Chế Độ “Xà Bần” !

Nguyễn Ngọc Đức

Xà bần là một từ chỉ những thứ hổn tạp, không biết cái nào chính, cái nào phụ và cái nào cũng có một chút. Trong xây cất, xà bần là đồ phế thải của công trường, gồm tất cả những thứ thừa phải mang đi cho sạch sẽ. Trong ăn uống, món xà bần là món tổng hợp tất cả những gì còn dư thừa. Ngày xưa ở vùng quê sau ba ngày tết, người ta thường cho tất cả món ăn thừa như bánh tét, heo quay, thịt kho, gà luộc,… vào một cái nồi lớn để nấu lên và sau khi nêm nếm lại, món ăn “xà bần” này lại tiếp tục nuôi gia đình thêm vài bữa nữa. Trong chính trị, chế độ “xà bần” là một loại chế độ hỗn tạp, không giống ai. Đây chính là đặc tính của chế độ của nước ta, nếu căn cứ theo sự phân tích của ông Nguyễn Sỹ Dũng, phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội.

Trong bài phỏng vấn đăng trên vietnamnet, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng trên thế giới chỉ có 3 mô hình chính thể vận hành tương đối thành công. Đó là mô hình đại nghị mà tiêu biểu là Anh Quốc; mô hình tổng thống mà tiêu biểu là nước Mỹ; và sau cùng là mô hình cộng hòa lưỡng tính như Pháp hiện nay. Khi được hỏi rằng nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được thiết kế theo mô hình nào? ông Nguyễn Sỹ Dũng đã trả lời là “chưa bao giờ chúng ta có một sự khẳng định chắc chắn là đã thiết kế chính thể của mình theo mô hình nào. Chính vì vậy có thể nhận thấy sự pha trộn giữa các mô hình”. Là một người trí thức, nên ông Dũng đã trả lời rất khéo. Nếu là người bình dân, thì một loại chế độ pha trộn như vậy họ sẽ gọi là “chế độ xà bần”.

PMU18

Vì là “chế độ xà bần”, nên guồng máy nhà nước Việt Nam hiện nay vừa có vẻ giống các chế độ dân chủ trên thế giới, vừa có những đặc tính không giống ai. Thí dụ theo hiến pháp Việt Nam thì từ chủ tịch nước, thủ tướng đến các bộ trưởng đều do quốc hội phê chuẩn và cơ chế này cũng có quyền bãi nhiệm. Nhưng trên thực tế, quyết định đề cử hay giải nhiệm mọi trách vụ nhà nước lại rơi vào tay Tổng Bộ Chính Trị của đảng CSVN. Điều này đã được cựu thủ tướng Phan Văn Khải thú nhận khi xảy ra vụ PMU18, Khi có người hỏi là tại sao ông không giải nhiệm bộ trưởng Đào Đình Bình khi ai cũng thấy trách nhiệm rành rành? Ông Khải nói là ông không có quyền này, mà phải chờ quyết định của Tổng Bộ Chính Trị!

Sự vận hành của một guồng máy như vậy chắc chắn là có rất nhiều vấn đề, nhất là trong thời đại “toàn cầu hóa và hội nhập” hiện nay. Đây lý do mà từ nhiều năm nay, từ đại hội 8 đến đại hội 10 của đảng cộng sản, vấn đề vận hành cơ chế lúc nào cũng được mang ra thảo luận. Mới đây, Hội Nghị trung ương 4 khóa 10 lại tiếp tục mang vấn đề này ra để mổ xẻ và lấy một số quyết định. Mặc dù hội nghị này chưa kết thúc, nhưng người ta cũng đoán được là rốt cuộc “đâu cũng hoàn đấy”. Vì cho đến nay, sự tranh luận diễn ra trong nội bộ đảng cộng sản chỉ xoay quanh những vấn đề trên ngọn, mà không hề đụng đến cốt lõi của tình trạng “xà bần” hiện nay của chế độ.

Thí dụ để giải quyết tình trạng chồng chéo của hai hệ thống đảng và nhà nước, ông Nguyễn Sỹ Dũng đưa ra đề nghị là “đảng hóa thân vào nhà nước”, thì mới có thể vừa lãnh đạo một cách tuyệt đối, vừa tránh được sự chồng chéo. Một cách cụ thể là thay vì đảng cộng sản ra nghị quyết rồi giao cho quốc hội biến thành luật như hiện nay, thì ban lãnh đạo của đảng cộng sản phải nằm ngay ở quốc hội để ra luật luôn, mà không cần phải ra nghị quyết.

Nguyễn Sỹ Dũng

Đề nghị trên của ông Nguyễn Sỹ Dũng đã bị ông Nguyễn Đình Hương, nguyên phó trưởng ban tổ chức trung ương, phản bác. Ông Hương cho rằng sự điều chỉnh mối quan hệ giữa Đảng và Nhà Nước không thể làm theo cách “xếp mâm này sang mâm kia” như vậy được. Theo ông Hương chỉ cần làm cho rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề.

Trong khi đó ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí Thư của đảng CSVN, thì nhìn vấn đề tương đối đơn giản hơn. Ông Phiêu cho rằng chỉ cần cố gắng sắp xếp lại guồng máy của đảng và nhà nước theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, đổi mới phương cách đánh giá và cắt cử cán bộ thì sẽ giải quyết được những khó khăn hiện nay.

Rõ ràng trong sự tranh luận, cán bộ và đảng viên cộng sản luôn luôn né tránh một nguyên nhân cốt lõi, không dám nhìn vào nguồn gốc của mọi vấn đề. Đó là sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện hiện nay của đảng CSVN.
Chính sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện này đã đưa đến rất nhiều hậu quả tiêu cực và những nan đề to lớn cho đất nước. Chính sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện này khiến cho hai chữ “dân chủ” không có một ý nghĩa nào và hoàn toàn chỉ là hình thức. Chính sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện này khiến cho nạn tham nhũng trở nên bất trị, tình trạng đảng đứng trên pháp luật luôn luôn là một vấn đề không có lời giải. Do đó, khi nào nguyên nhân cốt lõi này chưa được mang ra giải quyết, thì phương cách “đảng hóa thân vào nhà nước” như kiểu ông Nguyễn Sỹ Dũng hay sắp xếp lại guồng máy của đảng và nhà nước theo hướng “tinh, gọn, mạnh” theo đề nghị của ông Lê Khả Phiêu cũng chỉ làm cho cơ chế ngày một “xà bần” hơn mà thôi.

Có người biện minh là sự lãnh đạo của đảng CSVN là một tất yếu của lịch sử, do đó phải chấp nhận nó như một chân lý không thể bàn cải, không thể thay đổi. Biện minh như vậy là sai. Tướng de Gaulle của Pháp, ông Walesa của Ba Lan đều là những người có công rất lớn đối với đất nước của họ. Nhưng khi đa số người dân nói “Không!”, họ sẵn sàng ra đi để nhường quyền lãnh đạo lại cho người khác. Đối với người Việt Nam, công hay tội của đảng cộng sản hãy để cho lịch sử phán xét một cách khách quan, nhưng không vì tự cho rằng đã có công, đảng cộng sản lại có quyền áp đặt sự lãnh đạo tuyệt đối một cách vĩnh viễn đối với dân tộc Việt Nam. Cho đến nay đảng cộng sản chưa hề đáp ứng gì về đề nghị “Trưng Cầu Dân Ý” của ông Đổ Nam Hải. Cho đến khi nào một cuộc trưng cầu dân ý như vậy chưa được tổ chức, sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của đảng CSVN chỉ là một sự tiếm quyền và đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất đưa đến chế độ “xà bần” hiện nay.

Điều chắc chắn chế độ “xà bần” đang là trở ngại rất lớn cho dân tộc Việt Nam trên con đường phát triển. Do đó, đã đến lúc người Việt Nam không thể tiếp tục để cho những người lãnh đạo của đảng CSVN tính toán việc cải tổ cơ chế mà không đề cập đến nguyên nhân cốt lõi. Những câu hỏi như “ai trao quyền lãnh đạo tuyệt đối cho đảng cộng sản?” hay “tại sao chúng ta đã chấp nhận sự cạnh tranh trong kinh tế, lại không chấp nhận sự cạnh tranh trong chính trị?”,… nên là những vấn đề cần được nêu lên để đảng cộng sản phải chấp nhận cùng toàn dân đi vào một cuộc tranh luận minh bạch về cái quyền gọi là lãnh đạo tuyệt đối của họ. Có như vậy đất nước ta mới hy vọng thoát khỏi chế độ xà bần hiện nay.