Chủ Quyền Và Nhân Quyền

Phạm Phú Đức

Tặng tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân và những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền đang bị giam lỏng tại gia hay bị giam chặt trong tù chỉ vì khát vọng tự do của dân tộc.


Toàn bộ vùng biển Trung Quốc đòi chủ quyền gồm quần đảo Hoàng Sa (Paracel) và Truờng Sa (Spratly)

Sự kiện tranh chấp chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa trở thành một đề tài chính trị nóng bỏng đối với người Việt khắp nơi kể từ đầu tháng 12 đến nay.

Ở khía cạnh tích cực, đây là cơ hội để không chỉ đặt câu hỏi quan trọng về vấn đề chủ quyền trên lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam mà còn lật ngược truy tìm tận gốc vấn đề: thế nào là chủ quyền quốc gia? và chủ quyền đó thuộc về ai? V.v…

Nguồn gốc vấn đề chủ quyền

Chủ quyền (sovereign/sovereignty) có nghĩa là quyền tối cao (cao nhất, tối thượng) để làm chủ một cái gì đó.

Trên thực tế, quyền tối cao là một đề tài gây nhiều tranh cãi. Có thật là có thứ quyền gọi là tối cao sao, ngoài Thượng đế, nếu có? Thí dụ, trong một xã hội mà nhân quyền được tôn trọng triệt để, mỗi người đều có quyền tối cao trên thân thể và mạng sống của mình. Tuy thế, nhiều luật quốc gia hay tiểu bang không cho phép một ai cái quyền tự vẫn (tự tướt đi mạng sống của mình). Phần lớn khuynh hướng này dựa vào niềm tin tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa Giáo, vì cho rằng chỉ có Thượng Đế hay Đức Chúa Trời mới có quyền tối cao để ban cho hay lấy đi sự sống.

Trong chính trị quốc tế, chủ quyền thường có nghĩa là quyền lực tối cao để cai trị những người hay những dân tộc đang sống trên vùng đất và biển được công nhận (hay không còn tranh chấp) là thuộc về những người đó. Tuy nhiên (giống như bất cứ cái gì liên hệ đến tài sản thì phải có tên tuổi, có thực thể đại diện hợp pháp hợp lý, thí dụ như hồi xưa là người cha, bây giờ thì người mẹ hay người con gì cũng được cả), chủ quyền quốc gia không thuộc về tất cả mọi người trong vùng đất hay biển đó mà chỉ được công nhận qua chính quyền hay nhà nước mang tính cách đại diện và lãnh đạo tại đó (Nghe bây giờ thì có vẻ hợp lý, nhưng kể từ khi áp đặt quan niệm này thành một quy ước phổ quát thì bao nhiêu dân tộc trên thế giới bị chết một cách oan uổn chỉ vì các đường ranh khắc nghiệt vẽ trên các bản đồ thế giới mà ngày nay người ta cho là văn minh).

Vậy chủ quyền quốc gia thuộc về ai?

Trong thời phong kiến, quân vương là thành phần nắm nhiều quyền lực nhất trong tay, ngay cả quyền sinh sát đối với mọi người dân. Tuy nhiên, các cơ quan hành chánh của nền quân chủ vào lúc đó không quy mô và chuyên nghiệp như bây giờ, nghĩa là vẫn còn mang tính cổ đại và trung đại chứ không phải hiện đại, và thường phải chia (quyền) để trị với các quan thần (thật ra, thời nay, một nhà nước hiện đại với các cơ sở hành chánh tân thời cũng thường phải chia chính quyền thành 2-3 cấp để dễ điều hành cũng như để tản quyền: liên bang, tiểu bang và địa phương). Tóm lại, quân vương trong thời phong kiến có chủ quyền đối với người dân, vùng đất hay/và biển, chủ quyền trong vấn đề đối ngoại v.v…, mãi đến chế độ quân chủ lập hiến mới chia quyền với các thành phần khác trong xã hội.

Riêng tại Âu Châu, vào thời trung đại cũng như vào thế kỷ 16, tuy nhà nước (chủ yếu thuộc về các gia đình hoàng tộc) nắm chủ quyền quốc gia trong tay, (lãnh đạo) tôn giáo có rất nhiều ảnh hưởng đối với (lãnh đạo) chính trị. Nói chung, giáo hội và nhà nước là hai thực thể có nhiều ảnh hưởng và quyền lực nhất, và không thể tách rời nhau. Nhà nước có chủ quyền về chính trị, nhưng giáo hội (chủ yếu là Thiên Chúa Giáo) có chủ quyền riêng về tín ngưỡng, nghĩa là hoàn toàn độc lập và không phải công nhận sự lãnh đạo thế tục nào cao hơn mình. Tuy nhiên, sự tranh chấp giữa quyền lực tôn giáo và chính trị giữa các quốc gia tại Châu Âu đã đưa đến chiến tranh rất khốc liệt.

Sau cuộc chiến kéo dài 30 năm giữa Công giáo và Tin lành tại Châu Âu vào đầu thế kỷ 17, Hòa ước Westphalia 1648 được thiết lập trên căn bản tôn trọng chủ quyền của nhà nước, nghĩa là có thẩm quyền để quyết định tôn giáo nào “thích hợp” trên lãnh thổ của mình. Kể từ hòa ước này, một số điều lệ căn bản của luật quốc tế về tương quan quyền hạn và nghĩa vụ giữa các nhà nước với nhau được thiết lập vào thế kỷ 15 và 16 đã trở thành nền tảng cho bang giao “quốc tế” (chủ yếu tại Âu Châu) và biến nhà nước có chủ quyền lãnh thổ (the territorial state) thành nền tảng của hệ thống nhà nước hiện đại (và nền chính trị quốc tế hiện đại). [7] Nhân quyền, phần lớn, có thể vừa là phương tiện vừa là mục đích để sống hòa bình với nhau.

Trong suốt 59 năm qua, nhân quyền trở thành giá trị mang tính phổ quát toàn cầu. Nhưng trên thực tế, mặc dầu tình trạng nhân quyền được cải thiện đáng kể ở khắp thế giới, sự vi phạm nhân quyền từ nhẹ (xảy ra cho vài cá nhân) đến nặng (xảy ra cho nhiều người và có hệ thống) vẫn tiếp diễn, phần lớn ở các thể chế độc tài. Mỗi khi thế giới lên tiếng can thiệp, các nhà nước này nhai đi nhai lại 2 lý do chính: một, đây là chuyện nội bộ, của Việt Nam chẳng hạn (nghĩa là họ có chủ quyền để “cai trị” người dân của họ), nên họ phản đối mọi hình thức can thiệp chuyện nội bộ; hai (khi được hỏi tại sao cam kết tôn trọng nhân quyền nhưng lại chà đạp lên chính nó), họ phủ nhận những người bị bắt giam là tù nhân lương tâm hay chính trị, và gán cho những người này là vi phạm pháp luật.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy một nhà nước do dân tín nhiệm bầu ra, có một nền dân chủ vững mạnh, nghĩa là ít nhất phải có tam quyền phân lập, và biết tôn trọng triệt để các quyền tự do chính trị căn bản, từ tự do báo chí và tự do ngôn luận cho đến quyền lập hội và tham chính (bầu cử và ứng cử), thì nhà nước đó có trách nhiệm điều hành quốc gia và có trách nhiệm đối với nhân dân. Các định chế kinh tế, chính trị và xã hội lập ra là để bảo vệ các quyền nói trên, tức chủ yếu bảo đảm (tiếng nói của) người dân hơn là chính quyền. Các vai trò của công an là để giữ an ninh công cộng, và quân đội là để bảo vệ đất nước khi có ngoại xâm hay có những thiên tai biến sự v.v…, không phải để nhà nước hay chính quyền sai khiến, hoặc dùng làm công cụ đàn áp nhân dân hầu bảo vệ ngai vàng của họ. Một nhà nước hội đủ các yếu tố trên mới bảo đảm được quyền lợi của đất nước dân tộc và nhân quyền cho mọi người, không phải quyền lợi của một thiểu số cai trị đứng trên đầu trên cổ nhân dân. Một nhà nước độc tài, nghĩa là nắm trọn các ngành tư pháp, hành pháp, lập pháp, công an, quân đội, truyền thông (và nhiều thứ khác trong tay), thì không thể bảo đảm sự tôn trọng đối với các quyền căn bản của con người: từ dân tộc đa số đến sắc tộc thiểu số, và cả những người tị nạn (dù có sống ở đó hàng thế kỷ nhưng vẫn duy trì bản sắc của mình).

3 ngành tư pháp, hành pháp và lập pháp hoạt động độc lập và kiểm soát nhau, tránh sự độc quyền hay lạm quyền.

Hiện nay, luật pháp quốc tế vừa tôn trọng chủ quyền (của nhà nước) vừa tôn trọng nhân quyền (của người dân), nhưng người dân ở các nước dân chủ mới thật sự có quyền làm chủ đất nước của mình, còn người dân ở các nước độc tài vẫn chỉ nghe đến quyền của mình trên đầu môi chứ chưa thật sự được hưởng nó. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối và phức tạp nhất của Liên Hiệp Quốc và bang giao quốc tế. Vẫn có nhiều điều luật và bộ luật quốc tế quy định trách nhiệm đối với các nhà nước nào vi phạm nhân quyền, nhưng ngoại trừ các trường hợp vi phạm quá đáng như nạn diệt chủng, tàn sát hàng loạt tại một số nước nhỏ mà quốc tế đã can thiệp bằng giải pháp chính trị (áp lực ngoại giao), quân sự (đưa quân vào can thiệp), kinh tế (cấm vận), rất nhiều trường hợp khác đã không được quan tâm. Lý do là vì, một, (LHQ) thiếu phương tiện, khả năng và quyết tâm để giải quyết, và hai, có những trường hợp đụng chạm hay ảnh hưởng đến quyền lợi và quyền lực của các cường quốc, nhất là các nhà nước đang giữ ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ.

Vì thế, Hoa Kỳ, dù có muốn nắm vai trò lãnh đạo “thế giới tự do” và đề cao nhân quyền, hoặc Liên Hiệp Quốc, dù có cương quyết trừng phạt những ai vi phạm nhân quyền, cũng bị giới hạn rất nhiều trong các giải pháp đối phó với một số nhà nước độc tài như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cu Ba, chẳng hạn. Trừng phạt bằng giải pháp quân sự có thể khả thi đối với một số nhà nước nhỏ như Iraq, Afghanistan, mặc dù giá phải trả sẽ rất cao, đối với người dân Iraq cũng như đối với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, Bắc Hàn hay Cu Ba chẳng hạn, thì việc trừng phạt bằng giải pháp quân sự vì họ vi phạm nhân quyền là biện pháp gần như bất khả. Không một quốc gia nào muốn nhận trách nhiệm này, kể cả Hoa Kỳ, trừ phi vấn đề đó đang thật sự đe doạ đến nền an ninh quốc phòng. Hơn nữa, sử dụng vũ lực đối với nước khác, nếu không đủ luận chứng, sẽ được người dân khắp nơi xem là vi phạm công pháp quốc tế. Riêng đối với Trung Quốc, với dân số 1.3 tỷ người và một quân đội lớn nhất thế giới và được trang bị bởi vũ khí tối tân, kể cả vũ khí nguyên tử, thì giải pháp quân sự là điều không thể nghĩ tới.

Tóm lại, chủ quyền và nhân quyền không phải lúc nào cũng đi với nhau. Chủ quyền quốc gia ngày nay sẽ bảo đảm nhân quyền, chủ yếu đối với ngoại xâm, nếu đó là một quốc gia có nền dân chủ thật sự. Tuy nhiên, chủ quyền quốc gia cũng là lá chắn tốt để các chế độ độc tài biện minh cho chủ trương không can thiệp vào chuyện nội bộ của nhau khi vi phạm nhân quyền. Vì sự phức tạp và tinh vi trong vấn đề vi phạm nhân quyền của các nhà nước hiện đại ngày nay, thế giới lấy tiêu chuẩn, thước đo nào để can thiệp một cách hợp pháp và chính đáng vào các trường hợp vi phạm nhân quyền? Ai là người có thẩm quyền để quyết định các trường hợp đó? Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là các thành viên thường trực ư? Trung Quốc, Nga đang là hai thành viên thường trực đó và đang là những nhà nước có tiền lệ, thành tích vi phạm nhân quyền rất trầm trọng. Và đây là những vấn đề nan giải và gây tranh cãi bất tận.

Nói chung, cho đến đầu thế kỷ 21, ở một số nơi trên thế giới, nhân quyền vẫn đang bị chủ quyền khống chế bởi vì chủ quyền thuộc về nhà nước, không thuộc về nhân dân, mặc dầu các nhà nước đó vẫn luôn tuyên truyền rằng họ và nhân dân là một.

Vài suy nghĩ về trường hợp Việt Nam

Trong suốt 2000 năm qua, vấn đề độc lập và chủ quyền đã là một trong những gian truân, có lẽ lớn nhất, đối với toàn dân tộc Việt Nam.

Ở bên cạnh anh khổng lồ phương Bắc luôn dòm ngó, và từng đô hộ cả ngàn năm, vấn đề chủ quyền đối với người Việt Nam hiển nhiên mang tầm vóc quan trọng gần như tuyệt đối cho sự sống còn của dân tộc.

Ngoài sự lệ thuộc đối với phương Bắc, lịch sử đấu tranh của Việt Nam kể từ khi thực dân Pháp đô hộ, từ phong trào Văn Thân, Cần Vương (từ giữa đến cuối thế kỷ 19) đến phong trào Duy Tân, Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục (đầu thế kỷ 20) đến các phong trào từ quốc gia đến cộng sản (giữa thế kỷ 20) đến các phong trào dân chủ, nhân quyền (cuối thế kỷ 20), dù khuynh hướng khác nhau, có khi thù nghịch và tàn sát nhau, nhưng không thể chối cãi được sự thiết tha với đất nước và khát vọng tự do chung của dân tộc.

Thật ra tư tưởng tự do, dân chủ, dân quyền và nhân quyền đã ảnh hưởng và thấm nhuần nhiều nhà cách mạng lớn của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Nhóm Ngũ Long, trong đó có cả Nguyễn Tất Thành (hay Nguyễn Ái Quốc), đã sử dụng (chiêu bài) nhân quyền để vận dụng đấu tranh cho sự độc lập của Việt Nam vào đầu thập niên 1920. Cho đến khi ông cũng như các học trò của ông lên nắm quyền, dù biện minh bằng các lý do nào đi chăng nữa, kể cả chiến tranh, thì tình trạng nhân quyền vẫn rất tồi tệ tại Việt Nam. Trong thời chiến, họ biện minh các hành động đàn áp nhân quyền (cải cách ruộng đất, trù dập văn nghệ sĩ trong nhân văn giai phẩm, vụ án xét lại chống đảng…) cho mục tiêu giải phóng và thống nhất đất nước. Trong thời bình, họ biện minh (đối với các đợt cải tạo tập trung, đánh tư sản, trù dập các phong trào tôn giáo, dân chủ…) cho mục tiêu ổn định xã hội để phát triển kinh tế (công nghiệp hóa, hiện đại hóa). Nói chung, rõ ràng là nhân quyền chưa bao giờ là giá trị ưu tiên để giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam từ trước đến nay quan tâm hay tôn trọng. Nếu họ xem chủ quyền quan trọng hơn nhân quyền, vào các thời điểm chiến tranh chẳng hạn, thì còn có thể hiểu được. Nhưng nhìn lại những gì đã xảy ra trên đất nước, ở miền Bắc trước năm 1975, và cả nước từ năm 1975 cho đến nay, điều có thể kết luậnlà rằng nhân quyềnkhông chỉ là thứ yếu, mà còn là cái cản trở cho sự nắm quyềnmột cách toàn diện và tuyệt đối của họ. Nói cách khác, có nhân quyền là có sự đối nghịch đối với sự cầm quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Do đó, cho đến khi nào chủ quyền của Việt Nam không còn thuộc nhà nước cộng sản Việt Nam nữa mà thuộc về người dân, nghĩa là khi nào người Việt Nam thật sự làm chủ được vận mệnh đất nước của mình, nhân quyền mới có giá trị đích thực vào lúc đó.

Hiện tại, điều rõ ràng là người dân Việt Nam chẳng thể trông cậy vào thế lực ngoại quốc nào giải quyết vấn đề nhân quyền cho mình được. Từ bao nhiêu năm qua, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy áp lực của quốc tế lên các chế độ độc tài là đáng kể, và chắc chắn làm họ chùn bước, do đó cần nỗ lực vận động quốc tế nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, với những áp lực như thế, hiệu quả lắm thì những nhà tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ được trả tự do sau một thời gian bị sách nhiễu bằng nhiều hình thức vô cùng thiếu văn hóa. Nhưng sau đó, đâu lại vào đấy, nghĩa là chế độ vẫn cầmquyền với một hệthống thừa khả năng, thủ đoạn và bạo lực để trấn áp bất cứ ai, dù có bị lên án hay bị mất mặt trước thế giới. Cái uy tín, đối với họ, vẫn không quan trọng bằng cái quyền để tiếp tục ngồi đó cai trị.

Nếu tình trạng nhân quyền của nhiều người thuộc nhiều thành phần trong xã hội bị chà đạp như thế thì câu hỏi cần đặt ra là: chủ quyền thuộc về nhà nước đó có còn xứng đáng, có còn giá trị gì nữa không?

Có lẽ chỉ có người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trí thức, mới có thẩm quyền để trả lời câu hỏi này.

Với ý kiến của cá nhân tôi, trong bang giao quốc tế ngày hôm nay, chúng ta không còn phải sợ mất chủ quyền nữa. Dù Liên Hiệp Quốc chưa phải là nơi để giải quyết mọi sự tranh chấp, và chưa có thẩm quyền để can thiệp xung đột giữa các quốc gia với nhau, điều chắc chắn là sẽ không còn cảnh một nước Trung Quốc hay bất cứ cường quốc nào mang quân đi xâm chiếm Việt Nam làm thuộc địa nữa. Tuy nhiên, điều nên đề phòng, hơn là sợ, là Việt Nam có thể mất dần khả năng lãnh đạo điều hành đất nước và mất dần tài nguyên, chất xám (nhân lực) trước những toan tính quỷ quyệt của các thế lực ngoại xâm lẫn nội xâm, khi thiếu lãnh đạo. Mà cái nội xâm bây giờ dường như nguy hiểm hơn ngoại xâm xưa kia rất nhiều.

Nói cách khác, chúng ta không sợ mất chủ quyền, chỉ sợ thành phần lãnh đạo mất quyền làm chủ ngay trên mảnh đất của mình, và mất cả khả năng phán xét ai bạn ai thù để rồi nhìn Trung Quốc vừa là đồng chí vừa là anh em (điều hơi lạ kỳ, nói đúng hơn là quái lạ, trong bang giao quốc tế), nhưng lại nhìn và đối xử nhân dân có khi chẳng khác gì kẻ thù.

Mùa giáng sinh năm nay, cũng như mùa giáng sinh của nhiều thập niên qua, niềm vui của người Việt có lẽ ít khi nào được trọn vẹn. Luôn luôn có những người trong lao tù chỉ vì có những ước mơ và dám hành động để biến ước mơ đó thành sự thật. Thật ra, những ước mơ đó không có gì là quá sức tưởng tượng. Ước mơ đất nước được tự do, dân chủ thì thường thôi, bởi phần lớn trên thế giới đã đạt được. Ước mơ được sống cho xứng đáng với nhân phẩm con người, được làm một thầy giáo gương mẫu, được làm một nhà báo có lương tâm, được làm hiệu trưởng của một trường làng ngay trên quê hương của mình v.v… cũng không có gì quá sức tưởng tượng. Ước mơ của mỗi kỳ Giáng sinh: “… bình an dưới thế cho người thiện tâm” cũng được cầu nguyện hơn 2000 năm nay, và thiện tâm cũng đến với nhiều người trên thế giới. Có ước mơ thì sẽ có thay đổi. Nhưng không phải nơi nào cũng có được tự do ước mơ. Điều bất hạnh thay, tại Việt Nam hôm nay, có những ước mơ phải trả giá rất đắc cho chính mình, cho cả gia đình (vợ, chồng, con), và cả những người thân thương chung quanh.

Dân tộc mình đã trãi qua quá nhiều hy sinh, mất mát, từ bao nhiêu thế kỷ nay. Sự cực đoan, quá khích và lòng hận thù, phân hóa đã làm nhiều người trong chúng ta mù quáng, chẳng còn biết đâu là lẽ phải, công bằng, chính trực… Vì thế, nhân mùa Giáng sinh này, tôi xin cầu nguyện, với tư cách là một người Việt Nam, một ngày không xa, sự đối xử giữa con người với nhau, và giữa người Việt Nam với nhau, sẽ văn hóa hơn, sẽ lương thiện hơn. Và mong rằng chúng ta cùng đem thiện tâm để đối xử nhau, để cùng nhau xây dựng sự an lành và hạnh phúc trên cõi đời này.

Melbourne 25/12/2008
Phạm Phú Đức