Con Chim Tự Do Trong Lồng

Trần Đức Tường

Phát biểu về tình trạng Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, Đức Giám Mục Claudio Maria Celli, người từng lãnh đạo nhiều phái đoàn Tòa Thánh Vatican tới Hà Nội đàm phán, đã nói: “Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam được tự do, giống như con chim được tự do trong lồng…”. Biết được câu nói này, người ta sẽ hiểu một cách chính xác hơn những lời tuyên bố về tự do tôn giáo của chính quyền CSVN, đặc biệt là lời tuyên bố của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi hội kiến với Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI hôm 25/01/2007 vừa qua. Theo báo chí của CSVN, ông đã trình bày với Đức Giáo hoàng rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn tôn trọng quyền dân chủ, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, được quy định trong pháp luật Việt Nam và được nhất quán thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi trên thực tế cho việc thăng tiến đời sống tôn giáo, coi đây là một nhân tố quan trọng bảo đảm đoàn kết toàn dân tộc”. Phần đầu lời tuyên bố cho thấy con chim được tự do, nhưng phần sau, bắt đầu từ chỗ “được quy định trong pháp luật…”, thì đó là cái lồng, một cái lồng rất chật hẹp.

Nhà Thờ Chánh Tòa, Hà Nội.

Tuần qua, báo chí ở Việt Nam cũng như nước ngoài đã đưa tin về cuộc hội kiến giữa thủ tướng Việt Nam với vị đứng đầu Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Theo thông cáo báo chí của Tòa Thánh Vatican thì vào lúc 11 giờ 07 phút, giờ Vatican, ngày 25/01/2007, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam đã viếng thăm Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI, trước khi có cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, thủ tướng và Đức Giám Mục Đômicô Mamberti, bộ trưởng ngoại giao. Cuộc tiếp kiến diễn ra trong thư viện riêng của Đức Giáo Hoàng đã kéo dài 25 phút. Bản thông cáo có đoạn viết: “Tòa Thánh vui mừng về cuộc thăm viếng này vì nó đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa đôi bên…”. Về nội dung những trao đổi giữa Đức Giáo Hoàng và ông Nguyễn Tấn Dũng, bản thông cáo cho biết: “Các trao đổi xoáy vào những vấn đề công khai và hy vọng sẽ được giải quyết qua đối thoại, đồng thời cũng dẫn đến một sự hợp tác có hiệu quả giữa Giáo hội và Nhà Nước. Như vậy, người Công Giáo có thể đóng góp tốt hơn cho ích lợi của đất nước, cho việc quảng bá những giá trị luân lý, nhất là đối với giới trẻ, cho việc phổ biến văn hóa, giáo dục và những công tác từ thiện giúp đỡ hướng về những người nghèo kém nhất”.

Nhà Thờ Đức Bà, Sài Gòn.

Về phía phái đoàn CSVN thì theo phóng viên hãng thông tấn AFP, họ đã từ chối không bình luận gì trước các đại diện truyền thông quốc tế ngay sau cuộc gặp gỡ. Nhưng sau đó, báo chí tại Việt Nam đã có những bài tường thuật với lập trường cố hữu của CSVN. Báo điện tử VietNamNet đăng tải: “Chính phủ Việt Nam chủ trương tiếp tục quá trình đối thoại trực tiếp với Tòa thánh Vatican trên cơ sở những nguyên tắc đã được hai bên thỏa thuận là: tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. Liên quan đến việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Vatican, cũng tờ báo này đã viết: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận ý kiến của Thủ tướng Vatican về việc thiết lập quan hệ ngoại giao và việc Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican sang thăm Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị giao cho cơ quan ngoại giao hai bên thảo luận cụ thể”. Tuy có vẻ làm cao và không hứa hẹn gì về việc bang giao, nhưng trong lúc CSVN đang nỗ lực hội nhập với thế giới sau khi vào WTO, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican là một việc rất quan trọng. Bài báo có câu viết: “Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Tòa thánh Vatican”. Tại Hội Nghị kinh tế quốc tế tại Davos, Thụy Sĩ, báo chí quốc tế đặt nhiều câu hỏi cho Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo. Trang điện tử của đảng CSVN ngày 27/01/2007, cho biết, ông Dũng đã nói: “Và mới đây trong buổi làm việc của tôi với Giáo hoàng Benedict và Thủ tướng Vatican, Giáo hoàng đã nói rằng nước Việt Nam là hình mẫu về tự do tôn giáo, tôi có đề nghị Giáo hoàng công bố công khai tuyên bố này cho các phương tiện thông tin đại chúng. Giáo hoàng cho biết sẽ thực hiện điều này trong thời gian tới”. Không thấy lời tuyên bố này trên báo chí ngoại quốc và thông cáo của Vatican.

Bang giao giữa Việt Nam và Tòa Thánh Vatican đã bị gián đoạn ở Miền Bắc vào năm 1954 và ở Miền Nam từ năm 1975. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã trải qua nhiều thập niên bị CSVN bách hại và gây rất nhiều khó khăn. Từ đầu thập niên 90, sau khi mở cửa, Vatican đã tìm cách đối thoại với chính quyền CSVN để tạo những thuận lợi cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Qua nhiều cuộc đàm phán, CSVN chưa thực hiện hoàn toàn tự do tôn giáo, nhưng họ cũng không thể nào siết chặt như xưa. Tuy vậy, họ chỉ nới lỏng một cách nhỏ giọt. Ý đồ thành lập Giáo Hội quốc doanh của họ không thành nên họ không thể làm như Trung Quốc là bổ nhiệm chức sắc Công Giáo; nhưng Vatican cũng đã phải nhượng bộ cho họ quyền chấp thuận cuối cùng mỗi khi chỉ định giám mục. Triều đại Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã đặt mục tiêu giúp đỡ các Giáo Hội tại những nước cộng sản còn sót lại. Nỗ lực của Tòa Thánh hiện nay là nếu chưa thể đưa con chim bay bổng ngoài thiên nhiên thì cũng làm mọi cách nới rộng cái lồng chim để con chim được tự do hơn.