Chống Lạm Phát Hay Lại Cơ Hội Làm Ăn Trên Đầu Dân Nghèo

Ngô Văn

Từ đầu năm 2008, giá gạo và ngũ cốc ở khắp nơi trên thế giới tăng mạnh khiến cho cuộc sống của người dân nghèo tại nhiều quốc gia gặp khó khăn tới độ khủng hoảng. Thế giới đang phải đối đầu với nạn thiếu lương thực, ở nước Haiti thuộc Trung Mỹ, vật giá leo thang khủng khiếp. Vào đầu tháng 4/2008 giá 50kg gạo đã lên đến 70 mỹ kim, tức tăng gấp ba lần so với tháng trước. Xăng dầu cũng tăng theo tỷ lệ này. Trong khi đó, lương của người lao động tại đây chỉ khoảng 2 USD một ngày. Tình trạng dân nghèo hoảng hốt trong lúc giới cầm quyền vẫn làm ngơ hưởng thụ tất nhiên dẫn đến cảnh hỗn loạn xã hội qua các cuộc xuống đường biểu tình và bạo động. Ít là 6 người dân Haiti bị thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương. Đến khi đó Tổng thống Haiti mới cắt chức Thủ tướng và hứa sẽ cho hạ giá gạo và một số nhu yếu phẩm. Quốc hội Haiti thì yêu cầu phải giải tán toàn bộ nội các.

Tại thủ đô Cairo của Ai Cập, tuy tình trạng hoảng hốt không bằng ở Haiti, nhưng người dân cũng tràn ra đường, xông vào các cửa hàng thực phẩm để kiếm thức ăn. Công nhân các hãng dệt đình công đòi tăng lương với các biểu ngữ mang hàng chữ “Chúng tôi đói!”. Tình hình trở nên căng thẳng khi cảnh sát đến bắt những người mà họ nghi là cầm đầu các cuộc đình công. Liền sau đó hàng ngàn người kéo đến sở cảnh sát biểu tình đòi phải thả những người đã bị bắt. Cảnh sát bắt đầu dùng bạo lực giải tán số người biểu tình. Dân chúng phản kháng lại bằng gậy gộc và gạch đá. Cảnh hỗn loạn kéo dài đến mấy ngày mới tạm yên nhưng nỗi bất mãn của người dân về tình cảnh vật giá tăng nhanh như ’’hỏa tiễn’’ không hề lắng dịu. Thủ tướng Ai Cập cũng lên tiếng hứa hẹn sẽ ổn định giá cả các mặt hàng nhu yếu trong vài tuần tới nhưng chẳng ai tin.

Bước sang Á châu thì Bắc Triều Tiên là nước thiếu lương thực trầm trọng nhất. Việc phân phối thực phẩm theo tem phiếu cho người dân thủ đô Bình Nhưỡng, vốn đã rất ít ỏi, cũng bị tạm ngưng ít nhất trong vòng 6 tháng cho đến khi nào có lệnh mới. Lệnh mới ở đây phải hiểu rằng cho đến khi nào có lương thực. Một tổ chức có tên ’’Người Bạn Tốt’’ của Nam Hàn chuyên viện trợ lương thực nhân đạo cho Bắc Hàn cho biết vào đầu tháng 3/2008, người dân thủ đô Bình Nhưỡng vẫn được phát tem phiếu nhưng không còn nơi nào để đổi tem phiếu lấy thực phẩm. Chỉ dấu sẽ có chết đói tại nhiều vùng thuộc Bắc Hàn và ngay cả tại thủ đô Bình Nhưỡng đang là mối lo lắng cho nhiều thân nhân của họ tại Nam Hàn. Một tin xấu khác cũng đang được các chuyên gia nông nghiệp cảnh báo. Hàng năm vào tháng 4 là thời kỳ gieo mạ cho vụ mùa Xuân Hạ ở Bắc Triều Tiên, thế mà cho đến đầu tháng 5 vẫn còn rất nhiều nông dân chưa được các Hợp tác xã nông nghiệp phân phối lúa giống, phân bón, vải nylon để che mưa, ngăn gió và những vật dụng cần thiết khác cho việc canh tác. Các chuyên gia này lo ngại nếu hụt vụ mùa này, nạn chết đói tại Bắc Hàn sẽ còn khủng khiếp hơn nữa. Với kinh nghiệm quá khứ, họ chắc chắn rằng Nhà Nước Bắc Hàn sẽ chỉ cấp phát lương thực thường xuyên cho bộ máy trấn áp, là công an và quân đội, mà thôi, để làm công việc mà Nhà Nước gọi là “duy trì ổn định và trật tự xã hội”.

Tại Philippines, giá gạo cũng bỗng nhiên tăng vụt vào giữa tháng 4/ 2008 từ 18 peso/kg lên thành 38 peso/kg, bất kể các tin tức tiên đoán năm nay Phi sẽ trúng mùa. Trước cơn lo lắng vô căn cứ này, chính phủ Phi phải lập tức ban hành một số biện pháp đối phó: Thứ nhất, quảng bá các dữ kiện về tình hình tồn trữ các kho gạo quốc gia; Thứ nhì, xuất ra một số gạo bán cho dân nghèo với giá 18 peso/ kg, tức giá trước khi cơn sốt gạo xảy ra; Thứ ba, mở cuộc truy lùng những gian thương đầu cơ tích trữ gạo để tạo khan hiếm giả tạo; Và thứ tư, liên lạc ngay với chính quyền Thái và Việt Nam để mua thêm gạo tồn kho. Người dân Phi Luật Tân thoát qua cơn thử thách đầu tiên. Xã hội Phi tiếp tục ổn định và trật tự mà không cần đến lựu đạn cay hay hàng hàng lớp lớp công an chìm nổi.

Sau hết, về trường hợp Việt Nam, các chuyên gia nông nghiệp quốc tế tin là Việt Nam hiện có đủ gạo cho cả nước nhưng không thể khẳng định vì các dữ kiện kinh tế đều bị Nhà Nước Việt Nam xem là bí mật quốc gia và dấu kín. Còn các con số họ đưa ra thì không ai dám tin. Bên cạnh đó, những lời tuyên bố của Nhà Nước về việc ngưng xuất cảng để bảo đảm đủ gạo cho dân vào tháng trước, hóa ra chỉ là thủ thuật để mặc cả giá bán gạo cho Philippines. Còn tại các miền thôn quê, nhiều cán bộ nhân danh chính sách kềm chế lạm phát và bảo đảm an toàn lương thực quốc gia để thu mua độc quyền nông phẩm với giá rẻ mạt. Trong lúc nông dân Thái Lan cũng bán gạo cho Philippines thu được khoảng 1000 mỹ kim mỗi tấn, thì nông dân Việt Nam phải bán cho cán bộ thu mua 500 mỹ kim một tấn. Như mọi vấn nạn khác trong xã hội Việt Nam, nạn lạm phát và khan hiếm lương thực hiện nay, chỉ mở ra những cơ hội làm ăn cho vô số những đường giây cán bộ có chức có quyền trong chế độ, bất kể những cơn đói khổ rất thật, đang hành hạ tầng lớp dân nghèo tại Việt Nam, đặc biệt là tại các thành thị.

Điều đáng nói là bất cứ ai dám chỉ ra cái cảnh tai ác ấy đều lập tức bị liệt vào loại “phá hoại ổn định và trật tự xã hội”, mà Đảng và Nhà Nước CSVN cương quyết duy trì.

Ngô Văn