Chuyên Gia Nhật Nhận Xét Về Nạn Tham Nhũng Tại Việt Nam

Trong tuần lễ cuối tháng 4 vừa qua, hầu hết các nhật báo phát hành tại Tokyo đều cho đăng tải về đại hội X của đảng Cộng sản Việt Nam kèm theo những lời bình luận rất gay gắt liên quan đến tệ nạn tham nhũng dưới thể chế độc tài, độc đảng hiện nay tại Việt Nam. Báo chí Nhật Bản, thay vì đề chú trọng đến nội dung của Đại hội X thì lại điểm mặt những nhân vật chóp bu của đảng Cộng sản Việt Nam từ những ông Bộ trưởng cho đến ông Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh có liên hệ vào những vụ tham nhũng, đặc biệt là vụ PMU 18 vừa qua, để từ đó kết luận rằng nếu thể chế độc tài độc đảng tại Việt Nam còn duy trì đến ngày nào thì tệ nạn tham nhũng ở nước này sẽ còn hiện hữu đến ngày đó với mức độ chỉ có tăng chứ không giảm. Tất cả những quyết tâm, nghị quyết hay luật lệ phòng chống tham nhũng chỉ là một khẩu hiệu. Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần nào cũng nói đến “quyết tâm” tiêu diệt tham nhũng; nhưng kết quả xảy ra trái ngược, tham nhũng ngày càng trầm trọng thêm.

Một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam của đai học Waseda là giáo sư Yoshiharu Tsuboi đặt ra câu hỏi là tại sao Cộng sản Việt Nam không thể tận diệt tham nhũng? rồi tự trả lời rằng vì sự lý luận và những quyền lợi gắn kến với nhau trong hệ thống cầm quyền độc đảng hiện nay. Trong một bài nghiên cứu đã hoàn tất vào những ngày cuối năm 2005, giáo sư Tsuboi đã viết rằng tham nhũng ở Việt Nam không đơn thuần là vấn đề đạo đức mà còn là vấn đề cơ cấu trong tổ chức và tài chánh của quốc gia này. Giáo sư Tsuboi đã đi ngược lại thời gian nói về nạn tham nhũng trong bối cảnh chuyển đổi và cải cách từ năm 1986. Tác giả đã nhắc lại sau khi bắt đầu thực hiện kinh tế thị trường, Việt Nam đã đề xuất và thực hiện nhiều cải cách, trong đó có việc cải cách hành chánh nhằm cải thiện tính minh bạch và hiệu quả để có được niềm tin của nhân dân. Thế nhưng nếu cải cách triệt để thì sẽ dẫn đến sự nguy hiển cho thể chế độc tài, độc đảng. Vì vậy đảng cộng sản Việt Nam chỉ muốn cải cách diễn ra ở mức độ vừa phải, trong giới hạn làm sao nó giúp cũng cố trật tự hiện hành.

Ngoài ra, trong tiến trình cải tổ sẽ rất khó thúc đẩy công cuộc đổi mới nếu không có một hình thức lợi nhuận dành cho các đảng viên làm trong tổ chức chính quyền. Vì vậy, đảng cộng sản Việt Nam buộc phải làm ngơ ở mức độ nhất định trước vấn đề biển thủ công quỹ hoặc tham nhũng. Tình hình ở Việt Nam hiện nay không đơn giản là cứ giải quyết xong vấn đề kinh tế (tănng lương để cho viên chức đủ sống) và có hệ thống tuyển dụng nhân tài công bằng là tham nhũng sẽ được giảm bớt. Giáo sư Tsuboi cho rằng lực lượng chính trị cầm quyền ở Việt Nam kiểm soát phương tiện, giúp duy trì sự cai trị bằng cách có quyền quyết định một tình huống nhất định là tham nhũng hay không. Giáo sư Tsuboi đã viết thêm rằng ngoại trừ những vụ tham nhũng lớn không thể che đậy được, tất cả đều được chính quyền để yên nếu số tiền tham nhũng không quá mức và việc ăn như thế được chia đều giữa những người dính líu trong tổ chức. Tuy nhiên, khi ai đó tìm cách đòi hỏi khoảng hối lộ vượt quá giới hạn hoặc muốn giữ lại cho riêng mình rồi bị bạn đồng nghiệp ganh ghét khui ra cho báo chí biết thì mới có chuyện. Một cơ cấu như vậy góp phần nuôi lớn tham nhũng, nhưng mặt khác hệ thống đó cũng lại có lợi cho chế độ chính trị độc tài, độc đảng hiện nay.

Theo giáo sư Tsuboi tham nhũng là một vấn đề được tóm gọn là ‘‘Chẳng ai sợ đèn đỏ vì tất cả đề vượt đèn đỏ’’, nhưng vấn đề càng phức tạp hơn khi xuất hiện bên trong hệ thống ấy mà lại không chịu tuân thủ luật chơi. Hệ thống được thiết lập theo kiểu khi bên trong xuất hiện một người có khả năng phản đối hay phê phán hệ thống đảng, chính phủ hiện hành thì tham nhũng khi ấy được dùng làm lý do để loại bỏ kẻ này, người khác. Giáo sư Tsuboi kể lại trường hợp một người bạn Việt Nam của ông là giáo sư K, nhận tài trợ từ một tổ chức nước ngoài để bảo tồn và nghiên cứu các điểm khảo cổ. Đồng nghiệp của giáo sư K đi tố cáo ông vi phạm thủ tục, biển thủ tài trợ vì giáo sư K không chia đều khoảng tài trợ cho các đồng nghiệp nên họ ghen tị và nghi ông ta xài riêng cho bản thân. Ngoài ra giáo sư K còn có quen thân với một người Mỹ và được người bạn Mỹ này mời đến New York ba tháng để nghiên cứu thêm về chuyên môn cũng bị đem ra tố cáo. Kết quả là giáo sư K bị bắt giam 12 tháng trước khi đem ra xử với bản án 5 năm tù, nhưng nhờ các người bạn ngoại quốc vận động giùm nên giáo sư K được thả ra bởi lệnh ân xá sau hai năm rưởi ngồi tù.

Tham nhũng thường được đánh giá là vấn đề dễ gây mất ổn định cho hệ thống chính trị. Tuy nhiên với hiện trạng dùng chức tước, địa vị cho lợi ích riêng diễn ra rất phổ biến tại Việt Nam nên nhìn ở một khía cạnh khác, tham nhũng lại khiến người dân trở thành con tin của bộ máy chính trị. Bằng cách duy trì một cơ cấu nuôi dưỡng tham nhũng, chính quyền có thể gần như đặt toàn bộ người dân vào vị trí là tội phạm và với cung cách phán xử tùy tiện của nhà chức trách thì mọi người đều có thể bị xử phạt không đúng theo pháp luật đã quy định.

Các báo chí Nhật Bản hay giáo sư Tsuboi đề cập đến tệ nạn tham những tại Việt Nam chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc quyết định chính sách viện trợ ODA cho Việt Nam của chính phủ Nhật, còn làm sao tận diệt cho được quốc nạn tham những thì đó là nhiệm vụ của chúng ta, những người dân Việt Nam. Vấn đề là chúng ta có dám làm hay không mà thôi?