Chừng Nào Giải Quyết Vụ Xăng Pha Aceton?

Vụ xăng dầu có pha chất Aceton đang tạo một sự phẫn nộ lớn trong dư luận Việt Nam gần đây. Vụ này đã gây thiệt hại cho người tiêu thụ, đặc biệt là tại các tỉnh miền Nam. Tuy không rõ ràng và cụ thể nhưng lúc đầu hai doanh nghiệp quốc doanh độc quyền nhập khẩu xăng dầu là Petrolimex và công ty Xăng dầu quân đội hứa sẽ bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, thế nhưng sau đó chưa đầy một tuần sau, hai doanh nghiệp này đã lờ đi không đá động gì đến việc bồi thường nữa vì cho rằng trách nhiệm không phải về phần mình. Trong khi đó những quan chức cao cấp trong các cơ quan nhà nước CSVN thì đổ lỗi cho nhau, trả lời quanh co khi được hỏi đến. Các cơ quan đang muốn cho vụ này chìm xuống nhưng dân không hiền như trước nữa.

Được biết là từ đầu tháng 9, hai doanh nghiệp quốc doanh độc quyền nhập khẩu xăng dầu này đã nhập 10.000 tấn xăng có pha chất aceton từ Singapore của một công ty bán xăng dầu Hàn quốc có tên là Glencore. Petrolimex đã phân phối vài trăm tấn xăng này đến một số điểm bán lẻ tại các tỉnh miền Nam mà nhiều nhất là tại thành phố Sài Gòn, còn công ty Xăng dầu quân đội thì thú nhận là đã đưa một số đến các cây xăng để bán nhưng không cho biết số lượng là bao nhiêu. Xăng dầu pha chất aceton là nguyên nhân khiến nhiều xe gắn máy bị hư hỏng bình xăng, tình trạng xăng dầu chứa chất acetone làm hư bình xăng đã lan ra tới các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị…

Tổng công ty xăng dầu Petrolimex loan báo đã cử cán bộ sang Singapore trực tiếp làm việc với công ty Glencore về lô xăng do họ bán có pha acetone. Công ty Glencore không đồng ý bị quy trách nhiệm và yêu cầu tiến hành thử nghiệm mẫu xăng chính còn lưu trữ tại Singapore. Việc thử nghiệm này phải do một giám định quốc tế độc lập xúc tiến. Tin từ Sài Gòn nói rằng đại diện công ty Glencore Singapore đã có mặt tại Việt Nam để thảo luận xung quanh vấn đề cung ứng nguồn xăng pha acetone khiến nhiều xe máy hư hỏng gây thiệt hại cho khách hàng. Việc giám định là để xem vì đâu và tại nơi nào thì chất acetone mới bị pha trộn vào. Nếu lỗi ở bên cung ứng và nhà sản xuất thì họ sẽ đồng ý nhận lại toàn bộ lô hàng. Còn nếu mẫu lưu tại kho Singapore hoàn toàn tốt thì phía hai công ty Việt Nam phải chịu trách nhiệm.

Trong khi hai công ty nhập cảng xăng dầu đang tìm cách thu hồi lượng xăng dầu có chứa aceton và thực tế đã có rất nhiều người tiêu dùng là nạn nhân của vụ này; nhưng không biết tại sao trên tờ báo Đà Nẵng số ra ngày 8 tháng 9 lại đăng lời tuyên bố của ông Chánh thanh tra sở Khoa học công nghệ Đà Nẵng là đã cho kiểm tra mẫu xăng của ba cửa hàng nhưng không thấy trong xăng có chứa chất aceton, nên chẳng có vấn đề gì cả, chất lượng của xăng được đảm bảo.

Theo Giám đốc chi nhánh công ty này tại Đà Nẵng thì chỉ mới chuyển 900 thước khối xăng loại A.92, tức khoảng 900 ngàn lít. 400 ngàn lít còn tồn kho nên hiện số xăng bị nghi có pha chất acetone vào khoảng 1 triệu 300 ngàn lít. Còn tại tỉnh Tiền Giang vào ngày 5 tháng 9, xăng ở bồn số 2 thuộc kho xăng của công ty Thuận Tiến được lấy mẫu đem đi thử nghiệm. Kết quả cho thấy xăng có chứa aceton, thế nhưng mấy ngày sau, ngày 7 tháng 9, theo lời yêu cầu của ông Lý Hồng Đức, Phó giám đốc PetroMekong, cơ quan nhà nước đã lấy lại mẫu xăng ở bồn số 2 này đem đi tái thử nghiệm rồi tuyên bố kết quả là xăng không có chứa hàm lượng aceton. Ai cũng biết đó là kết quả giả tạo hoặc xăng trong bồn số 2 đó đã được đánh tráo bằng một số xăng khác không có chứa aceton.

Về phía nhà nước, Phan Thế Ruệ, Thứ trưởng thường trực bộ Thương mại thì lại rằng trong xăng có aceton là do trách nhiệm của doanh nghiệp khi nhập xăng vào. Dù doanh nghiệp nhập về rất khách quan (không có ý gian lận pha chế thêm aceton vào) và chỉ là nạn nhân thì cũng phải có trách nhiệm trả lời với dư luận. Về phần Bộ thương mại, ông Ruệ đã phủi tay một cách gọn nhẹ khi tuyên bố là đã có công văn nhắc nhở các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu phải thận trọng hơn nữa trong việc ký hợp đồng.

Khi mà một chính quyền luôn tìm cách thoái thác trách nhiệm và khi mà các xí nghiệp quốc doanh vẫn còn làm chủ thể nền kinh tế quốc gia, những thảm kịch nói trên liên tục sẽ xảy ra. Tuy nhiên khác với những năm tháng trước đây, dân bây giờ đã không còn sợ quyền lực của chế độ mà đã bắt đầu lên tiếng. Nhiều người tiêu thụ đang đặt vấn đề với nhà nước về việc phải xử phạt hai công ty quốc doanh và phải bồi hoàn những thiệt hại cho người dân. Chắc chắn là Hà Nội khó làm ngơ cho chìm xuồng vụ này. Đây là dấu hiệu của những chuyển hướng đấu tranh trên mặt trận dân sinh quyền của người dân để từng bước làm soi mòn quyền lực của đảng Cộng sản Việt Nam trong xã hội.