Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan – Kỷ Niệm 25 Năm Ngày Tổng Đình Công

Đánh dấu 25 năm ngày Tổng Đình Công, đưa đến sự nhượng bộ của chính quyền Cộng sản Ba Lan trong việc công nhận 21 yêu sách của Ủy ban Đình Công vào nửa đêm ngày 31 tháng 8 năm 1980, một số tổ chức quốc tế đã cùng với các cựu thành viên thuộc Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan đã tổ chức một Hội nghị với chủ đề ’Những Bài Học Từ Cuộc Chiến Đấu Cho Tự Do của Công Đoàn Đoàn Kết’ vào ngày 30 tháng 8 năm 2005, tại thành phố Gdansk, Ba Lan và một cuộc mít tinh đặc biệt vào ngày 4 tháng 9 năm 2005, tại thành phố Gdansk, Ba Lan, nơi xuất phát phong trào đình công đầu tiên và cũng là nôi đấu tranh của Công đoàn đoàn kết.

Được biết cách đây 25 năm, cuộc đình công chống tăng giá thịt của công nhân tại thành phố Chelm đã tác động mạnh mẽ lên các công nhân ở thành phố Gdansk, nằm ở ven biển Baltic. Ngày 14 tháng 8 năm 1980, lấy lý do chống đối việc ban quản trị đã đuổi việc một nữ công nhân phụ trách điều khiển giàn cần trục tự động, công nhân xưởng đóng tàu Lênin tại Gdansk chiếm công trường, tổ chức đình công. Đến ngày 16 tháng 8, công nhân đã tự động thành lập Ủy ban đình công (MKS), nhằm bảo vệ quyền lợi công nhân. Ngày 18, Ủy ban đình công (MKS) đã đưa ra 21 yêu sách đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan phải đáp ứng như công nhận quyền đình công, thừa nhận quyền lập nghiệp đoàn, quyền tự do hội họp…

Ngày 22 tháng 8, chính quyền Gierek phải cử một số cán bộ đến thảo luận về những yêu sách của Ủy ban đình công ở Gdansk. Ngày 24 tháng 8, nhằm vận động giới trí thức hậu thuẫn cuộc đấu tranh của công nhân, Ủy ban đình công (MKS) đã thành lập Tiểu ban chuyên môn, mời những người trí thức tham gia với tư cách cố vấn. Ngày 29 tháng 8, công nhân ở hai thành phố Poznan và Shilonsk đình công để ủng hộ cuộc đấu tranh của Ủy ban đình công tại Gdansk. Sau mấy ngày thảo luận và tranh cải về nhiều vấn đề, cuối cùng, đại diện chính quyền Gierek đã ký một thỏa ước với Lech Walesa, đại diện Ủy ban vào nửa đêm ngày 31 tháng 8 năm 1980, đồng ý thực thi 21 yêu sách của Ủy ban như chấp nhận quyền tự do lập nghiệp đoàn, tự do nhóm họp và tự do đình công…

Đây là thắng lợi đầu tiên của công nhân Ba Lan, và cũng là một sự kiện hy hữu, vì Ba Lan là quốc gia đầu tiên công nhận sự hoạt động độc lập của một Công đoàn trong các nước Cộng sản vào thời đó. Sự kiện này đã tạo một hình thái đấu tranh mới cho hàng ngũ thanh niên sinh viên Ba Lan, nên ngày 2 tháng 9, Liên Minh Thanh Niên Độc Lập đã được thành lập tại thủ đô Warsaw. Ngày 4 tháng 9, Ủy ban đình công (MKS) đã cải tên thành Công Đoàn Đoàn Kết, bầu Lech Walesa làm Chủ tịch, văn phòng đặt trong xưởng đóng tàu Lênin ở thành phố Gdansk. Dưới sự lãnh đạo của Lech Walesa, Công Đoàn Đoàn Kết đã liên tục đấu tranh và đã giật sập chế độ Cộng sản Ba Lan trong cuộc bầu cử tự do vào tháng 6 năm 1989, mở đầu các biến động làm sụp đổ khối Cộng sản quốc tế tại Đông Âu và Liên Xô trong hai năm 1989 và 1990.

Trở lại Hội nghị quốc tế với chủ đề ’Những Bài Học Từ Cuộc Chiến Đấu Cho Tự Do của Công Đoàn Đoàn Kết’ vào ngày 30 tháng 8 năm 2005, do New Atlantic Initiative khởi xướng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như National Democratic Institute, Radio free Europe, Radio Liberty, Freedom House, The German Marshall Fund of thew United States, NED, IRI. Hội nghị có tất cả 8 phần hội luận với sự tham dự trình bày của vị chính giới và học giả của các quốc gia Đông Âu và Phương Tây. Đặc biệt trong phần khai mạc có bài diễn văn của cựu tổng thống Lech Walesa của Ba Lan, cũng là người sáng lập ra Công Đoàn Đoàn Kết. Trong phần ăn trưa có bài nói chuyện của ông Bris Tarasyuk, Bộ trưởng ngoại giao Ukraine và trong buổi dạ tiệc thì có phần nói chuyện của ông Zbigniew Brzezinski, cựu thành viên Hội Đồng An Ninh Hoa Kỳ thời Tổng thống Reagan. Trong 8 phần hội luận của Hội nghị, có những Hội luận đáng chú ý như:

Hội luận về tình hình Serbia và Ukraine, do các ông Adrain Karatnycky (Freedom House), ông Ivan Vejvoda (German Marshall Fund of the United States), Marko Djurisic (Chủ tịch quốc hội Serbian), Vladyslav Kaskiv (Sáng lập tổ chức Pora Cicic Campaign của Ukraine)

Hội luận về Vai Trò của Hoa Kỳ Trong Sự Hỗ Trợ Thay Đổi Dân Chủ, do các ông Dan Fried (phụ tá bộ ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Âu Châu).

Hội Luận về Bắc Hàn: Quần Đảo Ngục Tù Còn Tiếp Diễn, do các ông David Hawk (tác giả quyển sách The Hidden Gulag: Exposing North Korea’s Prison Camps, ông Kang Cheol Hwan ( tác giả sách Aquariums of Pyongyang: Ten Years in the North Korean Gulag).

Hội Luận về Burma, do ông Muang Maung (Tổng thư ký Hội nghị đoàn kết Burma.

Hội Luận về Sự Thay Đổi Dân Chủ tại Trung Đông, do các ông Akbar Atri (đại diện tổ chức Tahkin Vahdat của Iran), ông Hafez Bukhari (Chủ tịch tổ chức Yemeni Center for Polling & Communications Research), ông Ammar Abdulhamid (syria).

Sự kiện các tổ chức quốc tế, dùng thời điểm kỷ niệm 25 năm của Công Đoàn Đoàn Kết để tổ chức một Hội thảo quốc tế mà những chủ đề không chỉ nhìn lại các nỗ lực của Solidarnos đã làm như thế nào vào 25 năm trước đây, mà thảo luận các vấn đề dân chủ tại Ukraine, Bắc Hàn, Cuba, Burma và vai trò của Hoa Kỳ trong tiến trình thay đổi dân chủ… cho thấy là họ muốn nêu bật ý nghĩa quật khởi của quần chúng, làm động lực thay đổi tại những quốc gia vẫn còn chế độ độc tài độc đảng cai trị.