Công Nhân Lao Động Việt Nam Tiếp Tục Bị Bóc Lột, Hạ Nhục

Ngô Văn
Công ty Toàn Cầu quy định làm việc 1 ngày 8 tiếng, nhưng thực tế thường xuyên bắt công nhân phải làm thêm 1 ngày ít nhất 2 giờ mà không trả tiền phụ trội.

Ngày 11 tháng 1 năm 2007, hơn 500 công nhân đang làm việc tại công ty trách nhiệm hữu hạn Toàn Cầu (Hà Tây) đã đứng lên đình công đòi quyền lợi vì đã và đang bị chủ nhân bóc lột quá độ. Mặc dù công ty Toàn Cầu này đã đi vào sản xuất kinh doanh từ ngày 9 tháng 9 năm 2005, nhưng đến nay phần lớn người lao động ở công ty này không được ký kết hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…và nhất là bị bóp chẹt về tiền lương hàng tháng.

Theo các công nhân tham gia đình công thì công ty quy định làm việc 1 ngày 8 tiếng, nhưng thực tế thường xuyên bắt công nhân phải làm thêm 1 ngày ít nhất 2 giờ mà không trả tiền phụ trội. Ngoài ra công ty thường vi phạm như: Đối với người mới vào làm thì phải trải qua 3 tháng thử việc với lương 350 ngàn đồng/ tháng, sau đó sẽ được trả lương 500 ngàn/ tháng theo như thỏa thuận, thế mà đến tháng thứ tư công ty vẫn trả mức lương thử việc, nghỉ phép bị trừ lương…

Chị Hà Minh Lan, công nhân tổ may 7, làm việc từ tháng 12 năm 2005 nhưng đến nay chưa được ký hợp đồng lao động cho biết thêm rằng: Nguyên nhân của cuộc đình công là tháng 12 năm 2006, toàn công ty đạt 135.000 sản phẩm, trong khi đó lương lại thấp đi, người lao động quá bức xúc nên đình công.

Hiện nay công ty Toàn Cầu có 681 công nhân lao động (trong đó khoảng 600 phụ nữ) nhưng chỉ có trên 100 người được ký hợp đồng lao động, còn lại chỉ có hợp đồng thử việc 3 tháng ban đầu. Về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì không một lao động nào được tham gia. Theo tờ Lao Động thì công ty này có trụ sở chính ở 168 Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội do bà Vân Anh làm Tổng giám đốc. Nhưng khi xảy ra đình công thì không thấy bóng dáng một ai của Ban giám đốc công ty đứng ra giải quyết những bức xúc của người lao động, chỉ có mặt ông Jamzs Kim (người Hàn quốc) tại hiện trường, Mặc dù trên thực tế ông Jamzs Kim là người có vị trí cao nhất tại công ty Toàn Cầu, nhưng ông ta nói rằng ông ta chỉ là người phụ trách kỹ thuật, không am hiểu pháp luật Việt Nam nên không thể tự ý quyết định được đối với các kiến nghị của người lao động, có gì sẽ thông báo lại cho lãnh đạo công ty giải quyết. Còn bà Sinh, trợ lý giám đốc đã xúc phạm đến danh dự người lao động khi nói rằng ’’Ở nhà quê mức lương 500 ngàn đồng/ tháng là quá ổn rồi’’.

Tại công ty Samho (Củ Chi), danh dự người lao động Việt Nam chỉ đáng 1 mỹ kim…

Đó là chuyện đình công đòi quyền lợi của người lao động tại công ty Toàn Cầu, còn người lao động ở công ty Samho (Củ Chi) thì lại quá bức xúc với hành động đánh đập công nhân một cách vô cớ rồi sau đó bồi thường 1 USD vì cho rằng danh dự người lao động Việt Nam chỉ đáng 1 mỹ kim, thế mà một số người Việt có chức quyền trong công ty Samhoo cũng cho là đúng.

Theo lời kể của nạn nhân là anh Phan Thanh Phụng, làm bảo vệ cho công ty Samho, thì chị M cũng là một bảo vệ của Samho vừa hết ca, nhưng nhận lời trực thay cho anh Phụng đang đi ăn cơm, khi đang gác thì thấy ông Yoon đi ra từ ký túc xá và đâm thẳng vào người chị, ông ta hình như say rượu. Chị M sợ quá bỏ chạy và bị ông Yoon rượt theo, chị bị té xước cả tay chân. Ông Yoon cũng bị té theo, thấy chị M rũ rượi, máu me nhầy nhụa thì Yoon mới đứng lên bỏ mặc nạn nhân đi vào trong. Anh Phụng vừa ra thì chứng kiến việc này và bị ông Yoon gọi lại. Yoon giật chiếc nón Phụng đang đội ném xuống đất, Phụng cúi xuống nhặt thì bị ông ta đá nón đi nơi khác với thái độ thách thức, sau đó dùng đôi giày đang cầm trên tay đánh vào mặt Phụng khiến anh ta bị thương tích. Sau đó anh Phụng làm đơn gởi công ty và công đoàn (nhà nước) nhờ can thiệp.

Vết thương của chị M sau khi té vì bị ông Yoon rượt theo.

Các ký giả đã đến công ty Samho để tìm hiểu sự việc thì ông Đường, Giám đốc nhân sự, nói là công ty không có chức năng tiếp xúc với báo chí. Việc công nhân bị đánh, nhà báo nên tiếp xúc với công đoàn huyện Củ Chi vì chúng tôi đã làm việc với nhau rồi.

Về phía anh Phụng thì hai ngày sau được gọi vào để làm việc, nhưng vào đến nơi mới biết là đến để hòa giải với ông Yoon. Sau cái bắt tay gượng gạo, ông Yoon móc trong túi ra 1 mỹ kim đưa cho anh Phụng với vẻ khinh miệt gọi là bồi thường danh dự cho nạn nhân đã bị ông ta dùng đôi giày dơ bẩn đánh vào mặt.

Ông Bình, Tổ trưởng bảo vệ, nói với anh Phụng lấy 1 đô la đó đổi ra tiền Việt mua thuốc rầy uống mà chết đi. Cóc ké mà cũng đòi danh dự. Quá bức xúc, anh Phụng chạy thẳng lên gặp lãnh đạo, nhưng ông Triết (Phó phòng nhân sự) trả lời: Mặt mày chỉ xứng đáng 1 đô la thôi. Và sau đó họ buộc tôi phải viết đơn tự nguyện xin nghỉ việc. Công đoàn lao động hiện nay trong các hãng là một bộ phận của Tổng liên đoàn Lao động, trực thuộc Mặt trận tổ quốc, là cơ quan ngoại vi của đảng CSVN chỉ bảo vệ cho quyền lợi của đảng và chủ doanh nghiệp chứ không bênh vực cho người lao động, chỉ có một Công đoàn độc lập mới thật sự bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Và Công Đoàn Độc Lập Việt Nam đã được hình thành vào ngày 20 tháng 10 năm 2006, thế nhưng đảng và nhà nước CSVN lại coi đây là một thế lực thù địch vì Công Đoàn này chủ trương bênh vực quyền lợi cho giới công nhân Việt Nam.