Cần Chiếm Cảm Tình Của Người Dân!

Trần Hùng
Bình luận gia Matt Bai

Tuần qua, tờ International Herald Tribune có đăng một bài viết của phân tích gia Matt Bai nói về những quan điểm chính trị của thượng nghị sĩ John McCain. Trong mùa tranh cử hiện nay ở Mỹ, việc báo chí luôn loan tin và đề cập đến quan diểm của các ứng cử viên là chuyện rất bình thường. Trên các phương tiện truyền thông khắp thế giới, ngày nào cũng có nhiều tin tức đề cập đến hoạt động của các ứng viên thuộc đảng Dân Chủ, cũng như của ông John McCain, ứng viên của đảng Cộng Hòa trong cuộc chạy đua vào tòa Bạch Ốc lần này. Tuy nhiên, bài viết của ông Matt Bai khiến cho một số người Việt chú ý vì có đoạn nói rằng “khoảng thời gian ngồi tù ở Bắc Việt đã ảnh hưởng sâu sắc tới quan điểm chính trị của thượng nghị sỹ John McCain”. Người ta muốn biết hoàn cảnh của ông trong nhà tù Việt cộng khắc nghiệt ra sao, và nó đã khiến ông có quan điểm chính trị đặc biệt như thế nào?

Thời chiến tranh Việt Nam, ông John McCain là một phi công của hải quân Hoa Kỳ, phục vụ trên hàng không mẫu hạm Forrestal. Ông đảm nhiệm nhiều phi vụ oanh tạc những địa điểm quân sự ở miền Bắc Việt Nam. Cuối năm 1967, phi cơ của ông bị bắn hạ trên không phận Bắc Việt. Ông bị thương, bị bắt và bị giam giữ trong những điều kiện khắc nghiệt của nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội trong vòng 5 năm rưỡi. Sau khi hiệp định Paris 1973 ký kết, ông được Việt cộng trao trả cho Hoa Kỳ. Ông giải ngũ năm 1981 và bắt đầu sự nghiệp chính trị khi được bầu làm dân biểu liên bang năm 1982. Sau 2 nhiệm kỳ dân biểu, ông được bầu làm thượng nghị sỹ năm 1985, và liên tiếp được tái nhiệm cho đến nay. Năm 2002, ông ra tranh chức ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, nhưng bị thua ông George W. Bush. Năm nay, ông ra tranh cử một lần nữa, và nhanh chóng đạt đủ số phiếu để trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Cộng Hòa.

John McCain (4-1974)

Trong thời gian ở tù Việt cộng, ông John McCain đã bị đối xử rất tồi tệ. Ông cho biết đã bị hành hạ, tra tấn trong lúc vết thương của ông gây ra lúc rớt máy bay vẫn chưa lành. Tuy vậy, sau này, ông không buông lời đả kích nặng nề những kẻ đã từng hành hạ ông. Trong khi đó, cuộc đời chính trị của ông John McCain dính líu nhiều đến những vấn đề Việt Nam, và nhiều việc có vẻ trái ngược với nhau. Người ta nói rằng ông từng tán đồng hoặc cổ võ cho việc chính phủ Clinton hủy bỏ cấm vận Hà Nội vào đầu năm 1994. Sau đó, trong một cuộc viếng thăm Việt Nam, ông lại chỉ trích cộng sản là “Những kẻ tồi tệ đã thắng cuộc chiến”. Đến mùa hè 2005, ông lại là người chủ tọa bữa ăn tối thết đãi thủ tướng CSVN Phan Văn Khải ở Hoa Thịnh Đốn, và bị một cựu chiến binh Mỹ tạt rượu vang, lên án là “kẻ phản bội”….

Bài này không nhắm đến việc nhận định về quan điểm hay thành tích của ông John McCain, mà chỉ muốn đề cập đến câu nói của ông qua lời tường thuật của phân tích gia Matt Bai. Ông này viết rằng, khác với những cựu chiến binh Việt Nam khác, ông John McCain “có thể cảm thấy căm thù những kẻ đã giam cầm mình, nhưng không thù ghét những người lãnh đạo đã đẩy lính Mỹ vào cuộc chiến”. Ông McCain nói thêm rằng “Bài học lớn nhất mà nhiều cựu chiến binh Mỹ có thể rút ra tại Việt Nam là người ta không thể thắng cuộc chiến chỉ bằng súng đạn, bằng việc kéo dài chiến tranh hay tăng quân, mà cục diện chỉ có thể thay đổi khi người ta biết chuyển sang việc chiếm cảm tình của người dân miền Nam Việt Nam”.

Nói về chiến tranh Iraq hiện nay, ông McCain khẳng định rằng “chiến dịch tăng quân và chính sách chống nổi dậy mới của Hoa Kỳ đang mang lại kết quả vì nó dựa trên thành phần cơ bản là chiếm cảm tình của người dân”.

Ứng viên Tổng Thống John McCain.

Trong cả 2 câu tuyên bố trên, ông McCain đều nhấn mạnh đến yếu tố tranh thủ nhân tâm mà không đề cao sức mạnh của võ lực. Điều này cho thấy ông rất khôn ngoan, biết nhìn ra cốt lõi của mọi sự việc, mà từ xưa đến nay bất cứ một nhà lãnh đạo nào cũng cần nắm vững trong thuật trị nước. Ngay từ thời Chiến Quốc bên Tầu, nhà binh pháp Tôn Tử cũng đã từng nói: “Đạo là chỉ việc chính trị, đạo nghĩa, phải đáp ứng nguyện vọng của dân chúng”. Điều này cho thấy, lòng người luôn luôn là yếu tố quyết định cho việc thành bại của mọi việc.

Ý niệm nói trên trong những thế kỷ gần đây lại được cách mạng thêm một bước, minh định vai trò của người dân là làm chủ đất nước. Đó là ý niệm căn bản của thể chế “dân chủ”, hiện được coi là khuôn mẫu cho nhiều quốc gia, giúp ổn định xã hội, tạo hạnh phúc cho người dân và làm cho đất nước được phồn thịnh.

Tuy nhiên, muốn dân chủ mang lại những thành quả tích cực như trên, phải luôn luôn có những điều kiện ràng buộc chặt chẽ, chứ không phải chỉ xử dụng nó như một câu khẩu hiệu để tuyên truyền. Làm như vậy, chắc chắn thất bại như người ta thấy ở Việt Nam hiện nay.

Chế độ cộng sản dùng hai chữ “dân chủ” như một chiêu bài để mỵ dân. Họ muốn tạo cảm giác người dân làm chủ nên đã tạo ra nhiều bộ phận gắn liền với hai chữ nhân dân. Họ đặt ra công an nhân dân, quân đội nhân dân, tòa án nhân dân, thậm chí cả chính quyền nhân dân… nhưng tất cả chỉ là hư danh. Cái quan trọng, đồng tiền liền khúc ruột, thì người ta chỉ thấy có… ngân hàng nhà nước!

Đó là những điều phi lý đầy rẫy dưới chế độ Việt cộng. Hơn 30 năm sau ngày chính quyền cộng sản được dựng lên trên cả nước, dù họ đã thực hiện nhiều thay đổi trong lãnh vực kinh tế, nhưng về phương diện chính trị, tự do dân chủ vẫn hoàn toàn vắng bóng. Và ngay cả khi lãnh vực kinh tế đã có nhiều cải tiến, chiều hướng tiến triển của nó vẫn không nhắm đến việc phục vụ cho quyền lợi của quần chúng bình dân.

Trước hết là thành phần nông dân chiếm đến 80% dân số cả nước. Người nông dân ở 2 vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long vẫn canh tác như tổ tiên của họ từ nhiều thế kỷ trước, vẫn là cảnh con trâu đi trước, cái cầy theo sau. Khi thế giới lên cớt sốt gạo tăng giá từ vài tháng qua, nạn nhân không phải chỉ là giới tiêu thụ ở Âu hay ở Mỹ, mà còn có cả nông dân Việt Nam, bởi vì họ không hề được thêm một đồng nào từ giá gạo tăng, mà lại phải chi nhiều thêm cho phân bón, thuốc sâu, tiền lời ngân hàng… Làm oằn lưng không đủ ăn, chưa kể ruộng đất còn có thể bị cường hào ác bá cướp đi bất cứ lúc nào. Chủ tịch hội Khoa Học Phát Triển Nông Thôn Việt Nam đã phải kêu lên: “Nông dân đang là bộ phận yếu thế nhất trong xã hội!”. Trước tình trạng này có nhiều người thắc mắc, như vậy việc gạo tăng giá làm lợi cho ai?. Chuyên gia kinh tế cao cấp của Việt Nam Lê Đăng Doanh nói rằng: “có người tích trữ cả ngàn tấn, rồi bán ra trong mấy ngày thu được 2 tỷ đồng tiền lời”. Không thấy ông Doanh nói rõ hơn ai là người có khả năng đầu cơ tích trữ dưới chế độ cộng sản.

Thành phần quần chúng đông đảo kế tiếp là giới công nhân. Công nhân Việt Nam cũng bị bóc lột không kém. Với lương tháng không đủ mua một tạ gạo, họ còn bị chèn ép, đối xử tàn tệ, mất nhân phẩm, nên để đòi hỏi quyền lợi của mình, họ đã phải xử dụng “vũ khí” cuối cùng là đình công. Năm 2007 trên cả nước đã có trên 1.600 vụ đình công. Năm nay, có chiều hướng gia tăng, và nhiều trường hợp xô xát, bạo động đã xẩy ra. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định rằng tình trạng này “ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và đe dọa bất ổn xã hội!”.

Chưa hết. Mức sống của người dân đã cực khổ vì nạn vật giá gia tăng do lạm phát leo thang, lại còn điêu đứng hơn vì nạn tham nhũng hoành hành khắp mọi nơi. Ngày nay người ta không mất thời giờ tìm hiểu về nạn tham nhũng, góp ý về việc bài trừ tham nhũng hay đi nghe nhà nước kêu gọi diệt tham nhũng nữa, bởi vì mọi người đều biết rằng tham nhũng gắn liền với chế độ độc tài. Còn cơ chế này là còn tham nhũng. Họ chẳng những bóc lột người dân, mà lại còn rút tỉa những ngân khoản viện trợ của ngoại quốc, khiến cho các quốc gia cấp viện phải tìm cách ngăn ngừa. Bản tin của Ngân Hàng Thế Giới vừa cho biết, hội nghị của nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra vào tuần lễ đầu tháng 6 sắp tới sẽ đặc biệt thảo luận về công tác chống tham nhũng của nhà nước CSVN.

Xem như vậy, nhà nước này đang làm ngược lại những gì mà những nhà chính trị khôn ngoan từ xưa đến nay đều phải tránh. Họ không cần tranh thủ nhân tâm, bất chấp nguyện vọng của quần chúng. Lẽ ra, có nhiều điều họ cần phải học hỏi ngay ở người cựu tù John MacCain mà họ đã từng giam giữ và hành hạ vậy!.

Trần Hùng