Chủ nghĩa phóng khoáng

Phạm Phú Đức

Một lý thuyết về công lý

Vào đầu thập niên 1970, tác phẩm Một lý thuyết về công lý (A Theory of Justice) của triết gia John Rawls đã làm “sống” lại các tranh luận về các chủ nghĩa hay tư tưởng chính trị. Nó tạo tranh luận sôi nổi và sâu sắc trong ngành khoa học chính trị và luật ở khắp nơi, đặc biệt tại Âu-Mỹ. Các cuộc tranh luận, mà phần lớn là phê bình tác phẩm này, kéo dài suốt thập niên 1970, 1980, và cả 1990, để rồi đến năm 1993, Rawls viết thêm một tác phẩm mới Nền phóng khoáng chính trị (Political liberalism) để biện luận và bảo vệ triết lý chính trị của ông trong tác phẩm trước. Hơn hẳn các tác phẩm gây nhiều tranh cãi khác như The end of history and the last man của Francis Fukuyama và The clash of civilizations and the remaking of world order của Samuel P. Huntington, [2] tuy cả ba nhà khoa học chính trị này đều khẳng định tính ưu việt và tất thắng của chủ nghĩa phóng khoáng [3] trong tác phẩm của mình, Rawls đi sâu vào triết học chính trị nhiều hơn tính sử của hai người kia. Nói chung, Rawls được xem một trong những triết gia gây nhiều ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.

Ở đây, xin tóm tắt một số điều cơ bản mà Rawls muốn biện luận trong tác phẩm của mình. [4] Thứ nhất, dựa trên những triết lý của Locke, Rousseau và Kant vào thế kỷ 17 và 18, Rawls muốn đưa ra một lý thuyết về công lý mà Rawls gọi là “công lý là công bằng” (justice as fairness), đó là những nguyên tắc mà Rawls cho rằng những người tự do và lý trí (tức có khả năng lý luận và biết những gì hợp lý cho mình) sẽ chấp nhận như là nền tảng bình đẳng để từ đó thực thi quyền lợi của mình. Các nguyên tắc này sẽ chỉ đạo tất cả các đồng thuận khác sau này, từ các quan hệ và hợp tác xã hội cho đến thể thức chính quyền được hình thành. Thứ hai, Rawls đưa ra hai nguyên tắc căn bản của công lý: 1) nguyên tắc về quyền tự do căn bản và bình đẳng mà mọi người được hưởng, bao gồm tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do chính trị, tự do hội họp hay quan hệ với người khác, và các quyền và tự do được ghi trong nền pháp trị; 2) sự bất bình đẳng xã hội và kinh tế chỉ được chấp nhận khi nào các điều kiện sau đây được bảo đảm: một, nó mang lại ích lợi nhất, hoặc bồi thường quyền lợi cho những người bị thua thiệt nhất; và hai, tất cả các địa vị và vai trò quan trọng (của nhà nước hay chính quyền) đều phải được mở rộng cho mọi người tham gia trên nền tảng cơ hội bình đẳng, công bằng.

Rawls khai triển chi tiết các nguyên tắc và quan niệm công lý để thuyết phục vì sao nó rất hợp lý trong tác phẩm của ông. Thế nhưng dù lý luận chặt chẽ và sâu sắc đến mấy, Rawls cũng không tránh được những phê bình gay gắt. Thí dụ, Rawls bị phê bình rằng phương pháp này có tính toán (để biện minh cho chủ nghĩa phóng khoáng); rằng có thật là nó sẽ giúp cho người bị thua thiệt nhất không; rằng trên thực tế, ngay tại Hoa Kỳ, đã không áp dụng lý thuyết của Rawls; rằng nó quá cứng nhắc và thiếu uyển chuyển; rằng những giả định của nó về tấm màn khờ khạo (veil of ignorance) hay về vị thế nguyên thuỷ (original position) đều không thực tế v.v… Một lý thuyết về công lý của Rawls cũng bị phê bình là một triết lý mang tính đạo đức, và cũng vì thế nên hơn hai thập niên sau, trong Nền phóng khoáng chính trị, Rawls ghi nhận những phê bình này và biện luận rằng lý thuyết Rawls đưa ra chủ yếu cho địa hạt chính trị (trong khi đó các chủ thuyết về đạo đức là những giá trị quá sâu rộng mà Rawls không dám tham vọng để lý thuyết hoá), do đó, để trở thành hiện thực, nó đòi hỏi một chế độ dân chủ hợp hiến (Rawls cho rằng chủ nghĩa đa nguyên hợp lý là sản phẩm được kết hợp qua một thời gian dài của nền văn hóa xã hội đó).

Nói chung, Rawls là người có công lớn trong việc khơi lại các cuộc tranh luận bổ ích về triết học chính trị vào các thập niên cuối của thế kỷ 20, qua đó làm sáng tỏ ít nhiều những thành tựu cũng như những giới hạn của triết học chính trị. Tuy nhiên, Rawls bị phê bình từ những giả định căn bản trong triết lý chính trị của mình (như đã đề cập trong bài “Chủ nghĩa duy lý”), bởi vì các tham vọng đại tự sự như thế không thể đứng vững trong thời đại mà mọi triết học đi tìm chân lý đều có thể bị phê bình từ nhiều phía.

Tự do, công bằng và chủ nghĩa cá nhân

Chủ nghĩa phóng khoáng là chủ thuyết chính trị vượt trội, đúng hơn là áp đảo, của thế giới gần 250 năm qua (nhất là từ lúc Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ ra đời), đặc biệt trong lãnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, tuy tư tưởng này đã có cách đây từ 300-400 năm (như Hobbes, Locke) hoặc manh nha trước đó nữa. Tự do, công bằng, dân chủ, đa nguyên, pháp trị và nhân quyền là các giá trị phổ quát hiện nay của nhân loại, và cũng chính là giá trị nền tảng của chủ nghĩa phóng khoáng. Trong thời chiến tranh lạnh, chủ nghĩa cộng sản và phóng khoáng là hai tư tưởng ảnh hưởng nhất nhưng thù nghịch nhau, cái trước lãnh đạo bởi Liên Sô và cái sau bởi Hoa Kỳ. Sau chiến tranh lạnh, chủ nghĩa cộng sản được coi là phá sản, chủ nghĩa phóng khoáng được mặc nhiên công nhận là thắng lợi. Trong tác phẩm nổi tiếng gây nhiều tranh cãi The end of history and the last man, giáo sư Francis Fukuyama cho rằng những lý tưởng của nền dân chủ phóng khoáng, về mặt triết học chính trị, đã tương đối hoàn chỉnh, và nó là ước vọng chính trị của con người từ các sắc tộc, văn hóa ở các vùng khác nhau trên thế giới.

Vì chủ nghĩa phóng khoáng vượt trội và áp đảo nền chính trị, kinh tế và xã hội của thế giới hiện đại và đương đại, hơn nữa, qua thời gian, lý thuyết của nó được phê bình hay bổ túc bởi nhiều thế hệ triết gia, do đó chủ nghĩa phóng khoáng là một chủ thuyết rất đồ sộ, ví như một lâu đài nhiều phòng. Vậy thì làm sao phân biệt hay nhận diện một lý thuyết chính trị là lý thuyết chính trị phóng khoáng? Điều này rất khó và có thể gây tranh cãi bất tận vì chính các lý thuyết gia chính trị phóng khoáng chưa hẳn đã đồng thuận với nhau. Tuy nhiên, ba giá trị cốt lõi của chủ nghĩa phóng khoáng là tự do, công bằng (mà chủ yếu là bình đẳng cơ hội) và chủ nghĩa cá nhân (individualism).

Tự do là giá trị nền tảng của chủ nghĩa phóng khoáng, và tất cả mọi triết gia thuộc chủ nghĩa phóng khoáng đều đề cao giá trị này. Các từ ngữ phóng khoáng (liberal) hay chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) đều từ chữ tự do (liberty) mà ra. Theo giáo sư Festenstein và Kenny, “một con người cá nhân là một đơn vị quan yếu có giá trị đạo đức, và việc bảo vệ và đề cao quyền lợi cá nhân là yếu tố nền tảng để các bố cục (sắp xếp) chính trị được đánh giá. Quyền lợi quan yếu nhất là tự do cá nhân”. [“Dân chủ: quyền lực và ngờ vực” nói rõ hơn về khía cạnh này).

Dân chủ hóa là một tiến trình lâu dài đi từ tư tưởng đến hành động, nghĩa là một tiến trình mang tính lịch sử. Cũng cần phải nhắc lại rằng vào thế kỷ 18 và trước đó, đại đa số các thể chế chính trị vẫn là quân chủ, mà quyền lực chính trị nằm trong tay hoàng tộc hay một thiểu số ưu tú chung quanh hoàng tộc. Vào thời đó, người ta vẫn nghĩ (hay bị đầu độc) rằng dân chủ có thể đưa đến bất ổn định xã hội bởi vì người dân chưa đủ khả năng nhận thức hay biết sử dụng quyền hành của mình một cách chính đáng. Hơn nữa, quan niệm về con người vào thời đó chủ yếu là còn man rợ, bạo động và luôn cần một chính quyền mạnh hay lãnh đạo mạnh để duy trì trật tự xã hội hoặc kìm kẹp các phần tử phá hoại. Còn những suy nghĩ bi quan và tiêu cực như thế, nhất là từ chính thành phần lãnh đạo, thì người ta không thể đưa xã hội đó và ngay cả chính họ vượt ra khỏi khuôn khổ suy nghĩ đã được xã hội uốn nắn trước đó. Vượt qua những khuôn sáo suy nghĩ hôm nay chính là chìa khoá để tiến gần đến những điều mình mong muốn cho ngày mai. Cho đến nay, dân chủ đã trở thành hiện thực tại những nơi nào có nhiều người tin rằng chính trị nói riêng và các vấn đề của con người nói chung có thể được chỉ đạo bởi lý trí và hướng dẫn bởi các nguyên tắc về tự do, bình đẳng và thượng tôn pháp luật.

Tuy đều tiếp cận được một số tư tưởng dân quyền của trường phái phóng khoáng, hai nhà cách mạng họ Phan có quan điểm hoàn toàn khác nhau.

Xin mở ngoặc ở đây một chút để nói về trường hợp Việt Nam. Nếu tính từ lúc thể chế dân chủ đầu tiên (Hoa Kỳ chẳng hạn, từ năm 1789) được hình thành thì đến nay đã gần 220 năm. Thế nhưng không biết nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tuyên truyền như thế nào mà chính từ miệng của một vài sinh viên du học tôi có dịp tiếp xúc thốt rằng đa đảng và dân chủ có thể gây bất ổn xã hội. Nói cách khác, một phần không nhỏ người dân Việt Nam, trong đó giới trẻ chiếm đa số, vẫn chưa thoát khỏi cái bẫy tuyên truyền để có đủ tự tin rằng họ có đủ khả năng nhận thức và lý luận để làm chủ đất nước. Tương tự, cách đây 100 năm, tuy đều tiếp cận được một số (giới hạn) tư tưởng dân quyền của trường phái phóng khoáng vào thời đó (như tác phẩm Dân ước của Rousseau) được dịch sang tiếng Tàu bởi những học giả Trung Hoa như Khang Hữu Vy và Lương Khải Siêu, hai nhà cách mạng họ Phan có quan điểm hoàn toàn khác nhau. Cụ Phan Chu Trinh là người tin tưởng sâu đậm và có thể nói là tín đồ của chủ thuyết dân quyền, trong khi đó, cụ Phan Bội Châu, dù ít nhiều được thuyết phục nhưng không tin rằng dân trí mình lúc đó có thể theo đuổi chủ thuyết này. [7] Tuy nhiên, dù tình trạng dân trí cũng không thay đổi gì bao nhiêu chỉ 5 năm sau đó, nhưng vì trải qua bao nhiêu biến động và thất bại, nhất là sự trở mặt của chính phủ Nhật và sự thất bại của khuynh hướng vũ lực, đến năm 1912, tức một năm sau khi cuộc cách mạng Tân Hợi của Trung Hoa thành công, cụ Phan Bội Châu đã nhìn nhận rằng con đường dân chủ dân quyền (của Rousseau) là “tinh đáng”. [8] Chỉ tiếc rằng khuynh hướng của cụ Phan Bội Châu đã không đồng thuận với khuynh hướng của cụ Phan Chu Trinh ngay từ đầu về chiến lược (và chiến thuật) đấu tranh trên mặt trận dân quyền, nếu không thì cuộc diện Việt Nam có lẽ đã rất khác trong thế kỷ qua.

Ngoài các đặc tính trên, trường phái phóng khoáng phân biệt không gian công cộng và riêng tư (public/private), thí dụ, mọi cá nhân đều có quyền sống theo cách riêng của họ mà nhà nước không có quyền can thiệp. Có nhiều lãnh vực luật pháp không nên can dự vào. Tôn giáo và nhà nước nên tách rời vì mọi người đều có quyền tin hay không tin một tôn giáo nào đó trong cách sống riêng của họ. Chủ nghĩa phóng khoáng đề cao một xã hội rộng mở, chống lại độc tài toàn trị, chống lại quyền lực tập trung hay kinh tế tập trung, không chấp nhận bị ràng buộc bởi các tín điều truyền thống, cổ võ cho nền kinh tế thị trường, quyền tư hữu tài sản và luật khế ước v.v… Chủ nghĩa phóng khoáng cũng cho rằng mọi người được hưởng các quyền chính trị công bằng như nhau (như Rawls quan niệm ở trên). Ngoài ra, những người (theo trường phái) phóng khoáng tin rằng các niềm tin hay giá trị về quyền và bổn phận công dân mang tính quốc tế (universal), vượt ra khỏi không gian hay đặc tính địa phương. [9] Thêm vào đó, chủ nghĩa phóng khoáng nhận thức rõ tính đa nguyên của con người, nhất là các giá trị đạo đức và niềm tin tôn giáo, nên chủ trương đề cao lòng khoan dung là tinh thần tích cực và cần thiết đối với sự đa dạng và những khác biệt. Chủ nghĩa phóng khoáng cũng quan niệm rằng nhà nước nên để cho người dân tự mưu cầu một đời sống mà họ cho là tốt đối với mình bởi vì nhà nước không thể làm việc đó một cách thoả mãn đối với mọi người, và nếu có làm thì chắc chắn sẽ can thiệp vào đời sống và sự chọn lựa cá nhân. Cũng vì thế nên chủ nghĩa phóng khoáng chống lại sự toàn hảo vì nghĩ rằng nó chỉ đưa đến một nhà nước độc tài toàn trị. Tuy thế, chủ nghĩa phóng khoáng lại tin vào sự tiến triển và tính toàn thiện của con người, qua phát triển về khoa học, kỹ nghệ và giáo dục. Nói cách khác, chủ nghĩa phóng khoáng lạc quan về tính khéo léo của con người, về khả năng vượt qua mọi trở ngại, thử thách để trở thành văn minh tiến bộ hơn.

Các khuynh hướng phóng khoáng khác nhau

Tuy cùng một trường phái, các lý thuyết gia của chủ nghĩa phóng khoáng nhấn mạnh các giá trị nói trên khác nhau. Chỉ nội giữa hai giá trị căn bản là tự do và công bằng là đã có sự khác biệt lớn về mức độ ưu tiên, thí dụ như tự do đến mức độ nào và công bằng đến mức độ nào là tốt nhất. Không thể có tự do tuyệt đối bởi nó chỉ đưa đến xung khắc giữa con người với nhau, đặc biệt tự do khẳng định – tích cực (positive freedom) và tự do phủ định – tiêu cực (negative freedom) đã có nhiều điểm trái ngược nhau rồi. Hơn nữa, khi đi sâu vào từng khía cạnh tự do, từ kinh tế, chính trị đến tôn giáo, giáo dục v.v… thì sự khác biệt quan điểm trở nên rõ nét hơn. Cũng không thể có công bằng tuyệt đối, bởi rằng cho dù mọi người trên thế gian này bắt đầu cuộc sống giống nhau (chủ yếu về điều kiện vật chất), thì sau một thời gian, sẽ có người giàu hay thành công hơn người khác về mặt vật chất. Do đó, càng muốn mọi người công bằng thì nhà nước càng phải bắt buộc can thiệp vào đời sống của người dân, bắt buộc những người làm ăn khá giả đóng thuế gấp nhiều lần so với những người nghèo khó, thêm vào đó là phải tái phân chia tài nguyên đất nước (Redistribution) mỗi năm cho đồng đều hơn, và cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội như y tế, giáo dục v.v…, hoặc là miễn phí, hoặc với lệ phí tượng trưng cho những người nghèo hay thất nghiệp. Một nhà nước như thế thường được gọi là nhà nước phúc lợi (welfare state). [10]

Tuy nhiên, một nhà nước nhân danh phúc lợi xã hội như thế sẽ ít nhiều can thiệp vào quyền tự do của công dân, bắt buộc một số thành phần công dân đóng thuế rất nặng, và rất có thể một số mặt tự do khác cũng bị giới hạn. Nhưng ngay cả như thế cũng chỉ đem lại công bằng tương đối về mặt vật chất, khoan nói đến công bằng về các mặt khác như trí tuệ hay tinh thần, những giá trị mà không thể (tái) phân chia. Nói cách khác, tự do và công bằng là hai giá trị bổ túc nhau, nhưng không phải lúc nào cũng thuận nhau, nên nếu chỉ đề cao một trong hai giá trị một cách tuyệt đối hay cực đoan thì sẽ đưa đến một xã hội hoặc vô cùng bất bình đẳng hoặc vô cùng độc tài toàn trị (như đã thấy qua thử nghiệm của chế độ cộng sản Việt Nam vào thời 1975-1986, tuy trên thực tế cũng không có công bằng hay bình đẳng gì cả).

Nói chung, trường phái phóng khoáng chia làm ba nhánh chính, tuy trong mỗi nhánh cũng có nhiều khác biệt với nhau. Nhánh đề cao công bằng xã hội, nhất là bình đẳng cơ hội, gọi là nền phóng khoáng phúc lợi (welfare liberalism), điển hình là triết gia rất ảnh hưởng Ronald Dworkin. Nhánh đề cao tự do, nhất là tự do cá nhân, có những quan niệm như “tại sao phải đóng thuế cho chính phủ?”, gọi là chủ nghĩa tự do (libertarianism), điển hình là triết gia Robert Nozick. Nhánh thứ ba gọi là chủ nghĩa lợi ích (utilitarianism), đề cao cả hai giá trị tự do và công bằng, nhưng luôn cân nhắc chính sách nào sẽ mang lại lợi ích nhất. Thí dụ, đối với chủ nghĩa tựdo, việc tra tấn một người khác, ngay cả một kẻ khủng bố, là điều không thể chấp nhận được, dù nhân danh bất cứ lý do nào vì đó đã là hành vi xâm phạm nhân quyền. Trong khi đó, chủ nghĩa lợi ích cho rằng tra tấn một kẻ khủng bố để tìm ra tin tức quan trọng hầu có phương án tốt nhất để cứu vãn các đợt khủng bố nguy cấp tiếp theo hay sau này là điều chính đáng để làm.

Có thể kết luận tổng quát rằng đa số nhà nước hay đảng phái tại các quốc gia Âu-Mỹ không hoàn toàn thuộc hẳn về một trong ba nhánh này, tuy nhiên, các chính sách của họ phần lớn kết hợp cả ba nhánh (và nhiều triết lý chính trị khác), nhưng nhánhchủ nghĩa lợi ích gây nhiều ảnh hưởng vì tính thực tiễn của nó trong chính trị.

Người Việt tị nạn và chủ nghĩa phóng khoáng

Trong số hơn 3 triệu người Việt hải ngoại (trước đây gọi là người Việt tị nạn hay lưu vong, bây giờ phần lớn đã hội nhập vào cuộc sống mới và đã trở thành công dân của “quê hương thứ hai”) thì có khoảng 1 triệu là thuyền nhân hay bộ nhân (vượt biển hay vượt biên), khoảng hơn 1 triệu kia được thân nhân bảo lãnh hay thế hệ thứ hai, khoảng 1 triệu người, còn lại là những người đi du học hay lao động tại các nước cựu cộng sản ở Liên Sô và Đông Âu (con số này không hoàn toàn chính xác vì trong lúc viết bài này, tôi không nắm rõ dân số của thế hệ thứ hai; ngoài ra, số người này không kể thành phần đi làm lao động tại các nước Đông [Nam] Á hiện nay). Ước đoán hiện nay có hơn 1 triệu người Việt sống tại Mỹ, hơn 200 ngàn tại Úc và 200 ngàn tại Canada, hơn 400 ngàn tại Pháp (nhưng số này bao gồm cả những thế hệ Việt Nam đến Pháp trước 1975). Số người Việt sống tại Tân Tây Lan, Đức, Anh, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy… có lẽ lên đến vài trăm ngàn người nữa. Nghĩa là, có tổng cộng hơn 2 triệu đang sống tại các nước có nền dân chủ phóng khoáng. Các quốc gia cựu cộng sản và đang tiến đến nền dân chủ phóng khoáng là Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi… (không thể kể Nga vào lúc này). Trong tất cả các nước nói trên, đặc biệt nhất vẫn là Hoa Kỳ, Úc và Canada, bởi vì trước năm 1975 số người Việt sinh sống tại đây không đáng kể, nhưng ngày nay có trên 1.5 triệu người, chiếm gần ba phần tư tổngsố người Việt tị nạn sống trên các quốc gia có nền dân chủ phóng khoáng. Nền tảng triết lý chính trị của Úc, Canada lẫn Hoa Kỳ đều là chủ nghĩa phóng khoáng.

Câu hỏi là vì sao các quốc gia này tiếp nhận người Việt tị nạn lúc ban đầu rất nhiều như thế? Hơn nữa, vì sao người Việt tị nạn trở thành những cộng đồng thành công và lớn mạnh, đặc biệt tại ba quốc gia này? Làm sao phần lớn người Việt tại ba quốc gia này, nhất là Úc và Canada, duy trì được tiếng Việt cho thế hệ một rưỡi và thứ hai, và môn tiếng Việt trở thành ngôn ngữ thứ hai chính thức được giảng dạy tại các trường trung học và đại học (nếu so với Đức, Pháp, Anh v.v…)?

Tìm hiểu các vấn đề nêu trên không phải là trọng tâm của bài viết này, nhưng tôi xin được nói một số nét cơ bản vì liên hệ đến chủ nghĩa phóng khoáng. Trong thời gian qua, chúng ta đã nghe rất nhiều về nguyên do nào người Việt đã thành đạt một cách đáng tự hào trong các thể chế dân chủ bởi vì nó cam kết thực thi tự do, dân quyền, nhân quyền và công bằng xã hội. Thiếu công bằng xã hội, nghĩa là có phân biệt đối xử, thì chưa chắc những người Việt thành công lẫy lừng trong thời gian qua mà chúng ta được biết đến tại Úc, Canada, Mỹ v.v…, có thể đạt được những thành quả như thế tại những nơi không tôn trọng nhân tài và bình đẳng cơ hội.

Hơn nữa, tinh thần của các triết lý chính trị sâu xa đó là tính khoan dung (tolerance), mà khoan dung luôn đi đôi với tinh thần nhân bản. Nó giúp những người có tư tưởng đó nhìn con người đúng nghĩa là con người, do đó chấp nhận khác biệt khi đối diện với tính đa nguyên và đa văn hóa của con người và xã hội. Tuy không có xã hội nào toàn hảo, nghĩa là luôn luôn có sự phân biệt đối xử, và ở mức độ nào đó, kỳ thị, trong mọi xã hội, kể cả các xã hội dân chủ nói trên, người dân ở trong các nền văn hóa dân chủ này được hướng dẫn bởi một nhân sinh quan rằng khác biệt là điều bình thường và tự nhiên, và là điều tích cực và đáng được khuyến khích nữa. Tuy nhiên, để có thể đề cao sự khác biệt và tính đa nguyên, người ta phải có sự tự tin hay được trau dồi tính tự tin lúc còn nhỏ, và từ đó lấy mình làm tiêu chuẩn để đánh giá, không sợ sự khác biệt nguy hại đến mình. Để có thể chấp nhận sự khác biệt, người ta phải có tính dân chủ, chấp nhận và tôn trọng tính đa nguyên, không phân biệt màu da, chủng tộc, phái tính, giai cấp (dù trên thực tế luôn có sự phân biệt này nhưng khi đã trở thành một nếp văn hoá, những người phân biệt sẽ bị chính xã hội đó không chấp nhận và phê phán). Chấp nhận khác biệt, ở tầm văn hóa cao, cũng có nghĩa là nhìn con người nào cũng là con người xứng đáng được sống với nhân phẩm của mình. Nói tóm lại, chỉ có văn hóa dân chủ đa nguyên mới đề cao và dung hợp được các tính khác biệt này. Văn hóa này được xây dựng trên nền tảng triết lý chính trị của chủ nghĩa phóng khoáng, và gần 250 năm qua, nó đã ăn sâu vào nếp suy nghĩ, nếp sống và hành xử của người Âu-Mỹ. Qua thời gian, những mặt tiêu cực hay bất toàn của nó bị phê phán, do đó có cơ hội để tự cải cách, hoàn chỉnh. Tất nhiên, bản tính con người là khi tiếp cận với cái mới, nhất là những cái họ chưa đủ hiểu biết, chưa đủ tự tin thì có tâm lý chung là chống lại, phản kháng, hay dè chừng. [11] Nhưng khi xã hội có nền tảng triết lý để hướng dẫn, soi đường cho cung cách suy nghĩ và hành xử, nhất là khi có được những lãnh đạo có tầm nhìn sâu rộng và có văn hóa cao, thì sự cưỡng lại những thay đổi của xã hội chỉ là vấn đề nhất thời.

Chủ nghĩa phóng khoáng, Malcolm Fraser và người Úc gốc Việt

Trường phái phóng khoáng nhấn mạnh về quyền lợi, bổn phận và tự do cá nhân, nhưng lại nói rất ít về đoàn thể, cộng đồng, xã hội, và cũng không đưa ra quan điểm cụ thể nào về đa văn hoá, đạo đức hay tôn giáo. Lý do, theo lý thuyết gia Chandran Kukathas (thuộc trường phái chính thống của chủ nghĩa phóng khoáng), là:

“Lý thuyết chính trị phóng khoáng, như được biết rộng rãi, biện luận rằng một xã hội tốt đẹp là một xã hội không nên được cai trị bởi những một số mục tiêu hay mục đích chung nào đó mà chủ yếu là cung cấp một khung sườn về quyền hay tự do hay bổn phận để qua đó người dân theo đuổi các mục đích khác nhau, với tính cách cá nhân hay với tính cách tập thể. Đó là một xã hội cai trị bởi nền tảng pháp luật, và do đó, được điều hướng bởi các nguyên tắc về quyền hành. Đây là những nguyên tắc về công lý, nhưng trong đó không giả định trước các giá trị đúng đắn hay tốt hơn đối với một cách sống riêng nào cả. Mặc dù người phóng khoáng (liberals) không phải là những người hoài nghi về các câu hỏi lên quan đến đời sống tốt đẹp, họ nhấn mạnh rằng không một ai nên bị bắt buộc phải chấp nhận một cách sống nào đó (dù là tốt đẹp). Câu trả lời của trường phái phóng khoáng đối với tính đa dạng của truyền thống tôn giáo và đạo đức trong xã hội hiện đại là rằng nên cổ võ tinh thần khoan dung càng nhiều càng tốt đối với những cách sống khác nhau”. [12]

Kukathas cũng biện luận thêm rằng “Chủ nghĩa phóng khoáng căn bản là một lý thuyết đa văn hóa. Nói cách khác, nó là lời giải mang tính triết học đối với sự thật về đạo đức, tôn giáo và đa văn hoá. Nó đề nghị rằng nên chấp nhận tính đa nguyên và nên khoan dung đối với sự khác biệt…”. [13] Kukathas biện luận rằng chủ nghĩa phóng khoáng không đề cao các dự án mang tính tập thể, không thiên vị đặc biệt nhóm nào, không cho đặc ân đến cá nhân nào hay quyền lợi của cá nhân nào; điều quan yếu duy nhất của nó là bảo vệ khung sườn pháp luật để mà cá nhân hay tập thể có thể sống hài hòa với nhau. Kukathas cho rằng chủ nghĩa phóng khoáng có thể được diễn tả là “nền chính trị không phân biệt” (the politics of indifference). Kukathas mạnh mẽ bênh vực quan niệm rằng cá nhân là đơn vị căn bản của xã hội, và tập thể hay cộng đồng là gì nếu không do chính các đơn vị đó hình thành nên.

Nói cách khác, chủ nghĩa phóng khoáng quan niệm rằng những giá trị mang tính đạo đức, tôn giáo và cả văn hóa (nhất là đối với các quốc gia đa văn hóa như Anh, Úc, Mỹ v.v…) rất bao quát, không thể rút ngắn thành một số giá trị chung hay biến thành luật để mọi người tôn trọng thi hành. Trong một xã hội, nhất là xã hội đa văn hóa, người ta khó thể nào đồng ý với nhau về tầm quan trọng của từng giá trị. Áp đặt giá trị (đạo đức, tôn giáo hay văn hoá) nào đó lên người khác là đã xâm phạm vào quyền và tự do của người dân rồi. Chỉ cần khung sườn luật pháp minh bạch và không phân biệt trong đó tôn trọng các quyền công dân một cách bình đẳng thì sẽ bảo vệ được công lý.

Tất nhiên, trên thực tế, như đã nói ở trên, ở đâu cũng có những con người phân biệt, nhưng dù sao, trên lý thuyết (được bảo vệ bởi các lý thuyết gia phóng khoáng), chủ nghĩa phóng khoáng đề cao tính đa nguyên và tính khoan dung, nên trên thực tế, nhờ tư tưởng này trở thành nếp văn hóa cho nên người Việt ở các quốc gia này thấy dễ sống, dễ hòa nhập và dễ mưu cầu hạnh phúc hơn, nhất là được đối xử khá tử tế, nhân bản và công bằng trên nhiều mặt xã hội.

Trong tác phẩm Nền tảng chung: những vấn đề kết hợp và không chia rẽ chúng ta (Common ground: issues that bind and not divide us), [14] cựu Thủ tướng Úc Malcolm Fraser (1975-1983) đã nhận định và phân tích nhiều vấn đề quan yếu của chính trị Úc và của thế giới. Tác phẩm này phân tích các vấn đề toàn cầu hoá, chỗ đứng của nước Úc trên chính trị thế giới, luật quốc tế, vai trò của Liên hiệp quốc, vấn đề nhân quyền và trách nhiệm, vấn đề hòa giải với người thổ dân, chính sách đa văn hóa v.v… nhưng đầu tiên hết, Fraser nói về chủ nghĩa phóng khoáng.

Là người theo đảng tự do (hay phóng khoáng, tức The Liberal Party of Australia), [15] lấy chủ nghĩa phóng khoáng làm nền tảng, và là một chính trị gia hiểu biết sâu sắc về các chủ thuyết chính trị nhờ tốt nghiệp văn bằng về kinh tế, chính trị và triết học (gọi là Modern Greats) tại đại học Oxford, Anh quốc vào năm 1952, Fraser đặc biệt chú tâm đến các triết học chính trị từ luận văn của Locke, Rousseau, JS Mill, Hobbes, và Burke. Tuy nhiên, với tư cách là một lãnh đạo chính trị của Úc vào thập niên 1970 và 1980 nên đòi hỏi nhãn quan thực tiễn, Fraser khẳng

định các điều sau đây. Thứ nhất, một chính quyền giỏi chủ yếu là phải có tính thực dụng, nghĩa rằng, các quyết định hay chính sách chính trị tuy được hướng dẫn (guided) bởi triết lý chính trị nhưng phải dựa vào dữ kiện và kinh nghiệm thực tiễn, tức tuỳ theo trường hợp và dữ kiện có được vào lúc đó (không có công thức nào để làm cho việc điều hành quốc gia dễ dàng cả). Thứ hai, Fraser cho rằng xã hội không đứng nguyên một chỗ mà luôn thay đổi, hơn nữa, người mới, thế hệ mới, tư tưởng và sáng kiến mới góp phần tạo nên thay đổi, cải tiến, và nhiều khi cũng bị phủ nhận. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với ông là rằng những gì xảy ra ngày mai sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi suy nghĩ của ngày hôm nay. Do đó, nếu chúng ta nghĩ và tin rằng bản chất cơ bản của con người là tốt (ngoài phần nào đó xấu hay tính toán) thì chúng ta sẽ chấp nhận rằng xã hội thay đổi để trở thành tốt hơn chứ không phải xấu hơn. Thứ ba, đối với Fraser, chủ nghĩa phóng khoáng là một triết lý chính trị thực tiễn bởi những người theo chủ thuyết này hiểu căn bản về vai trò của con người trong xã hội và quyền của họ trong xã hội đó. Triết lý về chính quyền đối với chủ nghĩa phóng khoáng là rằng nên tìm giải pháp (riêng) tư trước, để cho mọi người trong xã hội thi đua cạnh tranh nhau để thăng tiến, nhưng làm sao điều hòa để các công ty hay cá nhân không trở thành độc quyền. Chính quyền chỉ có hành động và chỉ can thiệp khi nào những giải pháp tư nhân này không còn hoạt động hữu hiệu hay không còn được xem là công bằng và phục vụ cho công lý nữa. Thứ tư, muốn bảo vệ các giá trị của chủ nghĩa phóng khoáng thì không thể chỉ đề cao một xã hội rộng mở tại Úc thôi, bởi các chế độ độc tài phát-xít như đã từng thấy trong lịch sử, nếu chủ nghĩa phóng khoáng không quan tâm đến, thì chính xã hội của chủ nghĩa phóng khoáng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, Fraser tin rằng các chính sách quốc gia phải nhất quán và chặt chẽ (trước sau như một) đối với các giá trị tự do, nhân quyền, công lý v.v…, tuy phục vụ trách nhiệm của mình đối với công dân mình là quan yếu, nhưng không thể vì thế mà tuỳ tiện đối xử hoặc có những chính sách thiếu nhân bản đối với người dân ở nơi khác.

Nền tảng triết lý của chủ nghĩa phóng khoáng đã góp phần định hướng chính sách và hành động của chính phủ Fraser mà chính ông dẫn chứng trong tác phẩm Nền tảng chung… này. Niềm tin cơ bản nhất, theo Fraser, là tự do chọn lựa, trong đó tự do về chọn lựa kinh tế sẽ đưa đến nền kinh tế thị trường và sản sinh ra nhiều sự chọn lựa khác để thoả mãn nhu cầu đời sống không chỉ về vật chất mà còn nhiều mặt khác nữa. Kế đến là người dân nên được tự do quyết định những gì liên hệ đến đời sống của họ hay sử dụng tài sản của họ. Một xã hội sẽ lành mạnh hơn và đời sống của người dân sẽ hạnh phúc hơn nếu trách nhiệm, hoạt động kinh doanh và quyền lực được phân tán một cách rộng rãi trong cộng đồng chứ không phải tập trung vào tay một thiểu số người. Chính phủ Fraser áp dụng chính sách tự do cạnh tranh về ý kiến, sáng kiến, dịch vụ và hàng hoá, bởi ông tin rằng người dân càng dựa vào nhà nước thì chính họ càng mặc nhiên trao quyền lực cho nhà nước vậy. Một người phóng khoáng nổi tiếng Lord Acton nói rằng quyền lực sẽ đưa đến tham nhũng và quyền lực tuyệt đối sẽ tham nhũng (làm đồi bại) một cách tuyệt đối (power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutely). Fraser còn biện luận thêm rằng dân chủ không có nghĩa là đa số thắng thiểu số để rồi đa số muốn làm gì thì làm bởi, thứ nhất, chúng ta có trách nhiệm đối với thiểu số (không bầu cho chúng ta nhưng họ là công dân của xã hội), và thứ hai, trong khá nhiều tình huống và vấn đề, chúng ta cũng trở thành thiểu số chứ không phải lúc nào cũng đa số. Nói tóm lại, những điều Fraser vừa nêu ra đúng là tinh thần và tư tưởng của trường phái phóng khoáng, như đã trình bày ở trên.

Các đài phát thanh sắc tộc SBS (Special Broadcasting Service) được thành lập nhờ Malcom Fraser.

Thế nhưng không phải ai theo trường phái phóng khoáng cũng suy nghĩ hay hành động như cựu Thủ tướng Malcolm Fraser. Fraser là người nổi tiếng nguyên tắc, nhưng tính nguyên tắc của Fraser chủ yếu là giữ vững các giá trị nền tảng của chủ nghĩa phóng khoáng. Do đó, ông chỉ trích chính phủ Howard hiện nay (John Howard một thời là Tổng trưởng Ngân khố của Fraser lúc làm Thủ tướng) về sự vi phạm nhân quyền và cách đối xử thiếu nhân bản đối với người đi tìm nơi an toàn (asylum seeker) trong thời gian qua. Tuy rời chính trường từ năm 1983, ông tiếp tục hoạt động mạnh mẽ cho đến nay, và sẵn sàng lên tiếng phê bình những ai có đầu óc kỳ thị hay đi ngược lại các giá trị nhân bản mà ông mạnh mẽ tin tưởng. Fraser sáng lập tổ chức Care Australia vào năm 1987, một tổ chức thiện nguyện chuyên lo các việc nhân đạo đối với những nước thứ ba (Third World countries). Ông là người mạnh mẽ chống các chính sách phân biệt và kỳ thị, không riêng tại Úc mà lên án chủ trương kỳ thị và diệt chủng ở khắp nơi, do đó, ông đặc biệt phản đối tình trạng vi phạm nhân quyền. Trong thời gian làm Thủ tướng Úc, những chính sách của ông chứng tỏ sự nhất quán trong niềm tin vào giá trị của chủ nghĩa phóng khoáng, từ các bộ luật về an sinh xã hội quan tâm và bảo vệ cho những người nghèo, từ việc thông qua bộ luật công nhận quyền đất đai của người thổ dân, từ sự quan tâm đặc biệt đến cộng đồng người di dân, cho đến việc tiến hành và chấp thuận các đề nghị của bản báo cáo Galbally (the Galbally Report), rồi thành lập đài phát thanh sắc tộc SBS (Special Broadcasting Service, đài đã đem lại kiến thức và món ăn tinh thần vô cùng quan trọng cho người di dân khắp nơi, đặc biệt đối với người Việt, trong nhiều thập niên qua), thành lập Ủy hội Nhân quyền (Human Rights Commission) v.v… Tất cả hành động này chứng minh sự cam kết về nhân quyền, tự do, bình đẳng v.v… cũng như niềm tin mãnh liệt và nguyên tắc sống của Fraser.

Fraser là người không ngại nói ra sự thật, dù sự thật đó gây mất lòng cả những người cùng đảng hay cùng màu da với ông. Trong tác phẩm Nền tảng chung…, Fraser dành nguyên một chương (trang 195-229) để vạch trần tất cả những sự thật ông nghiên cứu về sự đối xử vô cùng bất nhân của người da trắng đối với người thổ dân từ khi chiếm thuộc địa nơi này. Có lẽ chỉ có những tâm lớn và chí lớn như thế mới dám nói thẳng ra những sự thật về sự dã man của chính tổ tiên của mình. Đến nay, ông vẫn tiếp tục cổ võ cho chính sách hòa giải với người thổ dân, một chủ trương mà chính phủ Howard không mấy mặn mà lắm, và đề cao giá trị đa văn hóa của xã hội.

Nói chung, Fraser trở thành một phát ngôn nhân nhiệt huyết cho những nguyên tắc phổ quát của nhân loại như nhân quyền, dân quyền, công lý mà ông tin tưởng mãnh liệt. Có lẽ nhờ đức tính nguyên tắc đó mà ông đã trở thành một ân nhân vĩ đại của người Việt tị nạn. Cũng cần nhắc lại rằng Chính sách người da trắng (The White Australia Policy) được công bố không còn hiện hữu vào năm 1966, nhưng mãi đến năm 1972 mới chính thức bãi bỏ bởi chính phủ (Gough) Whitlam. Tuy thế, chính phủ Fraser, sau khi chấp thuận các đề nghị từ the Galbally Report vào 30/5/1978, tiến hành các bước cần thiết để chuẩn cho một nước Úc đa văn hoá. Trong bài phát biểu tại Viện Đa Văn hóa Sự vụ (the Institute of Multicultural Affairs) vào 30/11/1981, Fraser chính thức trình bày các nguyên tắc và nền tảng để thực hiện các chính sách đa văn hóa này. Tóm lại, Fraser là người có công khai phá trong việc đưa nước Úc trở thành một nước đa văn hóa với nhiều chính sách được công nhận là tiến bộ và nhân bản.

Nhờ chính sách đa văn hóa này mà số người Việt tị nạn được chấp thuận đến Úc kể từ năm 1975 (Fraser lên cầm quyền cuối năm 1975) đã gia tăng đáng kể, có năm số người đến Úc lên đến 20,000. Trong thời gian 7 năm làm Thủ tướng, chính phủ Fraser đã tiếp nhận tổng cộng khoảng 60,000 người Việt tị nạn (từ Đông Dương, nhưng chủ yếu là Việt Nam). Nhiều chính sách thực tiễn giúp đỡ và hỗ trợ người di dân mới đến định cư, từ nơi ăn chốn ở, dịch vụ thông dịch, tiền trợ cấp an sinh xã hội, y tế cộng đồng miễn phí (chính sách chung của nhà nước phúc lợi) v.v…, và nhất là chủ trương tôn trọng các giá trị đạo đức, tôn giáo và văn hóa của các cộng đồng sắc tộc, nên việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam không những được khuyến khích mà còn được yểm trợ từ vật chất đến tinh thần. Các chính sách này đã giúp cho người di dân sớm hội nhập vào cuộc sống mới, môi trường mới trên nền tảng không quá bị bất lợi vì yếu tố ngôn ngữ, văn hóa quá khác biệt. Các chính sách này được hình thành và áp dụng thành công vào thời điểm này, nhờ đó xây dựng nền tảng và tiêu chuẩn cho các chính sách di dân về sau. Fraser cho rằng “chính sách đa văn hóa chính là cơ hội bình đẳng cho mọi thành viên của mọi nhóm (sắc tộc) tham gia vào và hưởng lợi từ đời sống xã hội, kinh tế và chính trị của nước Úc” (trang 238).

Chính nhờ chính sách đa văn hóa như thế lại được áp dụng một cách toàn diện trên xã hội, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục, nên cộng đồng người Việt tị nạn tại Úc và Canada nói riêng (hai quốc gia được đánh giá cam kết mạnh mẽ với chính sách đavănhoá),tại Mỹ, Na Uy và một số quốc gia có nền dân chủ phóng khoáng nói chung, cảm thấy rất dễ sống và hội nhập vào môi trường mới này. Đáng nói nhất là sự tôn trọng ngôn ngữ gốc của người di dân tại một số quốc gia nêu trên. Triết gia uy tín hàng đầu về triết lý đa văn hoá, Will Kymlicka (người theo khuynh hướng văn hóa phóng khoáng – liberal culturalist), cho rằng các sự chọn lựa trong đời sống của chúng ta được định hướng bởi di sản văn hoá, trong đó ngôn ngữ và lịch sử là các giá trị quan yếu, là điều kiện tiên quyết để cho chúng ta chọn lựa cách sống của mình. [16] Cho nên việc bảo tồn văn hóa nói chung, ngôn ngữ (tiếng Việt) nói riêng, nhờ những lãnh đạo chính trị tài đức như Malcolm Fraser, và nhờ các triết gia biện luận mạnh mẽ cho chủ thuyết đa văn hóa như Will Kymlicka sau này, nên cuộc sống của các sắc tộc thiểu số và người bản xứ đã được cải thiện đáng kể trong gần nửa cuối của thế kỷ 20 (tuy một số chính sách bất công và các vấn đề quá khứ vẫn còn tồn đọng).

Vài lời kết

Các giá trị của chủ nghĩa phóng khoáng đã trở thành phổ quát đối với thế giới hiện nay, dù rằng không phải ai cũng đồng ý như thế hay tôn trọng các giá trị này một cách nghiêm chỉnh. Về mặt triết học, chủ nghĩa phóng khoáng đã là nền tảng để các lý thuyết chính trị khác dựa trên đó mà phát triển thêm, thí dụ như nữ quyền luận (feminism), chủ nghĩa dân tộc (nationalism), chủ nghĩa xã hội (socialism, không phải hệ phái cộng sản hay Mác-xít) và ngay cả chủ nghĩa bảo thủ (conservatism). Các triết gia khác phát triển nó lên tầm cao hơn, gọi là chủ nghĩa quốc tế (cosmopolitanism). chủ nghĩa phóng khoáng là sản phẩm văn hóa của Âu-Mỹ, của Thời đại Khai sáng, của chủ nghĩa duy lý (rationalism). Những giá trị của chủ nghĩa phóng khoáng mang tính giải phóng cao và sự áp dụng các giá trị này đã khai phóng và phát triển mọi mặt xã hội, từ kinh tế, chính trị đến văn hoá, giáo dục. Chủ nghĩa phóng khoáng góp phần giải phóng một phần ba đến một nửa nhân loại ra khỏi các chế độ độc tài, toàn trị, và vẫn còn đang ảnh hưởng. Các nguyên tắc về tinh thần khoan dung, nhân quyền, các mẫu mực về điều hành đất nước một cách dân chủ v.v… trở thành rất hiệu quả, đặc biệt đối với những xã hội đa văn hóa. Ở một mức độ nào đó, có thể nói rằng chủ nghĩa phóng khoáng đáp ứng tính chất đa văn hóa của xã hội.