Canh Tân Con Người Trong Tiến Trình Xây Dựng Đất Nước

Trần Thiên Ân

I. Canh Tân Con Người trong Lịch Sử Việt Nam Cận Đại

Sự thua kém quá xa của Việt Nam so với Pháp và sự thất bại của quân ta trước lực lượng Pháp vào thế kỷ thứ 19 đã làm ông Nguyễn Trường Tộ dâng sớ lên triều đình xin canh tân, học hỏi người ngoài để đất nước có thể phát triển và tồn tại. Ông cũng đề nghị những phương cách để thu hồi tự chủ. Đề nghị này đã bị bác. Vì tinh thần cổ hủ của vua quan cũng có, nhưng cũng vì mối lo sợ bị nô lệ hoàn toàn khi đối tượng chính để học hỏi là Pháp, một nước đang thôn tính và chiến thắng nước ta. Ngoài ra, ông Nguyễn Trường Tộ là người “khó có thể tin được“, bởi triều đình thời đó. Vì ông theo đạo Thiên chúa và được các giáo sĩ Pháp bảo trợ cho đi Pháp du học, từng làm thông ngôn cho các đô đốc hải quân Pháp. Cho nên kế hoạch canh tân của người Thiên chúa giáo yêu nước này đã bị vất bỏ.

Sau khi Pháp hoàn toàn làm chủ nước ta, vì sự thất bại của các phong trào Cần Vương, các nhà yêu nước đã bừng tỉnh thấy rằng không thể nào đấu tranh giành độc lập nếu trình độ khoa học kỹ thuật quá thấp kém. Hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đã là những người cổ võ tinh thần cầu học đổi mới. Năm 1904, cụ Phan Bội Châu bí mật lập Duy Tân Hội. Hai cụ Phan đã sát cánh với nhau, tán thành việc phổ biến một nền giáo dục phổ thông bằng cách dùng chữ quốc ngữ, kêu gọi thành lập các hội đoàn để phát triển thương mại, thủ công và kỹ nghệ bản xứ, đồng thời mở các lớp học trong công xưởng. Từ năm 1905, tổ chức ngầm những cuộc du học sang Nhật (phong trào Đông Du). Năm 1907 Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập tại Hà Nội, dùng chữ quốc ngữ để dạy học trò những kiến thức mới. Các thầy giáo tự bỏ bộ quần áo cổ truyền bằng lụa Tàu mà mặc âu phục, bỏ búi tóc mà cắt tóc ngắn theo kiểu Tây. Cụ Phan Bội Châu tiếp tục theo chế độ quân chủ, quay sang Nhật là nước đã canh tân thành công để học hỏi và tìm đồng minh.

Cụ Phan Chu Trinh dè dặt cho rằng chủ trương dùng Nhật đuổi Pháp là nguy hiểm. Vì “một khi quân Nhật vào thì có thể sẽ khó mà đuổi họ ra“. Sau khi Nhật ký hiệp ước thương mại với Pháp, trục xuất cụ Phan Bội Châu và các du học sinh ra khỏi Nhật năm 1909, thì cụ Phan chu Trinh không còn cùng hướng hoạt động với cụ Phan Bội Châu nữa. Sang Tàu ở, cụ Phan Bội Châu tiếp tục con đường đấu tranh võ trang. Nhiều du học sinh theo cụ được gửi vào học trường võ bị Hoàng Phố. Cụ Phan Chu Trinh ở Việt Nam theo hướng xây dựng một nước cộng hòa, chống triều đình tham nhũng thối nát, đấu tranh ôn hòa với người Pháp, đòi họ phải thực thi các điều cao đẹp của khẩu hiệu chính trị “Khai Hóa Việt Nam”.

Trong nỗ lực kêu gọi đổi mới đất nước, cụ Phan Chu Trinh đã nhận ra một cản trở quan trọng là cái ì tính của quần chúng. Đây là phản ảnh tâm thức của một xã hội nông nghiệp không muốn thay đổi, không có tinh thần mạo hiểm và là phản ảnh đặc tính của đa số quần chúng, nói chung ngại sự bất ổn. Vì thế mà cụ Phan đã phải đưa ra những khẩu hiệu và phong trào vận động quần chúng cắt tóc, thay đổi y phục. Các thầy gíáo dạy ở Đông Kinh Nghĩa Thục đã cắt tóc và mặc âu phục để làm gương là vì như vậy. Những vận động đổi mới này đã được tiếp tục trong các sách báo quốc ngữ, nhưng với những xu hướng chính trị khác nhau. Tạp Chí Nam Phong do Phạm Quỳnh chủ trương là của các người đổi mới trên tinh thần hợp tác với Tây và triều đình. Các báo Phong Hóa, Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn chủ trương đổi mới trong cách sống, thiên về hướng đấu tranh v.v…

Một nhân vật khác trong giai đoạn này là Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh. Trong lá thư gửi cho tổng thống cộng hòa Pháp ngày 15 tháng 9 năm 1911 để xin vào học trường thuộc địa, khi làm phụ bếp trên tàu Latouche Trevilliers, Hồ Chí Minh, ký tên là Nguyễn Tất Thành, sinh năm 1892, con ông phó bảng Nguyễn Sinh Huy, bày tỏ ý muốn đổi mới như sau: “Tôi hoàn toàn không có nguồn kiếm sống và rất ham học hỏi. Tôi ước mong trở thành hữu ích cho nước Pháp trước đồng bào tôi và cũng đồng thời muốn cho đồng bào tôi được hưởng những lợi ích mà học vấn đem lại”. (Je suis entièrement dénué de ressources et avide de m’instruire. Je desirerais devenir utile à la France vìs a vìs de mes compatriotes et pouvoir en même temps les faire profiter les bienfaits de l’instruction“. Lá thư đã bị vất xó. Sau đó Hồ Chí Minh đã làm các nghề mọn kiếm sống ở Pháp và liên lạc hoạt động với nhóm cụ Phan Chu Trinh, dầu ông ít tuổi hơn nhiều. Qua thư này có thể nói rằng Hồ Chí Minh mới đầu có ước vọng làm quan cho Pháp để giáo hóa dân. Tương tự như nhóm Phạm Quỳnh. Việc không thành, đưa đẩy ông vào đảng Cộng sản Pháp và đã nói lên con đường đổi mới dân tộc bằng câu sau đây “Luận cương của Lenin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi trong buồng một mình mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!“.

Tóm tắt, Hồ Chí Minh chủ trương canh tân con người Việt Nam bằng chủ nghĩa Cộng sản. Nói khác đi là thay thế những quan điểm văn hóa cổ truyền tam giáo Khổng-Lão-Phật lâu đời và những tư tưởng tự do dân chủ Tây phương mới du nhập, bằng quan điểm Mác Lenin Stalin, Mao Trạch Đông mà hình ảnh được trưng bày một cách tôn kính trong các dịp lễ hội. Sau khi chiếm được chính quyền năm 1945, Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh sự đổi mới tóm gọn bằng khẩu hiệu “xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa“. Trên lý thuyết đã có nhiều giải thích các đặc tính con người mới xã hội chủ nghĩa. Trong thực tế đã có những biện pháp nghiêm khắc để đào tạo con người này. Nhưng sau trên nửa thế kỷ xây dựng thì khẩu hiệu “xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa” của Hồ Chí Minh vẫn còn đang được nhắc lại.

Vì thế không thể chối bỏ được rằng canh tân con người vẫn là yêu cầu ngày hôm nay của dân tộc Việt Nam.


II. Canh Tân Con Người Trong Hoàn Cảnh Việt Nam Hiện Tại

Nói đến canh tân – tức là đổi mới – con người thì ít nhất có hai câu hỏi cần trả lời là: (1) đổi mới con người như thế nào là phải và (2) làm sao mà đổi mới.

Một cách chung chung thì trả lời rằng canh tân là lấy cái hay của người mà theo, thấy cái dở của mình thì bỏ. Nhưng thế nào là hay thế nào là dở thì là một vấn đề có thể gây nhiều tranh cãi. Ngoài ra, cũng có thể nói canh tân là cái cũ bỏ đi, hoàn toàn theo mới. Thí dụ như Mỹ hùng mạnh giầu có, thì cứ bắt chước y chang như Mỹ là ta cũng trở thành hùng mạnh giầu có. Thái độ này không cần suy nghĩ lâu cũng biết ngay là không ổn. Nửa sau thế kỷ thứ 20 đã cung cấp cho chúng ta quá đủ dữ kiện chứng minh: Vì nhắm mắt theo Liên sô và Trung quốc đấu tranh giai cấp và cải cách ruộng đất mà Hồ Chí Minh đã phá bỏ sự bình thường của xã hội gồm nhiều giai cấp để thay bằng sự cuồng tín của một giai tầng xã hội lạc hậu dẫn đến những hậu quả tai hại ngày nay.

Nhìn về đầu thế kỷ, cụ Phan Chu Trinh bắt đầu đổi mới bằng sự xoá bỏ cái ì tính cố hữu gắn liền với nếp sống nông nghiệp lạc hậu. Cuộc sống dưới chế độ thuộc địa Pháp với chính sách giáo hóa đào tạo những kẻ thừa hành đã tạo nên ở tầng lớp này hai loại tâm thức đối nghịch: Một đa số thấy rõ thế ưu thắng của Pháp và chấp nhận hợp tác để thoát khỏi cuộc sống bùn lầy nước đọng; hai là một thiểu số khắc khoải về thân phận đen tối của dân tộc mà đi vào đấu tranh hay vận động cải lương, canh tân. Tình trạng con người bị giằng giật không thể quyết định giữa hai thái độ hành xử đối nghịch – yên phậnhoạt động – này đã được cực tả bằng hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương:

“Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh”

Khi cuộc cách mạng tháng 8 xẩy ra, thì trỗi lên một tâm thức mới, được thể hiện nhiệt tình trong bài hát “Đời sống mới”:

Đời sống mới, người Việt Nam mới
Đem thân hy sinh đấu tranh vì non nước
Đời sống mới, người Việt nam mới
Xây núi sông bằng máu người Việt nam

Trong thực tế, sự đổi mới con người đã diễn ra ở những ngày đầu một cách rất tích cực, với điển hình hai phong trào:

1. Phong trào diệt giặc dốt, mở các lớp bình dân học vụ để mọi người dân, mọi lứa tuổi đều biết đọc. Sự ơ thờ của quần chúng đã nẩy ra những câu vè thúc đẩy như “lấy chồng biết đọc là tiên, lấy chồng mù chữ là duyên con bò” hay “bình dân học vụ lập thành, mau đi tới đó học hành cho thông“. Khả năng nhận xét để học hỏi của đa số dân chúng thấp đến nỗi không thể nhận ra mặt chữ cái. Cho nên đã có những câu vè giúp trí nhớ:

o tròn như quả trứng gà
ô thời đội mũ (^), ơ thời thêm râu
a thì có cái móc câu…
hay là
i tờ có móc cả hai
i ngắn có chấm, tờ dài có ngang.

2. Phong trào bài trừ mê tín, dẹp bỏ đốt vàng mã, lên đồng lên bóng, tin vào tướng số để tự ru ngủ. Khởi đầu tích cực này đã dẫn đến chỗ phá đình phá chùa, dẹp bỏ truyền thống thờ phượng anh hùng dân tộc trong chiều hướng tiến tới thế giới đại đồng vô sản. Mở đầu là Hồ Chí Minh với bài thơ vịnh Trần Hưng Đạo, tự so sánh mình với bậc anh hùng ba lần đánh tan giặc Nguyên và quảng cáo thế giới đại đồng không biên cương:

“Bác phá quân Nguyên, thanh kiếm bạc
Tôi trừ giặc Pháp, ngọn cờ hồng
Bác đem đất nước qua nô lệ
Tôi dẫn năm châu tới đại đồng”…

Nhiệt tình ban đầu của toàn dân đã dần dần nguội tắt với những biện pháp củng cố chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp được đẩy mạnh sau khi Mao Trạch Đông chiếm được Hoa lục và viện trợ cho Hồ Chí Minh. Dù phục vụ hay không trong guồng máy chuyên chính vô sản thì xã hội thu lại chỉ còn hai loại người: một số cuồng tín nghe theo lời bác và đảng và một số yên phận im miệng để sống hay/và tồn tại. Trần Độ đã nói đến tình trạng này (một cách tế nhị) qua những bài viết của ông về cuối đời: Những hưng phấn trong ngày đầu cách mạng, và sự im lặng đồng lõa tiếp theo để ngoi lên (như ông), khi những thất ý xẩy ra vì sự đối chọi giữa hình ảnh lý tưởng và thực tế tàn khốc, ti tiểu. Đồng thời tự an ủi mình với thái độ mackeno (mặc kệ nó) trong hy vọng chờ đợi ngày thành công cuối cùng sẽ đổi khác.

Thực trạng này được diễn ra trong câu nói cửa miệng “thứ nhất ù lì, thứ nhì đồng ý” suốt thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì thế, Hồ Chí Minh đã phải kêu gọi xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Nhưng không định nghĩa nổi con người này là gì, ngoài việc đưa ra một số nguyên tắc hành xử lấy từ hệ thống giá trị cũ của Khổng giáo mà đảng CSVN tìm đủ cách xóa bỏ để củng cố chế độ toàn trị. Đó là những khẩu hiệu “cần kiệm liêm chính“, “mình vì mọi người, mọi người vì mình” v.v… gọi là của bác Hồ. Những điều này thật đúng và hay, nhưng nhìn vào thực tế, tất cả chỉ nằm trong cửa miệng mà không hề được áp dụng chút nào từ trên xuống dưới. Khẩu hiệu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa đã được lập lại hoài là bởi vì thực sự con người này đã bị giết mất khi chính sách toàn trị được tiến hành. Mặc dầu không thiếu gì chuyện xưng dương những “anh hùng” được ca tụng – một người làm việc bằng mười bằng trăm, và các báo cáo thành tích vượt chỉ tiêu cũng như thắng lợi luôn luôn tràn ngập, với cùng một công thức “nói chung mọi điều là tốt, là thành công, ngoại trừ một thiểu số có những giới hạn nhất định, hay còn tồn tại những tiêu cực, chưa tốt“.

Thời tổng bí thư Nguyễn Văn Linh của CSVN đã có kêu gọi đổi mới, nhìn thẳng vào sự thực, và khẩu hiệu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa đã chìm đi. Nhìn thẳng vào sự thực đúng là một đổi mới con người quan trọng, khác hẳn cái tâm thức chung xã hội chủ nghĩa hiện thực (tức là cái khuôn toàn trị chuyên chính vô sản) là nói cho hay, báo cáo cho đẹp, nhắc lại đúng những khẩu hiệu tuyên truyền, và quay mặt tránh nhìn thực tại đói rách hư hại. Sự đổi mới này tiếc thay rất ngắn. Rồi tất cả lại đâu vào đấy, để khẩu hiệu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa rỗng tuếch trở lại cùng với các thành tích vượt bực của đảng trên giấy tờ và bộ máy tuyên truyền, cho tới nay.

Nhìn lại sự việc như trên thì ta thấy ngay sự đổi mới Nguyễn Văn Linh đề ra và sự xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa Hồ Chí Minh hô hào chỉ là dẹp bỏ cái hư hỏng, tiêu cực hiện tại để mà lấy một thái độ bình thường, lương thiện mà ai cũng biết từ lâu. Những bình thường này đã bị phá bỏ bởi chính sách toàn trị. Đổi mới con người trong trường hợp này chẳng có gì là mới, mà thật sự chỉ là sự trở lại cái bình thường vốn có.


Canh Tân Con Người trong Hoàn Cảnh Việt Nam Hiện Tại – Làm Sao Mà Đổi Mới

Trong phần trước, chúng ta đã thấy đổi mới con người sau giai đoạn độc tài toàn trị chẳng qua là trở lại cái bình thường đã bị phá bỏ bởi chính sách toàn trị. Nhưng cái bình thường đó là cái gì và tại sao một chế độ được ca tụng là tốt đẹp không có chỗ nào chê mà lại phá bỏ cuộc sống bình thường của con người như vậy? Trước khi có chuyên chính vô sản và chủ nghĩa duy vật, cái bình thường là noi theo những lề thói hành xử được qui định bởi tam giáo Khổng Lão Phật. Noi theo thôi, chứ thực ra không phải ai cũng làm được đúng những tiêu chuẩn đó. Nhưng cho dù không làm được hết thì đó cũng là những tiêu chuẩn giá trị để phán xét, và như thế do phân biệt phải trái mà có được trật tự hài hòa xã hội tối thiểu. Cái trật tự đó nước ta hiện nay không có. Chỉ cần nhìn vào cảnh xe chạy ngoài đường hay đọc thoáng qua các chuyện trên báo hàng ngày là thấy. Có người bào chữa cho rằng đó là những hệ quả không tránh được khi đi theo kinh tế thị trường. Điều này đúng sai ra sao thì sẽ bàn tới sau. Nhưng mà ngay cả thời toàn trị nghiêm ngặt cũng không có nổi cái bình thường, khiến cho đạo diễn Trần Văn Thủy đã phải làm cuốn phim “Chuyện Tử Tế”, khi mà tình hình đã có thể nói ra phần nào tâm sự. Ngay hiện tại, người để ý đối chiếu những điều nhà nước chính thức nói với những điều thực sự xẩy ra trước mắt hay thực sự nhà nước làm, cũng thấy rằng không có bình thường, vì rằng trắng bảo là đen, xấu khen là tốt.

Người ta đã nói nhiều về những chuyện con tố cha, vợ tố chồng thời cải cách ruộng đất, truyền miệng và trên thơ văn (không nhiều) của văn nghệ sĩ miền Bắc. Người ta kể lại vô số những bà con họ hàng miền Bắc làm lớn vào tiếp thu miền Nam năm 1975. Gặp anh em con cháu thì miệng nói rất thân thương tình nghĩa. Nhưng hoàn toàn ngoảnh mặt quay đi khi bà con miền Nam gặp những khó khăn có thể giúp đỡ. Ai cũng biết khi nói lời tốt đẹp chia xẻ tình nghĩa thì người ta cũng biết đến thế nào nào là tình nghĩa. Nhưng cái văn hóa toàn trị với đảng trên hết nó đã làm thui chột tất cả, chỉ còn để lại những lời khôn khéo dễ nghe. Để người nói tự an ủi rằng mình còn tình nghĩa, dù chỉ trong đầu óc, hay là vì đã quen nói những điều quan chức đảng muốn nghe dầu mình không nghĩ thế để tồn tại, mà cũng có thể là vì muốn phân bua rằng mình có tình nghĩa nhưng không thể làm được gì. Sống trong môi trường có sao nói vậy, người ở miền Nam chỉ thấy rằng “trăm voi không được bát sáo”, lời nói khác xa việc làm và vì thế cho nên, miền Nam, sau một thời gian, đã xuất hiện câu “vào vơ vét về” chua chát.

Trong những ngày đầu cách mạng tháng 8, quả thật là có nhiều người đã hy sinh, theo tinh thần tổ quốc trên hếtđảng trên hết vì tin rằng đảng phục vụ tổ quốc. Nhưng khi đảng trở thành toàn trị thì không còn tổ quốc mà chỉ còn đảng đáng sợ, vì không theo đảng là chết chóc tù đầy. Cái sợ mà Nguyễn Tuân nói ra lúc cuối đời, cái ngoảnh mặt đi trước mọi bất thường, bất công, cái ù lì đồng ý , cái luồn lách kéo dài tới hiện nay, đã trở thành qui luật sống bình thường.

Nhắc lại những sự kiện trên không phải là để chê bai thêm những điều tệ hại đã và đang xẩy ra, mà chỉ để thấy rằng con người bất thường và hủ hoại không nhất thiết chỉ vì không biết điều bình thường, không hiểu điều tồi tệ, mà chỉ vì đã bị môi trường, hoàn cảnh, khiến phải như thế. Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, sau tháng 4/1975 trong bài viết “Hà Nội Tôi Thế Đấy” đã kể một chuyện lý thú trong chuyến ra thăm Hà Nội. Một kỹ sư Đông Đức đi thăm một nhà máy thấy người kỹ sư Việt Nam thao tác không có năng xuất, đã đẩy ông này ra, cầm lấy dụng cụ biểu diễn để hướng dẫn. Người Việt Nam không nói năng gì. Lúc trở lại chỗ làm, ông ra tay còn nhanh và khéo hơn người kỹ sư Đông Đức. Trước sự ngạc nhiên của người khách ngoại quốc, người công nhân Việt Nam nói vắn tắt “Ông có biết ông lĩnh lương gấp mấy lần tôi không? Làm như ông thì mấy lúc tôi ho lao chết?”. Đấy là một cái bình thường bất bình thường ở dạng ít tiêu cực nhất ngay tại thủ đô dưới mắt của một người hoạt động miền Nam, trong niềm phấn khởi hân hoan sau khi đất nước thống nhất ra thăm Hà Nội xã hội chủ nghĩa tốt đẹp của “niềm tin yêu và hy vọng“. Hiện nay, những người Việt nước ngoài về thăm nhà, ít ai mà không trải qua những chuyện bị làm khó dễ, từ hoạch họe giấy tờ đủ điều đến chuyện lục tung hành lý, kéo dài mấy tiếng đồng hồ để xét, nếu không chịu theo đúng qui luật “đầu tiên” là kẹp mấy đô la vào giấy tờ. Các nạn nhân chỉ lắc đầu, nhưng hiểu rằng những nhân viên đó phải như thế vì muốn làm ở hải quan thì phải nộp hối lộ và đóng hụi chết định kỳ. Và tự nhủ chỉ sẽ trở lại thăm quê hương nếu có lý do bất khả kháng.

Câu chuyện của ông Nguyễn Ngọc Lan và không biết bao nhiêu chuyện tương tự khác đã và đang xẩy ra cho thấy canh tân con người không chủ yếu chỉ là học theo kỹ thuật mới. Kỹ thuật đúng là cần cho con người đóng góp có hiệu năng và phẩm chất, nhưng không đủ, và không ích lợi, nếu không có tư thái hành xử bình thường, chưa nói đến là phải tích cực. Kỹ thuật học nhanh, từ vài tháng đến vài năm là đủ trở thành dùng được. Canh tân khả năng kỹ thuật chỉ mới là một phần tư công việc. Canh tân tư thái hành xử là một phần tư nữa. Tổng cộng mới đạt 50% yêu cầu. Để làm được chuyện canh tân trọn vẹn thì phải có môi trường và hoàn cảnh thuận lợi, như ta thấy sau khi nhìn lại những sự kiện nói trên, thì mới hoàn thành 100% công việc. Và như thế, tới đây chúng ta đã trả lời câu hỏi thứ hai khi ở phần mở đầu của bài này, là “làm sao đổi mới”.

Nói cho rõ thì con người không thể đổi mới nếu không đổi mới cơ chế và môi trường xã hội.

Thực tế trước mắt cho thấy như thế. Lịch sử hay sách vở cũng cho thấy như thế. Đã có đi học qua lớp tiểu học, có lẽ ai cũng biết câu Án Tử đi sứ trả lời vua Tề trong Cổ Học Tinh Hoa “cây quít ở phía Nam sông Hoài thì ngọt ở phía bắc sông Hoài thì chua. Cùng một giống quít mà chua ngọt khác nhau, ấy là vì thủy thổ khác nhau vậy”. Thủy thổ (đất và nước) thì ảnh hưởng lên cỏ cây hoa trái. Chế độ chính trị xã hội thì ảnh hưởng cách sinh hoạt và cư xử con người.

Canh tân cơ chế và môi trường xã hội phải tiến hành song song, nếu không muốn nói là tiến hành trước canh tân con người. Chúng ta sẽ không bàn luận ở đây về thứ tự trước sau này, vì nó cũng giống như tranh cãi trước sau của con gà và quả trứng. Khi nói tiến hành song song, thì chỉ có nghĩa rằng ta cần ý thức rõ nhu cầu tiến hành cả hai để có thể thành tựu sự nghiệp cách mạng canh tân đưa đất nước ra khỏi khổ nạn hiện nay và xây dựng đất nước trở thành thái hòa an lạc.

Trần Thiên Ân