Cả Chính phủ Mỹ và Việt Nam đều can thiệp vào thị trường: đâu là sự khác biệt?

RFA

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh minh họa: Reuters

Có một thực tế là chính phủ Hoa Kỳ và tất cả các nước tư bản phát triển khác đều can thiệp vào nền kinh tế. Vậy phải hiểu thế nào khi Hoa Kỳ đặt ra 6 tiêu chí để đánh giá sự can thiệp vào nền kinh tế của chính phủ các nước khác? Sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong vấn đề can thiệp vào thị trường là gì?

Câu chuyện này ngày càng được sự quan tâm của công chúng khi hạn chót 26/7/2024 để Bộ Thương mại công bố kết quả đánh giá Việt Nam có kinh tế thị trường hay không đang đến gần.

Giải đáp vấn đề này, GS. Nguyễn Văn Chữ cho biết tất cả các nước trên thế giới tự do ngày nay đều có nền kinh tế với mức độ can thiệp khác nhau của chính phủ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mục tiêu của các biện pháp can thiệp. GS Chữ chỉ ra ba mô hình can thiệp là mô hình “chính sách kinh tế thị trường,” “chính sách kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” và “chính sách kinh tế thị trường xã hội.”

Các nước dân chủ tự do can thiệp vào thị trường là để cải thiện phúc lợi của người dân. Sự can thiệp của chính phủ đóng vai trò thấp hơn so với vai trò của thị trường. Chính phủ can thiệp vào nền kinh tế để đảm bảo tính hiệu quả, tăng trưởng và ổn định, giống như nền kinh tế Mỹ. Đó là “chính sách kinh tế thị trường.”

Ngoài ra, ở một số nước dân chủ, vai trò của chính phủ trong nền kinh tế tương đối cao so với vai trò của thị trường, nhưng không tập trung nguồn lực vào tay một đảng chính trị mà nhằm bảo đảm sự công bằng/bình đẳng và ổn định xã hội. Đó là một số nền kinh tế ở các nước Bắc Âu. GS Nguyễn Văn Chữ gọi đó là “chính sách kinh tế thị trường xã hội.”

Trong khi đó, chính sách kinh tế của các quốc gia độc đảng thì tập trung vào việc bảo vệ quyền lực của đảng cầm quyền. Các chính sách này tập trung nguồn lực quốc gia vào tay các tổ chức kinh tế do “nhà nước” (và cũng là đảng cầm quyền) quản lý. Ông gọi đó là “chính sách kinh tế của chủ nghĩa xã hội.”

Việt Nam thuộc nhóm nào? Theo GS Nguyễn Văn Chữ, không khó để thấy nước này thuộc nhóm thứ ba: đặt phần lớn nguồn lực quốc gia vào tay doanh nghiệp nhà nước để bảo vệ cơ sở kinh tế của đảng cầm quyền.

Theo TS kinh tế Nguyễn Huy Vũ, Mỹ can thiệp vào thị trường với mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, như cấm bán chip tiên tiến cho Trung Quốc, hoặc để thúc đẩy nền kinh tế nói chung. Do đó, họ chỉ làm chính sách nâng đỡ chứ không can thiệp.

Ngoài ra, TS Nguyễn Huy Vũ nhấn mạnh Hoa Kỳ và các nước tư bản phát triển có chính sách nâng đỡ cả một ngành kinh tế, ở tầm vĩ mô, chứ không can thiệp ở tầm vi mô như Việt Nam. Chính phủ các nước phát triển đều có hỗ trợ nghiên cứu. Những hỗ trợ này là hỗ trợ cho cả một ngành, một thị trường, chứ không nhắm đến một doanh nghiệp cụ thể. Ví dụ, nếu họ muốn hỗ trợ ngành xe điện, họ sẽ đầu tư vào nghiên cứu để phát triển công nghệ này, hoặc có chính sách như hỗ trợ đầu tư, giảm thuế cho việc đăng ký xe. Nhưng từng doanh nghiệp cụ thể sẽ phải tự phát triển sản phẩm và thị trường của họ, cạnh tranh với nhau để sinh tồn và phát triển.

Đối với Mỹ, như vậy vẫn thỏa mãn điều kiện của “kinh tế thị trường,” vì chính phủ chỉ kiến tạo sự phát triển, tạo cơ chế để các tác nhân trong nền kinh tế tự phối hợp với nhau để thị trường vận hành. Trong trường hợp này, Việt Nam có thể nói Hoa Kỳ làm như vậy, ngay cả trong vấn đề hỗ trợ nghiên cứu thì cũng là can thiệp vào thị trường. Tuy nhiên, ở đây vẫn có sự khác biệt rất lớn giữa hai quốc gia. TS. Nguyễn Huy Vũ nói tiếp:

“Đó là sự can thiệp ở tầm vĩ mô. Nó khác với cách can thiệp của Việt Nam là can thiệp ở tầm vi mô. Chính phủ Việt Nam có thể can thiệp bằng cách cung cấp nguồn lực về tài chính, đất đai cho từng doanh nghiệp nhà nước cụ thể, để những doanh nghiệp này thống lĩnh thị trường, đè bẹp các doanh nghiệp tư nhân khác trong ngành. Nó tạo ra những lợi ích riêng cho một nhóm nào đó hoặc theo đuổi một mục đích nào đó.

Đó là sự khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam. Nếu Việt Nam can thiệp giống như Mỹ, thì ví dụ, Việt Nam có thể hỗ trợ cho kỹ sư đi học. Chẳng hạn đào tạo kỹ sư nông nghiệp, ví dụ như kỹ sư nuôi tôm, hoặc giảm thuế cho cả ngành nuôi trồng tôm. Khi đó, đây là sự can thiệp vĩ mô, chứ không phải là can thiệp vào từng cá nhân, doanh nghiệp cụ thể. Các doanh nghiệp cụ thể sẽ phải cạnh tranh với nhau. Nếu can thiệp như vậy thì vẫn được chấp nhận là kinh tế thị trường. Cái đó tùy thuộc vào cách mình can thiệp.”

Ngoài ra, TS Nguyễn Huy Vũ cho rằng sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đối với cách can thiệp vào thị trường còn nằm ở sự khác biệt về vai trò của luật pháp. Đối với Mỹ, để đưa ra hành động thì Mỹ sẽ ra luật trước, rồi dựa vào luật để quyết định. Ông nói:

“Ngược lại, vấn đề của Việt Nam là nước này có luật nhưng không hành xử không theo luật. Đó là sự khác biệt rất lớn giữa một bên là theo luật và một bên hành xử không theo chuẩn, thậm chí không theo luật lệ nào cả.”

Theo một số nhà quan sát, với sự nổi lên về mặt quyền lực của ông Tô Lâm, có khả năng Việt Nam sẽ nới lỏng một số kiểm soát để đáp ứng các yêu cầu về nhân quyền của Hoa Kỳ và EU. Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Văn Chữ, ngay cả khi Việt Nam chấp nhận những điều này, điều đó không có nghĩa là họ sẽ thực hiện những cải cách thực chất. Ông nói:

“Vì lợi ích kinh tế của Việt Nam thì có thể ông Tô Lâm sẽ làm nhưng ta thấy họ có nhiều cách làm. Họ có thể hứa hẹn sẽ làm nhưng rồi không làm. Việt Nam rất là giỏi chuyện này: hứa làm rồi không làm. Vấn đề họ xích lại gần Mỹ, họ có thể nói chúng tôi đồng ý cho thành lập công đoàn độc lập. Nhưng rồi cái đó cũng giống như vấn đề tự do tôn giáo, nhân quyền. Mấy ổng đều nói mình tôn trọng những điều đó nhưng mấy ổng đàn áp phía sau thì đâu có ai biết. Chắc hẳn họ sẽ nới lỏng vấn đề công đoàn độc lập, nhưng họ mở đường phía trước thì luôn đặt thêm bẫy, anh đi quá một chút là họ sẽ chụp anh lại ngay lập tức. Đó là vấn đề rất tế nhị ở bên trong. Chẳng hạn, mấy ổng cho phép lập công đoàn độc lập nhưng chỉ ở cấp cơ sở, không có cấp cao hơn thì anh có làm được gì đâu.”

Nguồn: RFA