Cơ Hội Nhìn Lại Để Tiến Tới

Phạm Phú Đức

Vào những ngày tháng tới đây, chiến tranh Việt Nam sẽ được nhắc lại trên các phương tiện truyền thông khắp thế giới, từ Việt Nam sang Úc đến Mỹ…

Có điều những gì chúng ta được nghe trong suốt 30 năm qua có thật sự khách quan và trung thực không? Nhất là góp phần tìm ra những bài học lịch sử, không chỉ quan trọng cho thế hệ hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau?

Điều chắc chắn, là Cộng Sản Việt Nam sẽ tổ chức ăn mừng chiến thắng, như đã từng phô trương trong suốt 29 năm qua. Tuy sự hưởng ứng của dân chúng về chiến thắng này ngày càng tẻ nhạt trong những năm qua, nhưng CSVN vẫn có nhu cầu tiếp tục tô hồng cái “chính nghĩa” của công cuộc “chống Mỹ cứu nước” để duy trì sự cai trị của họ hiện nay. Tuy nhiên, thiệt hại nhân mạng và phí tổn của chiến tranh lên đến 3 triệu người, làm tiêu hao vài trăm tỷ đô la, nhưng rồi những gì được hứa hẹn về tự do, dân chủ và công bằng xã hội trong thời chiến tranh, đến nay mất 30 năm vẫn chưa xây dựng được.

Trong khi đó, tình hình thế giới đã thay đổi không ai ngờ được. Chiến tranh lạnh chấm dứt, kéo theo sự sụp đổ của Đông Âu năm 1989-1990 và Liên Xô năm 1991. Hiện tại chỉ còn 5 quốc gia theo cộng sản mà thực chất là độc tài, trong đó Bắc Hàn và Cu Ba vẫn còn nặng ý thức hệ Mác Lê. Trung Quốc và Việt Nam biết thay đổi để tồn tại, ít nhất là cho đến nay. Tuy nhiên, mọi thay đổi chủ yếu nằm trong lãnh vực kinh tế. Những sinh hoạt chính trị hay xã hội nằm ngoài sự kiểm soát của đảng cộng sản vẫn là lén lút. Nói chung người dân có một số chọn lựa trên mặt đời sống hơn trước, nhưng về chính trị thì không có sự chọn lựa nào mà chỉ có một đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối.

Chính trị ngày nay cũng khác nhiều. Trong các quốc gia dân chủ, phần lớn những ai có khả năng quản lý và phát triển kinh tế thì sẽ được dân chúng tín nhiệm. Muốn phát triển kinh tế thì phải cạnh tranh và hợp tác, tránh đối đầu nếu có thể. Vì đặc tính của thế giới đa cực như thế nên không có ai là bạn mãi, cũng chẳng có ai là thù mãi. Quyền lợi của quốc gia nằm trong khả năng lãnh đạo chính trị và giao thương của dân chúng mà ngày nay thì đòi hỏi yếu tố trí tuệ là chính. Quan hệ song phương hay đa phương không còn đặt trên quan điểm chính trị mà chủ yếu là tương quan quyền lợi. Vì thế nên không có gì ngạc nhiên khi các chính quyền như Mỹ hay Úc giúp miền Nam Việt Nam chống cộng sản trước đây, ngày nay đều bắt tay bang giao với chính quyền Cộng Sản Việt Nam.

Vì thế cho nên có người cho rằng Việt Nam bây giờ đã thay đổi rồi, kinh tế tăng trưởng 7-8% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người là $530 Mỹ kim, tức Việt Nam đang phát triển, thì tại sao vẫn có người chống đối “Việt Nam” mãi? Đi xa hơn, họ còn cho rằng những người này “ôm lấy quá khứ, bám lấy hận thù”?

Thực tế thì phần lớn những người liên hệ ít nhiều đến chiến tranh Việt Nam đều muốn quên cuộc chiến đó, đơn giản là vì … 30 năm rồi. Nhiều người Việt tị nạn cộng sản còn muốn quên cả hành trình đầy máu và nước mắt của họ trên đường đi tìm tự do, nói gì đến chiến tranh. Quên để sống, chứ làm sao sống nổi khi vẫn còn bị ám ảnh bởi sự tàn bạo không bút mực nào kể xiết. Và những ai theo dõi thời sự cũng thấy đất nước Việt Nam ngày nay, so với thời toàn trị từ năm 1975 đến thời đổi mới, đã có những thay đổi. Biết bao nhiêu người ăn nên làm ra, giàu hơn gấp nhiều lần người Việt ở Mỹ hay ở Úc. Tuy nhiên, những bất công xã hội, những tệ nạn tham nhũng, những suy đồi văn hoá, những chà đạp nhân quyền v.v… đã là những bức xúc dâng tràn trong lòng những ai còn chút quan tâm đến nhân phẩm người Việt Nam hôm nay.

Chính vì thế nên những người thật sự yêu chuộng tự do và tôn trọng nhân phẩm không thể chấp nhận tình trạng Việt Nam hiện tại. Họ hiểu rõ lịch sử Việt Nam, nhất là công cuộc đấu tranh giành độc lập từ tay thực dân Pháp bắt đầu hơn 150 năm qua. Biết bao nhiêu nhà ái quốc, cách mạng đã hy sinh cho lý tưởng và nền độc lập Việt Nam. 75 năm sau đó thì đảng cộng sản Việt Nam (Đông Dương) mới ra đời (3/2/1930), và được hưởng những thành quả to lớn của bao nhiêu phong trào yêu nước bùng nổ trên khắp đất nước Việt Nam, đặc biệt sau cuộc tổng khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng (17/6/1930). Nhờ ý thức đấu tranh cho một đất nước Việt Nam tự do, độc lập nên hàng hàng lớp lớp người Việt Nam sẵn sàng hy sinh. Họ biết đặt quyền lợi của tổ quốc lên trên nên họ sẵn sàng chấp nhận bất cứ ai có khả năng lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống thực dân. Hồ Chí Minh, trong khoảng trống chính trị tháng 8 năm 1945 ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng (15/8/1945) đã chụp lấy cơ hội cướp chính quyền và tuyên bố Việt Nam độc lập cách đây 60 năm (2/9/1945). Nhưng cũng chính Hồ Chí Minh đã rước Pháp vào Việt Nam sau đó, kéo thêm 9 năm tang tóc trên toàn thể đất nước và cuộc chiến này kết thúc bằng Hiệp định chia đôi Việt Nam (20/07/1954) mà Hồ Chí Minh đã ký cùng với Pháp theo sự khuyến cáo của Liên Xô và Trung Quốc.

Kế tiếp là những sai lầm trầm trọng của đảng cộng sản Việt Nam xô đẩy toàn dân miền Bắc vào cuộc chiến lần thứ hai để nhuộm đỏ miền Nam, và sau đó đưa quân sang Lào và Cam Bốt để bắt đầu cuộc chiến lần thứ ba nhuộm đỏ Đông Nam Á. 30 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, Việt Nam quá tụt hậu so với các quốc gia trong vùng. Việt Nam đạt được những gì sau chiến tranh triền miên đó? Những lý tưởng đấu tranh của dân tộc Việt Nam trong 150 năm qua nói chung, và 75 năm qua từ khi có đảng cộng sản, đều không ngoài các giá trị phổ quát của nhân loại hiện nay: Độc Lập, Tự do, Dân chủ và Nhân quyền. Nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa đạt được các mục tiêu này, dầu hàng triệu người đã hy sinh vì các lý tưởng đó. Hiện tại, những ai nói khác chính quyền vẫn bị tù đầy bất cứ lúc nào.

Đó chính là lý do người Việt tị nạn cộng sản trên khắp thế giới vẫn tiếp tục đấu tranh cho đồng bào của họ tại quê nhà. Nếu không đấu tranh, tức chấp nhận thực trạng bây giờ, thì Việt Nam vẫn mãi mãi tụt hậu và khó có cơ hội bắt kịp với các nước phát triển. Họ hiểu rõ bản chất chế độ độc tài là bám lấy quyền lực và quyền lợi, không sẵn sàng thay đổi vì lợi ích của người dân mà chỉ thay đổi để giữ quyền giữ ghế. Cho nên những người yêu nước đã dấn thân vào công cuộc đấu tranh từ 30 năm qua, mà đến nay tuy tóc đã bạc hay hai màu, họ vẫn còn lạc quan và tích cực. Dầu chưa thành công, nhưng người Việt yêu chuộng tự do vẫn kiên trì và bền chí trong nỗ lực dân chủ hoá và phát triển Việt Nam.

Úc là một quốc gia có quan hệ khá lâu với chính quyền của Việt Nam hiện tại. Viện trợ của Úc cho Việt Nam năm 2004-2005 là 73.7 triệu Úc kim. Hàng hoá giao thương giữa hai bên vào năm 2003-2004 lên đến 2534 triệu Úc kim. Về mặt nhân quyền, chính sách của Úc hiện tại là tránh đối đầu, cùng hợp tác. Do đó, Ngoại Trưởng Úc ông Alexander Downer thường trấn an những người quan tâm đến nhân quyền tại Việt Nam rằng chính phủ Úc thường xuyên trao đổi với chính phủ Việt Nam về nhân quyền, và đang có những tiến triển tốt. Có điều, ông thừa biết rằng cộng sản Việt Nam bắt bớt vô số kể những người đấu tranh cho dân chủ, nhưng khi nào bị áp lực lắm thì họ mới thả ra một số người tiêu biểu để không bị thế giới lên án hay bị Mỹ liệt kê là quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC). Nhưng tình trạng nhân quyền tại Việt Nam thì không có gì sáng sủa hơn cả.

Ngày 16 tháng 3 vừa qua, Thượng Nghị Sĩ Gary Humphries (đảng Tự Do) và Dân Biểu Bernie Ripoll (đảng Lao Động) đồng tổ chức giới thiệu Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng tại quốc hội Úc ở Canberra. Trong các cuộc tiếp xúc với phái đoàn Việt Tân từ khắp nước Úc, Mỹ và Canada, các chính giới Úc đều tán thành cho rằng sự công khai hoạt động của một chính đảng trong xã hội dân chủ là bình thường. Hơn nữa, trong trường hợp Việt Nam, họ đều nghĩ đó là sự cần thiết cho tiến trình dân chủ hoá đất nước. Họ thấy rõ sự cản trở phát triển của Việt Nam hiện nay là vì vấn nạn độc tài. Họ ngạc nhiên khi đại diện đảng Việt Tân cho biết thêm tình hình đấu đá kịch liệt trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam hiện nay, và nỗ lực đấu tranh cho tự do dân chủ của nhiều thành phần trong xã hội Việt Nam, từ những cá nhân, tôn giáo đến đảng phái chính trị. Một số chính giới có cơ hội về Việt Nam cho biết họ rất thích con người và đất nước Việt Nam. Họ ca ngợi nỗ lực hội nhập và phát triển của người Việt trên nước Úc. Nói chung, đối với họ, người Việt ở đâu cũng cần cù, thông minh, chịu khó. Vì thế họ tin rằng nếu người Việt Nam được quyền chọn lựa, được quyền tự do, thì Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh. Họ cho biết vì chính sách bang giao giữa hai quốc gia có những vấn đề tế nhị trên mặt ngoại giao nên ở một số cương vị họ không thể công khai chỉ trích chế độ độc tài chà đạp nhân quyền. Dù quan điểm giữa các chính trị gia hay các đảng Tự Do, Lao Động, Quốc Gia, Dân Chủ … có khác, nhưng một điều họ đều thấy rất rõ là khi Việt Nam có dân chủ pháp trị, mối bang giao với một chính phủ đại diện chính thức cho người dân sẽ có lợi nhiều cho nước Úc hơn là chế độ độc tài đầy tham nhũng bây giờ.

Nhân tưởng niệm 30 năm miền Nam rơi vào tay cộng sản, các thượng nghị sĩ Gary Humphries, Tsebin Tchen, dân biểu Bernie Ripoll, Christopher Pyne v.v… đã thẳng thắn chia sẻ rằng đấu tranh cho tự do dân chủ là một mục tiêu cao đẹp. Họ cũng cho rằng trong trường hợp Việt Nam, cuộc đấu tranh này thành công thì sự hy sinh cao quý của 504 quân nhân Úc chiến đấu tại Việt Nam mới xứng đáng và ý nghĩa. Tại Úc, nơi nuôi dưỡng và phát huy tinh thần nhân đạo và dân chủ rất cao, các vị dân cử trên đã thể hiện tinh thần cao quý đáng để chúng ta học hỏi. Đối với Việt Nam, bao nhiêu xương máu của những người lính Việt Nam Cộng Hoà nói riêng, toàn dân tộc nói chung cho mục tiêu dân chủ và thịnh vượng từ hơn 150 năm qua đã đổ xuống nhưng chưa thành, thì ngày nay vẫn cần bàn tay khối óc và trái tim của mọi con dân Việt Nam.

Nếu có những người Úc nghĩ 30 tháng 4 là cơ hội nhìn lại để quyết tâm theo đuổi mục tiêu chưa thành của dân tộc Việt Nam thì chúng ta cũng cần nhìn lại lịch sử dân tộc cận đại và hiện đại để cố gắng vượt qua những trở ngại khó khăn mà tiến tới.

Phạm Phú Đức
Melbourne 22/3/2005