Biết Thì Không Sợ

Ngô Nhân Dụng

Một người bạn tôi mới về thăm Việt Nam trở ra, kể một câu chuyện mà anh cho là rất đáng buồn. Anh gặp người anh họ đang dậy một trường đại học thuộc ngành khoa học xã hội (tôi tránh không nói rõ hơn để khỏi phiền người kể truyện, vì chi tiết này không quan trọng). Hai anh em hàn huyên đủ chuyện, có lúc cũng bàn thế sự, nói đến chuyện chính trị nơi người em sống ở ngoại quốc. Khi nêu lên chuyện các đảng phái tranh cử, ông anh giáo sư đại học lắc đầu, cho là ở Việt Nam không thể nào làm như ở ngoại quốc được. Ông nói, “Nước ta đã trải qua một cuộc chiến tranh dài, ai dám theo lối đa đảng nữa!” Vì, “Khi đã có nhiều đảng phái là họ sẽ chém giết nhau, đất nước càng tang thương hơn!”

Nghe ông nói giống như lời ông Nguyễn Minh Triết cảnh cáo cảnh “máu đổ đầu rơi” vì có những người đòi dân Việt Nam được sống tự do dân chủ! Tất nhiên anh bạn tôi giải thích cho ông anh biết là ở các nước có nhiều đảng chính trị người ta cũng không giết lẫn nhau. Họ tranh cử, họ có thể dùng mọi thủ đoạn để giành phiếu của dân, nhưng không cần đâm chém nhau. Trái lại, ai bị tố giác đã dùng bạo lực hoặc mua chuộc cử tri thì sẽ chỉ mất tín nhiệm! Ông anh tỏ vẻ ngạc nhiên, và vẫn còn nghi hoặc! Cả đời ông chỉ biết hễ nói đến đảng là phải có chém giết, có đổ máu. Người ta lập đảng ra là để “cướp chính quyền” chứ có ai thấy một đảng hiền lành đi xin người dân bỏ phiếu cho mình để được cầm quyền đâu! Những tay anh hùng hảo hán có đi cướp thì cướp chứ ai lại đi xin!

Người bạn tôi kể lại câu chuyện và rất buồn. Vì khi một giáo sư đại học, dậy trong ngành khoa học xã hội mà nghĩ như vậy, thì những người khác biết gì về hệ thống chính trị tự do dân chủ?

Dù không được phép thảo luận công khai nhưng mọi người Việt Nam trong nước chắc đều đang đặt câu hỏi thể chế chính trị nào là tốt nhất cho dân tộc. Dù không cho phép dân thảo luận vấn đề đó nhưng những người đang nắm quyền lúc nào cũng sẵn sàng biện hộ cho chế độ độc đảng độc quyền của họ. Họ cố ý gieo những mối lo lắng vào trong lòng dân, đe dọa dân, là nếu thay đổi chế độ chính trị thì sẽ nhiều hậu quả rất xấu. Ông giáo sư trong câu chuyện trên chỉ lập lại các luận điệu tuyên truyền đó, một phần vì thiếu thông tin một phần là lười suy nghĩ.

Có một người Nhật đã từng nêu lên thắc mắc về chế độ dân chủ, cũng giống như nỗi lo lắng của ông giáo sư trên. Ðó là ông Yukichi Fukuzawa, đọc tên lối Hán Việt là Phúc Trạch Dụ Cát. Chắc vị giáo sư trên mải lo dậy cho học trò đi thi nên không có thời giờ đọc sách, một cuốn sách của nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội, in năm 2006.

Ông Yukichi Fukuzawa (1835-1901)

Ông Fukuzawa kể chuyện tháp tùng một phái đoàn quan chức Nhật đi Mỹ, năm sau lại đi Âu Châu, qua những nước Anh, Pháp, Hà Lan, Nga. Trong cuốn “Phúc Ông Tự Truyện” Fukuzawa kể đi tới đâu ông cũng học hỏi. Khi ở Âu Châu, “Chẳng hạn, ở đây có một bệnh viện. Thế thì phải tìm hiểu về chi phí ở đó như thế nào và ai sẽ là người trả những khoản này. Lại có một thứ người ta gọi là ‘Banh’ (Bank, ngân hàng), lại nảy ra vấn đề cần tìm hiểu xem dòng (tiền tệ) chi thu lưu chuyển như thế nào.” Fukuzawa cũng thắc mắc về luật bưu chính viễn thông mà Quốc Hội một nước đang bàn, không biết luật đó có mục đích gì. Thế rồi ở Pháp thì đang bàn luật trưng binh (động viên thanh niên vào quân đội), ở Anh thì không có luật đó. “Vậy thì luật trưng quân tựu trung là lấy mục đích nào làm căn bản? Những chuyện đó tôi hoàn toàn không hiểu!” Ông thú nhận, “Cả về luật bầu cử trong chính trị, tôi cũng không biết. Không biết nên phải hỏi người bên đó xem luật bầu cử là thế nào, nghị viện là cơ quan gì, thì họ chỉ cười. Cười vì tôi hỏi một điều ai cũng biết!”

Fukuzawa thắc mắc về chính trị ở Âu Châu, chắc ông nói về Anh Quốc: “Về các đảng phái thì hình như có đảng Bảo Thủ và đảng Tự Do. Hai đảng này luôn tranh nhau gay gắt, không bên nào chịu thua kém bên nào.” Rồi ông hỏi: “Thế nghĩa là thế nào? Tại sao trong một xã hội yên bình như vậy mà các chính trị gia lại phải ra sức tranh cãi với nhau? Thật không thể hiểu nổi! Thế này thì gay go quá!” Chưa hết, “Mà lạ thay, những người là kẻ thù của nhau (trong chính trị) lại cùng ăn, cùng uống trong một bàn tiệc (đãi khách Nhật Bản). Thật không thể hiểu được!” Fukuzawa cho biết phải mất năm mười ngày tìm hiểu từng chút một, nối kết lại thành một bức tranh đầy đủ, dần dần sau ông cũng hiểu được. Và ông nói, “Ðó là điều học được lớn nhất của tôi trong chuyến đi Âu Châu” (các đoạn trích dẫn trên theo bản dịch của Phạm Thu Giang).

Nếu quý vị chưa biết, xin nhắc Yukichi Fukuzawa sinh năm 1835, mất năm 1901, chuyến đi Âu Châu của ông là vào năm 1861, trước cuộc cách mạng duy tân của Vua Minh Trị. Năm đó, quân Pháp đã chiếm ba tỉnh miền Ðông Nam bộ. Hai năm sau, một phái đoàn Việt Nam cũng sang Pháp thương thuyết xin chuộc lại ba tỉnh, trong phái đoàn có Phạm Phú Thứ (1820-1883) cũng viết một cuốn nhật ký hành trình kể lại những điều quan sát, thắc mắc và học hỏi của một nhà Nho Việt Nam, không khác gì nhà võ sĩ đạo Fukuzawa. Phạm Phú Thứ đã viết các sách Bác Vật Tân Biên (nói về khoa học), Khai Môi Yếu Pháp (phương pháp khai mỏ), Hàng Hải Kim Châm (phương pháp đi biển), và Quốc Tế Công Pháp.

Về sau Fukuzawa đã sáng lập Khánh Ưng Nghĩa Thục, một trường tư dậy các kiến thức khoa học, thực nghiệp cho thanh niên Nhật Bản. Ở nước ta đến năm 1907 các nhà Nho cũng mở Ðông Kinh Nghĩa Thục theo mô thức đó. Phan Chu Trinh đã từng đi diễn thuyết về chủ nghĩa pháp trị, dân chủ và dân quyền. Dưới thời thực dân Pháp cai trị nước ta, các sinh viên cũng được học về các thể chế chính trị dân chủ kiểu Tây phương. Thời Việt Nam Cộng Hòa các học sinh trung học đã học lịch sử các cuộc cách mạng ở Pháp, Mỹ và cả cuộc Cách Mạng Tháng Mười ở Nga. Có lẽ dưới chế độ cộng sản các học sinh chỉ được học chủ nghĩa Marx và hệ thống chính trị Xô Viết, không cần học thứ gì khác vẫn có thể thi đậu, làm quan, làm thầy; cho nên mới có cảnh một giáo sư đại học không hiểu rằng trong các nước tự do dân chủ các đảng phái không cần phải kéo nhau ra đường đánh đấm coi anh cướp được chính quyền! Những người chỉ sống trong chế độ cộng sản khó tưởng tượng nổi nếu thay đổi chính thể thì những người thuộc chế độ cũ sẽ bị chế độ mới xử ra sao! Trong lối sống cộng sản, sau khi ông Lê Duẩn qua đời, có người con nhỏ của ông hỏi ông Ðoàn Duy Thành, phó thủ tướng, rằng không biết “người ta có định giết chúng cháu hay không!” Hồi ký của ông Thành kể chuyện này. Cùng một đảng mà còn như vậy, nữa là khác đảng. Nhưng trong thời đại chúng ta, nhiều cuộc cách mạng xảy ra, những người thuộc chế độ cũ vẫn bình an trong chế độ dân chủ mới.

Cựu Tổng Thống Nam Dương Suharto.

Ở Indonesia năm 1998 đã có một cuộc thay đổi thể chế chính trị, chế độ độc tài của Tướng Suharto chấm dứt. Một vị tướng nắm quyền sinh sát 32 năm, sau khi về vườn đang bị chính quyền kiện ra tòa đòi lại những món tiền tham nhũng của ông và gia đình ông, lên tới một tỷ rưỡi Mỹ kim, nhưng gần mười năm rồi vẫn chưa xử được vì thủ tục pháp lý. Ông Suharto vẫn sống bình an, các con ông cũng không lo bị giết như các người con ông Lê Duẩn đã lo. Ông Suharto phủ nhận tội tham nhũng, trong khi đó, ông vẫn được lãnh lương hưu của một đại tướng mấy trăm Mỹ kim một tháng! Chắc số lương nhỏ đó cũng đủ sống, vì ông Suharto mới tuyên bố sẽ tặng tất cả số tiền 100 triệu Mỹ kim mà ông mới thắng trong vụ kiện tuần báo Time về tội mạ lị ông, ông sẽ đem tặng tất cả cho các hội thiện! Vụ kiện này do Tòa Án Tối Cao của Indonesia xử, nhưng báo Time vẫn còn kháng án.

Trong chế độ tự do dân chủ, thay đổi chính quyền không có nghĩa là phải chém giết, phải đổ máu. Những chính quyền dân chủ đều phải tôn trọng pháp luật, không dám vượt qua quyền hạn mà bản hiến pháp đã trao cho. Vì đó là những nền tảng để biện minh cho việc họ được nắm quyền hành.

Nhưng nếu không biết vì không được học, thì khi đã được mở cửa, cũng có dịp học. Ðiều đáng lo ngại là người ta không chịu học, cả giới thanh niên cũng nhiều người không thấy cần phải học. Khi ông Fukuzawa được theo chiếc tàu thủy đầu tiên do người Nhật đóng đi Mỹ, là nhờ ông tự học, lúc đầu học bằng tự điển từng chữ, mãi sau mới được học nói, để biết nói tiếng Anh bập bẹ. Và năm đi Mỹ ông mới có 25 tuổi. Năm 26 tuổi ông qua Âu Châu cũng nhờ biết tiếng Anh, nhưng đã tỏ ra muốn học hỏi đủ mọi điều mới lạ, từ thương mại, luật pháp, y tế, đến hệ thống chính trị!

Hiện nay các thanh niên nước ta muốn học hỏi về khoa học, kỹ thuật rất dễ. Muốn hiểu biết về các chế độ chính trị cũng không khó, chỉ cần viết mấy chữ đó lên và bấm chữ Search trong Google là cái gì cũng tìm ra được! Miễn là các bạn thanh niên nước ta muốn học.

Muốn nhiều cơ hội học hỏi, cần phải được tự do báo chí, tự do lập hội. Muốn thành lập một Ðông Kinh Nghĩa Thục bây giờ còn khó hơn thời Pháp thuộc. Muốn đi diễn thuyết về chế độ tự do dân chủ như Phan Châu Trinh đời xưa, bây giờ cũng rất khó. Trong khi chính quyền còn kiểm soát báo chí, lúc nào cũng treo một cái thỏng lọng trên cổ các nhà báo. Một người bạn tôi mới ở Việt Nam ba tháng trở về nói, trong nước bây giờ vẫn còn chế độ “Xô Viết,” tức là “Siết Vô!” Anh kể vụ sập cầu đang xây ở Cần Thơ, báo chí ồn ào lên một thời gian, phóng sự, ý kiến, bàn tán đủ điều khiến bao nhiêu đồng bào cảm kích; bỗng một bữa các báo đều im bặt! Không ai được bàn tán nữa!

Cũng vậy, ở Việt Nam có 70 tờ báo điện tử, 2,500 trang tin điện tử nhưng không ai dám bàn đến chuyện đồng bào kêu oan vì bị cường hào cướp đất. Hàng chục ngàn công nhân đình công, các bạn thanh niên đi qua cũng không ai dừng lại hỏi thăm họ đang tranh đấu cái gì. Không ai dám thảo luận việc Trung Quốc mở rộng cơ sở du lịch ở Ðảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (người Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng, Yung Hsing).

Quần đảo Hoàng Sa.

Không quan tâm đến chuyện Hoàng Sa, vì họ đang được các mạng lưới và báo, đài, kể cả đài truyền hình quốc gia, loan tin, bình luận, hướng dẫn tâm trí họ chú ý vào vụ đoạn phim ảnh tự quay của cô họ Hoàng, biệt hiệu Vàng Anh! Tin tức về Hoàng Anh nổi lên, không bạn trẻ nào có thì giờ nghĩ tới Hoàng Sa nữa! Các thanh niên mải mê thảo luận về vấn đề quan trọng đó, lại liên can đến một diễn viên nổi tiếng và con trai một ông công an lớn, thì đâu còn tâm trí nào mà thắc mắc về các chuyện khác!

Nhưng trong mấy tháng nữa thôi, xì căng đan ồn ào đến mấy cũng nguội dần. Các bạn thanh niên nước ta nên bắt chước ông Fukuzawa người Nhật sống trước các bạn một thế kỷ rưỡi. Phải tò mò học hỏi. Cái gì không biết thì hỏi, đừng tự kiêu cho là mình biết rồi. Nếu các bạn đã được đi du học, lại có thêm cơ hội tìm hiểu xem ở đất nước người ta họ sống với nhau thế nào mà con người sống lương thiện không cần phải cướp giật của ai cũng giàu được, làm sao mà kinh tế phát triển, xã hội công bằng không có đám dân nào phải kéo nhau tới cửa phủ khiếu oan hết ngày này sang ngày khác! Ðảng Cộng Sản Việt Nam đang gieo vào óc mọi người mối sợ thay đổi chế độ, bằng cách xuyên tạc lối sống ở các nước tự do dân chủ. Nhưng khi đã biết rồi, người ta không sợ nữa. Phải tin rằng người dân Việt Nam đã đủ trưởng thành, biết tôn trọng luật pháp. Phải tin dân tộc ta có văn hiến thuần hậu, có thể sống trong luật pháp. Biết như vậy, thì không ai còn sợ thay đổi chế độ nữa! (Người Việt; Friday, November 02, 2007).

Ngô Nhân Dụng