Chống tham nhũng chỉ là màn kịch

Ngô Đồng

Hình minh họa (Playbuzz).

Vài năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông, “người đốt lò” Nguyễn Phú Trọng luôn tuyên bố diệt cho bằng được tham nhũng. Nhưng mặc cho “lò đã nóng, củi tươi, củi khô vào cũng phải cháy”, thì mức độ tham nhũng tại Việt Nam vẫn đang “ổn định”. Nguyên nhân của thực trạng trên là do việc chống tham nhũng tại Việt Nam hoàn toàn hình thức vì “đập chuột sợ vỡ bình”.

Tuần qua, sự kiện thu hút được nhiều sự quan tâm đó là hôm 20/11, Quốc hội CSVN thông qua Luật Phòng chống tham nhũng. Trong đó, điều khoản liên quan đến việc xử lý tài sản bất minh của quan chức lại bị bỏ ra khỏi luật này. Nhiều người cho rằng, qua việc loại bỏ điều khoản được kỳ vọng sẽ tạo ra một đột phá trong việc chống tham nhũng, đã thể hiện sự thỏa hiệp của Quốc hội CSVN trước một vấn nạn được ví như “giặc nội xâm” đang kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Để bao biện cho quyết định thụt lùi nói trên, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng đây là vấn đề phức tạp vì “liên quan đến quyền sở hữu cá nhân”. Vì vậy, “người ta không giải trình được thì cũng không có căn cứ thu hồi.”

Thực tế, tham nhũng là tội phạm đặc biệt, hành vi tham nhũng thường ẩn sâu, ngụy trang kín kẽ, vì vậy nếu không có tố tụng đặc biệt vượt lên khuôn khổ pháp lý thông thường thì không xử lý được. Đây là lí do khiến các nước thường đặt ra các quy định về trách nhiệm giải trình tài sản và chế tài áp dụng khi không giải trình được tài sản. Singapore thậm chí còn có luật riêng về vấn đề này với căn cứ, điều kiện, trình tự, thẩm quyền rõ ràng.

Thực tế, không có ai không biết nguồn gốc tài sản, thu nhập của mình. Mọi tài sản đều phải được giải thích từ nguồn gốc. Ở nước ngoài, tài sản không giải trình được nguồn gốc sẽ bị coi là bất hợp pháp và bị tịch thu, ngoài ra còn có thể phạt tù đến 5 năm. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng phải đi chứng minh số tài sản sở hữu là bất hợp pháp mới có thể thu hồi được. Trong khi việc chứng minh tài sản bất hợp pháp vô cùng khó khăn, phức tạp, mất rất nhiều thời gian, công sức.

Đây là nguyên nhân khiến một số trường hợp kê khai tài sản không đúng, chỉ có thể áp dụng hình thức kỷ luật đối với người kê khai, chứ không thể đụng vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc của họ.

Lấy ví dụ về trường hợp của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Trả lời câu hỏi của báo chí về khối tài sản khủng của mình, ông Truyền nói, nhờ sự giúp đỡ của người thân và chủ yếu là bởi “làm thối móng tay” nên ông Truyền mới sở hữu nhiều đất, nhà và biệt thự khủng. Hay như trường hợp ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, thì số tiền mà ông Kỷ xây ngôi biệt thự khủng 2 tầng diện tích gần 200m2, hồ bơi 153m2, hồ nước 625m2 cùng 3 thửa đất có tổng diện tích gần 1 ha tại tổ dân phố 11, phường Ea Tam là nhờ “chạy xe ôm từ thời trai trẻ”.

Một trường hợp khác là ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái. Trả lời về nguồn gốc khu biệt thự khủng, trị giá ít nhất cũng nhiều chục tỉ đồng, ông Quý nói: “Thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội”, “làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ…”.

Với những khối tài sản kếch xù, biệt phủ, villa hàng chục triệu USD, nhưng các quan chức khai nguồn gốc nhờ buôn chổi, chạy xe ôm, nấu rượu, làm bánh kẹo… dù ai cũng thấy đó là sự vô lý đến cùng cực, nhưng pháp luật thì lại không có chế tài để xử lý. Vì vậy, có thể thấy Luật phòng chống tham nhũng tại Việt Nam chỉ là hình thức.

Tóm lại, để đẩy lùi được tham nhũng, không phải cứ lôi vài “đại án” ra xử lý là xong. Điều quan trọng nhất trước khi thiết chế ra những luật pháp ngăn chận, tất cả lãnh đạo CSVN phải kê khai toàn bộ tài sản và giải trình những thu nhập bất minh. Kế đến phải loại bỏ ngay quan điểm “đánh chuột không để vỡ bình”, tức là chống tham những phải làm sao giữ ổn định nội bộ. Còn nếu không thì sẽ không bao giờ giải quyết tận gốc vấn nạn này.

Ngoài ra, để phòng chống tham nhũng có hiệu quả thì việc công khai, minh bạch hóa thông tin phải được đặt lên hàng đầu. Rõ ràng việc vắng bóng một cơ chế công khai, minh bạch đã khiến quan chức không cần phải giải trình những khối tài sản mình có và nó đương nhiên trở thành bất minh. Nếu bao trùm được các vấn đề như thế, thì Luật phòng chống tham nhũng mới thực sự chống được tham nhũng.

Tuy nhiên, để có thể hướng đến sự minh bạch hóa thông tin và một chế tài đủ mạnh để răn đe tham nhũng là điều không hề dễ dàng. Ở Việt Nam, với cơ chế đảng cử – dân bầu, tất cả những ứng cử viên tự do đều bị chính quyền cộng sản đấu tố để ngăn chặn. Trong khi đó, các đảng viên cộng sản chiếm tới 96% đại biểu quốc hội. Những người này chỉ có nhiệm vụ biểu quyết về mặt hình thức, có tính thủ tục để thông qua các chính sách đã được đảng cộng sản quyết định từ trước. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người xem Quốc hội Việt Nam là “quốc hội nghị gật” và các biểu quyết phòng chống tham nhũng cũng chỉ là “tát bùn sang ao”.