Có Cần Đưa Mác-Lênin Và Hồ Chí Minh Vào Chương Trình Đại Học Không?

Trần Trọng Nghĩa

Chủ đích của đảng cộng sản VN trong việc đưa các bộ môn triết lý, chủ thuyết Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào các chương trình giảng dạy ở tất cả mọi phân khoa đại học đã được minh định bởi văn thư 2488/BGDĐT-ĐH&SĐH ngày 25/3/2008 của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo gửi các viện, các trường Đại Học và Cao Đẳng trong cả nước. Chủ đích đó là “để cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng, xây dựng cho sinh viên thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, niềm tin vào lý tưởng cộng sản chủ nghĩa”. Tuy rằng, Ban Cán Sự Đảng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo cũng như Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã chỉ đạo thực hiện những “đổi mới kết cấu nội dung chương trình, giáo trình các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh dùng cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng…”; nhưng liệu những triết thuyết và tư tưởng đã lỗi thời có còn giá trị thuyết phục được giới trẻ trí thức của thời đại ngày hôm nay không?

Từ bao năm nay, các bộ phận tuyên giáo của đảng không ngừng đổi mới, bổ túc những lý luận của chủ thuyết Mác-Lênin để truyền dạy cho sinh viên. Bây giờ lại nói đến đổi mới kết cấu nội dung thì không hiểu còn có cái gì để có thể đổi mới được nữa? Có thể chắc chắn là không ai trong đảng hiện nay dám thay đổi nội dung của chủ thuyết Mác-Lênin, tuy rằng ai cũng thấy rõ ràng là nó không còn thích hợp với thời đại ngày nay, nếu không muốn nói rằng nó đã được chứng minh là vô giá trị. Từ lâu, trong đảng và ngoài nhân dân đều thấy rõ nền kinh tế xây dựng theo chủ thuyết Mác-Lênin đã dẫn tất cả những quốc gia áp dụng nó đến nghèo đói. Nhưng phải chờ tới lúc các nước này giã từ chủ thuyết Mác-Lênin và tháo gỡ chế độ XHCN vào cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90, đảng cộng sản VN lúc đó đang đứng rước bờ vực thẳm, mới chấp nhận rời bỏ con đường kinh tế XHCN theo Mác-Lênin để chuyển sang kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản. Nếu còn bắt sinh viên học Mác-Lênin thì về lãnh vực kinh tế, liệu có dám nói với họ là kinh tế Mác-Lênin là vô giá trị và đảng đã “đổi mới” bằng cách vứt nó đi để chọn kinh tế thị trường ưu việt hơn không?

Chủ thuyết Mác không phải chỉ có sai lầm về kinh tế. Gọi nó là triết thuyết hay khoa học, có thể là quá đáng. Nó được viết lên bởi con người đầy mặc cảm, chất chứa trong lòng những điều ganh tỵ nhỏ nhen và hận thù những người giầu hơn mình, bất chấp giầu vì bóc lột hay do làm ăn lương thiện. Đến khi Lênin mang nó ra áp dụng thì nó đã trở thành hoàn toàn khác với nguyên thủy. Từ chuyên chính vô sản không có chính quyền Lênin đã xây dựng chính quyền độc tài chuyên chính. Như vậy là chủ thuyết Mác và chủ thuyết Lênin có nhiều mâu thuẫn cơ bản. Nhưng sự thay đổi của Lênin phù hợp với lợi ích của các đảng cộng sản muốn độc quyền cai trị, nên cái chủ thuyết quái thai Mác-Lênin mới ra đời.

Trong nền giáo dục đại học, tại các phân khoa chính trị học, việc đưa các chủ thuyết, trong đó có chủ thuyết Mác-Lênin, vào chương trình giảng dạy, nghiên cứu là điều hợp lý. Nhưng tại các phân khoa khác như Toán, Lý, Hóa, Địa Chất, Năng Lượng, Y, Nha, Dược khoa và nhiều khoa khác… thì việc đưa Mác-Lênin vào chương trình là không hợp lý. Những người chủ trương đưa chính trị Mác-Lênin vào Đại Học quả không có trình độ đại học và không có tầm nhìn xa. Đại học ngày nay không thể đóng cửa kín mít trong nước, mà cần phải mở ra thế giới để đón nhận sinh viên nước ngoài tới du học, và để đón tiếp những vị giáo sư quốc tế tới giảng dạy. Sinh viên nước ngoài sẽ nghĩ gì khi họ bị bắt buộc học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí minh vốn chẳng ăn thua gì đến môn học của họ. Giáo sư nước ngoài sẽ nghĩ gì khi sinh viên họ dậy được họ cho điểm cao thì lại bị rớt vì cái môn Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh bị cho ít điểm? trong lúc những sinh viên cực dốt môn họ dạy nhưng được điểm cao trong các môn chính trị thì lại được đậu? Sinh viên nước ngoài sẽ không đến Việt Nam học đại học nữa. Giáo sư tài giỏi nước ngoài sẽ không đến đại học Việt Nam giảng dạy nữa. Lúc đó đại học Việt Nam sẽ trở thành một ốc đảo tự cô lập mình. Việc giảng dạy được giao cho những tiến sĩ giấy, tiến sĩ mua bằng, tiến sĩ tốt nghiệp trường đảng… Sinh viên Việt Nam sẽ thiệt thòi. Tương lai đất nước sẽ đi về đâu? Nếu đảng cộng sản VN chủ trương “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có những con người XHCN” thì khi tuyển dụng công chức, cán bộ rồi cho họ đi học chính trị cũng không muộn. Không nên làm nhiễu công việc học tập của sinh viên trong các trường Đại Học. Vì lợi ích của sinh viên, vì tương lai của nền giáo dục Đại Học cũng như tương lai dân tộc, không nên bắt buộc sinh viên phải học những môn vô bổ như triết lý Mác-Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh hay đường lối cách mạng của đảng cộng sản VN.

Trần Trọng Nghĩa