Chuyến Đi Vatican Của Nguyễn Tấn Dũng

Ngô Văn

Theo tin tức được loan đi thì ông Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng CSVN) dẫn đầu một phái đoàn đến Davos (Thụy Sĩ) để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức vào ngày 23 tháng 1 năm 2007 và sau đó vào ngày 25 chính thức viếng thăm tòa thánh Vatican để hội đàm với Đức Thánh Cha Benedict XVI.

Tờ báo Sankei, số phát hành ngày 20 tháng tại Tokyo, đã cho đi tin này kèm theo một lời bình luận như sau: Chính quyền CSVN là một chính quyền đang bị các quốc gia tiên tiến và những tổ chức tôn giáo quốc tế lên án về chính sách đàn áp tôn giáo. Hơn nữa,Việt Nam hiện nay không có quan hệ ngoại giao với Vatican thế mà ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của nước này lại chính thức đến thăm viếng là một điều dị thường.

Cũng theo tờ Sankei, vào tháng 11 năm ngoái, khi Tổng thống Bush sang Hà Nội tham dự hội nghị APEC, Hoa Kỳ đã quyết định rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách những quốc gia cần phải đặc biệt quan tâm về vấn đề tôn giáo (CPC) để làm quà cho chính quyền CSVN, mặc dù quyết định này đã không thuyết phục được các tổ chức Tôn giáo Thế giới, các tổ chức Nhân quyền quốc tế và nhất là những nhà lãnh đạo tôn giáo Việt Nam không trực thuộc Giáo hội nhà nước.

Không thuyết phục là phải vì sự cho tên Việt Nam vào danh sách CPC hay xóa tên nó đi cũng chẳng làm cho chính quyền CSVN ngưng chính sách đàn áp tôn giáo, vì chính sách này đã có từ trước và đang được nhà nước CSVN triệt để áp dụng. Mới đây, vào ngày 9/1/2007công an đã bố ráp và đập nhà của mục sư Nguyễn Hồng Quang của Hội Thánh Tin Lành Mennomite là một bằng chứng điển hình. Không thuyết phục là phải vì chính sách đàn áp tôn giáo của Hà Nội đâu có thua gì Bắc Kinh, nhưng tại sao Washington lại tút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, trong khi đó vẫn giữ nguyên tên Trung quốc trong danh sách này.

Tuy nhiên, việc Washington quyết định rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC đã giúp cho Hà Nội có thêm yếu tố tuyên truyền là tại Việt Nam vấn đề đàn áp tôn giáo không còn nữa. Hà Nội đã khai triển ngay chính sách tuyên truyền bằng cách cử ông Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Vatican. Về phía tòa thánh La Mã cũng dư biết mục đích chuyến viếng thăm này của ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng Vatican cũng đón tiếp vì dù sao Việt Nam là một trong những nước ở Á châu có con số tín đồ Kitô giáo đông vào hàng thứ hai (khoảng chừng 8 triệu người), chỉ đứng sau Philippines.

Một yếu tố làm cho Hà Nội khựng lại và tưởng chừng như chuyến đi Vatican của ông Dũng phải đình hoãn, vì Tòa Thánh vừa ra quyết định ủng hộ việc điều tra các tu sĩ ở những nước Đông âu, đặc biệt là Ba Lan, đã cộng tác với chính quyền cộng sản. Vì vụ này quá lớn, như một trái bom nổ ngay tại Tòa Thánh nên chắc chắn các thánh chức ở Vatican không nhiều thì ít cũng có dị ứng khi tiếp ông Nguyễn Tấn Dũng, vì Việt Nam hiện nay vẫn là một nước cộng sản và ông Dũng trước đây là một ông tướng công an. Các thánh chức ở Vatican không thể nào quên được câu tuyên bố mới đây của Linh mục Grzeyoyrz Kalwarizyk (ngài là một thành viên của Ủy ban điều tra do Giáo hội Ba Lan thành lập) như sau: “Chế độ cộng sản là một chế độ tàn bạo, không có lòng thương xót. Việc các giáo sĩ, tu sĩ Kitô giáo hợp tác với cộng sản là điều đáng chê trách, nhưng vẫn có thể hiểu được vì tính nham hiểm và tàn ác của chế độ cộng sản”.

Ngoài ra khi ông Dũng đến Vatican, chắc chắn Đức Thánh Cha đã có trong tay bức Thỉnh Nguyện Thư của nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân Việt Nam ở trong và ngoài nước tố cáo với Tòa Thánh rằng: không riêng gì Giáo hội Công Giáo Việt Nam mà các Giáo hội bạn như Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy, các Hội Thánh Tin Lành…đều vẫn bị chính quyền CSVN đàn áp thẳng tay.

Trước những sự kiện thực tế đó nên nhiều người đã quyết đoán rằng chuyến đi Vatican của ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ để tuyên truyền cho chế độ chứ không phải cố gắng hòa giải vì những nhận thức cơ bản về tôn giáo giữa hai bên quá khác biệt. Sự quyết đoán này rất có cơ sở khi chính ngay một Thánh chức cao cấp tại Tòa Thánh (muốn dấu tên) khẳng định là tiến trình đi đến việc thành lập quan hệ giữa Tòa Thánh với Việt Nam còn giới hạn và khá xa.