Các địa phương ‘đua’ xin bổ sung điện gió vào quy hoạch và bài học ‘điện mặt trời’

RFA

Một dự án điện gió tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Reuters

Theo số liệu của Bộ Công thương, đã có 55 địa phương đề xuất bổ sung nguồn điện gió vào quy hoạch phát triển điện VIII, với tổng công suất đạt hơn 440.000 MW.

Hai địa phương có nguồn điện năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời phát triển nhất là tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận xin bổ sung vào quy hoạch điện VIII lần lượt hơn 25.300 MW và 42.595 MW.

Ngay cả một số tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định… cũng xin Chính phủ bổ sung lượng lớn công suất điện gió, điện khí vào quy hoạch điện VIII trong lần sửa đổi này. Cụ thể Quảng Ninh muốn bổ sung khoảng 5.000 MW điện gió; Hải Phòng đề nghị bổ sung 3.900 MW điện gió ngoài khơi; Thái Bình 8.700 MW điện gió; hay Nam Định 12.000 MW, v.v.

Vì sao các tỉnh ‘đua’ xin bổ sung điện gió?

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng nhận định với RFA hôm 13/12, liên quan vấn đề này:

“Tổng sơ đồ 8 phải phù hợp với chủ trương mà Thủ tướng đã đi họp Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu. Trong đó Việt Nam cam kết đến năm 2050 phải đưa phát thải về 0… cho nên biện pháp là phải hạn chế nhiệt điện, phải đưa năng lượng tái tạo vô nhiều hơn, giảm bớt nhiệt điện than và bổ sung điện gió.”

Tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh hôm 1/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng về 0. Do đó, Bộ Công Thương phải hoàn thiện lại quy hoạch điện VIII, cập nhật những cam kết này.

Việc các địa phương đồng loạt xin bổ sung vào quy hoạch lượng lớn công suất năng lượng tái tạo, nhất là điện gió vào quy quy hoạch điện VIII được các chuyên gia cho là do Chính phủ đang nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn điện này.

Tuy nhiên, việc có quá nhiều địa phương ‘đua’ xin bổ sung quy hoạch nguồn điện gió với tổng công suất gấp ba lần kịch bản Bộ Công Thương đưa ra đến năm 2030, cũng gây bất ngờ không ít.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, khi trả lời RFA, nhận định:

“Giống như cuộc chạy đua giữa các nhà đầu tư, ai có được dự án trước sẽ đầu tư sẽ vận hành trước và sẽ có lợi nhuận trước. Chính vì vậy các nhà địa phương phải chạy đua, phải tìm mọi cách để dự án của mình được phê duyệt.”

Vùng nào đủ điều kiện phát triển điện gió?

Vậy điều kiện tự nhiên như thế nào để có thể phát triển điện gió? Trong số 55 địa phương đề xuất, có bao nhiêu tỉnh ‘dồi dào’ tiềm năng này? Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, cho biết thêm:

“Nói tới điều tra tiềm năng điện gió thì phải nói đến miền Trung và một phần miền Nam có tiềm năng rất lớn. Thứ hai là đưa điện gió ra biển, dùng mặt biển khai thác để đỡ đất, và gió ổn định hơn đất liền rất nhiều. Thứ ba là Tổng sơ đồ 8 sẽ quy hoạch lại lưới điện, chia ra các vùng, và khu vực miền Trung sẽ là điện gió là chính, sau đó mới truyền tải đi các tỉnh khác. 55 tỉnh này phải điều tra khả năng khai thác điện gió, Tổng sơ đồ 8 cũng chưa có kiết luận cuối cùng. Kỳ này phải tính toán kỹ, trong quy hoạch cho phép thì mới có khả năng được, phải có nối vào lưới thì mới đưa vô Tổng sơ đồ 8 được.”

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm nhấn mạnh, dự án điện gió phải nằm trong quy hoạch thì mới có thể cho phép. Ông nêu bài học trước đây liên quan điện tái tạo:

“Điện mặt trời lúc đó là không nằm trong quy hoạch. Quy hoạch điện 7 bị vỡ trận, dùng nhiệt điện than là chính nên vỡ trận, không xây dựng được. Cho nên tất cả điện gió đổ xô vào để thay thế, nhưng khi đó quy hoạch đường dây không đồng bộ, nên khi đưa vào không có dây truyền tải, nên đã sinh chuyện… Nhưng bây giờ mà đã đưa vào thì phải làm đường dây, làm quy hoạch đường dây thì mới được xây dựng điện gió.”

Đồng quan điểm, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, nên khuyến khích điện gió ngoài khơi, đồng thời Việt Nam cần có các chính sách hoạch định rất cụ thể để phát triển điện gió ngoài khơi, chứ không phải địa phương nào cũng làm. Ông nói tiếp:

“Chuyện năng lượng tái tạo biển hiện nay là vấn đề trọng tâm trên thế giới. Ngoài chuyện lợi dụng mặt nước biển ở những khu vực nhất định có thể tạo ra sức gió rất tốt và công suất thu được năng lượng tái tạo rất cao… Đồng thời người ta cũng lo ngại điện mặt trời để lại rác thải từ những tấm pin mặt trời, đặc biệt là các tấm pin chất lượng không cao, đời sống ngắn tạo áp lực môi trường rất lớn. Tại Việt Nam thì giới khoa học rất ủng hộ, rất quan tâm điện gió ngoài khơi. Thế nhưng đường lối chính sách của Việt Nam thì lại chưa coi điện gió ngoài khơi là một mũi chủ lực cho tương lai.”

Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu – GWEC trong một báo cáo vào tháng 7 năm 2021 cho biết, để có thể trở thành quốc gia đi đầu về điện gió ngoài khơi tại khu vực Đông Nam Á trong thập kỷ tới, Việt Nam cần giải quyết một số thách thức về chính sách và quy định bảo vệ nguồn đầu tư và phát triển các dự án điện gió.

Theo GWEC, Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng gió mang đẳng cấp thế giới, tuy nhiên nước này đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng về chính sách năng lượng tái tạo và cần hành động ngay bây giờ để đẩy nhanh việc phát triển năng lượng gió ngoài khơi trong thập kỷ này. GWEC cũng kêu gọi Chính phủ Việt Nam khẩn trương áp dụng giai đoạn chuyển tiếp đối với điện gió ngoài khơi, đồng thời kết hợp một quá trình tham vấn có hệ thống và cởi mở trong việc thiết kế mua sắm và đấu thầu trong tương lai.

Còn theo trang tin Geopolitical Monitor, một số nhà quan sát cho rằng còn quá sớm để khẳng định, điện tái tạo đã trở thành xu hướng phổ biến ở Việt Nam.

Nguồn: RFA