Cơn Sóng Dân Chủ Lan Tới Miến Điện

Ngô Nhân Dụng

Chính quyền quân phiệt Myanmar (Miến Ðiện) đã thiết quân luật và cấm dân chúng không được tụ tập từ 5 người trở lên. Dân chúng Miến, theo chân các tăng sĩ, hôm qua vẫn tiếp tục xuống đường sau sang tuần lễ thứ sáu. Các nhà sư trẻ tuổi đã thay đổi khẩu hiệu. Ngoài những lời kêu gọi chính quyền lắng nghe tiếng nói của dân cải thiện đời sống cho người nghèo, bây giờ họ còn hô lớn những khẩu hiệu: “Dân Chủ! Dân Chủ!”

Những cuộc biểu tình tại Miến Ðiện bắt đầu 4 ngày sau khi chính quyền tăng giá xăng gấp 5 lần vào ngày 15 Tháng Tám. Và một tuần sau thì giới tăng sĩ trẻ bắt đầu tham gia. Lúc đầu họ đã yêu cầu dân chúng đứng bên ngoài, không được cùng đi với các tăng sĩ để tránh bị đàn áp. Kinh nghiệm cho biết năm 1988 chính quyền Miến đã cho lính bắn vào dân biểu tình, làm chết trên ba ngàn người, nhiều nhất là giới sinh viên. Nhưng từ mấy ngày qua dân chúng đã đi theo các vị sư, ở thủ đô con số lên tới hàng trăm ngàn người.

Nhiều người ngạc nhiên khi chính quyền quân phiệt đã không dùng bạo lực dẹp biểu tình ngay từ những tuần lễ đầu tiên. Một lý do có thể là giới quân phiệt Myanmar đang phân vân và chia rẽ. Họ rất lệ thuộc vào Cộng Sản Trung Quốc, trong khi bị các cường quốc khác tẩy chay. Và chính quyền Bắc Kinh lại đang thúc đẩy họ không được đàn áp dân, vì sợ nước Trung Hoa sẽ mang tiếng lây trước dư luận thế giới. Chính ngoại trưởng Trung Quốc đã tuyên bố muốn Myanmar giữ được tình trạng ôn hòa và tiến thêm nữa trên đường dân chủ hóa. Ít khi Cộng Sản Trung Quốc lại đề cao dân chủ như vậy! Họ đàn áp phái Pháp Luân Công trong khi các tướng lãnh Miến chưa dám bắn vào các nhà sư.

Bộ trưởng tôn giáo của chính quyền Myanmar đã lên tiếng đe dọa các vị tăng sĩ, và chính quyền Miến đã bắt các vị sư cao cấp của Phật Giáo Myanmar ban giáo chỉ yêu cầu các tăng sĩ không được biểu tình. Nhưng ở Myanmar cũng như tại các nước Phật Giáo khác, các nhà lãnh đạo tôn giáo chỉ có quyền lớn trong phạm vi giảng giải kinh điển và giáo luật, còn việc xã hội họ không đủ quyền hành để ra lệnh cho các tăng sĩ không được đứng lên bênh vực người dân. Ngày 12 Tháng Chín vừa qua một tổ chức mới ra đời, Liên Minh Tăng Gia Miến Ðiện, đã yêu cầu các tăng sĩ bày tỏ thái độ bằng cách trong khi đi khất thực không nhận cúng dường của các quân nhân nếu quân đội đàn áp những vị sư biểu tình và không chịu xin lỗi. Mươi ngày sau, nhóm tăng sĩ trong liên minh này đã kêu gọi tiếp tục biểu tình cho tới khi “xóa bỏ chế độ độc tài quân phiệt.”

Việc các vị tăng sĩ tham dự vào các cuộc biểu tình lần này cũng giống như những năm 1988 và 1990, họ chỉ xuất hiện sau khi dân chúng đã xuống đường phản đối chế độ độc tài quân phiệt. Trong các nước theo Nam Tông, các tu viện có vai trò xã hội rất lớn. Ở các nước Bắc Tông như Trung Quốc, Hàn quốc, Nhật Bản và Việt Nam còn có Nho Giáo làm một nền tảng luân lý bên cạnh Phật Giáo. Còn tại các quốc gia theo Nam Tông tất cả đời sống đạo đức, xã hội, phong tục, đều được đặt trong khung cảnh giáo lý nhà Phật. Ở một nước như Thái Lan, nhà vua thường bày tỏ lòng kính trọng đối với các vị tăng cao cấp nhất nước, và chính quyền vẫn bảo trợ các tự viện. Nhưng cũng trong truyền thống Nam Tông, người cầm quyền chính trị và các tăng sĩ không can thiệp vào công việc của nhau. Tại Myanmar, từ sau những cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu năm 1990, chính quyền quân phiệt đã tìm cách kiểm soát giới tăng sĩ cao cấp, nâng đỡ những người chịu phục tùng chế độ. Tuy nhiên, vì bản chất Phật Giáo không chấp nhận một giáo quyền tập trung, duy nhất cho nên những tăng sĩ trẻ vẫn có thể hoạt động hỗ trợ người dân chống độc tài, mà không sợ trái với giáo luật trong tự viện. Hơn nữa, dù có một số nhỏ các vị sư theo lệnh của chính quyền, đại đa số các tu viện đều đứng về phía người dân bị áp bức.

Tướng Thura Myint Maung, bộ trưởng tôn giáo trong chính phủ Myanmar, đã chỉ trích các tăng sĩ biểu tình, yêu cầu họ trở về chùa tu học, vì biểu tình chống chính quyền là làm sai giáo lý đức Phật, sẽ bị trừng trị. Nhưng người dân Myanmar và các tăng sĩ Miến chắc chắn hiểu rõ giáo luật hơn các nhà độc tài quân phiệt.

Trong mấy ngày sắp tới, chính quyền quân phiệt Miến có thể sẽ đàn áp dân và các tăng sĩ, giống như họ đã làm trước đây. Vì những người lãnh đạo quân phiệt Miến không biết cách phản ứng nào khác; đặc biệt là ông Tướng Than Shwe vẫn được coi là người không biết gì về đời sống dân chúng và rất ghét bà Aung San Suu Kyi. Với một nhóm người nắm toàn quyền trên đời sống của dân và vừa thiếu hiểu biết vừa tham quyền cố vị, người dân Miến Ðiện có thể lại bị đổ máu. Chỉ có một giải pháp khác là nhóm quân phiệt Miến Ðiện phải thanh toán lẫn nhau để thay đổi chế độ. Khi đó, bà Suu Kyi có thể được trả tự do và mời tham dự chính quyền.

Ngày hôm qua, Tổng Thống George W. Bush đã hô hào các nước tạo thêm áp lực lên chính quyền Miến, và chính phủ Mỹ sẽ đưa ra thêm các biện pháp mới trong việc cấm vận Miến Ðiện. Nhưng các nước Tây phương đã phong tỏa Miến Ðiện từ vài chục năm nay mà không làm cho chế độ thay đổi. Những lời kêu gọi dân chủ của ông Bush khó tạo được áp lực vì người ta sẽ so sánh chế độ độc tài ở Miến Ðiện với chính quyền Pakistan, nơi chính phủ Bush đang ủng hộ Tướng Pervez Musharraf. Ðồng minh quan trọng duy nhất của chế độ độc tài Miến là Trung Quốc, và Bắc Kinh hiện nắm đòn bẩy quan trọng đủ để gây áp lực với chính quyền Rangoon.

Trung Quốc đã đầu tư vào khu mỏ khí đốt lớn nhất ở Myanmar, đã xây dựng một hải cảng để nối liền bằng đường xe lửa với Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. Ðầu năm nay, Trung Quốc đã phủ quyết việc lên án chính quyền Miến Ðiện mà Mỹ đưa ra trước Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Tuy bề ngoài tỏ ra rất thân thiện và bênh vực chính quyền quân phiệt Myanmar trên các diễn đàn quốc tế, nhưng bên trong Bắc Kinh cũng tỏ ra khinh thường nhóm độc tài dốt nát này, vì họ không cần phải bảo vệ chế độ đó. Trên trang lưới của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc viết những bài chế nhạo việc nhóm quân phiệt cầm đầu Myanmar đã quyết định đổi thủ đô từ Rangoon tới Pinmana, một thành phố mới xây giữa một vùng hoang vu, cách Rangoon hơn 300 cây số về phía Bắc. Một buổi sáng gần 2 năm trước đây, đúng 6 giờ 30 phút, tất cả công chức được lệnh di chuyển tới thủ đô mới. Vì các tướng lãnh xem bói thấy địa điểm mới này rất hợp với phong thủy, và cần thiên đô đúng ngày giờ đó mới tốt. Mạng lưới của chính phủ Trung Quốc còn cho biết chính quyền Myanmar không hề báo trước cho các phái bộ ngoại giao các nước khác biết trước ngày dọn nhà; giới ngoại giao “hoàn toàn trong bóng tối, như thường lệ!” Họ còn chê thủ đô mới chưa có đủ hạ tầng cơ sở, chưa có một phi trường quốc tế. Trong khi đó bốn sân chơi cù (golf) đã được hoàn tất!

Một viên chức ngoại giao Trung Quốc nói riêng với người Mỹ rằng họ đang thúc đẩy nhóm tướng lãnh độc tài Miến Ðiện hãy thỏa hiệp với bà Aung San Suu Kyi, người đang bị quản thúc, và có tin mới bị bắt trở lại, sau khi các nhà sư biểu tình đi qua nhà bà và được bà đứng trong cửa vái chào. Bắc Kinh biết rằng dù Myanmar có một chính phủ dân chủ và dân sự thì cũng không hại gì cho Trung Quốc. Cũng như Việt Nam, số phận nước này không thể tách ra để trở thành thù nghịch với Trung Quốc, vì những ràng buộc địa dư và kinh tế hai bên quá chặt chẽ.

Bà Aung San Suu Kyi

Bà Suu Kyi đã lãnh đạo đảng Liên Minh Dân Chủ thắng lớn trong cuộc bầu cử năm 1990, và chính quyền quân phiệt đã xóa bỏ kết quả cuộc bỏ phiếu này. Hiện nay người dân Miến đang hướng về bà như một niềm hy vọng. Thân phụ bà là một vị tướng trong cuộc kháng chiến giành độc lập của Miến Ðiện, sau bị ám sát. Bà đã từ bỏ gia đình riêng ở Anh Quốc để trở về Miến Ðiện hoạt động cho tự do dân chủ từ 18 năm nay, trong đó 12 năm sống trong tù hoặc bị quản thúc.

Chúng ta chỉ hy vọng dân Miến Ðiện sẽ được may mắn thoát khỏi một chế độ độc tài tàn bạo và thất học, để cải tổ kinh tế và dân chủ hóa. Tinh thần quật khởi của người dân Miến sẽ là một tấm gương để người Việt Nam trông vào mà suy ngẫm về số phận mình. Làn sóng dân chủ đã lan tràn khắp thế giới trong mươi năm qua, đến lúc vùng Ðông Nam Á sẽ thay đổi. (Người Việt, Tuesday, September 25, 2007)

****

Aung San Suu Kyi under House Arrest 2

****

R.E.M. Aung San Suu Kyi of Burma