Chiếc Ghế Văn Minh

Vũ Thạch

Ngày 16 tháng 10, Việt Nam cùng với Libya, được bầu vào làm thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc với nhiệm kỳ 2 năm kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2008. Chắc chắn bộ máy tuyên truyền Nhà Nước CSVN sẽ ra sức ca tụng đây là một “thành quả ngoại giao lớn”, “mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia”, và càng chứng minh “tài năng lãnh đạo của Đảng”, v.v….

Còn nhìn từ thực tế thế giới thì sao?

Trước hết, hàng tin chính phủ Việt Nam và Libya được bầu vào Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có làm công luận thế giới nói chung dừng lại để đọc tiếp, vì nó đem lại một cảm giác ngộ nghĩnh. Có lẽ lời mô tả sau đây của một bình luận gia phương Tây diễn tả đầy đủ hơn cả. Ông nói: “tin này làm người ta liên tưởng đến hình ảnh hai anh du đảng già, sau nhiều năm lăn lộn và nay biết mình khó sống trong môi trường đó, nên đành trở lại xin làm hòa với lối xóm dù trong lòng không muốn.”

Muammar el-Qaddafi.

Thật vậy, nói đến Libya, người ta chỉ nhớ đến hình ảnh chiếc máy bay dân sự của hãng PanAm nổ tung trên vùng trời nước Scotland năm 1988, với 270 người thiệt mạng, vì bị đặt bom theo lệnh của Muammar el-Qaddafi, người nắm quyền sinh sát tại Libya suốt 25 năm qua. Nay, ông Qaddafi muốn yên ổn chuyển quyền cai trị cho con mình nên tìm cách làm hòa với thế giới. Cũng vậy, nhắc tới Việt Nam trong thời gian gần đây, người ta chỉ nhớ đến hình ảnh vị tu sĩ công giáo bị công an bịt miệng ngay giữa phiên tòa xử ông. Hình ảnh này nói lên tất cả nét hung bạo, vô luật lệ, và lạc hậu của cả chế độ. Thế giới biết rõ Hà Nội, cũng giống như Bắc Kinh, vẫn chẳng thay đổi gì về bản chất mà chỉ giương lên bộ mặt văn minh để thuận đường buôn bán.

Và sự chú ý của thế giới đối với bản tin này đến đó là hết. Lý do đơn giản là vì chiếc ghế thành viên không thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày nay chẳng còn giá trị là bao. Chỉ nhìn một vài dữ kiện, người ta có thể thấy rõ điều đó. Trước hết, Hà Nội là chính phủ duy nhất nộp đơn xin ngồi vào chiếc ghế thành viên dành riêng cho vùng Á Châu. Không có nước nào khác tại Á Châu muốn bỏ công làm chuyện này. Kế đến, nhìn danh sách các nước chưa từng vào Hội Đồng Bảo An, người ta chỉ thấy những nước hoặc rất nhỏ như những quần đảo tại Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, hoặc những nước chỉ mới ra đời trong vòng 20 năm vừa qua, theo sau sự xụp đổ của thế giới cộng sản.

Nhưng có lẽ lý do khiến các quốc gia không còn mấy thích thú những chiếc ghế thành viên không thường trực của Hội Đồng, đặc biệt sau thời chiến tranh lạnh như hiện nay, chính là vì thủ tục phân chia quyền lực tại cơ chế này. Hội Đồng Bảo An LHQ bao gồm 15 thành viên. Mỗi quyết định phải có ít nhất 9 phiếu thuận trở lên. Tuy nhiên trong số 15 thành viên, có 5 nước mang tư cách thành viên sáng lập, đó là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc. Các thành viên sáng lập có quyền phủ quyết tuyệt đối. Nghĩa là dù có 14 thành viên đồng ý mà chỉ cần 1 trong số 5 quốc gia nói trên phủ quyết thì cũng không thành quyết định. Trên căn bản đó, một nước thành viên không thường trực khó có thể nêu được vấn đề gì đáng kể.

Tuy vậy, trong thời gian chiến tranh lạnh, Hội Đồng Bảo An LHQ trở thành diễn đàn quốc tế mà 2 khối Tư Bản và Cộng Sản tận dụng để tấn công vào uy tín của nhau, từ những vụ Liên Xô bắn lầm phi cơ dân sự Nam Hàn đến các cuộc tấn công của Do Thái vào các vùng đất Ả Rập, v.v…. Trong thời gian này, các nước nhỏ có ghế thành viên trong Hội Đồng Bảo An được các cường quốc hết lòng chiều đãi và lôi kéo. Ngày nay, các nhu cầu cũng như ưu đãi đó không còn nữa.

Nhìn như vậy đủ thấy chiếc ghế mà Nhà Nước CSVN vừa được chấp thuận chẳng thực sự giúp gì cho đất nước Việt Nam hay ngay cả cho bộ mặt của chế độ cai trị hiện nay. Thế giới vẫn nhìn chế độ này qua bức hình của Linh Mục Lý và các nhà dân chủ Việt Nam đang bị cầm tù.

Lạc quan lắm thì người ta cũng chỉ có thể hy vọng là với chiếc ghế văn minh này, những người đang cai trị VN sẽ ngồi rất gần và trở nên rất quen thuộc với những tiêu chuẩn văn minh của nhân loại ở đầu thế kỷ 21. Từ đó, hy vọng họ nhìn ra sự lạc hậu tới mức quái dị của những chính sách cai trị còn lê lết đến ngày nay, dù đã gieo bao ai oán từ hơn nửa thế kỷ qua, từ các hình thức đấu tố các nạn nhân đến các loại luật lệ cấm tụ họp từ 5 người trở lên, cấm thờ phượng tại nhà tư, cấm báo chí tư nhân.

Vẫn biết chiếc áo không làm nên thày tu, nhưng chỉ cần cái ghế văn minh này mở mắt được cho những người sắp ngồi vào nó.

Vũ Thạch