Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư, ông Tô Lâm nắm trọn quyền lực ở Việt Nam

RFI

Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Tô Lâm trong buổi tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại phủ chủ tịch ở Hà Nội, ngày 20/06/2024. Ảnh: Reuters - Minh Hoang

Chủ tịch nước Tô Lâm trở thành người quyền lực nhất Việt Nam khi kiêm nhiệm chức tổng bí thư đảng Cộng Sản từ ngày 18/07/2024. Giới quan sát và truyền thông phương Tây đều cho rằng ông Tô Lâm “có khả năng củng cố quyền lực hơn nữa.”

Là người trực tiếp chống tham nhũng và cũng là “người cuối cùng trụ lại.” ông Tô Lâm sẽ tiếp tục sự nghiệp của ông Nguyễn Phú Trọng nhưng “phục vụ cả lợi ích riêng,” theo nhận định của Giáo sư Zachary Abuza, Trường Chiến tranh Quốc gia Washington.

Việc được bầu làm chủ tịch nước được coi là bước đệm” cho chức vụ lãnh đạo đảng. Và ông không ngồi vào ghế chủ tịch nước nếu thực sự chưa bố trí được người thân cận thay ông làm bộ trưởng Công an. Loại hết mọi đối thủ, trong đó có hai chủ tịch nước, một chủ tịch Quốc hội, để nắm giữ, dù tạm quyền, cả hai chức vụ cao nhất của Việt Nam – tổng bí thư và chủ tịch nước – là “một thắng lợi hoàn toàn” của ông Tô Lâm, theo Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

Ông đánh giá: Đây là một chính trị gia vô cùng quyền lực, nhận được sự ủng hộ của một bộ (Công an) nằm trọng tâm của dự án chính trị. Chúng ta sẽ thấy một sự cá nhân hóa quyền lực xung quanh ông.” Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 19/07, chuyên gia về Việt Nam Benoît de Tréglodé, nhấn mạnh sẽ “không có đoạn tuyệt,” mà là “tiếp nối” chính sách của người tiền nhiệm. Có nghĩa là chiến dịch “đốt lò” sẽ tiếp diễn, nhưng được điều phối để tránh ảnh hưởng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

RFI: Ông Tô Lâm dường như từng không muốn trở thành chủ tịch nước Việt Nam nếu như chỉ giữ một mình chức vụ này nhưng hiện giờ ông đang giữ vị trí mà ông Võ Văn Thưởng phải từ bỏ. Chức vụ mà ông Tô Lâm thực sự nhắm tới là tổng bí thư đảng Cộng sản, hiện giờ ông được Bộ Chính trị chỉ định thay thế cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Như vậy ông kiêm nhiệm hai chức vụ cao nhất. Liệu cuối cùng thời điểm có đến sớm hơn so với dự kiến không ?

Benoît de Tréglodé: Trước tiên phải nhớ rằng ông Tô Lâm suy ngẫm đến việc này từ nhiều năm nay. Ý thức rõ về vị trí bộ trưởng Công an của mình, ông đã chiếm được vị trí trung tâm chiến lược trong bộ máy Nhà nước. Cũng đừng quên rằng công an luôn là một yếu tố an ninh vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ chế độ từ bên trong trước những chuyển biến chung của thời đại và xã hội. Nhờ vị trí chiến lược đó mà ngay từ đầu, ông Tô Lâm đã là một ứng cử viên có tiềm năng lớn để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng.

Vị trí chủ tịch nước có tầm quan trọng tương đối hình thức trong hệ thống chính trị Việt Nam, ông Tô Lâm không quan tâm trực tiếp đến chức vụ này. Nếu ông chấp nhận đảm nhiệm vai trò chủ tịch nước, đó là vì ông biết dù sao đi nữa thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng không còn nhiều thời gian và chức chủ tịch nước thực sự chỉ là hình thức chuyển tiếp đối với ông. Xin nhắc lại là trong lịch sử chính trị Việt Nam đã có một số lần vị trí chủ tịch nước và tổng bí thư do cùng một người đảm nhiệm, ví dụ sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất, ông Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm từ năm 2019 đến 2021.

Hiện giờ, có lẽ chính việc tạm quyền, điều mà ông từng ngóng đợi và hy vọng đó, sẽ đưa ông giữ chức vụ này ít nhất cho đến đại hội sắp tới của đảng Cộng Sản Việt Nam, vào đầu năm 2026. Cho nên, xin nhắc lại, đó là điều mà ông Tô Lâm đã tính toán.

RFI: Tại sao ‘đây là một thắng lợi hoàn toàn’ đối với ông Tô Lâm, theo đánh giá của ông với một số cơ quan truyền thông Pháp?

Benoît de Tréglodé: Điều đầu tiên cần ghi nhận là trong những năm qua, với sự thay đổi của bối cảnh quốc tế, các cuộc khủng hoảng kinh tế thường xuyên, khủng hoảng Covid-19, tất cả các xã hội đều suy yếu. Vì vậy mục tiêu của các nhà lãnh đạo đất nước – vốn khá độc đoán – là làm mọi cách để bảo vệ sự phát triển yên bình của đất nước.Và nhìn từ góc độ này, trật tự là một khái niệm cực kỳ quan trọng. Đó cũng là điểm chung đã đưa ông Nguyễn Phú Trọng đến gần ông Tô Lâm hơn, lúc đó mới chỉ là bộ trưởng Công an chứ không phải là người kế thừa.

Mối quan hệ giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tô Lâm đôi lúc vô cùng sóng gió. Nhưng rõ ràng họ có chung quan niệm là xã hội Việt Nam phải có kỷ cương, không thể để đất nước được quản lý theo cách “hỗn loạn, bất ổn” và cần phải cân bằng giữa chủ trương “cởi mở về chính trị” và quan niệm “chặt chẽ về trật tự.” Do đó, trật tự và việc duy trì trật tự là trọng tâm trong dự án chính trị của hai nhà tư tưởng cực kỳ thực dụng này. Cả hai đều chưa bao giờ thực sự muốn xem xét lại sự cân bằng quyền lực truyền thống với Bắc Kinh, cũng như các nước lớn khác trên trường quốc tế. Mục tiêu là tránh bất ổn trong nước và cho phép kinh tế xoa dịu bớt những khát vọng tiềm tàng của người dân trong việc đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn.

RFI: Liệu “chiến thắng” này có khả năng kéo dài đến sau cả đại hội đảng?

Benoît de Tréglodé: Có. Phải nói là lịch sử thường không phải là nhà cố vấn hay lắm nhưng đôi khi thì ngược lại. Người ta vẫn nhớ đến một nhân vật ít nổi tiếng nhưng cuối cùng lại để lại một chút dấu ấn trong ký ức, đặc biệt là ở nước ngoài, trong đó có Pháp. Đó là bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên của Việt Nam, ông Trần Quốc Hoàn. Trong thời gian rất dài, gần 28 năm, từ năm 1953 đến 1981, ông Trần Quốc Hoàn đứng đầu một bộ nòng cốt, mà hiểu được cách vận hành của bộ này giúp nắm được sự hình thành chế độ chính trị Việt Nam.

Có thể hình dung là ông Tô Lâm lấy tấm gương lịch sử này để làm hình mẫu. Ông Trần Quốc Hoàn trở thành bộ trưởng Bộ Công an năm 36 tuổi. Đây không phải là trường hợp của ông Tô Lâm khi ông giữ vị trí được đánh giá là quan trọng trong bộ máy Việt Nam. Nhưng dù sao gương mặt lịch sử này có ý nghĩa quan trọng để hiểu điều mà ông Tô Lâm muốn làm với chế độ chính trị Việt Nam và cách ông đã thành công trong vòng 3-4 năm vừa qua, đưa Bộ Công an và người của ông vào vị trí không ai cạnh tranh được. Trong bộ máy Nhà nước, cũng như trong Bộ Chính trị và trong chính phủ, người xuất thân từ Bộ Công an hiện giờ không có đối thủ cạnh tranh.

RFI: Việc ông Tô Lâm kiêm nhiệm hai chức vụ cao nhất, ít nhất cho đến kỳ đại hội đảng, có thể dẫn đến những thay đổi nào trong nội bộ?

Benoît de Tréglodé: Sẽ không có thay đổi lớn nào. Trước tiên, đó là một kế hoạch chính trị đã được suy tính. Chúng ta nhớ là vào kỳ họp toàn thể của đảng Cộng Sản vào mùa thu 2023, vấn đề kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng còn chưa ngã ngũ. Ông Tô Lâm thực sự không muốn có một cái tên nào khác nổi lên. Bị rơi vào tình thế khá tế nhị đó, ông Nguyễn Phú Trọng buộc phải quyết định là đích thân ông chỉ đạo tiểu ban nhân sự đảng. Đây là điểm quan trọng để hiểu được thời điểm căng thẳng lúc đó. Ông Tô Lâm, nhân vật quyền lực số hai của chính quyền lúc đó, đã tính toán và chuẩn bị cho mục tiêu của mình.

Một điểm quan trọng khác vào thời điểm đó, đó là ông Tô Lâm đã lãnh trách nhiệm về các chiến dịch chống tham nhũng, lĩnh vực trước đây nằm trong tay ông Nguyễn Phú Trọng. Vì vậy, sự chuyển tiếp đã được được bắt đầu từ nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm qua, cho nên đừng mong là sẽ có những thay đổi lớn nào đó xảy ra từ giờ cho đến đại hội đảng Cộng sản sắp tới. Ông Tô Lâm hoàn toàn ý thức được rằng từ giờ ông kiểm soát bộ máy nhà nước Việt Nam. Và ông cũng ý thức được hình ảnh của ông, cũng như trách nhiệm về hình ảnh của ông ở nước ngoài. Không có chuyện khiến các đối tác thương mại lớn nước ngoài sợ hãi. Đảng không có phương tiện, chính phủ cũng vậy. Tôi nghĩ rằng ông Tô Lâm sẽ duy trì tư duy khá cổ điển, có nghĩa là chính sách “ngoại giao cây tre” nổi tiếng. Mô hình ngoại giao này không phải do ông Nguyễn Phú Trọng tạo ra mà đã có từ rất lâu trong nền chính trị Việt Nam. Và tôi nghĩ ông Tô Lâm sẽ tiếp tục chiến lược này.

RFI:Các đối tác phương Tây sẽ có hình ảnh như thế nào về Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Tô Lâm, cũng như về chính phủ Việt Nam khi những kỷ niệm mà ông Tô Lâm để lại ở Đức và Slovakia không hẳn tốt đẹp lắm trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?

Benoît de Tréglodé: Trước tiên, thường thì người ta chóng quên những chuyện liên quan đến chính trị. Tôi cho rằng chủ nghĩa thực dụng đang chiếm ưu thế và đặc biệt là đối với các đối tác lớn nước ngoài đang làm việc với Hà Nội, cũng như những đại tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và các nước đang mong muốn tăng cường hợp tác song phương với Việt Nam. Những hành xử độc đoán trong quá khứ sẽ bị lãng quên khá nhanh chóng.

Hơn nữa, trong vòng một năm rưỡi cho đến kỳ đại hội đảng lần tới, ông Tô Lâm sẽ tiếp tục công cuộc mà Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện, tức là cách thức mà cố tổng bí thư đã xây dựng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực với một lập trường khá khéo léo, uyển chuyển giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và tất nhiên là vị trí của Việt Nam trong khu vực, như trong khối ASEAN hoặc với các cường quốc Đông Bắc Á. Đứng từ quan điểm này, chủ trương chuyên chế về chính trị với trong nước của ông Tô Lâm sẽ được phối hợp với một chủ nghĩa thực dụng về kinh tế cực kỳ mạnh mẽ.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn Giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

Nguồn: RFI