Chế Độ Đang Rạn Nứt

Ngô Nhân Dụng

Bắt tham nhũng là một hiện tượng lạ trong chế độ cộng sản. Ðó là những triệu chứng cho thấy trong đám lãnh tụ cao cấp của đảng có những xung khắc lớn, đến mức không thể hòa giải được.

Mỗi vụ tham nhũng, những tổ chức trong xã hội đen buôn lậu, tội phạm, ma túy, đều có ô dù của một cánh trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp bảo kê. Khi Bùi Tiến Dũng và mấy quan chức trong bộ Giao Thông Vận Tải bị bắt, vào đầu năm 2006, người ta biết rằng có một cánh trong Bộ Chính Trị bị cánh khác đánh một đòn chí tử. Ăn cắp của công hàng triệu đô la rồi nhơn nhơn đem đánh cá, nếu không có ô dù lớn ở cấp cao nhất thì không ai dám làm. Những vụ đất đai ở Bình Dương, Thủ Thiêm, Hải Phòng, những vụ Thủy Cung Thăng Long hay Năm Cam, Khánh Trắng, sở dĩ được đưa ra trước dư luận cũng đều vì phe này đánh phe kia cả.

Có thể nói hầu hết những vụ cáo giác, bắt bớ và truy tố những tay tham nhũng trong xã hội cộng sản đều do các phe cánh tranh ăn với nhau sinh ra đụng chạm. Ngay các băng đảng mafia ở New York cũng có lúc tranh chấp và thanh toán lẫn nhau, mạng lưới mafia của đảng cộng sản cũng không tránh khỏi. Nhưng cũng có thể tin rằng trong nội bộ đảng Cộng Sản có những người thực lòng muốn làm cho chế độ sạch sẽ hơn, cho nên đụng chạm tới công cuộc làm ăn của các phe cánh.

Chỉ khi nào chế độ cộng sản sụp đổ, hồ sơ các vụ điều tra được giải mật, lúc đó người ta mới biết ai là những người thực tâm muốn chống tham nhũng, ai chỉ làm tay sai của phe này tấn công cánh kia.

Vì vậy, trong vụ một ông tướng và một thượng tá công an Việt Cộng mới bị khởi tố, chúng ta không biết chắc nguyên nhân vì đâu. Họ có thể là những anh hùng chống tham nhũng đang bị thế lực tham ô trừng phạt. Họ cũng có thể chỉ là những người đã đóng vai thừa hành do một phe này dùng để tấn công phe khác; bây giờ họ bị bị hy sinh vì trong một cuộc đấm đá từ trên cấp cao những người bảo kê cho họ đã chịu thua.

Trung Tướng Phạm Xuân Quắc và Thượng Tá Ðinh Văn Huynh là những người lo điều tra Bùi Tiến Dũng và đồng đảng trong cánh PMU 18 thuộc bộ Giao Thông Vận Tải, sau khi hồ sơ đánh bạc bằng tiền ăn cắp của dân bị khui ra. Chỉ trong một thời gian ngắn, hai người này bị thay thế, và ông Phạm Xuân Quắc đã mất chức rồi còn bỗng nhiên bị cho về vườn. Ngay lúc đó, đã thấy cuộc điều tra đang bị chặn lại, thế chính trị đã xoay chiều, guồng máy quyền lực đổi hướng, việc điều tra được biến thành một vận động để chạy tội cho cả bọn tham ô. Ðúng ra là chạy tội cho cả băng đảng từ trên cao nhất.

Cứ bình thường thì câu chuyện có thể chấm dứt ở đó. Bùi Tiến Dũng bị 13 năm tù vì lộng hành quá đáng, nhưng sẽ sống đế vương trong nhà tù và sẽ được thả sớm. Dũng đã từng bị tố cáo tìm đường “chạy” với 40 nhân vật quan trọng, nhưng rồi cũng không ai hỏi tới các nhân vật đó, chẳng biết là ai. Hai năm sau Nguyễn Việt Tiến được miễn tố, coi như không có tội gì cả. Báo chí được lệnh ngưng bàn tán. Các lãnh tụ đảng Cộng Sản có thể xoa tay coi như giữa “anh em cả” đã thu xếp xong một “vụ việc đáng tiếc”. Mà chắc là dư luận sẽ quên thật. Mặc dù có hàng trăm tờ báo loan tin, với hàng ngàn bài báo tung ra những tin tức của các cuộc điều tra đang tiến hành, nhưng khi đảng cộng sản đã ra lệnh ngưng thì cả “bộ nhớ” của xã hội có thể bị xóa sạch, không ai nhắc đến vụ PMU 18 nữa.

Bây giờ, không hiểu tại sao chính những người trong đảng Cộng Sản lại làm cho vụ này được nhắc lại trong dư luận? Họ ra lệnh khởi tố hai ông Phạm Xuân Quắc và Ðinh Văn Huynh, cùng một lúc với hai nhà báo, Nguyễn Văn Hải (Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên). Những người này bị cáo buộc tội “lợi dụng chức vụ và quyền hạn” trong khi “thi hành công vụ!” Hai nhà báo bị đem ra đánh, 2 năm sau khi họ làm công việc điều tra và tường thuật vụ PMU 18. Ðây là một biện pháp trừng phạt những người muốn đi tìm sự thật, chúng ta có thể hiểu được. Nhưng tại sao lại truy tố cả hai tướng, tá công an?

Hai ông quan chức công an phải thi hành công vụ, tức là việc nhà nước giao cho; còn những nhà báo thì làm cái gì mà gọi là “công vụ?”. Chúng ta đặt câu hỏi như vậy vì quen sống trong những xã hội tự do, các nhà báo tự do đóng vai tư nhân, làm công việc thông tin, không ai “thi hành công vụ cả.” Trong xã hội cộng sản thì khác, các nhà báo đều là “công cụ” của đảng, ngay khi họ đi ngồi quán cà phê tán gẫu vả nghe lóm, họ cũng đang làm “công vụ” mà đảng trao phó. Nguyên một tội danh đó đã cho thấy bản chất của chế độ vẫn là “toàn trị.” Chế độ cộng sản vốn vẫn không công nhận một “lãnh vực tư.” Hồi xưa, ai có công việc làm đều là làm cho đảng và nhà nước. Ngày nay họ đã nới lỏng bớt đi nhưng trong bản chất vẫn theo chủ trương toàn trị.

Nhưng tại sao đảng Cộng Sản lại đem truy tố hai nhà báo nổi tiếng và được các đồng nghiệp kính trọng như vậy? Trong lúc này nhà nước đủ các khó khăn phải giải quyết; dân chúng đang lo thóc gạo, xăng dầu lên giá; chính quyền đang lúng túng đối phó với nạn lạm phát; nỗi bất mãn vì chênh lệch giầu nghèo ngày càng tăng; dân làng Mê Ðiền, tỉnh Bắc Giang đã công khai đánh lại công an để bảo vệ ruộng đất bị chiếm cho tư bản Ðài Loan làm sân cù. Chưa kể, các sinh viên, thanh niên đang uất hận vì tình trạng đảng cộng sản lệ thuộc Trung Quốc! Bấy nhiêu khó khăn cũng đủ nhức đầu rồi!

Như vậy, thì tại sao guồng máy tư pháp của đảng cộng sản lại tạo ra thêm một loạt những vụ án sôi nổi để gây thêm trong dư luận những phản ứng bất lợi cho chế độ?

Chúng ta chỉ có thể hiểu là họ bất chấp dư luận. Và họ muốn cho tất cả mọi người biết là họ bất chấp. Họ đã có kinh nghiệm rồi. Dư luận giới trí thức, văn nghệ và thanh niên đã từng sôi nổi về vụ Trung Cộng lập huyện Tam Sa để chính thức hóa việc chiếm Hoàng Sa. Nhưng dư luận có làm được gì không? Dư luận đã bất mãn về việc rước đuốc thế vận Bắc Kinh qua Sài Gòn. Nhưng không một người Việt Nam nào có khả năng biểu tình phản đối, trong khi các lực sĩ công an Trung Quốc ngang nhiên biểu tình ủng hộ ngay giữa Sài Gòn.

Với kinh nghiệm đó, giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam có thể bầy tỏ công khai là họ khinh thường dư luận. Không những họ đánh các nhà báo, họ đập thẳng vào mặt cả dư luận quốc dân Việt Nam. Ðể cho thấy chính họ là chủ nhân của đất nước này, quyền hành độc đoán của họ kiên cố, vững chãi, họ muốn làm gì cũng được! Việc đem hai nhà báo nổi tiếng chống tham nhũng ra truy tố cho thấy đảng Cộng Sản không sợ đối đầu với dư luận. Ngược lại, họ đánh hai nhà báo để làm gương cho tất cả các nhà báo khác, hãy biết giữ phận không được vượt qua những giới hạn mà đảng cho phép. Các nhà báo nhận được thông điệp này thì từ nay sẽ phải rụt rè hơn khi đụng tới các vấn đề “phức tạp” khác, như những vụ công dân mất đất khiếu kiện, vụ Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, vân vân.

Hai vị tướng tá công an cũng bị truy tố vì khi đưa các nhà báo ra tòa thì thế nào qua những lời khai báo nhiều công an cũng bị liên lụy vì tiết lộ tin tức. Và đó cũng là một lời cảnh cáo cho các tay công an khác, không nên hăng hái quá trong việc chống tham nhũng. Vì công tác quan trọng nhất của công an là bảo vệ chế độ. Nếu chế độ này nuôi tham nhũng thì công an phải bảo vệ tham nhũng. Việc truy tố hai tướng tá công an chứng tỏ ban lãnh đạo đảng cộng sản đã quyết định cánh nào thắng, phe nào bại trong những cuộc tranh chấp ở cấp cao nhất. Người ngoài không thể gọi đó là là một sự rạn nứt bên trong chế độ. Vì khi cần phải bảo vệ quyền lợi chung của những người đang nắm Trung Ương Ðảng và Bộ Chính Trị thì lúc nào họ cũng đoàn kết, “nhất trí” với nhau.

Nhưng việc tấn công hai nhà báo nổi tiếng cho thấy một khe nứt nằm phía dưới. Từ 20 năm nay, giới lãnh tụ đảng Cộng Sản có một bản hợp đồng với các cán bộ, đảng viên cấp dưới, hai bên ngầm hiểu cùng ngầm hiểu. Họ ban phát nhiều quyền lợi cho các thuộc hạ, từ quyền lợi kinh tế đến một số quyền tự do nho nhỏ mà các người dân khác không được hưởng. Những nhà kinh doanh, và nhiều nhà báo, thuộc thành phần nền tảng phía dưới của chế độ, đã được hưởng những thành quả của cuộc đổi mới kinh tế trong những năm qua. Báo chí được bán nhiều hơn, tiền thu về quảng cáo cao, tiền trà nước được hưởng khi hành nghề, tất cả đã biến các nhà báo thành những người vừa được sống khá giả lại vừa được tiếng là cấp tiến. Họ phải ý thức được là những quyền lợi đó họ được hưởng là do chế độ ban cho, không phải người dân nào cũng được hưởng. Do đó, họ phải ngầm hiểu việc bảo vệ chế độ là một bổn phận của họ. Ðó là một bản hợp đồng bất thành văn giữa đảng cộng sản và giới truyền thông, ngoài những mệnh lệnh trực tiếp từ cấp trên.

Nhưng nhiều nhà báo cũng là những người trí thức, biết suy nghĩ và có lương tâm. Không chế độ chính trị nào hủy diệt được lương tâm con người. Chính vì vậy, một phong trào phản kháng âm ỉ đang phát sinh trong giới trí thức, văn nghệ và báo chí ở Việt Nam. Vết rạn nứt đã bắt đầu khi các nhà báo được hưởng chút tự do nào thì tận dụng những quyền tự do bị hạn chế đó. Các ông Nguyễn Văn Hải, Việt Chiến đã quá yêu nghề, yêu tự do, và cố làm theo lương tâm chức nghiệp. Những nhà báo tự do như ông Ðiếu Cầy cũng muốn đóng góp vào sự tiến bộ của nghề nghiệp và của xã hội. Vết rạn nứt này có triển vọng sẽ lan rộng và sâu hơn, có thể xóa bỏ bản hợp đồng ngầm với đảng Cộng Sản.

Ðó là lý do khiến ban lãnh đạo cộng sản ở Việt Nam phải ra tay. Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần nhắc nhở các giới hạn mà đảng cộng sản đặt ra cho báo chí. Báo chí phải đi theo đường một chiều, không được chệch hướng! Nhưng việc bắt hai nhà báo ra tòa về tội “lợi dụng chức vụ” là đòn đánh mạnh nhất để “đập vào mặt” báo chí và tất cả những người nghĩ rằng có thể đòi được thêm một số quyền tự do căn bản cho các công dân Việt Nam. Ðảng cộng sản đang xác định lại vai trò chủ nhân của họ. Nhưng vết rạn nứt trong nền tảng của chế độ có thể vỡ toang ra, gây nên một cuộc khủng hoảng về tín nhiệm. Nếu nỗi phẫn uất của những người bị trị nổ bùng lên thì chế độ có thể sụp đổ. Nhưng nếu guồng máy công an đủ mạnh thì người dân sẽ cúi đầu chịu lép một lần nữa. Chúng ta phải chờ coi những thanh niên trí thức Việt Nam sẽ chịu lép cho tới bao giờ. (Người Việt; Friday, May 16, 2008)

Ngô Nhân Dụng