Công nhân Việt Nam đang sống dưới mức kham khổ!

Ngô Đồng

Việt Nam là nước có nguồn lao động trẻ, mỗi năm có khoảng 1,1 triệu người tham gia vào lực lượng lao động. Tuy nhiên với đồng lương thấp, người lao động đang phải ngày đêm chật vật xoay xở chuyện cơm áo gạo tiền. Nhiều người không còn cách nào khác ngoài việc tăng ca. Nhưng tăng thời giờ làm thêm đang khiến họ bị kiệt quệ về mặt thể chất và đối mặt với nhiều bệnh tật về cơ xương khớp, tim mạch, sức khỏe tinh thần…

Những công nhân này đều cho biết, họ không mong muốn tăng ca, nhưng nếu không làm thêm họ sẽ bước vào con đường cùng do thu nhập không đủ sống. Đã có quá nhiều những câu chuyện viết về những bữa cơm đạm bạc, những vàng vọt bủng beo nơi thân xác chỉ còn đủ thời gian ăn, làm và ngủ. Ước mơ về cuộc sống chất lượng hơn đối với họ là điều cực kỳ khó khăn.

Mới đây ông Trần Văn Lý, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết thu nhập của người lao động tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu. Theo đó, có 51,3% người lao động trả lời khảo sát cho biết mức lương chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống. Nhưng có tới 20,6% người lao động cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ. Đặc biệt là có 12% người lao động cho biết không thể đủ sống với thu nhập hiện có. Như vậy, số lao động sống dưới mức kham khổ tại Việt Nam hiện nay lên tới 32,6%.

Một khu nhà trọ dành cho công nhân ở Sài Gòn. Ảnh: nld.com.vn

Trong một xã hội được điều hành dựa trên một nền tảng bưng bít thông tin, tuyên truyền giả dối về sự bình đẳng, ổn định. Sự kiện Tổng Liên Đoàn phải lên tiếng về con số hơn 32% người lao động đang sống dưới mức kham khổ đã cho thấy tính nghiêm trọng của sự việc. Dường như sức chịu đựng của người lao động đã vượt mức giới hạn và bất mãn của công nhân đã đến cao trào, thâm chí có thể là ngòi nổ đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Nhận định trên không phải là không có căn cứ. Trong số liệu thống kê về tình trạng đình công qua hơn 5 tháng đầu năm 2017, cho thấy có nguyên nhân liên quan đến tiền lương của người lao động quá thấp và không đủ trang trải các nhu cầu cơ bản chiếm tỷ lệ khá cao 54,1%, tương ứng với 72/133 cuộc đình công. Nhưng nếu tính cả những vấn đề liên quan đến tiền lương, thưởng và mức ăn giữa ca thì con số lên tới 80% yêu sách đình công của người lao động. Hàng loạt vụ đình công lớn xảy ra xuất phát từ việc các công ty nhập nhằng giữa tiền lương, thưởng và phụ cấp khiến quyền lợi của công nhân bị thiệt thòi.

Trong đó, đặc biệt xu hướng gia tăng các vụ đình công của công nhân ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đang được coi là một nguyên nhân làm ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Trong nhiều thập niên qua, đảng CSVN luôn nói đến tăng GDP để chứng tỏ sự phát triển. Tuy nhiên, thay vì xây dựng nền tảng công nghiệp sản xuất hướng đến mục tiêu xuất khẩu, nâng cao năng suất lao động thì họ lại tư duy mang tính đối phó với tăng trưởng. Trong đó, họ sử dụng lao động giá rẻ, miễn thuế… như một chiêu bài trong nỗ lực tăng thêm vốn FDI để bù vào những khoản làm ăn thua lỗ, bết bát của hàng chục doanh nghiệp quốc doanh.

Trước sự chào mời và dễ dãi tối đa của đảng CSVN, nhiều công ty ngoại quốc đến lập nhà xưởng khắp Việt Nam. Nhưng các công ty này lại đặt ra định mức sản lượng quá cao khiến người lao động Việt Nam dù làm hết sức vẫn không đủ. Trong khi đó, bản thân họ đối xử với nhân công Việt Nam vô cùng tồi tệ.

Có nhiều trường hợp công nhân bị cắt xén lương bổng, mức lương thấp, bắt làm nhiều giờ, không được nghỉ giải lao, chửi mắng, đánh đập, lục soát thô bạo… đã dẫn đến sự bất mãn và đình công của người lao động. Tính trung bình có hàng trăm vụ đình công mỗi năm xảy ra tại các doanh nghiệp này.

Dư luận không khỏi thắc mắc về việc tại sao các công ty lớn với địa bàn hoạt động quốc tế, từng biết nguyên tắc quốc tế về sử dụng lao động lại có chính sách không phù hợp đối với công nhân Việt Nam trên đất nước Việt Nam?

Những câu hỏi này không khó tìm câu trả lời. Xã hội nào, chế độ nào cũng có những người có lòng tham. Người có lòng tham đó họ cần phải bị kiềm chế bởi một thể chế chính trị và xã hội để họ không thể đi quá đà. Nhưng Việt Nam lại không có cái thể chế đó. Nạn tham nhũng, nhận tiền lót tay của các quan chức và việc làm ngơ trước những sai trái của nhà cầm quyền Việt Nam, đã khiến sự hài hòa lợi ích trong xã hội hoàn toàn bị đảo lộn.

Không chỉ tiếp tay cho các tập đoàn ngoại quốc, chính đảng và nhà nước CSVN cũng góp phần bóc lột công nhân của mình. Theo cách tuyên truyền ở Việt Nam thì chỉ có những chủ nghĩa tư bản mới bóc lột sức lao động con người. Nhưng người ta vẫn còn nhớ cuộc đình công của hơn 90 ngàn công nhân hãng Pou Yuen để phản đối luật Bảo Hiềm Xã Hội mà Quốc Hội Việt Nam thông qua hồi 2015. Với nội dung quy định về một chế độ đóng bảo hiểm hà khắc, vơ vét, bóc lột thành quả lao động tích lũy của người công nhân, luật Bảo Hiểm đã tạo ra một làn sóng phản đối lớn chưa từng có trong giới công nhân đối với chính quyền.

90 ngàn công nhân của hãng Pou Yuen đình công phản đối một đạo luật mới của nhà nước về Bảo Hiểm Xã Hội vào tháng 3/2015. Ảnh: Mywork.com.vn

Đảng CSVN tự xưng vai trò giải phóng giai cấp công nhân, nhưng thực ra họ đã lợi dụng giai cấp này cho mục tiêu của đảng. Họ rêu rao công nhân là “giai cấp lãnh đạo cách mạng”, nhưng tuyệt nhiên nhân sự chính quyền trên từ cấp tổ trưởng cho đến ấp, xã, huyện, tỉnh cho đến trung ương đều không có ai xuất thân từ công nhân. Họ cũng được hứa hẹn về một đời sống vật chất và tinh thần ấm no hạnh phúc, nhưng điều đó mãi mãi vẫn chỉ là ước mơ ngoài tầm tay.

Phải chen chúc trong các nhà trọ tồi tàn, sống bằng những bữa cơm đạm bạc đến từ nguồn thực phẩm trôi nổi độc hại và một mức lương tháng bèo bọt. Nghĩ tới việc hưởng thụ văn hóa, giải trí tinh thần dường như là điều quá xa xỉ đối với người lao động.

Tất cả đã tạo lên những khoảng lặng ám ảnh đời công nhân tại Việt Nam. Trên thực tế, họ là nạn nhân của một chính sách bóc lột tàn tệ. Những thân phận thấp bé này không khác thân phận người phu đồn điền, cu li thời phong kiến, thực dân. Nhưng liệu những khó khăn như trên có thôi thúc những con người cùng cực kia phải đứng lên đấu tranh?