Con Người Như Thành Phần Các Tổ Chức Xã Hội Dân Sự

Nguyễn Học Tập

Một đôi khi trong một số bài có chủ đề về Hiến Pháp, chúng tôi có đề cập đến sự tiến triển khá xa của quan niệm dân chủ Tây Âu, so với những ý tưởng phôi thai của thời kỳ chuyển tiếp từ thể chế quân chủ chuyên chế đến thể chế “Quốc Gia Pháp Trị“ (hành xử quyền lực Quốc Gia dựa trên luật pháp).

Quốc Gia trong thể chế Quốc Gia Pháp trị là Quốc Gia trong đó mọi cách hành xử quyền lực được định chế theo luật pháp xác định.

Các cơ cấu quyền lực Quốc Gia xử dụng quyền hành theo đường lối được Hiến Pháp và luật pháp định sẵn.

Và ý nghĩa tiên khởi của Hiến Pháp là một văn kiện bảo chứng cho người dân chống lại mọi lạm quyền của các cơ cấu quyền lực Quốc Gia. (Dân Chủ Thực Hữu và Tự Do Tích Cực cho Việt Nam, DĐVN, 105-106,5-6(2000); Thiểu số Đối Lập Hiến Pháp CHLBĐ, id.,111,12(2000).

Và đó là ý nghĩa mà chúng ta thường đọc các điều khoản đầu tiên của các Hiến Pháp dân chủ nhân bản Tây Âu:

Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm. Bổn phận của mọi quyền lực quốc gia là kính trọng và bảo vệ nhân phẩm đó.

Như vậy dân tộc Đức nhìn nhận các quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng của con người như là nền tảng của mọi cộng đồng nhân loại, của hoà bình và công chính trên thế giới. ..” (Điều 1, đoạn 1và 2 Hiến Pháp 1949 hiện hành CHLBĐ).

Hoặc:

Cộng Hoà dân chủ Ý nhìn nhận và bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người… ’ (Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Cũng trong hai bài vừa được nhắc đến, chúng tôi đã có dịp đề cập đến rằng tinh thần dân chủ các Quốc Gia Tây Âu đã tiến rất xa hơn những gì các tư tưởng sơ khởi “Quốc Gia Pháp Trị“ đã hạn hẹp gói ghém và đó cũng là những gì chúng ta mơ ước cho tương lai Việt Nam.

Tổ chức Quốc Gia dân chủ của họ không những chỉ giới hạn tuyên bố nhìn nhận các quyền tự do và bình đẳng bất khả xâm phạm của con người trên văn bản (égalité formelle), mà còn tiên liệu trên thực tế các phương tiện khả thi bảo chứng cho việc được đem ra thực hiện những gì Hiến Pháp đứng ra long trọng cam kết với quốc dân (égalité substantielle) hay tinh thần “Dân Chủ Thực Hữu’’:

Cứ mỗi lần Hiến Pháp nêu ra một quyền tự do, bình đẳng của người dân, Hiến Pháp đều đứng ra long trọng xác nhận: “Các bổn phận (của Quốc Gia) được đề cập đến trong điều khoản nầy sẽ do các cơ quan và tổ chức, được Quốc Gia thiết lập, bổ khuyết hoặc chu toàn“ (Điều 38, đoạn 4 Hiến Pháp 1947 hiện hành Ý.)

hoặc: ’’Các quyền căn bản được kể sau đây có giá trị bắt buộc đối với cơ quan lập pháp, quyền hành pháp và tư pháp như là quyền đòi buộc trực tiếp“ (Điều 1, đoạn 3 Hiến Pháp 1949 hiện hành CHLBĐ.)

Chúng tôi cũng đã có dịp đề cập đến tinh thần “Tự do tích cực’’ trong thể chế dân chủ các Quốc Gia Tây Âu.

Tự do trong cộng đồng Quốc Gia không chỉ có nghĩa là người dân không bị quyền lực Quốc Gia khuấy nhiễu, phiền hà, cản trở, bắt bớ trong cuộc sống của họ cũng như trong việc tham dự vào các sinh hoạt quốc gia, “tự do khỏi bị quyền lực quốc gia’’ (liberté de…”, mà còn được Quốc Gia tạo các điều kiện thuận lợi để người dân “tích cực tham dự“ vào đời sống Quốc Gia,”tự do tích cực” (liberté a`…):

Bổn phận của Quốc Gia là dẹp bỏ đi các chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại vật trong khi giới hạn thực sự tự do và bình đẳng của người dân, cản trở họ phát huy triển nở toàn vẹn con người của mình và tham dự thiết thực vào hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở” (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 hiện hành Ý).

Hoặc: “Mọi công dân đều có quyền tự do gia nhập các đảng phái để cùng cộng tác theo phương thức dân chủ thiết định đường lối chính trị quốc gia”. (Điều 49, id.).

Trong tinh thần khuyến khích quyền hành xử ’’tự do tích cực“, không những Quốc Gia không cấm cản, mà còn cổ võ người dân hãy dùng quyền tự do lập hội và nhập hội của mình để thành lập và gia nhập chính đảng, để: “… cộng tác theo phương thức dân chủ thiết định đường lối chính trị quốc gia”.

Cũng trong một tư tưởng đó, Hiến Pháp 1949 CHLBĐ tuyên bố: “Các chính đảng cộng tác trong việc thiết định ý hướng chính trị của dân chúng. Việc thành lập chính đảng hoàn toàn được tự do… “ (Điều 21, đoạn 1 Hiến Pháp hiện hành CHLBĐ).

II- Tiếp nối với những tư tưởng vừa trình bày, chúng tôi muốn được nhìn đến một khía cạnh khác trong mức tiến bộ tư tưởng dân chủ Tây Âu.

Đó là tư tưởng con người, lồng trong môi trường các tổ chức dân sự xã hội, môi trường sống tự nhiên của con người trong cuộc sống thường nhật.

Và đây là điều khoản của Hiến Pháp Ý, đề cập đến chủ đề chúng ta đang bàn:

Quốc Gia dân chủ (Ý) nhìn nhận và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay trong các tổ chức xã hội, nơi con người phát triển nhân phẩm của mình… “ (Điều 2, Hiến Pháp 1947 hiện hành Ý).

Nói cách khác, Quốc Gia dân chủ Ý ’’nhìn nhận và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm con người.. .” bất cứ trong môi trường nào,

* con người như một chủ thể đứng riêng rẽ

* hay con người như là thành phần của một tổ chức, tập thể dân sự xã hội: “con người như cá nhân hay trong các tổ chức xã hội’’.

Tại sao các Hiến Pháp dân chủ Tây Âu hiện đại đặt vấn đề bảo vệ con người như là thành phần các tổ chức dân sự xã hội cần được bảo đảm?

Như trên chúng tôi có dịp đề cập, Hiến Pháp là những văn bản được viết ra với mục dích nguyên thủy để bảo vệ người dân đối với mọi lạm quyền từ các tổ chức quyền lực Quốc Gia.

Đó là tính cách “bảo chứng“ của Hiến Pháp, chống lại mọi khuynh hướng “độc tài, độc tôn“, xử dụng quyền lực tuỳ hỷ của thời quân chủ chuyên chế “legibus solutus”. Và đó là ý nghĩa của nền dân chủ “Quốc Gia Pháp Trị“ (từ nay về sau, vua chúa không thể xử dụng quyền lực tùy hỷ, áp đặt, đánh đập, bắt bớ, chém giết ai tùy hỷ, mà phải hành xử,

trong các trường hợp và theo thể thức ấn định”

hay “như luật lệ ấn định, theo luật lệ hiện hành“).

Nhưng dần dần thể chế dân chủ ý thức rằng những trường hợp lạm quyền, những vi phạm đến các quyền căn bản bất khả xâm phạm của con người, không phải chỉ phát xuất từ phía tổ chức Quốc Gia, mà ngay cả từ phía cá nhân hay từ phía các tập thể cá nhân, các hình thức tổ chức dân sự xã hội trung gian.

Câu “con người như cá nhân hay trong các tổ chức xã hội…” được các vị soạn thảo Hiến Pháp Tây Âu nói chung và Hiến Pháp Ý nói riêng viết ra để nói lên mối lo âu đó và tìm phương thế bảo vệ con người, trong tinh thần “bảo chứng“ của Hiến Pháp.

Nói cách khác, Hiến Pháp hiện đại của các Quốc Gia dân chủ Tây Âu là những văn bản “bảo chứng“ bảo vệ con người, các quyền căn bản bất khả xâm phạm của con người chống mọi lạm quyền “bất cứ từ đâu đến“ (… erga omnes).

Và sau đây là phán quyết của Bảo Hiến Pháp Viện Ý:

Ở đoạn 1, phần đầu của Hiến Pháp một vài quyền căn bản về tự do, phần lớn thuộc các quyền bất khả xâm phạm của con người, được điều 2 của Hiến Pháp đề cập đến, được nhìn nhận thuộc về quyền của mỗi người và mỗi người có quyền đòi buộc đối với tất cả (…erga omnes”) (Corte Cost. sent n. 12/ 1982).

Đọc lại văn mạch của điều khoản Hiến Pháp vừa trích dẫn, chúng ta thấy rằng “chủ thể“ của lời cam kết được ghi trên Hiến Pháp không ai khác hơn là chính “Quốc Gia”, được Hiến Pháp quy trách cho: “Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo dảm các quyền bất khả xâm phạm của con người…” (Điều 2, Hiến Pháp 1947 hiện hành Ý).

Quốc Gia là chủ thể tối thượng trong cộng đồng quốc gia, đứng ra bảo đảm cho con người như cá nhân và như thành phần các tổ chức dân sự xã hội, chống lại mọi lạm quyền bất cứ từ đâu đến (erga omnes: từ phía Quốc Gia, từ một cá nhân hay từ một đoàn thể) làm tổn thương đến quyền và tự do bất khả xâm phạm của con người.

Bởi đó quyền và tự do của con người được một quyền lực vững chắc “nhận biết và bảo đảm”.

Các vị soạn thảo Hiến Pháp 1947 Ý đã không dùng “các cơ cấu quyền lực quốc gia” mà chính “Nền Cộng Hoà” đứng ra “nhận biết và bảo đảm…” nói lên rằng không những cơ chế tổ chức Quốc Gia (Lập Pháp, Hành Pháp, và Tư Pháp), mà cả định chế Quốc Gia (Hiến Pháp, Luật Pháp, cơ chế, tinh thần cũng như cả nền văn hoá nhân bản và dân chủ) cũng được xây dựng trên quan niệm địa vị tối thượng của con người, trong đó nhân phẩm và các quyền căn bản của con người đều được đặt ở địa vị thượng đẳng, bất khả xâm phạm chống lại mọi vi phạm bất cứ từ đâu đến.

1- Muốn bảo đảm có hiệu quả điều cam kết, nguyên tắc trước tiên mà bất cứ tổ chức đân sự xã hội nào cũng phải áp dụng, đó là các tập thể xã hội phải tổ chức theo phương thức dân chủ, nội quy của tổ chức phải được đặt nền tảng trên nguyên tắc dân chủ:

’Các chính đảng cộng tác trong việc thiết định ý hướng chính trị của dân chúng. Việc thành lập chính đảng hoàn toàn được tự do. Nội quy của các chính đảng phải đáp ứng lại các nguyên tắc căn bản dân chủ.. . (Điều 21, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 hiện hành CHLBĐ).

Các chính đảng có mục đích hoặc đường lối hành xử của đảng viên nhằm phương hại hoặc tiêu diệt thể chế căn bản dân chủ và tự do hay đe dọa sự tồn vong của Cộng Hoà Liên Bang Đức, là những chính đảng bất hợp hiến…” (Điều 21, đoạn 2, id.)

Đọc điều khoản vừa trích dẫn của Hiến Pháp 1949 CHLBĐ, chúng ta có thể đặt một câu hỏi liên hệ là trong trường hợp các tổ chức dân sự xã hội không tổ chức theo tinh thần vừa nêu ra của Hiến Pháp 1949, quyền căn bản của người dân bị vi phạm, người dân có thể cầu cứu ai và Quốc Gia lấy nguyên tắc nào can thiệp để bảo đảm cho cá nhân bị xúc phạm đồng thời không làm tổn thương “quyền tự do lập hội và gia nhập hội“ cũng là quyền căn bản của con người, dựa vào đó các tập thể dân sự xã hội được thành lập.

2- Cá nhân bị xúc phạm có thể kêu cứu ai?

Câu trả lời cho vấn nạn cũng dễ thôi, bởi lẽ phương thức và cơ cấu quyền lực quốc gia được dùng để tiên liệu can thiệp ai trong chúng ta cũng biết đó là thể chế hiến định, luật pháp, cơ quan công lực trong trường hợp khẩn cấp và tiếp đến là cơ quan tư pháp:

Mọi người đều có quyền thưa gởi đến tòa án để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Quyền được biện hộ bênh vực là một quyền bất khả xâm phạm trong bất cứ hoàn cảnh nào và ở vào bất cứ mức độ nào của tiến trình xữ án. Quốc Gia bảo đảm cho những ai không đủ phương tiện, bằng những cơ chế thích hợp, các phương thức để hành động và biện hộ bảo vệ mình trước mọi thẩm phán đoàn. Luật pháp xác định điều kiện và phương thức để bù đấp, sửa chữa những sai lỗi. (Điều 24, Hiến Pháp 1947 id).

3- Trả lời cho câu hỏi liên quan đến nguyên tắc có vẻ phức tạp hơn. Câu trả lời liên hệ được Hiến Pháp CHLBĐ đề cập thoáng qua khi cho rằng: “các chính đảng… đảng viên nhằm mục đích làm phương hại… tiêu diệt thể chế căn bản dân chủ và tự do hay đe dọa sự tồn vong của CHLBĐ là những chính đảng bất hợp hiến”.

Nói cách khác, đành rằng mỗi cá nhân đều có quyền lập hội và nhập hội, nhưng trong một Quốc Gia dân chủ không ai được có những hành vi làm tổn thương hoặc tiêu diệt những giá trị nền tảng trên đó thể chế dân chủ và nhân bản được xây dựng.

Điều 2 của Hiến Pháp 1947 hiện hành Ý được trích dẫn trên là: “một bản kê khai vừa ra được mở ra để ngành luật pháp quốc gia dựa vào đó điền thêm những trường hợp bảo đảm cho các trường hợp khác bất khả xâm phạm của con người”. (T. Martines, Diritto costituzinale, Giuffré, Milano 1998, 214).

Quốc Gia sẽ đứng ra can thiệp khi lằn mức những giá trị nền tảng của thể chế Quốc Gia dân chủ và nhân bản bị vượt qua.

Hay nói như ngôn từ của Hiến Pháp 1949 CHLBĐ, Quốc Gia sẽ đứng ra tự vệ chống lại “những chính đảng bất hợp hiến” (Điều 21, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 CHLBD).

Lằn mức không thể vượt qua đó, trong thể chế dân chủ nhân bản được Hiến Pháp 1947 Ý tuyên bố: “Mọi hành vi hung bạo trên thể xác và tinh thần của người bị giảm thiểu tự do đều sẽ bị trừng phạt” (Điều 13, đoạn 4 Hiến Pháp 1947 hiện hành Ý).

Cũng vậy:

Hình phạt không bao giờ có thể gồm những cách đối xử vô nhân đạo và phải được áp dụng trong khuynh hướng cải hoá người bị kết án’ (Điều 27, đoạn 3 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Không có trường hợp nào trong đó một quyền căn bản bị vi phạm tổn thương đến nội dung thiết yếu” (Điều 19, đoạn 2 Hiến Pháp hiện hành 1949 CHLBĐ).

Và trong khuôn vi những lằn mức không thể vượt qua đó của thể chế dân chủ nhân bản, nền tảng của các Quốc Gia Dân Chủ được xây dựng trên nguyên tắc dân chủ (quan niệm có liên hệ mật thiết với các quyền tự do căn bản) và nguyên tắc bình đẳng.

Đó là hai nguyên tắc căn bản, trên đó thể chế Quốc Gia Dân Chủ, sự tôn trọng các quyền bất khả xâm phạm của con người được cấu kết.

Những tư tưởng cột trụ vừa kể luôn được các Hiến Pháp dân chủ liệt kê:

Ý Quốc là một Quốc Gia Dân Chủ Cộng Hoà… “ (Điều 1, Hiến Pháp 1947 hiện hành Ý).

Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo đảm những quyền bất khả xâm phạm của con người,… “ (Điều 2, id).

Mọi công dân đều có địa vị xã hội ngang nhau và đều bình đảng trước pháp luật… “ (Điều 3,id).

Và như trên chúng tôi đã có dịp đề cập, trong một Quốc Gia Dân Chủ không ai được có hành vi vượt quá lằn mức được thể chế hiến định minh xác cũng như không ai được có hành vi mà

“… mục đích hoặc đường lối hành xử nhằm phương hại… tiêu diệt thể chế căn bản dân chủ tự do hay đe dọa sự tồn vong của (Quốc Gia)…” (Điều 21, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).

Đó là phương thức Quốc Gia dùng để tự vệ đồng thời cũng là những bảo đảm bênh vực quyền bất khả xâm phạm của cá nhân, chống lại những vi phạm bất cứ từ đâu đến.

III- Những tổ chức dân sự xã hội quan trọng.

a) Chúng ta vừa đề cập đến những nguyên tắc nền tảng, dựa vào đó thể chế Quốc Gia Dân Chủ bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của cá nhân chống lại mọi vi phạm từ các tổ chức dân sự xã hội.

Sau đây chúng ta liệt kê những tổ chức dân sự xã hội quan trọng vừa kể. Đó là:

gia đình,
các tổ chức tôn giáo,
học đường,
hãng xưởng,
chính đảng,
công đoàn lao động,
các tổ chức vùng, tỉnh, quận, làng mạc, xã ấp. (Rossi, Le formazioni sociali nella Costittuzione Italiana, Padova 1990).

Đối với những tổ chức dân sự xã hội vừa kể, các trích dẫn Hiến Pháp CHLBĐ và Ý ở trên cho chúng ta ý niệm về đường lối mà các tổ chức phải tuân theo, như là những tổ chức trong lòng một Quốc Gia Dân Chủ.

Đó là về phương thức hành động, các tổ chức phải hoạt động theo phương thức dân chủ:

Mọi công dân đều có quyền gia nhập các đảng phái để cùng cộng tác theo phương thức dân chủ thiết định đường lối chính trị quốc gia” (Điều 49, Hiến Pháp 1947 hiện hành Ý).

Về phương thức tổ chức tổ chức nội bộ, các tổ chức phải phát huy được tinh thần dân chủ trong đường lối tổ chức của mình: nội quy của tổ chức phải là nội quy theo đường lối dân chủ.

’Các chính đảng cộng tác thiết định ý hướng chính trị của dân chúng… Nội quy của chính đảng phải đáp ứng lại các nguyên tắc dân chủ”. (Điều 21, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 hiện hành CHLBĐ).

Nói tóm lại các giá trị mà các Hiến Pháp dân chủ Tây Âu đòi buộc ở các tổ chức dân sự xã hội phải tôn trọng có thể quy tóm về hai nguyên tắc: tôn trọng tự do và tôn trọng bình đẳng.

Từ đó các quyền tự do căn bản và bình đẳng thuyết lý phải được các tổ chức nhìn nhận và bảo đảm trong tổ chức nội bộ của mình.

Trong tinh thần đó, các tôn giáo không phải là Công Giáo (trường hợp Ý), không phải là Thiên Chúa Giáo (trường hợp các quốc gia Tây Âu khác), có quyền tổ chức tuỳ theo nội quy của mình, “miễn là các nội quy đó không đi ngược lại thể chế luật pháp của quốc gia” (Điều 8, đoạn 2 hiến Pháp 1947 hiện hành Ý).

Và như chúng ta biết thể chế pháp luật quốc gia Ý cũng như Tây Âu là thể chế dân chủ nhân bản, trong đó các quyền tự do và bình đẳng căn bản của con người bất khả xâm phạm (Điều 2, Hiến Pháp 1947, id.).

* Gia đình:

Gia đình được xây dựng trên nền tảng hôn nhân, dựa vào nguyên tắc bình đẳng trên luân lý và pháp luật của hai vợ chồng, với các lằn mức được pháp luật quy định để bảo đảm sự hợp nhất của gia đình” (Điều 29,đoạn 2 HiếnPháp 1947, id..)

* Học đường:

trong việc thiết định các quyền và bổn phận bắt buộc đối với các trường tư thục để được xem đồng đẳng với trường công, luật pháp phải xác định được việc đứng ra bảo đảm tự do cho các tư thục cũng như bảo đảm tính cách đồng đẳng cho học sinh và sinh viên của họ có được nền giáo dục ngang hàng với học sinh và sinh viên các trường công lập” (Điều 33, đoạn 4 Hiến Pháp 1947 id..).

* Công đoàn lao động: “để được ghi vào danh sách quốc gia, các công đoàn lao động phải được tổ chức theo một bản nội quy dựa trên nguyên tắc dân chủ” (Điều 39,đoạn 3 HiếnPháp 1947 id.)

Tinh thần dân chủ, nguyên tắc để tổ chức nội bộ cũng như phương thức hoạt động của các chính đảng được Hiến Pháp 1947 Ý xác định (Điều 49, id.):

Mọi công dân có quyền tự do gia nhập chính đảng để cùng nhau bằng phương thức dân chủ, cộng tác thiết định đường lối chính trị Quốc Gia”

b) Tổ chức dân sự xã hội, quyền lực tư nhân và tự do của thành phần thứ ba.

Các quyền tự do của con người như cá nhân, không những có thể bị đe dọa và vi phạm bởi quyền lực quốc gia, mà còn bởi các tổ chức dân sự xã hội trung gian, nơi con người là thành viên (gia đình, cộng đồng tôn giáo, học đường, môi trường làm việc như hảng xưởng, tổ chức công đoàn lao động, chính đảng, vùng, tỉnh, quận, xã ấp), cũng như bởi những hoàn cảnh trong đó con người cá nhân trở thành ’’đệ tam nhân” đối với các tổ chức dân sự xã hội vừa kể.

Danh từ “ đệ tam nhân” chúng tôi tạm dùng để chỉ con người bị đặt “ ra ngoài lề “ tổ chức và hoạt động của các cơ chế dân sự xã hội vừa kể (Nigro, Formazioni sociali, poteri privati e libertà del terzo, in Pol. del Dir., 1975.)

Trong một xã hội tiến bộ đa nguyên và đa dạng, các quyền lợi của nhiều tổ chức thường có khuynh hướng quy tựu thành quyền lợi của nhiều phe nhóm, hoạt động trong các điều kiện “đặc quyền đặc lợi”, gạt ra bên lề các cá nhân không thuộc tổ chức, không hội đủ điều kiện để tham dự.

Đó là:

những nhóm độc quyền kinh tế,
các chính đảng đặc biệt dành riêng,
các trung tâm quyền lực và quyền lợi,

các thể thức hành chánh bàn giấy thiên vị, ưu đãi một vài người hay một vài nhóm bởi vì họ là các “ông bự“, uy quyền, giàu có hoặc là thân hữu của những nhân vật “có máu mặt”.

Các tổ chức ’’đặc quyền đặc lợi” cũng như các cơ quan hành chánh thiên vị vừa kể hoạt động trong các điều kiện ưu đãi và quyền lực đặc biệt:

tư thế miễn nhiễm (immunité) của cơ quan hành chánh trong việc ký hợp đồng,

trong trách nhiệm dân sự (responsabilité civile),

kỳ thị trong việc phân chia nguồn tài trợ của quốc gia (ưu đãi một thiểu số thân hữu và loại trừ những cá nhân “được coi là không hội đủ điều kiện” hay “đệ tam nhân”)

Các tổ chức phe nhóm hoạt động được ưu đãi, “đặc quyền đặc lợi” vừa kể thường dùng các phương tiện truyền thông, học đường, cơ chế hành pháp và lập pháp quốc gia để không chế và loại trừ “đệ tam nhân”,

“… cản trở họ tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội của xứ sở “ (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 hiện hành Ý).

Do đó, hành động “đặc quyền đặc lợi”, ưu đãi, phe nhóm là những hành động đi ngược lại tinh thần của điều khoản Hiến Pháp vừa trích dẫn, hay là những hành động “bất hợp hiến” cần loại trừ.

Về phương diện kinh tế, Hiến Pháp Ý tuyên bố một cách rõ rệt những đường nét lý tưởng mà chúng tôi vừa đề cập trên:

“… Sáng kiến cá nhân về kinh tế là sáng kiến tự do.

Không ai có thể hoạt động kinh tế ngược lại với lợi ích xã hội hoặc gây ra thiệt hại cho an ninh, tự do và nhân phẩm con người…” (Điều 41, đoạn 1 và 2, Hiến Pháp 1947, id..).

Như vậy,

* “… an ninh, tự do và nhân phẩm con người”,

* “… tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở”,

là những mục đích nhân bản cột trụ bất di dịch của Hiến Pháp 1947 hiện hành Ý và cũng là của các Hiến Pháp nhân bản Tây Âu, là chìa khóa để hiểu được thể chế và cơ chế quốc gia của quốc gia họ.

Và đó là ý nghĩa của câu nói:

“Tự do chính trị không phải là thứ tự do đơn độc riêng rẽ: đó là hoạt động của mỗi cá nhân thực hiện cộng tác để bảo toàn quốc gia, ngay cả khi chính họ không tham dự một cách tích cực (trực tiếp)” (Crick, La Libertà come politica, in La Libertà Politica, p.181).

c) Các phương thức để bảo đảm quyền của “đệ tam nhân”:

* các định chế và cơ chế lập pháp và tư pháp can thiệp để bảo vệ quyền tự do và bình đẳng của người dân đối với các lạm dụng của các tổ chức dân sự xã hội,

* Loại trừ một vài quyền miễn nhiễm của các cơ quan hành chánh có thể là điều kiện và cơ hội đưa đếnlạm dụng.

* Từ thể chế hiến định đến luật pháp, luôn luôn đề cao và xác định các nguyên tắc về tự do, bình đẳng và vô tư (impartialité).

* Chính trị hoá một ít tổ chức dân sự xã hội: cá nhân người dân hoặc các đại diện của họ được khuyến khích tham dự vào các tổ chức dân sự xã hội và vào chính quyền.

Các tổ chức dân sự xã hội phải tôn trọng nguyên tắc dân chủ, tự do và bình đẳng. Tính cách bắt buộc nầy sẽ được các cơ chế quyền lực quốc gia bảo đảm, theo tinh thần đã được nêu ra để nhìn nhận và bảo vệ quyền và tự do của con người:

Cộng Hoà dân chủ Ý nhìn nhận và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người… “ (Điều 2, Hiến Pháp 1947 hiện hành Ý).

Trong tinh thần đó của Hiến Pháp, “sự tham dự hoàn hảo một cách thiết thực (của mọi người dân) vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở “ là lý tưởng cần phải đem ra thực hiện.

Trái lại, các “miễn nhiễm và đặc quyền đặc lợi” cho cá nhân, cho phe nhóm, cho giới cấp là những nguyên tắc “mọi rợ” của quá khứ.

Trong thực tế, thiết lập cơ chế chống độc quyền thao túng (anti-trust) là hình thức hữu hiệu chống tập đoàn, bè đảng, vây cánh (cartella) tập hợp nhằm thỏa thuận, lũng đoạn thị trường để loại trừ “đệ tam nhân” và độc quyền khuynh đảo một cách bất chính.