Các Nhà Dân Chủ Quấn Khăn Tang Cùng Hàng Trăm Người Tham Dự Tang Lễ Cụ Hoàng Minh Chính

Người Việt

HÀ NỘI, Việt Nam – 16-2 (NV) – Rất nhiều nhà dân chủ đã đội khăn tang tiễn biệt cụ Hoàng Minh Chính trong một tang lễ đầy xúc động với hơn 500 người tham dự tại Hà Nội hôm Thứ Bảy 16 Tháng Hai 2008.

Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, cô Phạm Thanh Nghiên, đảng viên trẻ tuổi của đảng Dân Chủ Việt Nam và nhiều người khác đã đội khăn tang mà theo tục lệ chỉ có thân tộc của người quá vãng mới như vậy.

Rất đông thân hữu, chiến hữu đấu tranh dân chủ đã qua được rào cản của công an Cộng Sản Việt Nam để dự tang lễ dù vẫn còn một số bị canh giữ không cho tới.

“Cụ đã sống như một người chân chính.” Luật Sư Trần Lâm, đại diện đọc điều văn nói. “Cụ đã thực hiện được lời của người xưa ‘Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vu bất năng khuất’, nghĩa là giàu sang không sa đọa, nghèo khó không chuyển lay, uy vu không khuất phục. Nguyện ước của cụ vì tự do dân chủ cho nhân dân sẽ sớm trở thành hiện thực bằng nỗ lực nối tiếp của những người còn ở lại.”

Suốt từ khi cụ Hoàng Minh Chính qua đời ngày mùng một tết Mậu Tý, tức ngày 7 Tháng Hai 2008, công an Cộng Sản Việt Nam đã tới nhà các người đấu tranh dân chủ nổi tiếng, đe nẹt, cấm cản họ đi dự tang lễ cụ Hoàng Minh Chính. Nhưng cũng không cấm được hết.

Hòa Thượng Thích Không Tánh cử hành lễ an táng.

Bà Trần Thị Thanh Hà, trưởng nữ cụ Chính, nói với công an Cộng Sản Việt Nam là sẽ giữ xác cụ Chính trong phòng lạnh nếu các người đến tiễn đưa cụ bị cấm cản. Trước lời tuyên bố cương quyết như vậy, các người dân oan khiếu kiện đất đai, các người đấu tranh đòi dân chủ hóa đất nước cũng đã tới được dù bị lục soát, cản trở.

“Nếu không bị ngăn cấm, số người tới dự tang lễ còn đông hơn rất nhiều”. Bà Trần Thị Lệ, mẹ của nữ Luật Sư Lê Thị Công Nhân (đang trong nhà tù ở Thanh Hóa) nói với báo Người Việt sau tang lễ. Bà cho hay cụ Chính rất quí Luật Sư Lê Thị Công Nhân và coi cô như đứa con tinh thần.

Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đặt máy phá sóng tại khu vực nhà tang lễ của bệnh viện Thanh Nhàn nên tất cả các điện thoại thông tin ngay trong tang lễ đều không thể thực hiện.

“Tôi là người thuộc thế hệ trẻ hơn cụ Hoàng Minh Chính và tôi mong nối gót cụ” trong công cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ thật sự. Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn nói với hãng thông tấn Reuters. Ông Sơn ra khỏi tù Cộng Sản Việt Nam Tháng Tám 2006 sau mấy năm bị kết án “gián điệp” chỉ vì lấy xuống, dịch và phổ biến tài liệu “Dân Chủ là gì?” từ trang nhà của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Hòa Thượng Thích Không Tánh và một số nhà sư (đi bằng nhiều đường khác nhau) của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ miền Nam đã đến được Hà Nội để thực hiện nghi lễ Phật Giáo cho cụ Chính. Hòa thượng đã bị công an Cộng Sản Việt Nam cản trở dọc đường, tịch thu “Chứng minh nhân dân” và còn bị dọa “đám ma ông Chính là bất hợp pháp, không ai được phép tham dự”.

Khi còn tỉnh táo, cụ Chính đã xin theo đạo Phật với Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ (Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất) và được hòa thượng đặt pháp hiệu là Chân Tâm. Gia đình đã mời hòa thượng ra Hà Nội cử hành nghi lễ nhưng ngài đã cử Hòa Thượng Không Tánh đi thay vì biết không thể nào tới nơi trước sự quyết liệt cản trở của công an.

Cụ Hoàng Minh Chính gia nhập đảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1939 khi tham gia đấu tranh chống thực dân Pháp. Nhờ nhiều công trạng, khi Cộng Sản Việt Nam chiếm được miền Bắc, năm 1957 cụ được cử cầm đầu một phái đoàn sang học trường đảng tại Liên Xô. Về nước được cử làm viện trưởng Viện Triết Học Mác-Lênin và một số chức vụ quan trọng khác.

Năm 1967, cụ đã bị bỏ tù vì đã viết tài liệu vạch ra các sai lầm của đảng CS Việt Nam, khởi đầu cho những ngày tháng tù đày, lưu đày, quản chế tổng cộng gần 20 năm, không kể thường xuyên bị công an theo dõi.

Trong số những người học trò của cụ Chính, có cả Phan Văn Khải, nguyên thủ tướng Cộng Sản Việt Nam.

Nếu không có cụ Chính che chở, ông Phan Văn Khải đã không có ngày nay nếu không muốn nói đã có thể mất mạng.

Nhưng cả trăm cán bộ, đảng viên Cộng Sản Việt Nam đã đến hành hung cụ Chính từ ngoài đường đến khi vào nhà vào ngày cụ trở về Hà Nội đầu Tháng Mười Hai 2005 sau mấy tháng sang Mỹ chữa trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Họ còn đập vỡ cửa kính để ném đồ dơ vào nhà cụ Chính.

Thời gian này ông Phan Văn Khải đang là thủ tướng.

Ðám ma cụ Hoàng Minh Chính không êm xuôi suôn sẻ. Từ khi cụ qua đời, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam áp lực rất mạnh để không cho gia đình tổ chức tang lễ với sự tham dự của các người vận động dân chủ trong nước.

“Cụ Hoàng Minh Chính là một người yêu nước chân chính”. Ðại sứ Mỹ tại Việt Nam, Michael Michalak, phát biểu trong một bản tuyên bố. “Cụ đã đấu tranh cho độc lập và dành cả đời đấu tranh để tiếng nói của người dân được nghe theo”. Ông Michalak không đến dự tang lễ nhưng cử một phái đoàn đến.

Phóng viên, nhiếp ảnh viên các hãng thông tấn quốc tế cũng có mặt.

Tuy vậy nhiều người muốn đến dự đám tang đã bị công an ngăn chặn. Một trong những người này là bà Nguyễn Thị An Nhàn, 39 tuổi, một bác sĩ có quốc tịch Hoa Kỳ, một chuyên gia giải phẫu tim tại Stanford Medical Hospital, Palo Alto, Bắc California.

Bác Sĩ An Nhàn đã đến Hà Nội chiều Thứ Sáu để chuẩn bị dự lễ tang. Theo nguồn tin trên blog của Viet-Am Review, công an đã đến tận khách sạn Sheraton-Hà Nội, yêu cầu nữ bác sĩ phải đến làm việc tại phòng công an ở gần đó. Bà An Nhàn bị tra vấn hơn sáu tiếng đồng hồ. Ðến đêm Thứ Sáu bà bị công an hộ tống đến phi trường và bị yêu cầu phải rời Việt Nam.

Bác Sĩ An Nhàn từng tốt nghiệp trường Y Khoa Harvard, tình nguyện làm việc cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới hai năm và đến nhiều nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam. Bà đã gia nhập đảng Dân Chủ Việt Nam vào năm 2006, từng chăm sóc ông Hoàng Minh Chính khi ông đến California để chữa bệnh vào năm 2005.

Qua các nguồn tin khác từ trong nước cung cấp cho báo Người Việt, người ta được biết các ông Trần Khuê, Ðỗ Nam Hải, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Xuân Nghĩa đã bị công an ngăn chặn ngay từ nơi xuất phát, nên không thể có mặt trong đám tang.

Bà Bùi Kim Thành từ Sài Gòn đã vượt qua được sự cản trở của công an, đến dự đám tang cùng với bà Trần Thị Lệ, mẹ của Luật Sư Lê Thị Công Nhân. Một vụ xô xát nhỏ đã xảy ra khi công an tìm cách giật vòng hoa phúng điếu trên tay của bà Bùi Kim Thành. Vài nhân chứng cho biết các phóng viên nước ngoài đã chụp hình được cảnh xô xát này.

Cũng theo nguồn tin cung cấp cho báo Người Việt, trong những nhà dân chủ ở Hà Nội đến dự lễ tang có các ông Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, và Nguyễn Vũ Bình; và các văn nghệ sĩ như Dương Tường, Hoàng Tiến, Phan Kế An, Châu Diên, Sơn Tùng.

Nguồn tin cho biết, “Ông Nguyễn Vũ Bình quỳ xuống trước linh cữu khóc thảm thiết, làm mọi người khóc theo, và người ta phải dùng sức kéo ông đi.”

Ông Nguyễn Phúc Giác Hải, một nhà nghiên cứu tâm linh nổi tiếng, đã phát biểu rất xúc động, rồi nói lớn như hô khẩu hiệu, “Tinh thần Hoàng Minh Chính bất diệt!”

Một người làm việc tại nhà tang cho biết đây là số người đông nhất được thấy tại nhà thiêu xác này ở Hà Nội.

Tháng Sáu 2006, cụ Hoàng Minh Chính công bố tái lập đảng Dân Chủ Việt Nam mà cụ từng là người cầm đầu hồi thời kháng chiến chống Pháp và sau bị Cộng Sản Việt Nam giải tán.

Trước đó, cụ Chính là một trong những thành viên sáng lập của “Khối 8406” một tổ chức quần chúng qui tụ hàng ngàn người trong và ngoài nước vận động dân chủ hóa Việt Nam. (Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn: “Tôi là người thuộc thế hệ trẻ hơn cụ Hoàng Minh Chính và tôi mong nối gót cụ”

Anh Nguyễn Tiến Trung nghiêng mình trước linh cửu Cụ Hoàng Minh Chính.
Luật sư Bùi Kim Thành, chị Trần Thanh Nghiên và Nguyễn Tiến Trung.
Đại diện Hội ái hữu tù nhân chính trị – tôn giáo viếng GS Hoàng Minh Chính
Dân oan Lâm Đồng kính viếng Cụ Hoàng Minh Chính.
Công an ngăn chặn dân chúng viếng thăm linh cửu Cụ Hoàng Minh Chính.