Cộng Đồng Người Việt Biểu Tình Phản Đồi Trung Quốc Tại Houston Và Nam Cali

Người Việt

HOUSTON -(NV)- Cộng đồng người Việt ở Houston vừa có một cuộc biểu tình trước tòa tổng lãnh sự Trung Quốc tại thành phố này vào trưa Thứ Sáu, 21 tháng 12.

Đoàn người biểu tình đòi hỏi chính quyền Trung Quốc phải thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Họ cũng muốn gởi thông điệp, cùng cất tiếng nói ủng hộ các sinh viên trong nước, những người đã tổ chức thành công các cuộc biểu tình trong hai ngày 9 và 16 tháng 12 vừa qua tại Hà Nội và Sài Gòn, đòi hỏi sự toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam.

Nhiều người cũng bày tỏ sự bực tức hay thất vọng trước thái độ nhu nhược của chính quyền Việt Nam trước việc Trung Quốc công bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trực thuộc huyện Tam Sa của tỉnh Hải Nam Trung Quốc.

Tòa tổng lãnh sự Trung Quốc là một tòa nhà xây cao 5 tầng, bề thế và chắc chắn, nằm trên đường Montrose Boulevard gần downtown Houston, nơi có rất nhiều người qua lại.

Cuộc biểu tình được ấn định từ 1 giờ đến 2 giờ trưa, là giờ Tòa Tổng Lãnh Sự làm việc, nhưng từ lúc 12 giờ những người biểu tình đã có mặt.

Khi cuộc biểu tình bắt đầu có hơn 300 người, nhưng lúc cao điểm, theo một thành viên Ban Tổ Chức, đã có gần 500 người. Rất nhiều các bạn trẻ tham gia đoàn biểu tình và họ rất nhiệt tình.

Đoàn biểu tình đã đứng kín lê đường Montrose Blvd, phía đối diện tòa Tổng Lãnh Sự, hô vang các khẩu hiệu bằng tiếng Anh khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa. Thỉnh thoảng, đoàn biểu tình cũng hô cả khẩu hiệu bằng tiếng Hoa.

Hầu hết các khẩu hiệu hay biểu ngữ đều được viết bằng tiếng Anh kể cả tên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ban Tổ Chức cho rằng viết tiếng Anh là để nhân viên tòa tổng lãnh sự và người đi đường biết lý do của cuộc biểu tình.

Quang cảnh cuộc biểu tình tại Houston. (Người Việt)

Những người biểu tình cũng hát vang các bài ca yêu nước, cả quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt các điệp khúc “Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam” được lập lại nhiều lần. Thay mặt đoàn biểu tình, ông Nguyễn Văn Nam, trưởng ban tổ chức, đã đưa kháng thư, nhưng vì cửa chính không mở nên kháng thư đã được dán trước cửa của tòa Tổng Lãnh Sự.

Không có một nhân viên hay quan chức lãnh sự nào xuất hiện trước đoàn biểu tình, trong khi cửa hông của tòa Tổng Lãnh Sự vẫn mở cửa bình thường.

Có khá nhiều phóng viên báo chí đến theo dõi biểu tình, trong đó có nhiều người Trung Quốc.

Đoàn biểu tình đã có một thái độ ôn hòa, lịch sự, không có hành động quá khích nào xả ra. Nhiều người đi đường đã bóp còi xe ủng hộ. Chỉ có hai cảnh sát viên lo việc giữ gìn trật tự giao thông.

Tình huống được xem là “táo bạo” nhất là một nhóm người biểu tình mang cờ Trung Quốc đến trước cửa chính tòa Tổng Lãnh Sự, họ dẫm và xé lá cờ thành nhiều mảnh.

****

Chống Trung Quốc, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa: Người Việt miền Nam California biểu tình trước tòa tổng lãnh sự Trung Quốc

Vũ Ðình Trọng/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – Ðoàn người Việt Nam kéo tới trước cửa tòa tổng lãnh sự Trung Quốc tại Los Angeles biểu tình khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khiến tòa lãnh sự đóng cửa dù ngày biểu tình hôm Thứ Tư 19 tháng 12 là một ngày làm việc bình thường.

Chị Hoàng Anh đến từ Santa Ana giải thích lý do tại sao chị biểu tình:

“Chồng tôi là sĩ quan hải quân VNCH. Tuy anh ấy không được tham dự trận đánh Hoàng Sa năm 1974 nhưng các bạn của anh ấy như anh Vũ Hữu San, Lê Văn Thự đã có mặt. Qua anh và các bạn anh, tôi càng thêm yêu đất nước mình và những hy sinh của những chiến sĩ VNCH trong công cuộc bảo vệ đất nước. Nay tôi càng đau xót hơn khi thấy đất nước lại bị Trung Quốc lấn áp, chiếm đoạt. Dù được sống bình yên nơi đây nhưng tình yêu quê hương trong tôi vẫn còn và sẽ mãi còn. Tôi thấy mình cần có mặt ở đây, cần lên tiếng chống bạo quyền. Tôi sợ sau này con cháu mình sẽ mất tất cả nếu ngày nay mình không làm gì.”

Sáng sớm, theo lời kêu gọi của Liên Ủy Ban Chống Nghị Quyết 36, hàng trăm đồng hương đã tụ tập tại hai địa điểm: tòa soạn Nhật Báo Người Việt và sân đậu xe của hai đài Little Saigon Radio và Radio Bolsa, để lên đường đến Lãnh Sự Quán Trung Quốc ở số 443 Shatto Place, thành phố Los Angeles, California.

Quang cảnh cuộc biểu tình tại Nam Cali. (Người Việt)

Theo Liên Ủy Ban Chống Nghị Quyết 36 mà đại diện ký tên kêu gọi đồng hương là các ông Phan Kỳ Nhân, Lê Ngọc Diệp, Nguyễn Xuân Tùng, cuộc biểu tình nhằm bày tỏ ý chí phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa và Trường Sa, kết án Ðảng Cộng Sản Việt Nam tán trợ Trung Quốc xâm chiếm Trường Sa năm 1974 và cắt đất, dâng biển cho Trung Quốc. Cuộc biểu tình còn nhằm bày tỏ sự hỗ trợ tinh thần đồng bào trong nước chống quân xâm lược.

Khoảng 10 giờ sáng, tất cả lực lượng đã tập trung trước Little Saigon Radio để chuẩn bị lên đường. Ngoài đồng bào trong vùng Little Saigon và các vùng lân cận, có khoảng 50 đồng hương thuộc Cộng Ðồng Việt Nam San Diego đã có mặt.

Khoảng 11 giờ sáng đoàn biểu tình từ Orange County đến trước tòa tổng lãnh sự Trung Quốc. Tại đây, một số đồng bào ngụ tại Chinatown, Los Angeles và các thành phố khác như Rosemead, Long Beach… đã chờ sẵn.

Cho đến lúc đó, có tổng cộng khoảng 400 đồng bào khắp nơi đã tề tựu để chuẩn bị biểu tình. Khi thử mở cửa, đoàn biểu tình mới biết là tòa tổng lãnh sự Trung Quốc đã đóng cửa – mặc dù thông báo trên trang web cho biết tòa tổng lãnh sự làm việc từ thứ Hai tới thứ Sáu.

Sự chuẩn bị của ban tổ chức khá chu đáo và có sự phối hợp nên buổi biểu tình trong suốt hơn hai giờ đồng hồ diễn ra rất sôi động, khí thế. Tất cả đều theo nhịp của người chỉ huy hô to khẩu hiệu:

“Trường Sa-Việt Nam.”

“Hoàng Sa-Việt Nam.”

“Down With Red China.”

“Ðả đảo Cộng Sản Việt Nam đã hèn mạt bán rẻ đất nước.”

“Quyết tâm bảo toàn lãnh thổ Việt Nam.”

“Tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.”

“Không đi du lịch Trung Quốc.”

“Tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008.”

“Quyết tâm ủng hộ tinh thần đấu tranh của đồng bào trong nước.”

Chen giữa các đợt hô khẩu hiệu, cả đoàn cùng hát chung những bài ca truyền thống như “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”, “Cờ bay”… làm nức lòng không chỉ những người tỵ nạn, những cựu chiến sĩ VNCH mà giới trẻ có mặt cũng biểu lộ khí thế chống ngoại xâm.

Một số người tham dự trẻ tuổi đã thực hiện việc xé lá cờ Trung Quốc ngay tại cửa chính Lãnh Sự Quán Trung Quốc. Theo lời họ, đây là một việc làm biểu tượng cho việc phản đối hành động bá quyền của nhà cầm quyền Bắc Kinh đối với Việt Nam.

Một người tham dự đến từ Garden Grove, bà Kim Lê, lắc đầu khi nói về việc chính quyền trong nước cấm biểu tình:

“Các em sinh viên trong nước muốn biểu tình chống Trung Quốc mà chính quyền bắt phải xin phép! Thật là vô lý. Mình ở ngoài này có tự do, muốn biểu tình phản đối thì cứ biểu tình nên chúng tôi đi. Trung Quốc đã đô hộ mình cả ngàn năm trước, nhưng mình tự hào là mình có Hội Nghị Diên Hồng, toàn dân một lòng đánh giặc. Nay chúng tôi thay mặt cho con cháu đi biểu tình, cũng muốn noi gương cha ông nói lên tiếng nói tự do của người Việt Nam.”

Cô Phục Nguyễn, cô gái trẻ nhiệt tình với các sinh hoạt cộng đồng liên tục cầm loa hô vang các khẩu hiểu chống Trung Quốc và được đồng bào hưởng ứng vang dội cả một con đường. Buổi biểu tình không chỉ của những người thuộc thế hệ thứ nhất tỵ nạn Cộng Sản mà của cả ba thế hệ.

Ông Ngô Văn Chua, trước thuộc Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù, dẫn 3 người con còn rất nhỏ đi biểu tình cho chúng tôi biết cảm nghĩ:

“Mặc dù 3 đứa con tôi còn rất nhỏ, 6-9 tuổi, nhưng tôi muốn qua cuộc biểu tình này nuôi dưỡng tinh thần Việt cho các cháu. Các con tôi phải hiểu tại sao chúng ta có mặt ở đây, và chúng tôi đã đấu tranh vì cái gì. Nếu mai đây tôi có chết đi, điều mong muốn duy nhất của tôi là các cháu sẽ nối tiếp con đường tranh đấu cho tự do, dân chủ mà tôi đã chọn.”

Trả lời câu hỏi về việc sinh viên trong nước biểu tình chống Trung Quốc, chị Hoàng Anh tỏ ý bất bình với phản ứng của chính quyền:

“Tôi không hiểu nổi sự hèn hạ của chính quyền trong nước khi họ tìm mọi cách ngăn cản cuộc biểu tình thể hiện lòng yêu nước của sinh viên. Theo tôi thì giờ đây sinh viên trong nước đã có một cái nhìn khác, họ không dễ bị chính quyền lừa gạt nữa. Nhờ tiếp cận được những thông tin trung thực qua Internet, sách báo nước ngoài, rồi một số sinh viên đi du học về cũng mang về những tư tưởng tự do, dân chủ. Tôi cảm mến họ dù không chấp nhận là cờ đỏ sao vàng họ mang theo trong cuộc biểu tình, nhưng sẵn sàng đứng chung với họ để chống Trung Quốc bá quyền.”

Suy nghĩ của chị Hoàng Anh cũng được nhiều bạn trẻ có mặt trong cuộc biểu tình chia sẻ. Anh Quang Ánh, một thành viên trong nhóm Tuổi Trẻ Phù Ðổng cho biết sẵn sàng đứng chung với thanh niên trong nước dù khác chính kiến:

“Chúng em là thế hệ thứ hai, muốn đi theo ủng hộ các cô chú nói lên tiếng nói tự do cho dân tộc mình. Chúng ta phải làm mọi cách để đòi lại sông núi do cha ông để lại. Em rất vui khi thấy các bạn trẻ trong nước đã dám đứng lên nói lên tiếng nói yêu nước. Tuy tụi em ở rất xa, có khác biệt về chính kiến, tư tưởng nhưng vẫn cùng là con Rồng cháu Tiên nên em sẵn sàng đứng chung với các bạn trong nước trong việc bảo vệ bờ cõi nước Việt. Tại họ sống trong chế độ cộng sản nên họ phải cầm lá cờ đó thôi.”

Khoảng 11 giờ 30 có ba xe cảnh sát Los Angeles tới tiếp xúc với ban tổ chức. Họ không biết có cuộc biểu tình ngày hôm nay, nên đến để hỏi. Sau khi người đại diện trình bày mục đích cuộc biểu tình, cảnh sát nhắc nhở đoàn nên đứng trên lề đường để bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời nhắc nhở đoàn sau này có biểu tình nên báo trước để cảnh sát có thể phối hợp giữ an ninh trật tự. Ba xe cảnh sát đậu lại để cùng ban tổ chức giữ trật tự đến giờ cuối.

Buổi biểu tình kết thúc lúc 1 giờ 15 phút. Mọi người lên xe và trở về Little Saigon.

Người Việt