Biến động Thái Lan: Khát vọng của số đông nghèo khó

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

I. Diễn tiến cuộc biến động chính trị tại Bangkok:

Triều đại Chakri của Vương Quốc Thái Lan bắt đầu từ Vua Rama I vào năm 1782 và kéo dài đến hiện nay là Vua Rama IX. Trừ Rama I, hầu hết các vua Thái còn lại đều du học nước ngoài, có trình độ ít nhất là Cử Nhân và hấp thụ nền văn minh của Tây phương. Cho đến năm 1932, vương triều Chakri đã chuyển từ thể chế quân chủ sang thể chế đại nghị (nghị viện chế) dưới thời Vua Rama VII; tuy nhiên, sinh hoạt chính trị xứ Thái vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của Hoàng gia cho đến ngày nay. Một điểm đặc biệt của triều đại Chakri là nhờ khôn khéo bang giao và mở cửa giao thương với Châu Âu và Châu Mỹ, các vua Thái đã giúp quốc gia của họ tránh được nhiều chiến tranh trong lịch sử cận đại và không bị đô hộ bởi Tây phương như các nước còn lại tại khu vực Đông Nam Á.

Trong 78 năm dưới nền dân chủ nghị viện, Thái Lan đã trải qua 18 cuộc đảo chánh do những bế tắc của chính phủ dân sự. Đồng thời Thái Lan cũng đã có những cuộc nổi dậy của quần chúng chống đối lại chính phủ đương thời. Nổi bật nhất là các cuộc phản đối của quần chúng, sinh viên và giới trí thức lên đến hàng trăm ngàn người trong những năm 1973, 1976 và 1992. Riêng hai cuộc nổi dậy của sinh niên trường Đại học Thammasat năm 1976 và cuộc tranh đấu của quần chúng trung lưu chống chính quyền quân đội vào 1992, người biểu tình đã bị quân đội và lực lượng bán quân sự đàn áp đẫm máu, để lại một vết nhơ trong lịch sử Thái và vẫn còn gây nhiều nhức nhối trong người dân Thái mỗi khi nhắc tới.

Vị Vua Thái hiện tại, tức Vua Rama IX, lên ngôi từ năm 1946, là một người được đại đa số dân Thái thương yêu và kính phục vì có đạo đức và suốt cả đời chăm lo cho người nghèo. Vì vậy, Vua Rama IX có một vị thế đặc biệt để hòa giải những tranh chấp chính trị. Do đó, mặc dù có nhiều cuộc đảo chánh và nổi dậy của quần chúng nhưng dân tộc Thái không có sự chia rẽ sâu sắc, và việc tái lập trật tự lẫn phát triển kinh tế không bị gián đoạn lâu như nhiều người suy nghĩ.

Từ năm 2001, đảng Thai Rak Thai dưới sự lãnh đạo của Chủ Tịch Thaksin Shinawatra thắng lớn trong hai cuộc bầu cử năm 2001 và 2005. Mặc dù là một tỷ phú nhưng ông Thaksin lại đặc biệt quan tâm đến tình trạng của dân nghèo, nhất là thành phần nông dân. Thủ Tướng Thaksin đã thực hiện một số chương trình cải tổ xã hội nhằm nâng cao mức sống của người nghèo, thí dụ như chương trình bảo hiểm y tế với giá rẻ, phương tiện giao thông công cộng cho dân chúng và một số các nỗ lực canh tân khác. Nhờ vậy mà chính quyền Thaksin đã được sự ủng hộ nhiệt liệt của giới bình dân tại Thái, nhất là trong hoàn cảnh họ có mặc cảm bị bỏ quên bởi giai cấp giầu có và thượng lưu trong xã hội.

Tuy nhiên, ông Thaksin giữ trách vụ Thủ Tướng từ năm 2001 cho đến tháng 9 năm 2006 thì bị quân đội đảo chánh dưới quyền Tướng Sonthi Boonyaratkalin. Sau đó, Tướng Sarayud Chulanont được chỉ định làm Thủ Tướng Chính phủ Lâm thời từ tháng 10 năm 2006 đến năm 2008. Vào tháng 1 năm 2008, quân đội chuyển giao chính quyền cho ông Samak Sundaravej, một người thân với cựu Thủ tướng Thaksin để lập chính phủ. Nhưng Thủ Tướng Samak cũng đã bị áp lực phải từ chức vì vi phạm hiến pháp. Ông Somchai Wongsawat được đề cử lên thay thế vào tháng 9 năm 2008. Tình hình chính trị Thái trở nên bất ổn từ khi Nhóm Áo Vàng của Liên Minh Dân Chủ Nhân Dân (People’s Alliance for Democracy) phản đối vì cho rằng Thủ Tướng Somchai Wongsawat chỉ là bù nhìn của ông Thaksin. Đây là nhóm có khuynh hướng ủng hộ hoàng gia và tiêu biểu cho giới thượng lưu trong xã hội Thái. Cao điểm phản đối của Nhóm Áo Vàng là việc chiếm phi trường quốc tế Bangkok vào tháng 11 năm 2008 dẫn đến sự từ chức của Thủ Tướng Somchai Wongsawat vào đầu tháng 12 năm 2008. Nhờ liên hiệp với các đảng nhỏ, ông Abhisit Vejjajiva, Chủ Tịch đảng Dân chủ, lên làm Thủ Tướng từ ngày 17 tháng 12 năm 2008 đến hiện tại.

JPEG - 115.2 kb

Trong năm 2009, Nhóm Áo Đỏ thuộc Mặt Trận Thống Nhất Dân Chủ Chống Độc Tài (United Front for Democracy against Dictatorship) đẩy mạnh phong trào chống đối chính phủ của Thủ Tướng Abhisit vì cho là không chính thống và thiếu dân chủ. Đây là nhóm ủng hộ cựu Thủ Tướng Thaksin, qui tụ rất đông người nghèo, giới quân đội cấp thấp đã giải ngũ, và một số thuộc giới trung lưu, trí thức muốn nhìn thấy sự bình đẳng trong xã hội Thái. Cao điểm phản đối của Nhóm Áo Đỏ là cuộc xâm nhập địa điểm tổ chức Hội Nghị ASEAN tại Pattaya năm 2009 khiến hội nghị phải hủy bỏ. Nhưng sau đó Nhóm Áo Đỏ lại bị dẹp tan. Đến tháng 3 năm 2010, Nhóm Áo Đỏ xuất hiện trở lại; lần này họ tập trung đông đảo và chiếm đóng khu Ratchaprasong ngay tại trung tâm thương mại của Bangkok để đòi hỏi Thủ Tướng Abhisit phải giải tán quốc hội và tổ chức cuộc bầu cử mới. Trong những ngày đầu Nhóm Áo Đỏ đã huy động được trên 100.000 người bao gồm nhiều thành phần như trí thức, thường dân, một ít quân nhân, nhưng đặc biệt là giới chạy xe taxi tại Bangkok và dân nghèo từ các tỉnh Đông Bắc Thái.

JPEG - 96.9 kb

Thủ Tướng Abhisit và lãnh đạo Nhóm Áo Đỏ đã có nhiều cuộc họp để hòa giải nhưng không thành. Ngày 10 tháng 4 năm 2010 đã xảy ra cuộc đụng độ ác liệt giữa lực lượng an ninh và Nhóm Áo Đỏ khiến cho 25 người chết và 800 người bị thương. Biến cố này đã làm cho dư luận trong và ngoài nước yêu cầu hai bên tránh leo thang gây hấn và tìm cách hòa giải để tránh gây thêm chia rẽ trong nội bộ Thái.

Thủ Tướng Abhisit đã tham khảo với nhiều giới trí thức trong cũng như ngoài nước, ủng hộ cũng như chống đối chính phủ, các nhà ngoại giao trên thế giới để phác thảo một Lộ Đồ Hòa Giải (Roadmap) giải quyết tình trạng bế tắc này. Vào ngày 3 tháng 4 năm 2010, Thủ Tướng Abhisit đưa ra Lộ Đồ để vãn hồi an ninh trật tự với 5 điểm chính như sau:

1. Bảo vệ Hoàng Gia trong vị trí truyền thống làm chất keo đoàn kết và hòa giải dân tộc. Ngăn chận các âm mưu lôi kéo Hoàng Gia vào trong các tranh chấp chính trị.

2. Giải quyết các vấn nạn gây ra bởi tình trạng bất công xã hội.

3. Bảo đảm các cơ quan truyền thông phải hoạt động trong tinh thần xây dựng và đúng với chức năng.

4. Điều tra và trình bầy trước công luận những dữ kiện liên quan đến các cuộc bạo động gây thiệt mạng.

5. Qui định những luật lệ và nguyên tắc sinh hoạt chính trị được chấp nhận bởi mọi khuynh hướng và thành phần.

JPEG - 86.8 kb

Ngoài ra, Thủ Tướng Abhisit còn đề nghị sẽ tổ chức bầu cử lại quốc hội vào ngày 14 tháng 11 năm 2010. Vào chiều ngày 4 tháng 5 năm 2010, lãnh đạo Nhóm Áo Đỏ tuyên bố chấp nhận đề nghị của Lộ Đồ Hòa Giải của Thủ Tướng Abhisit.

Nhưng sau đó cuộc chống đối vẫn kéo dài vì có sự bất đồng ý kiến của các thành phần lãnh đạo Nhóm Áo Đỏ đã gây khó khăn trong việc thương thảo với chính phủ. Một bên muốn chấm dứt chống đối và tiếp tục thảo luận với chính phủ để tìm giải pháp, và một bên muốn tiếp tục đấu tranh vì mục tiêu chưa đạt được đó là bất công xã hội và hệ thống luật pháp thiên vị. Cánh này đòi Thủ Tướng Abhisit và Phó Thủ Tướng Suthep Thaugsuban và lãnh đạo của Nhóm Áo Đỏ đều phải bị ghép vào tội gây ra cuộc đụng độ đẫm máu ngày 20 tháng 4 năm 2010 chứ không thể chỉ buộc tội lãnh đạo Nhóm Áo Đỏ mà thôi.

Tình trạng chống đối kéo dài đến ngày 13 tháng 5, Thủ Tướng Abhisit tuyên bố rút lại đề nghị bầu cử quốc hội sớm và bắt đầu điều động quân đội bao vây trung tâm thương mại Rachaprasong nơi tụ tập đông người nhất của Nhóm Áo Đỏ. Một biến cố quan trọng trong ngày là vào buổi tối, Thiếu Tướng Khattiya Sawasdipol, lãnh đạo cứng rắn của Nhóm Áo Đỏ bị bắn trọng thương, hôn mê và mất vào sáng ngày 17/5. Sự việc này đã bất ngờ gia tăng cường độ bạo động giữa chính phủ và Nhóm Áo Đỏ.

Tối ngày 16/5, lãnh đạo Nhóm Áo Đỏ yêu cầu chính phủ ngưng dùng quân đội để đàn áp người chống đối. Họ sẽ tái thảo luận với chính phủ với sự chứng kiến của Đại Diện Liên Hiệp Quốc tại Bangkok. Đồng thời họ cũng yêu cầu những người theo họ tự quyết định muốn tiếp tục đấu tranh hay muốn rời trung tâm Ratchaprasong. Chính phủ im lặng không trả lời đề nghị này của phe chống đối.

Ngày 17/5 trong lúc tại Bangkok cuộc chống đối vẫn tiếp tục, thì các thành phố lớn tại vùng Bắc và Đông Bắc Thái như: ChiangMai, Phayo và Ubol các thành viên của Nhóm Áo Đỏ tổ chức những cuộc biểu tình để hỗ trợ cuộc đấu tranh tại thủ đô, đồng thời yêu cầu chính phủ chấm dứt đàn áp cuộc chống đối bằng võ lực.

Sáng ngày 19/5 chính phủ điều động nhiều xe tăng và một lượng đông đảo bộ binh từ các tỉnh lân cận Bangkok để dẹp nhóm chống đối. Giữa trưa, lực lượng quân đội xiết vòng vây và bắt đầu tấn công vào trung tâm Ratchaprasong. Lúc 1:15 chiều, ông Jatuporn Prompan, lãnh đạo của Nhóm Áo Đỏ, tuyên bố ông và các người lãnh đạo sẽ đầu hàng tại Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Thái. Ông xin lỗi tất cả những người đã tham gia chống đối vì ông không muốn thấy đổ máu nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, ông sẽ không bao giờ từ bỏ đấu tranh cho dân chủ, và tuyên bố chấm dứt cuộc chống đối.

Lời tuyên bố đầu hàng này gây làn sóng phẫn nộ trong số quần chúng tham gia cuộc chống đối qua hai động thái trái ngược nhau. Một số người thuộc Nhóm Áo Đỏ đang ở ngoài trung tâm Ratchaprasong đã tức giận đốt phá một số cơ sở thương mại, đập phá một số chi nhánh ngân hàng, các điện thoại công cộng. Trong khi đó, nhiều người khác khóc ròng trong đau khổ và thất vọng tại trung tâm Ratchaprasong vì mục tiêu của họ chưa đạt được. Tổng kết thiệt hại có trên 70 người thiệt mạng và 1306 người bị thương kể từ tháng 3 đến nay. Những chống đối lẻ tẻ xung quanh thành phố vẫn còn tiếp diễn. Đồng thời có những kẻ xấu lợi dụng cơ hội hỗn loạn đập phá những cửa hàng để cướp đoạt tài sản. Chính phủ đã ra lệnh tiếp tục giới nghiêm thêm ba ngày kể từ thứ Năm 20/5. Đây là lần thất bại thứ nhì của của Nhóm Áo Đỏ trong hai năm, nhưng họ sẽ trở lại để tiếp tục đòi những gì chưa đạt được là công lý và chấm dứt bất công xã hội.

JPEG - 44.9 kb

II. Những bài học rút tỉa

1. Mặc dầu sự chống đối của Nhóm Áo Đỏ đôi lúc có làm rối loạn và mất an ninh tại trung tâm thương mại Bangkok, nhưng Thủ Tướng Abhisit đã chứng tỏ thái độ biết tôn trọng quyền của người dân và đã tuyên bố không dùng bạo lực để dẹp các cuộc biểu tình trừ khi nhóm biểu tình đi quá đà. Từ năm 2009 đến nay, mọi biện pháp chống biểu tình đều cố gắng tránh dùng bạo lực và được Thủ Tướng Abhisit trình bày thẳng thắn với đồng bào ông qua truyền hình và báo chí. Nhưng càng về sau này, Thủ Tướng Abhisit càng không cưỡng lại được những áp lực từ nhiều phía. Ông đã từ chối tái thương thảo thẳng với Nhóm Áo Đỏ và dùng quân đội một cách kềm chế để chấm dứt cuộc chống đối. Rất may cuộc chống đối kết thúc mà không có cảnh đàn áp đẫm máu nhờ quyết định đầu hàng của lãnh đạo Nhóm Áo Đỏ.

2. Lần đầu tiên trong các chính biến tại Thái, Tư Lệnh Lục Quân, tướng Anupong Paojinda và các tướng lãnh Cảnh Sát Thái không đồng ý giải tán Nhóm Áo Đỏ bằng sức mạnh của quân đội, và chỉ thực hiện khi tình trạng cần thiết mà thôi. Tướng Anupong Paojinda tuyên bố “những bất ổn chính trị phải được giải quyết bằng những biện pháp chính trị” và “quân đội là một phương tiện của quốc gia và quần chúng chứ không phải của đảng nào”. Lực lượng quân đội hành quân dẹp chống đối không phải lực lượng quân sự và cảnh sát tại Bangkok mà là lực lượng từ các tỉnh lân cận. Biến cố này đã làm rạn nứt sự thống nhất trong quân đội Thái vì một bên muốn dẹp chống đối và bên kia không đồng ý dùng quân đội để dẹp những đòi hỏi chính đáng của người dân. Chính họ cũng mong muốn đa số những người nghèo được hưởng một đời sống mà trong đó công lý và công bằng chan hòa cho mọi thành phần xã hội.

3. Trong lúc biến động chính trị, rất nhiều trí thức tại Thái lên tiếng ủng hộ hay chống chính phủ nhưng họ đồng thuận là phải tránh đổ máu của nhân dân và phải tìm những biện pháp hòa giải dân tộc để chấm dứt sự bất ổn.

4. Chính quyền của Thủ Tướng Abhisit cũng lắng nghe những đề nghị và khuyến cáo của dư luận trong và ngoài nước, chính giới ngoại quốc, giới thương gia, và ý nguyện của những người nghèo để từ đó hình thành Lộ Đồ Hòa Giải nhằm có một giải pháp tốt đẹp cho đất nước. Chính quyền đã không coi những khuyến cáo của chính giới ngoại quốc về việc đàn áp bằng bạo lực đối với những người chống đối là can thiệp vào nội bộ Thái.

5. Trong những năm qua, nền chính trị Thái Lan thường được mô tả là có bốn mùa — có nghĩa là việc điều hành quốc gia Thái do 4 thành phần nắm quyền quyết định: quân đội, chính trị gia, giới trí thức, và tài phiệt. Nhưng từ năm 2009, một giới khác là những người nghèo, không được quyền lợi gì nhiều trong sự phát triển kinh tế, không có tiếng nói trong việc điều hành quốc gia, đã nhập cuộc qua Nhóm Áo Đỏ. Sức mạnh số đông của lực lượng người nghèo này đã cân bằng với sức mạnh tổng hợp của quân đội, chính trị gia xôi thịt và tài phiệt Thái. Mặc dầu nghèo khó nhưng thời đại tin học đã cho hầu hết thành viên Áo Đỏ phương tiện điện thoại di động để liên lạc, trao đổi và cập nhật tin tức qua internet. Việc này đã góp phần hữu hiệu trong các hoạt động đấu tranh của họ. Tình trạng bất ổn Thái sẽ còn âm ỉ kéo dài thêm một thời gian nữa vì nguyện vọng của đại khối dân nghèo chưa được thỏa đáng. Và sự bất ổn chỉ thực sự chấm dứt khi giới nghèo được chia xẻ công bình thành quả của sự phát triển kinh tế và có tiếng nói quan trọng trong việc điều hành quốc gia.

6. Vào thời điểm năm 1975, đời sống của người dân tại miền Nam Việt Nam cao hơn hay bằng Thái Lan. Từ đó đến nay, Việt Nam không có xáo trộn chính trị gì đáng kể trong khi Thái Lan có nhiều biến động chính trị như cuộc chống đối chính quyền năm 1976 của sinh viên, sự nổi dậy của quần chúng chống nhà cầm quyền quân đội 1992, khủng hoảng kinh tế năm 1997, rồi liên tục bất ổn chính trị liên tiếp trong năm 2008, năm 2009 và từ đầu tháng 3 năm 2010 đến nay. Mặc dù vậy, nền chính trị Thái cùng lúc có nhiều tiến bộ về dân chủ, kinh tế lại phát triển đều đặn với mức thu nhập bình quân là $5.000 US trong khi thu nhập bình quân của Việt Nam chỉ ở mức $1.040 US. Cho nên những biến động chính trị tại Thái không thể nói là gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế trong dài hạn, mà phải nói là những sự chống đối này đã làm cho những người lãnh đạo quốc gia Thái phải làm đúng vai trò của mình hơn để đem lại phúc lợi cho người dân chứ không phải cho cá nhân hay đảng phái của mình.

Là một ngườì Việt Nam có cơ hội quan sát và qua lại Thái Lan gần ba mươi năm qua, tôi nhìn thấy quốc gia này đã chuyển biến dần dần. Xã hội có dân chủ ngày một rộng hơn đồng thời người dân cũng bắt đầu được hưởng những thành tựu của phát triển kinh tế, mặc dầu họ phải chịu nhiều khổ cực và phải đứng lên tranh đấu mới được như ngày hôm nay.

Nói cách khác, chính biến tại Thái Lan hiện nay chính là sự trổi dậy của một lực lượng quần chúng vốn thấp cổ bé miệng và nghèo khổ trong quá khứ, nhưng nay đã kết thành một lực chính trị đòi hỏi chính quyền phải thực thi công bằng và công lý đúng theo nguyện vọng của đa số dân chúng Thái Lan.

Bangkok, ngày 20/5/2010
Nguyễn Kim Hạnh

Tài liệu tham khảo:
– Bangkok Post, The Nation từ ngày 1/3/2010 đến ngày 19/5/2010
– CNN từ ngày ngày 3/4/2010 đến ngày 19/5/2010
– The economic tháng 4/2010
– Wikipedia Chakri Dynasty, Chính quyền của Thaksin, Sarayud Chulanont, – Samak Sundaravej, Somchai Songsawat, Abhisit Vejjajiva

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.