Có đáng hoang mang với thông tin về “cục máu đông”?

TS. Nguyễn Hồng Vũ - FB Vu Hong Nguyen

Các thông tin liên quan vắc xin ngừa Covid Covidshield của AstraZeneca có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp: "cục máu đông." Ảnh: FB Vu Hong Nguyen

Dạo này mình thấy các bạn antivaxxer lại nhoi lên như vớ được vàng sau thông tin “AstraZeneca thừa nhận vắc xin Covishield có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp” (Nguyên văn tiếng Anh là: “It is admitted that the AstraZeneca vaccine can, in very rare cases, cause thrombosis with thrombocytopenia syndrome.”)

Qua miệng lưỡi của các antivaxxer thì vaccine này như một liều thuốc độc, các ca đột quỵ trên toàn quốc trong thời gian qua cũng được quy chụp về tội đồ này! Những người đã từng chích ngừa vaccine này trước đó thì hoang mang, lo lắng, mong kiếm thuốc giải, mong được chữa lành…

Thực sự thì điều này chẳng có gì phải lo sợ đâu bà con ơi! Vì sao như vậy? Hãy đọc thử những thông tin và con số sau đây từ những nguồn tin cậy:

– Tỉ lệ bị cục máu đông do vaccine COVID-19 của AstraZeneca là khoảng 2 trong 100 ngàn người (~0,002%) đối với người 60 tuổi trở lên và khoảng 2-3 trong 100 ngàn người (~0,002-0,003%) đối với người dưới 60 tuổi.

– Tỉ lệ người mắc COVID-19 bị cục máu đông là khoảng 6-26% ở tĩnh mạch và khoảng 0,7-3,7% ở động mạch. Người bị bệnh COVID-19 nặng thì tỉ lệ này còn cao hơn.

– Sự hình thành cục máu đông liên quan đến vaccine COVID-19 xảy ra khi có đủ 5 yếu tố sau:

  1. trong khoảng 4-42 ngày sau liều vaccine đầu tiên,
  2. cục máu đông hình thành ở tĩnh mạch hoặc động mạch (thường ở não hoặc bụng),
  3. lượng tiểu cầu giảm (<150 tỉ tiểu cầu/lít máu),
  4. dương tính với phức hợp PF4 (platelet factor-4),
  5. tăng lượng protein D-dimer.

Trong thời đại dịch, vaccine COVID-19 nói chung và Covishield (tên gọi khác là ChAdOx1 nCov19) của AstraZeneca nói riêng đã giúp kìm hãm sự lây lan của virus đáng kể và giúp giảm tỉ lệ mắc bệnh, trở nặng khi mắc COVID-19, đồng nghĩa với giảm nguy cơ bị cục máu đông như kể trên. Do vậy, cũng không bất ngờ khi các phân tích số liệu của chuyên gia cho thấy vaccine này đã giúp cứu sống khoảng 6,3 triệu người trong năm đầu tiên triển khai vắc xin toàn cầu.

Khả năng gây phản ứng phụ của Covishield không phải đến bây giờ mới được phát hiện và thừa nhận mà đã được tìm thấy từ tháng 4 năm 2021. Tuy nhiên các số liệu ở nhiều nơi đều cho thấy phản ứng phụ nguy hiểm này là “rất hiếm.” Vì thế so với nguy cơ cao khi mắc bệnh COVID-19 thì việc sử dụng vaccine này vẫn được khuyên dùng. Khi có nhiều loại vaccine hơn (như vaccine của Moderna, Pfizer) thì vaccine này đã được giới hạn sử dụng ở người lớn hơn 60 tuổi (nhóm ít bị phản ứng phụ này).

Vậy các bạn đã chích vaccine này trước đó có nên lo sợ không? Câu trả lời là không nhé.

Nếu các bạn sợ cục máu đông hình thành trong cơ thể, thì mình nghĩ các bạn nên biết rằng các yếu tố khác sau đây còn nguy hiểm hơn đang ở chung quanh, bạn nên sợ chúng hơn!

– Xơ vữa động mạch.
– Các bệnh về tim như: rung tâm nhĩ (Atrial fibrillation), suy tim, bệnh về van tim.
– Tiểu đường
– Ung thư
– Béo phì
– Cholesterol cao
– Có thai
– Ngồi yên quá lâu (do công việc, chuyến bay dài hoặc nằm trên giường liên tục)
– Sử dụng thuốc lá
– Sử dụng thuốc tránh thai có chứa estrogen
– Sử dụng hormone thay thế cho các triệu chứng mãn kinh
– Tuổi già (trên 60)
– Gia đình có tiền sử đông máu.

Nói tóm lại, các bạn đừng vì các thông tin thiếu đầu đuôi như thế này rồi bị khuếch đại lên bởi mấy cái miệng antivaxxer mà hoang mang sợ hãi. Cứ ráng sống heo thì (healthy), ăn vừa, ngủ đủ, tập thể dục và yêu đời là được.

Bài viết liên quan trước đó:

Ngày 9 tháng 4 năm 2021, Nguyên nhân gây chết người “hiếm gặp” của vaccine AstraZeneca (https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4423207584360245)

Bảo trọng nhe bà con.

TS. Nguyễn Hồng Vũ
Viện Nghiên cứu City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím

Tài liệu tham khảo:

https://www.health.gov.au/…/advic…/clinical-guidance/tts

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8566665/ (Risk-benefit analysis of the AstraZeneca COVID-19 vaccine in Australia using a Bayesian network modelling framework)

https://www.hematology.org/…/vaccine-induced-immune…

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9006089/ (COVID-19 related thrombosis: A mini-review)

Nguồn: FB Vu Hong Nguyen