Chuyên gia LHQ yêu cầu VN giải trình việc điều tra Luật sư Đặng Đình Mạnh

VOA

Các báo cáo viên LHQ yêu cầu phía Việt Nam cung cấp thông tin về các chứng cứ dẫn đến việc điều tra hình sự đối với LS Đặng Đình Mạnh. Ảnh chụp màn hình VOA

Các chuyên gia nhân quyền của LHQ vừa gửi thư yêu cầu chính phủ Việt Nam giải trình liên quan đến cuộc điều tra hình sự “lợi dụng quyền tự do dân chủ” nhắm vào luật sư bảo vệ nhân quyền Đặng Đình Mạnh.

Ba chuyên gia này – gồm Báo cáo viên đặc biệt về sự độc lập của thẩm phán và luật sư, Báo cáo viên đặc biệt về xúc tiến và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt, và Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền – trong bức thư ngày 31/3 và được công bố hôm 30/5 bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng” của họ về cuộc điều tra hình sự nhắm vào ông Mạnh mà họ nói là dường như có mối liên quan trực tiếp với việc bào chữa của ông ở Việt Nam.

Ông Mạnh là một trong năm luật sư bào chữa trong vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, một cơ sở tu tại gia ở tỉnh Long An với các thành viên bị xét xử và bị tuyên án tù về cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” vào tháng 7 năm ngoái.

Vào tháng 3 năm nay, bản thân ông Mạnh bị Công an tỉnh Long An triệu tập và thẩm vấn liên quan đến cáo buộc ông có hành vi phát tán trên mạng clip hình ảnh, bài viết “có dấu hiệu lợi dụng quyền tự do dân chủ.” Ông bị triệu tập lần thứ hai vào tháng 4 nhưng không xuất hiện, truyền thông Việt Nam cho biết.

Các báo cáo viên cho rằng đây là hành động trả đũa của chính quyền đối với ông Mạnh và rằng vụ việc này dẫn đến “một sự cố nghiêm trọng vi phạm một số tiêu chuẩn quốc tế và khu vực liên quan đến tự do và hành nghề luật sư một cách độc lập.”

Các báo cáo viên yêu cầu chính quyền Việt Nam cung cấp thông tin chi tiết về các chứng cứ dẫn đến việc điều tra hình sự đối với ông Mạnh và giải trình xem những điều này phù hợp ra sao với các nghĩa vụ của Việt Nam theo các điều khoản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Đã quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày các chuyên gia gửi thư và tính đến ngày công bố hôm 30/5, thư này vẫn chưa được hồi đáp, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ nói trong một thông cáo.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi ngay yêu cầu bình luận về bức thư này.

Nguồn: VOA