị Thanh Vân tại Paris và quý ông Nguyễn Tăng Lũy, Hoàng Đình Tường và Nguyễn Đăng Khải tại Genève đã cung cấp tài liệu và đóng góp ý kiến để thực hiện bài viết này.

Ngày 9/2/2006 một buổi lễ trọng thể khánh thành Bia Kỷ Niệm Thuyền Nhân Việt Nam đã được tổ chức tại Geneve, trọng tâm sinh hoạt chính trị và tài chánh thế giới. Nhận định về sự việc này, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, nguyên Giám Đốc Đài Á Châu Tự Do đã phát biểu như sau:

“Để bia kỷ niệm Thuyền Nhân ở Genève, nơi đã chứng kiến Quốc Tế hai lần phải đến họp (1979 và 1986) để giải quyết vấn đề tỵ nạn ra đi bằng thuyền, là một chuyện không thể xứng đáng hơn được.”

Công trình thực hiện Bia Kỷ Niệm Thuyền Nhân Việt Nam tại Geneve đã là thành quả hợp tác của một nhóm bạn Thụy Sĩ và Việt Nam từ gần một phần tư thế kỷ và nhất là từ 7 tháng qua kể từ khi hai tấm Bia Tỵ Nạn Việt Nam bị phá hủy trên các đảo Galang và Bidong tại Nam Dương và Mã Lai.

Vào giữa năm 2005, dư luận đồng bào Việt Nam Hải Ngoại đã cực kỳ căm phẫn khi hay tin, do áp lực của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, chính quyền Nam Dương đã đục bỏ Bia Tỵ Nạn Việt Nam trên đảo Galang được dựng lên trước đó không lâu để tưởng niệm các thuyền nhân tử nạn trên đường vượt thoát. Tấm bia chỉ mang mấy dòng nặng tính chất nhân đạo nhưng vì có mấy chữ “Tự Do” và “Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại” nên đã bị khoét bỏ như một hố mắt trống rỗng, thể hiện toan tính thay đổi nội dung của bạo quyền Hà Nội.

Tới tháng 9 năm 2005, tiếp theo Bia Tỵ Nạn tại Galang, Bia Tỵ Nạn tại Bidong thuộc Mã Lai cũng chịu chung số phận. Lần này sự cấu kết giữa Mã Lai và CSVN thô bạo hơn, họ không còn tìm cách cạo sửa lịch sử như tại Galang mà thẳng tay giật sập tấm bia tại đây.

Trước sự kiện này, nhiều cuộc biểu tình của đồng bào ta đã diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới trước trụ sở Sứ Quán Nam Dương và Mã Lai.

Một số tổ chức đã hợp lại với nhau thành một tập hợp có tên là Vì Tự Do để một mặt tìm cách dựng lại các bia tưởng niệm này, mặt khác vận động đồng bào cùng thực hiện một tấm bia tưởng niệm tinh thần mà không thế lực nào có thể phá hủy được đó là cùng ấn định một ngày kỷ niệm có tên: Ngày Dân Việt Tỵ Nạn Cộng Sản.

Trong khi những Bia Tỵ Nạn Việt Nam dựng trên những hải đảo xa xôi như Galang hay Bidong cũng bị nhà cầm quyền CSVN tìm cách phá hủy, một nhóm bạn người Thụy Sĩ và Việt Nam thuộc tổ chức COSUNAM đã có một sáng kiến táo bạo là tìm cách thực hiện một Bia Kỷ Niệm Thuyền Nhân ngay tại “Ngã Tư Quốc Tế Genève” tại một công viên chỉ cách Trung Tâm Liên Hiệp Quốc và Cao Ủy Tị Nạn 15 phút đi bộ.

Tổ Chức COSUNAM (Comité Suisse VietNam) được chính thức thành lập cách đây 15 năm, được điều khiển bởi Chủ Tịch là ký giả Thierry Opikofer và Tổng Thư Ký là ông Nguyễn Tăng Lũy. Ban Cố Vấn của hội gồm nhiều nhân sĩ có uy tín trong đó phải kể Luật Sư Michel Rossetti, cựu Thị Trưởng Thành Phố Genève và cụ Pierre Marti, Cựu Chủ Tịch Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, cựu Chủ Tịch Hội Đồng Thành Phố Genève.

JPEG - 23.1 kb

Là Chủ Tịch của COSUNAM, Thierry Oppikofer từ nhiều năm qua đã đóng vai trò gạch nối giữa hai Dân Tộc Thụy Sĩ và Việt Nam, điều này thể hiện rõ rệt qua lời phát biểu của ông trong Lễ Khai Mạc Bia Thuyền Nhân:

Buổi lễ qui tụ chúng ta tại đây ngày hôm nay là một buổi lễ mang tính cách lịch sử không những đối với chúng tôi, mà còn đối với người dân Thụy Sĩ, người dân của thành phố Genève, của người dân ở Âu châu, của cộng đồng người Việt đang sống tại Thụy Sĩ cũng như của cả nước Việt Nam, vì cộng đồng này đã là một phần của dân tộc chúng tôi….

Nhân đây, chúng tôi xin gửi lời chào mừng đến các đảng phái chính trị cũng như các vị dân cử của thành phố Genève và Thụy Sĩ, những người đã từng hợp tác và hỗ trợ chúng tôi từ những ngày đầu thành lập Ủy Ban COSUNAM vào năm 1990, những người bạn đã từng góp phần vào việc đấu tranh để một ngày nào đó đất nước Việt Nam tìm lại được tự do dân chủ, từ Bắc chí Nam.

Chúng ta còn có thể chờ đợi gì hơn ở vị Chủ Tịch của một tổ chức mang tên ” Ủy Ban Thụy Sĩ – Việt Nam”?

JPEG - 18.6 kb

Qua sự vận động của ông Tổng Thư Ký Nguyễn Tăng Lũy, với sự hỗ trợ tích cực của các bạn Thụy Sĩ, Quận Grand Saconnex thuộc Thành Phố Geneve đã sẵn sàng dành một địa điểm thuận lợi trong công viên “Campagne du château Pictet” của Quận để dựng Bia Kỷ Niệm Thuyền Nhân. Địa điểm này cách Trung Tâm Liên Hiệp Quốc và Cao Ủy Tị Nạn 1.5 Km và cận kề với các cơ sở ngoại giao quốc tế (Phái đoàn ngoại giao Ba Lan có trụ sở ngay trong tòa nhà đối diện với Bia Thuyền Nhân Việt Nam).

Trong buổi Lễ Khai Trương Bia Thuyền Nhân, bà Elizabeth Boehler, Quận trưởng Grand Saconnex đã phát biểu như sau:

JPEG - 21.3 kb

Hình ảnh bi thảm của các thuyền nhân Việt Nam cứ mãi ám ảnh lúc tôi còn trẻ. Chỉ cần nhắm mắt lại là tôi nhìn thấy hình ảnh của nguyên cả gia đình những thuyèn nhân Việt Nam chen chúc trên những chiếc tàu nhỏ bé trông thật thảm thiết.

Khi ông Nguyễn Tăng Lũy, một cư dân của Grand Saconnex, đến gặp chúng tôi vào mùa hè năm ngoái đề cập đến việc chọn một nơi trong thành phố để dựng lên một tấm bia để tưởng niệm thuyền nhân, chúng tôi đã không do dự lâu. Nhớ tới những mối liên hệ tình cảm thật bền chặt với cộng đồng người Việt từ 30 năm qua, chúng tôi đã đề nghị địa điểm này, một công viên thật yên bình, nơi mà người dân Thụy Sĩ thích đến dạo chơi suốt năm. Từ nay, họ sẽ có dịp dừng lại một khoảnh khắc trước tấm bia này để nhớ tới một thời kỳ lịch sử đầy đau thương cách nay không lâu và ở một nơi nào đó thật xa xăm.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, câu nói này rất đúng, theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Cây xanh xinh tươi mà quý vị thấy cạnh tấm bia sẽ lớn lên và sẽ mang lại những “quả tình thương” thật sâu đậm cho chúng ta, cho con cháu chúng ta để nhớ mãi ngày hôm nay và nhớ tới những người đã chết vì đi tìm tự do.

Với sự hợp tác chặt chẽ của hai hội viên COSUNAM khác là quý ông Hoàng Đình Tường và Nguyễn Đăng Khải, và với sự góp ý của ban lãnh đạo Hội Người Việt Quốc Gia tại Lausane, dự án Bia Thuyền Nhân đã được hoàn tất vào tháng

10/2005, mô hình được trình cho Tòa hành chánh Quận Grand Saconnex để cứu xét.

Hai thiếu nữ trong mô hình là BS Nguyễn Thị Xuân Trang và cô Hoàng Thụy Cơ là những thành viên trụ cột của COSUNAM thuộc “Thế hệ thứ hai”.

JPEG - 24.6 kb

Cựu Trung Tá Trần hữu Kinh, Chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH, thay mặt cho cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ đã phát biêu như sau:

Việc xây dựng bia tưởng niệm ngày hôm nay, bia đài tưởng niệm với mục đích chính là nhằm nhắc nhở cho người Việt Nam tỵ nạn CS và con cháu phải đời đời ghi nhớ là dã có hơn nửa triệu người đã chết thê thảm, chết kinh hoàng trên biên cả. Chúng ta vinh danh những linh hồn bất hạnh đã cho chúng ta nghị lực và niềm tin để tìm cái sống trong cái chết để tìm đến được bến bờ tự do. Đây là một vết nhơ ghi vào lịch sử Việt Nam ta mà CSVN tìm mọi cách để ngăn cản và xóa bỏ, cho nên việc xây dựng tượng đài tưởng niệm là bổn phận của người còn sống đối với vong linh đối với những người quá cố và đối với giòng lịch của đất nước Việt Nam thân yêu.

Đại diện cho cộng đồng người Việt tỵ nạn CSVN tại Thụy Sĩ chúng tôi xin chân thành tri ân chính quyền Thụy Sĩ đã cho phép chúng tôi hình thành được ước nguyện xây dựng bia đài tưởng niệm ngày hôm nay.

Hình dáng của Bia Thuyền Nhân tại Genève đồng dạng với Các Bia Tỵ Nạn tại Galang và Bidong nhưng nhỏ bé hơn để gần với hình ảnh tấm bia bên phần mộ của người tỵ nạn Việt Nam đã bị thiệt mạng trên bước đường tìm tự do.

Khi Dự Án đã được chấp thuận, ông Hoàng Đình Tường là người trách nhiệm chính cho phần thực hiện. Mối quan tâm đầu tiên của ban thực hiện là đặt tấm bia theo hướng nào, họ không căn cứ vào các điều kiện phong thủy thông thường, nhưng họ muốn hướng của tấm bia phải có ý nghĩa… Ý nghĩa họ muốn đạt được là khi một người đứng đọc tấm Bia Thuyền Nhân tại Genève thì mắt phải hướng về vùng biển khổ nạn của hàng trăm ngàn đồng bào của chúng ta, đó là vùng biển phía Nam Việt Nam.

Từ đó, mặt tấm bia phải tạo một góc là 9 độ 32 phút với hướng Bắc (Mặt chữ in tiếng Pháp kể như mặt chính của bia vì tại vùng Genève, Pháp văn là ngôn ngữ chính).

Bia được làm bằng một khối đá hoa cương màu đen và những giòng chữ sau đây đã được khắc trên hai mặt bia, một bên tiếng Pháp và một bên tiếng Anh:

“En souvenir de l’exode des boat-people dans le monde
1975 – 2005
Les réfugiés vietnamiens remercient la Suisse et les pays d’accueil.
Nous sommes heureux de vivre dans cet espace de paix, de liberté et de démocratie.
Le Vietnam, pays de nos ancêtres, restera à jamais dans nos coeurs”.

In memory of the exodus of the boat people through out the world
1975-2005
The Vietnamese refugees are grateful to Switzerland and to the host countries
We are happy to live in a space of peace, freedom and democracy
Vietnam, land of our ancestors, will forever be in our hearts.

Xin tạm dịch như sau:

“Tưởng nhớ cuộc ra đi của những thuyền nhân trên thế giới
1975 – 2005
Người Việt Tỵ Nạn chân thành cảm ơn Thụy Sĩ và các nước tiếp cư đã giúp cho chúng tôi được sống hạnh phúc trong hòa bình, tự do và dân chủ. Chúng tôi sẽ mãi mãi không quên quê hương Việt Nam, mảnh đất ngàn đời của Tổ Tiên để lại.

JPEG - 26.6 kb

Tấm bia được đặt trên một khung sỏi hình chiếc ghe, những viên sỏi to tượng trưng cho sóng biển, tấm bia tượng trưng cho cánh buồm và cây tùng là cột buồm. Khi xây nền bêtong để đặt bia, hướng của nền này cũng được ấn định một cách cẩn thận. Nền bêtong được thực hiện vào ngày 27/0½006, hai ngày trước Tết và Bia được dựng lên vào ngày 01/02/2006 tức ngày Mùng 4 tháng Giêng năm Bính Tuất.

Lúc hoàn tất, nền bêtong có hình dáng một chiếc thuyền với Bia đặt tại chính giữa. Một cây tùng bonsai trồng cạnh bia thể hiện niềm hy vọng và mang ý nghĩa từ nay Bia và con thuyền đã bắt rễ, không còn trôi nổi nữa.

Việc thực hiện Bia Kỷ Niệm Thuyền Nhân tại Geneve đã được tiến hành kín đáo cho tới phút chót. Các chi tiết về việc thực hiện tấm Bia cũng như tổ chức Lễ Khánh Thành đã được thảo luận giữa COSUNAM và ông Trần Hữu Kinh, đại diện Cộng Đồng. Đa số đồng bào chỉ hay biết khi báo chí địa phương loan tin về Lễ Khánh Thành và mọi người đã vừa cảm động,vừa hãnh diện theo dõi hình ảnh buổi lễ trong phần tin tức buổi chiều trên đài truyền hình của Thành Phố. Tin tức về Bia Thuyền Nhân cũng được phổ biến rộng rãi trong ngày bởi Đài Á Châu Tự Do qua phần phỏng vấn ông Tổng Thư Ký COSUNAM Nguyễn Tăng Lũy, bà Elizabeth Boehler, Quận trưởng Grand Saconnex và ông Hoàng Cơ Định, đại diện Đảng Việt Tân, khách của Ban Tổ Chức tới từ Hoa Kỳ.

Vào ngày khai trương, “Chiếc thuyền” chở bia đã thả neo tại công viên ” Campagne du Chateau Pictet ữ của Grand Saconnex trong một nghi thức tôn giáo trọng thể bởi Mục sư Nguyễn Công Huấn đến từ Lausanne và Thượng Tọa Thích Quảng Hiền đến từ Berne. Có lẽ vì “nhập gia tùy tục” mọi việc thực hiện tại Thụy Sĩ đều diễn tiến lớp lang, đúng theo giờ giấc ấn định bởi Ban Tổ Chức.

JPEG - 21.1 kb

Sau nghi thức tôn giáo, phần phát biểu mang nhiều ý nghĩa và sống động nhất bên cạnh tấm bia kỷ niệm là những dòng ký ức của Thuyền Nhân Nguyễn Thị Xuân Trang. BS Xuân Trang rời Việt Nam lúc 6 tuổi, sau đây là đoạn mô tả cuộc hành trình in sâu trong trí nhớ trẻ thơ:

Một đêm tháng sáu năm 1979, một đêm không trăng. Tôi chợt giật mình thức giấc khi khám phá ra ánh sáng leo lét của một cây đèn pin đang dọi vào mặt nhiều người mà tôi không quen biết. Ngồi ở phía sau chiếc xe tải của ông cậu tôi, đáng lẽ tôi và đứa em phải đi về Đà Lạt để nghỉ hè. Nhưng đó chỉ là lời nói của mẹ tôi. Nhưng tôi không còn một giây phút nào để suy ngĩ nữa hết. Chiếc xe dừng lại và mọi người chạy ào xuống. Tôi cảm thấy lạc lỏng, và bất ngờ dì tôi một tay nắm lấy tay tôi, tay kia bà ẵm đứa con nhỏ của bà, chúng tôi bằng tuổi nhau, 6 tuổi. Chúng tôi chạy băng ngang qua một cánh rừng lau chạy về phía bờ biển và sau đó phải dừng lại. Chúng tôi đã mất dấu của người chủ tàu, người có bổn phận hướng dẫn chúng tôi lên tàu. Quá tức giận, bà dì của tôi la thật to “ăn cướp ăn cướp”, tưởng rằng người chủ tàu sau khi đã nhận vàng của mỗi người trong chúng tôi đang tìm cách bỏ chúng tôi lại giữa đường.

Thật nhanh sau đó, có một người chạy tới và dắt chúng tôi đi về phía bờ biển. Không được định hướng rõ ràng, chuyến đi của chúng tôi đã kéo dài 3 đêm, trên một chiếc ghe đánh cá nhỏ xíu, với 96 người trên boong. Nam, phụ, lão, ấu, mọi người bị mệt lã vì đói khát, không ai còn sức để còn biết sợ chuyện gì nữa hết. Nhiều chiếc tàu đi ngang qua chúng tôi nhưng không ai dừng lại cứu vớt vì nghĩ chúng tôi là cướp biển giả dạng để tấn công họ.

Bước sang ngày thứ tư, chiếc ghe đã bể nát sau những cơn sóng dữ, máy tàu đã hỏng và chúng tôi vẫy tay gọi một chiếc tàu dầu đang hướng về phía chúng tôi. Và chúng tôi nghĩ rằng phen này sẽ được cứu vớt. Những đứa bé được kéo lên nhờ những sợi dây cột vào bụng, còn người lớn thì chen nhau nắm lấy chiếc thang dây để có thể rời khỏi chiếc ghe đang chìm, càng nhanh càng tốt.

Lúc đó tôi chỉ mới 6 tuổi, tôi không hiểu được vì sao toi phải trốn khỏi quê hương tôi. Ngày hôm nay, tôi hiểu rõ hơn lý do vì sao đã khiến cho hơn hai triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi. Hoạt động cùng với COSUNAM và nhiều đoàn thể khác, chúng tôi tố cáo trước dư luận quốc tế tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam hiện nay.

JPEG - 18.5 kb

Tiếp lời Xuân Trang là phát biểu của ông Pierre Maudet. Tuy mới 27 tuổi nhưng trong vị trí Chủ Tịch Đảng Cấp Tiến, ông Maudet hiện là một khuôn mặt quan trọng và đầy tương lai trên chính trường Thụy Sĩ, ông nói:

Tôi đến với quý vị và các bạn hôm nay không phải chỉ với tư cách là chủ tịch của một chính đảng; tôi đến đây với tâm trạng của một người thanh niên trẻ, vào lúc thảm trạng thuyền nhân xảy ra, tôi chưa chào đời.

Tôi nghĩ ràng tấm bia tưởng niệm này mang hai ý nghĩa:

- Ý nghĩa đầu tiên là bổn phận phải ghi nhớ. Lúc nào chúng ta cũng cần phải ghi nhớ, và nhắc nhở những thế hệ sau, nhắc lại những thảm kịch đã gây nhiều khổ nạn trong các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Việt Nam. Sự chắc chắn của tấm bia đá như nói lên sự cần thiết của vấn đề ghi nhớ với thời gian.

- Vấn đề thứ hai mà tôi muốn nhắc đến là nguồn cội. Vì hàng trăm ngàn người đã chết trên biển cả, không còn lưu lại một kỷ niệm nào trên trái đất này, đó là một thảm trạng. Nay tấm bia này tượng trưng cho thân xác của những nạn nhân đó, đồng thời cũng tượng trưng cho nguồn gốc của những người Việt tỵ nạn tại Thụy Sĩ, tuy họ đã hội nhập nhưng không bao giờ quên nguồn cội, gốc rễ của dân tộc. Những gốc rễ này ăn sâu vào trái tim của mỗi người, chứng minh cho những thế hệ sau, và nhắc nhở là hãy ghi nhớ những bài học khổ đau này để tránh, để cùng nhau xây dựng một đời sống tốt đẹp hơn.

Đó là những gì chúng tôi muốn gửi đến quý vị, thay mặt cho Đảng Cấp Tiến, thay mặt cho những người đã từng góp phần xây dựng tấm bia, thay mặt cho người dân của thành phố Geneve, với truyền thống đón tiếp nhân hậu và niềm nở từ năm này qua năm khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, trong đó mỗi người là một hạt giống để góp phần xây dựng nên truyền thống đáng quý này.

JPEG - 19.5 kb

Kỷ niệm hành trình của Xuân Trang và cảm nghĩ của Pierre Maudet dường như được gói ghém trong vài lời phát biểu ngắn gọn của cụ Pierre Marti, cựu Chủ Tịch Hội Đồng Thành Phố Genève. Dầu đã cao tuổi và phải chống nạng khi di chuyển, cụ Marti cũng cố gắng tới dự lễ khánh thành Bia Kỷ Niệm Thuyền Nhân Việt Nam, những người cụ coi như bà con trong nhà vì chính cụ là người đã có trọng trách đón tiếp và chăm lo cho đời sống của Thuyền Nhân được Thụy Sĩ tiếp nhận cách đây 30 năm. Ngoài vị thế của một vị trưởng thượng trong đại gia đình thuyền nhân Việt Nam tại Thụy Sĩ, cụ Marti còn đến dự lễ khánh thành Bia Thuyền Nhân với tư cách Đại Diện cho Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo.

Ngày hôm nay, bên cạnh chiếc bia tưởng niệm mang nhiều ý nghĩa này, tượng trưng cho cuộc sống, tượng trưng cho sự phồn vinh và công cuộc đấu tranh của những người tỵ nạn. Nó cũng tượng trưng cho công cuộc đấu tranh của những người tỵ nạn trên toàn thế giới; vâng, quý vị có thể khẳng định quý vị đã đấu tranh để có được quyền tự do, có được quyền tín ngưỡng vào nơi tôn giáo của mình, để mỗi người trong chúng ta có được quyền tự do chính trị.

Tấm bia này nói lên tâm trạng sâu xa của mỗi người, nhắc nhở tâm trạng của nhiều người, rằng tôi là người ngoại quốc, tôi là người tỵ nạn, tôi từng bị làm nhục và bạn đã cứu tôi như anh em của Bạn.

Người được mời phát biểu sau cùng là chúng tôi: Hoàng Cơ Định, Ủy Viên Trung Ương của Đảng Việt Tân đến từ Hoa Kỳ. Tôi được ban tổ chức giới thiệu như là một trong những người đằng sau việc thực hiện Bia Thuyền Nhân tại Genève và đến dự lễ khánh thành với tư cách đại diện cho 167 Hội Đoàn trên thế giới đang hợp tác trong tập hợp Vì Tự Do để cùng xác định một ngày tưởng niệm chung: Ngày Dân Việt Tỵ Nạn Cộng Sản.

Sau khi cám ơn ban tổ chức đã cho tôi vinh dự hiện diện trong lễ khánh thành Bia Thuyền Nhân, tôi đã xác định là:

Bia Đá Thuyền Nhân này là biểu tượng của Tự Do và Nhân Quyền mà hàng triệu người Việt Nam đã cố gắng tìm đến với bao nỗi nhọc nhằn và hiểm nguy…

Với hàng trăm ngàn người Việt đã bị thiệt mạng trên bước đường tìm Tự Do, Bia Kỷ Niệm chính là tấm mộ chí mà các bạn Thụy Sĩ và cộng đồng người Việt tại Geneve đã dành cho họ…

Tôi cũng thầm khấn nguyện để anh linh đồng bào đã tử nạn trên bước đường tìm tự do hãy phù hộ cho:

Dân tộc Việt Nam chúng ta được tự do hạnh phúc để không bao giờ có những người phải liều chết bỏ nước ra đi. Để cho con em, hậu duệ của những người đã đến được bến bờ tự do, sẽ thương yêu lẫn nhau, hữu dụng cho xã hội, không quên nguồn gốc Việt Nam và nghĩa vụ đối với Tổ Quốc.

Sau cùng tôi cũng bày tỏ niềm tin là tấm Bia Kỷ Niệm này sẽ là biểu tượng lòng biết ơn của người Việt đối với toàn thể các dân tộc trên thế giới đã hết lòng giúp đỡ người Việt Tỵ Nạn và đặc biệt là những người bạn Thụy Sĩ của chúng tôi đang hiện diện nơi đây.

Đứng cạnh tấm Bia Thuyền Nhân tại Genève tôi không khỏi nhớ tới một người bạn ở phía bên kia Trái Đất tại Nam Bán Cầu đã có nhiều nỗ lực trong những tháng qua để vận động cho một tấm bia tinh thần, cho một ngày “Kỷ Niệm Dân Việt Tỵ Nạn Cộng Sản”, đó là ông Đoàn Việt Trung, Tổng Thư Ký Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc, vì xa xôi đã không tới dự được Lễ Khánh Thành. Cụ Pierre Marti đã có lý khi cho rằng tấm Bia Thuyền Nhân này “tượng trưng cho công cuộc đấu tranh của những người tỵ nạn trên toàn thế giới”.

JPEG - 40.3 kb
Hình kỷ niệm chụp cùng ông Michel Rossetti cựu Thị Trưởng Geneve, bà Elizabeth Boehler, Quận trưởng Grand Saconnex và ông Nguyễng Tăng Lũy, Tổng Thư Ký COSUNAM (Đứng ngoài cùng, bên phải).

Buổi lễ chấm dứt vào lúc 18 giờ ngày 09/02/2006 sau phần tiệc trà thân mật do Hội Đồng thành phố khoản đãi.

Việc tham dự lễ Khánh Thành Bia Thuyền Nhân Việt Nam tại Genève đã cho tôi cơ hội tăng cường liên lạc và hợp tác giữa Đảng Việt Tân và các Đảng Cấp Tiến và Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của Thụy Sĩ trong việc hỗ trợ các sinh hoạt văn hóa chính trị của cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như nỗ lực tranh đấu cho nền Dân Chủ tại Việt Nam. Tôi cũng có cơ hội gặp gỡ làm quen với Thượng Tọa Thích Quảng Hiền, cựu Trung Tá Trần Hữu Kinh, BS Nguyễn Gia Tiến, TS Lương Minh Đức, ông Hoàng Nguyên… là những vị trong giới lãnh đạo cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ, một cộng đồng tuy không đông nhưng rất có khả năng và năng động, đặc biệt là tại đây có sự hợp tác chặt chẽ hiếm có giữa thế hệ thứ nhất, thứ hai và cả… thứ ba của người Việt hải ngoại.

Tôi tới Geneve lần này là lần thứ nhì, lần trước cách đây 43 năm… vì tôi lỡ mang một định kiến sai lầm: Thụy Sĩ không phải là đất của người Việt Tỵ Nạn. Nay, Bia Thuyền Nhân Việt Nam tại Geneve đã thay đổi hết cả, đó là kết tinh của ba yếu tố vô cùng quý giá:

- Kỷ niệm về những đồng bào tử nạn trên đường vượt biên,
- Nỗ lực của các bạn tại Geneve đã vượt mọi khó khăn để dựng lên tấm bia tưởng niệm tại ngã tư quốc tế này…
- Và mối chân tình của những người bạn Thụy Sĩ, cũ cũng như mới, luôn luôn thương yêu và giúp đỡ cộng đồng chúng ta…

Tôi mong và tin rằng tấm Bia Thuyền Nhân Việt Nam tại công viên “Campagne du Chateau Pictet” – Quận Grand Saconnex, Thành Phố Geneve sẽ là điểm hành hương của nhiều người Việt Tỵ Nạn từ khắp nơi trên thế giới.

Rồi từ đó sẽ còn nhiều Bia Thuyền Nhân được dựng lên tại nhiều quốc gia trên thế giới, những tấm bia hữu hình này sẽ kết hợp với tấm bia vô hình là “Ngày Dân Việt Tỵ Nạn Cộng Sản” để nhắc nhở dân tộc ta nhớ mãi những kỷ niệm bi thảm và hùng tráng của cuộc ra đi tìm Tự Do của người dân Việt vào cuối thế kỷ 20, để không lãng quên những người đã tử nạn trên bước đường tìm tự do, để tri ân các quốc gia, dân tộc, tổ chức… đã giúp đỡ người tỵ nạn Việt Nam và để nhắc nhở các thế hệ tương lai của cộng đồng hải ngoại không quên nguồn gốc tỵ nạn chính trị của mình.

Hoàng Cơ Định

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự đại hội đảng XIV chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban hôm 13/3/2024 tại trụ sở Trung ương đảng. Ảnh: Vietnam Plus

Từ trường hợp ông Võ Văn Thưởng nhìn về công tác nhân sự

Nhưng thống kê lại chuỗi cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong thời gian qua, phân tích bản chất, tìm đến nguyên nhân cốt lõi, thì đi đến kết luận rằng, công cuộc chống tham nhũng cần phải đẩy mạnh, tiến hành triệt để, nhưng phải cần đến các biện pháp khác có khả năng tiệu diệt nguyên nhân gốc rễ của quốc nạn tham nhũng.

Ông Võ Văn Thưởng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Việt Nam ngày 02/03/2023 trước Quốc Hội, Hà Nội, Việt Nam. Ảnh: AP - Nhan Huu Sang

Việt Nam: Chủ tịch nước bị cách chức, tổng bí thư bị tiếm quyền?

Có thể là một số người trong vòng quyền lực thứ nhất biết được tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng và tự cho phép khơi mào cuộc chiến hay còn gọi là cuộc đấu tranh nội bộ để giữ những vị trí cao nhất trong bộ máy Nhà nước Việt Nam. Có nghĩa là cuộc tranh giành kế thừa ông Trọng đã được phát động. (TS Benoît de Tréglodé, Giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp – IRSEM)

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thương phát biểu trước giới truyền thông trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại dinh thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 27 tháng 11 năm 2023. Ảnh: AP

Các nhà phân tích: Việc chủ tịch nước Việt Nam từ chức cho thấy đấu đá trong nội bộ đảng

Các nhà phân tích cho rằng việc Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng từ chức trong tháng này, chỉ sau một năm trong nhiệm kỳ 5 năm, cho thấy sự đấu đá trong nội bộ đảng Cộng sản và tình trạng bất ổn chính trị tại Việt Nam, ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.

Người dân Cuba biểu tình, đòi quyền sống, phản đối chính quyền gây nên tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, thực phẩm, điện... hôm 17/3/2024 tại TP. Santiago. Ảnh chụp màn hình video Aljazeera.com

Cuba

Trong 2 ngày 17 – 18/3 (2024) vừa rồi, truyền thông thế giới đưa tin hàng nghìn người, rồi cả vạn người dân Cuba đổ ra đường biểu tình.

… Họ, người Cuba biểu tình, đòi quyền sống, phản đối chính quyền gây nên tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng lương thực, thực phẩm, điện. Trước đó mấy ngày, dân chúng cũng biểu tình sau khi nhà nước đột ngột tăng giá xăng đến… 500%. Họ không hô “tự do hay là chết” nữa, mà hô “dân chủ hay là chết,” “quyền sống hay là chết,” “lương thực hay là chết.”