Chua xót vườn rau Lộc Hưng

Phạm Minh Hoàng

Cảnh tượng một góc khu vực sau khi nhà cầm quyền phá sập nhà dân khu vườn rau Lộc Hưng đầu tháng 1/2019. Ảnh: FB LM Lê Ngọc Thanh

Có thể khẳng định rằng việc cưỡng chế khu vườn rau Lộc Hưng, Phường 6, Quận Tân Bình, TP.HCM bằng vũ lực diễn ra hôm 4/1/2019, và tái diễn từ sáng sớm ngày 8/1 đã bất chấp pháp luật. Nhiều người dân phản đối đã bị chính quyền bắt giữ. Không có bất kỳ thỏa thuận đền bù nào ở đây khi nhân danh Nhà nước, chính quyền Quận Tân Bình đã thẳng tay đập phá tài sản công dân, cô lập toàn bộ các sinh hoạt trong đời sống cư dân vườn rau Lộc Hưng.

Một trong những gì mà chính quyền muốn cho mọi người biết đó là hơn 110 căn hộ bị đập phá là vì họ lấn chiếm và xây dựng bất hợp pháp, và nhiều người cũng vô tình tin vào luận cứ ấy. Tuy nhiên, Ðiều 247 trong Bộ Luật Dân sự năm 2005Điều 236 trong Bộ Luật Dân sự 2015 đã “Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”, quy định: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.[Trích Điều 236, Bộ Luật Dân sự 2015. BBT]

Và chiếm hữu ngay tình được quy định tại Điều 180 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau: “Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”.

Linh mục Lê Ngọc Thanh, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn cho biết theo tiến trình di cư từ Bắc vào Nam, 1954, hàng trăm gia đình Công giáo và Lương đã đến khu đất Lộc Hưng gầy dựng cuộc sống như những nông dân. Thậm chí từ trước năm 1954 − nghĩa là từ thời người Pháp − cũng đã có một số gia đình canh tác trên những phần đất nhỏ, trong cả khu vực rộng lớn sau này gọi là vườn rau Lộc Hưng.

Sau 30 tháng Tư năm 1975, Lộc Hưng được UBND Phường 7, nay là Phường 6 Quận Tân Bình, chia thành 4 tổ nông hội có trách nhiệm nộp thuế cho nhà nước. Ông Cao Hà Trực, một người dân sinh sống tại đây đã nói rằng tuân theo Chỉ thị 24/1999/CT-TTG của Thủ tướng chính phủ về tổng kiểm kê đất đai, vào năm 2006, chính ông và bà con đã nộp đơn lên UBND thành phố xin xác nhận cơ sở pháp lý − lúc ấy là ông Nguyễn Văn Đua phụ trách − nhưng không hề nhận được trả lời. Cho dù thế, các hộ này vẫn thường xuyên đóng thuế. Việc đóng và thu thuế được xác nhận bằng biên lai và đây là bằng chứng về tính hợp pháp của việc cư trú của họ.

Như vậy nếu tính từ mốc thời gian năm 1954 đến năm 1999, người dân khu vườn rau Lộc Hưng đã có 45 năm sinh sống, và nếu tính đến năm 2019 thì họ đã sống cả thày 65 năm− nghĩa là hơn gấp đôi số thời gian quy định (30 năm) trong Bộ Luật Dân sự. Họ canh tác ổn định, thực hiện đầy đủ trách nhiệm về thuế cho chính quyền. Bất kỳ dự án quy hoạch đất đai nào trên phần diện tích khu vườn rau Lộc Hưng, như các viện dẫn luật ở đầu bài viết, đều phải tiến hành các bước thỏa thuận đền bù, minh bạch nội dung lý do “thu hồi đất”.

Việc cưỡng chế vườn rau được bắt đầu từ ngày 4/1 mà không hề có một tin tức gì trên báo chí. Đến ngày 10/1, tờ Tuổi Trẻ đã tóm tắt vụ việc và nói rằng đây là việc “cưỡng chế tháo dỡ những ngôi nhà xây dựng không phép chứ không phải thu hồi đất”. Nhưng cũng chính tờ báo này có viết “Ngày 25/4/2008, UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi khu đất giao UBND Quận Tân Bình để thực hiện dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng phục vụ chương trình tái định cư của Thành phố và Quận” và trong tương lai khu vườn rau sẽ xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia.

Có luật pháp nào cho phép thu hồi đất trong mục đích phục vụ dân sinh? Tôi nghĩ là có, và nước nào cũng có. Và đó cũng là câu trả lời của nhà nước Việt Nam để biện minh cho việc thu hồi đất. Nhưng đây chỉ là ngụy biện. Việc thu hồi (có nghĩa là bắt buộc) phải được đền bù một cách thỏa đáng. Điều này trái ngược xảy ra ở Lộc Hưng. Theo người dân thì không có chuyện bồi thường và họ chỉ nhận được một khoản tiền gọi là “hỗ trợ di dời” !

Tất cả những vấn đề đất đai sẽ còn tồn đọng và tiếp tục bởi một lý do độc nhất đó là trong chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền sở hữu đất đai không được pháp luật thừa nhận. Điều này có nghĩa là vì một lý do nào đó, nhà nước có quyền lấy lại miếng đất cho dù trên đó có xây cất nhà cửa hay không. Và vì nhà nước “lấy lại” chứ không thương thuyết để “mua lại” nên số tiền bồi thường thường không có lợi cho người dân, và đó chính là nguyên nhân của bao nỗi oan khiên của những người dân giáo xứ Đông Yên bờ biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh tháng 10/2016, của làng Đồng Tâm ngoại thành Hà Nội tháng 12/2017, của Thủ Thiêm cuối năm 2018 và cuối cùng tại vườn rau Lộc Hưng và chắc chắn tình trạng này sẽ còn tiếp diễn như hàng trăm vụ khác đã xảy ra từ hơn 20 năm nay và chưa hề được giải quyết thoả đáng.

Trên thế giới, chuyện trưng thu đất (có nghĩa là bắt buộc) để xây dựng công trình công cộng như đường xá, bệnh viện xảy ra thường xuyên nhưng tuyệt nhiên không hề có một biến động nào vì tiền đền bù thường do thị trường quy định và nếu có tranh chấp, mọi việc sẽ được tòa án phân xử.

Nói đến đây thì chắc mọi người cũng hiểu tại sao xã hội chủ nghĩa không thừa nhận quyền sở hữu đất. Bởi vì đây là vũ khí lợi hại để họ cai trị đất nước một cách hữu hiệu nhất. Hễ ai có “vấn đề” là đất đai bị tịch thu. Riêng ở nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam − thậm chí khi không có “vấn đề” gì − người dân cũng có thể trở thành vô gia cư bất cứ lúc nào vì ngoài bạo lực, trong tay nhà nước còn một thứ công cụ khác để chính danh hóa việc ăn cướp: đó là tòa án.

“Chế độ của dân, do dân và vì dân”. Nghe sao mà chua xót!

Phạm Minh Hoàng