Công Lý và Hòa Bình

Trần Đức Tường

Mùa Noel 2007 vừa qua, tại Hà Nội đã có những biến cố đáng chú ý trong khu vực Nhà Thờ Lớn, phố Nhà Chung, Tòa Tổng Giám Mục, Đại Chủng Viện và Tòa Khâm Sứ cũ. Đó là biến cố giáo dân tụ tập trước số 42 phố Nhà Chung, hướng vào một tòa nhà và bãi đậu xe để hát kinh và cầu nguyện. Có thể nói rất nhiều người không hiểu tại sao lại có hiện tượng này. Đối với những ai, kể cả giáo dân mà hiện nay tuổi đời từ 50 trở xuống, đều có thể thắc mắc và đặt câu hỏi: “Tại sao người Công Giáo lại hướng vào một ngôi nhà mà từ khi họ sinh ra đến nay vẫn là quán phở, là câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ Hoàn Kiếm, là bãi gửi xe… chứ không phải là một nơi tôn giáo… để hát kinh?”.

Câu Chuyện Cách Đây Gần Nửa Thế Kỷ

Người xưa thường nói: “Để lâu, cứt trâu hóa bùn”. Chính quyền CSVN chủ trương triệt để áp dụng câu nói này. Nhất là trên lãnh vực nhà cửa, đất đai của tư nhân bị Nhà Nước chiếm dụng, truất hữu, giải tỏa vv… Họ cho rằng, khổ chủ sau một thời gian đòi hỏi, nếu cứ lờ đi, không trả lời, hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho các cơ quan khác nhau, thì có thể sẽ nản lòng mà bỏ cuộc. Thực tế này quả đã diễn ra nơi một số nạn nhân. Nhưng đối với nhiều người khác, họ kiên quyết khiếu kiện đến cùng để đòi cho được công lý. Trước đây, khi còn đóng kín cửa CSVN mặc sức đàn áp nên người dân sợ hãi tột độ không dám khiếu kiện. Nhưng nay, tuy tiếc rằng không còn có thể tự tung tự tác, giết người cướp của như thời cải cách ruộng đất, vì đã phải mở cửa ra thế giới văn minh, họ vẫn dùng dằng câu giờ với hy vọng “cứt trâu hóa bùn” cho họ dễ nuốt.

Giào dân cầu nguyện trước Tòa Khâm Sứ, Hà Nội.

Câu chuyện số nhà 42 phố Nhà Chung cũng vậy. Đạo Công Giáo đã được truyền bá vào Việt Nam từ hơn 5 thế kỷ. Trong hơn 500 năm, trải qua nhiều thời kỳ cấm đoán bách hại, nhưng đạo Thiên Chúa cũng đã bám rễ được trên đất nước này. Khác với các tôn giáo đã hiện hữu trước đây tại Việt Nam, đạo Công Giáo mang tính chất quốc tế, đứng đầu là Đức Giáo Hoàng và giáo triều La Mã. Cơ quan đầu não này của Giáo Hội đặt tại Vatican là một khu vực độc lập nằm trong thủ đô Rôma của nước Ý. Đứng về mặt thần quyền thì Vatican là uy quyền Giáo Hội tối cao. Đứng về thế quyền thì Vatican là một quốc gia với đầy đủ thẩm quyền như bất cứ Nhà Nước nào trên thế giới. Vì thế, tại những quốc gia có quan hệ ngoại giao với Vatican, Đức Giáo Hoàng đều cắt cử một vị đại sứ, thường gọi là Sứ Thần Tòa Thánh hay Khâm Sứ Tòa Thánh. Tại Việt Nam, sau nhiều chục năm theo dõi tình hình, và nhất là sau chuyến viếng thăm Việt Nam của vị Khâm Sai Tòa Thánh, năm 1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập Tòa Khâm Sứ bên cạnh triều đình tại Kinh Đô Huế. Những biến cố tại nước ta vào năm 1945 chấm dứt chế độ quân chủ và Huế không còn là kinh đô nữa. Kế đến, cuộc chiến tranh Đông Dương đã xảy ra vào cuối năm 1946. Chính quyền Quốc Gia Việt Nam đã ra đời sau đó và Hà Nội trở thành thủ đô. Năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII cử vị tân Đại Sứ và đặt tòa Khâm Sứ tại Hà Nội. Lúc đó, trong khuôn viên tòa Giám Mục Hà Nội, số 40 phố Nhà Chung có một khu nhà khang trang và Đức Giám Mục Trịnh như Khuê đã nhường lại để làm tòa Khâm Sứ.

Tòa Khâm Sứ, Hà Nội.

Sau Hiệp Định Genève, CSVN đã tiếp thu thành phố Hà Nội cùng với lãnh thổ Miền Bắc Việt Nam. Đức Khâm Sứ và nhân viên tòa khâm sứ vẫn ở lại Hà Nội. Nhưng với chủ trương vô thần và chống Vatican, Hồ Chí Minh và CSVN đã ra lệnh trục xuất Đức Khâm Sứ và nhân viên ngoại giao Tòa Thánh vào năm 1959. Họ đã cho xây một bức tường ngăn Tòa Giám Mục với Tòa Khâm Sứ Cũ và đặt cho tòa nhà này số nhà 42 vốn dĩ trước đó không có. Từ đó nhiều lần các giám mục kế tiếp quản nhiệm giáo phận Hà Nội đã có văn thư đòi lại cơ sở này; nhưng thảy đều bị chính quyền địa phương và trung ương phớt lờ. Đây là một cơ sở nằm giữa khu tôn giáo tôn nghiêm; nhưng CSVN đã cố ý biến nó thành một nơi có những hoạt động mang tính chất làm ô uế nơi tôn giáo. Họ còn có những dự án biến khu đất này thành nơi giải trí đồi trụy để phá hoại không khí tôn nghiêm. Nhưng mỗi lần họ đều gặp một sự chông đối quyết liệt nơi hàng giáo phẩm và giáo dân Công Giáo tại Hà Nội và trên toàn quốc. Vì vậy họ đã phải chùn tay.

Bang Giao ?

Đã gần đúng một năm, Việt Nam được gia nhập vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO (11/01/2007). Và cũng gần đúng 1 năm ông Nguyễn Tấn Dũng với tư cách là thủ tướng chính phủ CSVN đã tới thăm Vatican và được Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI tiếp kiến ngày 25/01/2007. Trước 2 hiện tượng tạo hình ảnh một bước mở cửa mới, hòa hoãn với thế giới, nhiều người trong cũng như ngoài nước vẫn còn hồ nghi rằng chưa chắc nó đã phản ảnh đúng bản chất của chế độ CSVN. Riêng đối với Vatican thì trước dó ít năm, Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm đã nhiều lần đề nghị với CSVN được đến thăm viếng. Nhưng lần nào cũng bị CSVN viện lý này, cớ nọ để từ chối. Một số nhà báo tây phương cho rằng CSVN không ưa Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị vì ngài đã đóng vai trò tích cực trong việc làm sập chủ nghĩa cộng sản trên thế giới. Chuyến vìếng thăm Đức Giáo Hoàng mới của nguyễn Tấn Dũng phải chăng chứng minh dư luận báo chí tây phương là chính xác ? Hay là một bằng chứng của sự thay đổi thái độ đối với tôn giáo nói chung và Công Giáo nói riêng ? Ông Dũng còn nói đến mở bang giao giữa Hà Nội và Vatican. Thật tình, lúc đó, khó mà nhìn ra được bản chất.

Nhưng trong suốt năm qua, hành động đàn áp những nhà dân chủ, đàn áp tôn giáo, trong đó có Công Giáo vẫn tiếp tục. Các vụ cướp đoạt đất đai của dân oan vẫn tiếp tục và chính quyền vẫn không có thiện chí giải quyết thỏa đáng các vụ khiếu kiện của dân oan. Bây giờ, tức là 1 năm sau, người ta đã nhìn rõ hơn là hiện tượng khác với bản chất. Chính vì thế mà ngày 15/12/2007, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã có bức thư mục vụ gửi hàng giáo phẩm và giáo dân yêu cầu mọi người cầu nguyện để có thể đòi chính quyền hoàn trả lại cho Giáo Hội, Tòa Khâm Sứ đã bị trưng dụng từ năm 1959 và được sử dụng vào những việc không thích hợp với khu vực tôn giáo. Chính quyền CSVN tại địa phương đang tiến hành tháo gỡ mái ngói để dự tính xây cất một công trình gì khác. Nhân ngày Đại Hội Thánh Ca 18/12 vừa qua, giáo dân và giáo sĩ đã cùng nhau rước kiệu sang Tòa Khâm Sứ để hát kinh và cầu nguyện. Các nhân chứng ước lượng có cả ngàn người cùng cất cao bài hát Kinh Hòa Bình của linh mục Kim Long phỏng theo lời kinh của thánh Phanxicô Assise :

Lạy Chúa từ nhân!
Xin cho con biết mến yêu
Và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa xin hãy dùng con
Như khí cụ bình an của Chúa,
Ðể con đem yêu thưong vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục,
Ðem an hòa vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan,
Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm,
Ðem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi th tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống
Những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

Trước phản ứng bất bạo động nhưng rất kiên quyết, mang tính tôn giáo, cầu nguyện, một lần nữa CSVN đã phải rút lui và vội vàng lợp lại phần mái nhà đã bị họ rỡ ra ngày hôm trước. Nhưng từ ngày hôm đó, chính quyền đã khóa cổng không cho ai ra vào. Và cũng từ ngày hôm đó, mỗi chiều, nhất là cuối tuần đều có các linh mục, tu sĩ và giáo dân từ khắp nơi tới trước cổng hướng vào trong Tòa Khâm Sứ cầu nguyện.

Trước tình hình này chính quyền CSVN rất khó chịu. Ngay ngày hôm sau Lễ Giáng Sinh tức là ngày 26/12/2007, quận Hoàn Kiếm đã cho cán bộ tới gắn tại các cửa chính và phụ của tòa nhà các bảng ghi “Nhà Văn Hóa”, “Phòng Văn Hóa Thông Tin – Thể Dục Thể Thao Quận Hoàn Kiếm”… Phải chăng chính quyền quận Hoàn Kiếm muốn xác nhận đây là bất động sản thuộc quyền sở hữu của Nhà Nước ? Phải chăng để che dấu việc biến cơ sở này thành một nơi ăn chơi, buôn bán nên đã gắn nhãn hiệu mang tính công ích lên ?

Có Phải Thủ Tướng Tới Giải Quyết Vụ Tòa Khâm Sứ?

Tuy chính quyền quận Hoàn Kiếm và các lực lượng công an chìm, nổi, được giải khắp nơi trên đường phố và xung quanh các cơ sở Công Giáo ở phố Nhà Chung; nhưng người Công Giáo vẫn nối đuôi nhau tới cầu nguyện trên hè phố. Trong mắt nhà cầm quyền thì đây là một hình thức xuống đường chống đối. Nhất là ngày Chúa Nhật 30/12/2007, sau Thánh Lễ tại Nhà Thờ Lớn đã bày nhiều bàn để giáo dân ký tên vào kiến nghị thư đòi đất đai của Giáo Hội. Thêm vào đó, đúng lúc này Trung Quốc công bố quyết định thành lập huyện Tam Sa, cướp các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và từ nhiều tuần nay, đang bị thanh niên sinh viên xuống đường biểu tình trước đại sứ quán chống lại, bất chấp lệnh cấm của chính quyền. Có thể nhìn thấy nguy cơ một sự biến động nếu hai hiện tượng này kết hợp với nhau, nên cùng ngày 30/12/2007, đích thân Nguyễn Tấn Dũng đã “đột xuất” tới thăm Tòa Giám Mục và đàm đạo với Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Chắc chắn đây không phải là một chuyến viếng thăm xã giao để chúc Noel vì lễ Giáng Sinh đã qua rồi, cũng không phải là để chúc mùng năm mới 2008 vì không ai đi chúc tết mà không báo trước, không quá cáp. Chỉ thấy, sau cuộc tiếp xúc, chủ và khách đã đi bộ tới trước Tòa Khâm Sứ và đứng ở ngoài nhìn vào vì cổng bị khóa chặt. Dọc đường Nguyễn tấn Dũng cũng đã chứng kiến giáo dân lũ lượt ký tên đòi lại tài sản cho Giáo Hội. Nhìn cái cảnh ông Nguyễn tấn Dũng cùng với Tổng Giám Mục Hà Nội đi “xem Tòa Khâm Sứ” cũng thấy khôi hài. Khôi hài vì cả hai vị đều bị đè nặng bởi tầm vóc lịch sử của khu vực này. Đừng nói lúc Giáo Hội làm sở hữu chủ khu vực này, lúc đó cả hai vị đều chưa sinh ra. Chỉ nói, khi CSVN trưng dụng khu vực này vào năm 1959 thì lúc đó ông Dũng mới lên 10 và Đức Cha Kiệt mới được 7 tuổi. Cả hai đều hưởng cùng một cái gia sản gia sản, một người gia sản do chiếm đoạt và một người gia sản bị chiếm đoạt. Liệu giữa đôi bên có cách giải quyết có “công lý” hay không ?

Nhiều người đã đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc viếng thăm bất chợt, không báo trước của ông thủ tướng chính phủ. Phải chăng sự kiện này có ý nghĩa là chính quyền CSVN sẽ hoàn trả Tòa Khâm Sứ cho Giáo Hội Công Giáo? Phải chăng đây chỉ là hành động vuốt ve tạo ấn tượng trung ương đã thấy vấn đề để làm dịu tinh thần đấu tranh của giáo dân? Phải chăng Nguyễn Tấn Dũng muốn tạo hình ảnh là địa phương làm bậy, còn đường lối của trung ương thì trước sau như một? Dù sao thì Giáo Hội với tình Bác Ái Kitô giáo cũng tin tưởng vào thiện chí của chính quyền cho dù đã nhiều lần thất vọng và thái độ của giáo dân luôn luôn là bất bạo động. Trong suốt mấy tuần lễ qua, lúc đông cũng như lúc vắng, không có biểu ngữ, không hô khẩu hiệu. Chỉ có lời kinh và lời ca “Đem yêu thương vào nơi oán thù…, Đem an hòa vào nơi tranh chấp…”. Nếu từ trước tới nay chính quyền từ trung ương đến địa phương đều làm ngơ trước những đòi hỏi chính đáng của Giáo Hội thì ít ra lần này ông thủ tướng có ghé chân tới hiện trường. Ít ra trong chuyến viếng thăm này thì thủ tướng cũng thấy được quyết tâm của hàng giáo phẩm và toàn thể giáo dân không để cho “cứt trâu hóa bùn”.

Xét về mặt quốc tế công pháp thì đại sứ quán hay trong trường hợp này là Tòa Khâm Sứ là lãnh thổ của quốc gia có đại sứ và mang tính chất bất khả xâm phạm. Ở cái thời buổi mà Staline đã hỏi một câu ngu nhất lịch sử “Giáo Hoàng là bao nhiêu sư đoàn ?” thì khối cộng tay sai có thể theo voi ăn bã mía. Nhưng lịch sử đã chứng minh những giá trị tinh thần, bất bạo động đã quật ngã Staline và xóa bỏ chủ nghĩa cùng các chế độ cộng sản độc tài trên thế giới. Ở thời đại ngày hôm nay, khi không còn nép được sau lưng Liên Xô hay Trung Quốc được nữa, CSVN đã bị bắt buộc phải theo những quy luật quốc tế của loài người tiến bộ. Vì vậy, CSVN không thể cướp đoạt bất động sản là Tòa Khâm Sứ được. Cũng không thể viện lý lẽ là của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cho mượn để có thể thâu hồi rồi bồi hoàn mảnh đất khác như một số cán bộ của quận Hoàn Kiếm đã bắn tiếng cho Tòa Giám Mục Hà Nội. Hơn nữa Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng không thể chấp nhận một khu đất khác dù là trong thành phố Hà Nội vì khu vực Tòa Khâm Sứ là một thành phần của quần cư Công Giáo Hà Nội có lịch sử trên 100 năm chủ quyền.

Thay Lời Kết

Đức Giáo Hoàng vừa công bố thông điệp “Spe salvi”, có nghĩa là trong hy vọng mọi người đã được cứu thoát, nhắc nhở mọi tín hữu Kitô giáo phải trau dồi Đức Trông Cậy. Thật vậy, Đức Hy Vọng cùng Đức Tin và Đức Bác Ái là ba điều căn bản của Kitô giáo. Lịch sử cho thấy, Giáo Hội đã trải qua rất nhiều phen lao đao nguy khốn, nhưng nhờ Đức Tin vào quyền năng Thiên Chúa và Niềm Hy Vọng vào Ngài mà Giáo Hội đã vững vàng tồn tại trên 2000 năm nay cho dù “sức mạnh hỏa ngục cũng không làm lay chuyển” nổi. Giáo Hội chủ trương hòa bình trong tâm hồn mọi người. Nhưng Giáo Hội cũng khẳng định chỉ có hòa bình thật sự trong tâm hồn khi có công lý trên cõi đời. Hận thù sinh ra do bất công. Chính chủ nghĩa cộng sản đã vì bất công mà chủ trương hận thù giai cấp, đấu tranh giai cấp… Thiết nghĩ, nếu họ tiếp tục không tôn trọng công lý thì họ sẽ mãi mãi đi vào cái vòng luẩn quẩn, cái vòng Luân Hồi không siêu thoát được.

Trần Đức Tường