Công Nhân Việt Nam Đình Công Lớn Để Đòi Tăng Lương

Công nhân khu chế xuất Linh Trung 1 & 2 đình công (hình báo Lao Động)

Vào ngày 3 tháng 1 năm 2006, hơn 11.000 ngàn công dân làm việc tại sáu công ty có vốn đầu tư nước ngoài 100% ở hai khu chế xuất Linh Trung 1 và Linh Trung 2 (quận Thủ Đức) đã đồng loạt đứng lên đình công đòi phải tăng lương. Trước đó vào ngày 28 tháng 12 năm 2005 đã có cuộc đình công của hơn 18.000 công nhân thuộc công ty Freetrend Industry (100% vốn của Đài Loan, chuyên sản xuất giày thể thao) tọa lạc ở khu chế xuất Linh Trung 1 đình công đòi tăng lương và được chủ doanh nghiệp chấp nhận. Từ hai cuộc đình công đó đã kéo theo hai cuộc đình công khác là cuộc đình công của 800 công nhân làm cho công ty Hải Vinh (100% vốn trong nước) ở Thủ Đức và cuộc đình công của hơn 6000 công nhân công ty Chutex (100% vốn Đài Loan), chuyên may áo thun xuất khẩu tọa lạc ở khu công nghiệp Sóng Thần (tỉnh Bình Dương). Các chính quyền địa phương tại những nơi xảy ra đình công đã phải hoảng hốt và cho đều động lực lượng công an vũ trang đến bao vây hiện trường, nhưng chưa dám ra tay.

Công nhân Công ty Freetrend đình công đòi tăng lương vào sáng 28-12 (hình Người Lao Động)

Được biết vào ngày 28 tháng 12 năm 2005, những công nhân làm việc tại công ty Chutex đã cho rải và dán nhiều tờ truyền đơn trong công ty, kêu gọi đấu tranh đòi quyền lợi, trong đó có nội dung đòi tăng lương tối thiểu. Phía công ty viện cớ là Tổng giám đốc không có mặt tại Việt Nam nên chưa có thể giải quyết được, nhưng vì thấy khí thế đấu tranh hết sức quyết liệt của toàn thể công nhân nên chiều ngày 2 tháng 1 năm 2006, công ty đã thông báo trên loa rằng công nhân nào đi làm đầy đủ thì sau Tết Bính Tuất sẽ được hưởng thêm 80.000đồng/ tháng, còn việc tăng lương phải chờ. Không để cho công ty dùng kế hoản binh để chèn ép thêm nữa nên sáng ngày 3 tháng 1, hơn 6000 công nhân cương quyết đòi cho bằng được phải tăng lương 36%.

800 công nhân làm tại xưởng 1 của công ty giày Hải Vinh đều tham gia cuộc đình công đòi tăng lương và nói cho các ký giả hay rằng: Ở công ty Freetrend, họ đấu tranh và được tăng lương thì chúng tôi cũng có quyền như vậy. Không chỉ tiền lương thấp, mà bữa cơm giữa ca cũng quá tệ. Đã thế công ty còn thường xuyên áp dụng hình thức xử phạt bằng cách trừ lương. Công nhân ốm đau không có thuốc, công nhân nghỉ có phép cũng bị trừ tiền…

Cũng trong ngày 3 tháng 1 năm 2006, tại công ty Kollan và Hugo (100% vốn Hồng Kông) cả 5000 công nhân tiếp tục đình công không chấp nhận việc nâng lương tối thiểu lên 710.000 đồng/ tháng mà công ty đưa ra tại buổi thương lượng hôm 29/ 12/ 2005. Tổng giám đốc công ty là Lee Xiu Feng tuyên bố: Quyết định nâng lương như thế nào phải chờ chính phủ (CSVN), công nhân nào ngưng việc quá 5 ngày sẽ bị sa thải. Lời tuyên bố của Lee như thêm dầu vào lửa, càng làm cho không khí đình công căng thẳng hơn. Ban quản lý Hepza phải huy động cả tổ chức Đoàn Thanh Niên Cộng Sản vào cùng Công Đoàn giữ gìn trật tự cho công ty.

Tại công ty Latex (100% vốn Đài Loan) có 2.340 công nhân cũng hưởng ứng cuộc đình công của công nhân Kollan bằng cách yêu cầu chủ doanh nghiệp tăng lương 30%, rồi kéo dây chuyền đình công lan sang công ty Danu Vina (100% vốn Hàn quốc).

Ngoài việc lương cơ bản thấp và thu nhập của công nhân cũng quá thấp không đủ trang trải cho cuộc sống, công nhân còn bị ‘‘Sốc’’ hơn khi hay tin văn bản số 4472/ LĐTBXH-TL đề ngày 29 tháng 12 năm 2005 do Chánh văn phòng bộ Lao động Thương binh Xã hội Nguyễn Trọng Đàm ký vừa được tung lên mạng, trong đó xác định rõ từ ngày 1 tháng 1 năm 2006, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu (nghĩa là không cần phải tăng lương) theo quy định tại Quyết định số 708/ 1999/ QĐ-BLĐTBXH ngày 15 tháng 6 năm 1999 cho đến khi có quyết định mới.

Thay vì ủng hộ và cổ võ cho các cuộc đình công của những công nhân dám đứng lên đòi hỏi quyền lợi một cách chính đáng như thế thì báo Lao Động, một cơ quan ngôn luận của Đảng và nhà nước CSVN, lại viết rằng ‘‘Mặc dù các cuộc đình công ở TPHCM trong ngày 3 tháng 1 năm 2006 chỉ quy tụ khoảng gần 11.000 CN (chưa bằng 18.000 CN Cty Freetrend), nhưng xét về mức độ thì phức tạp, bởi lẽ hầu hết các cuộc đình công đều đã được chuẩn bị từ trước, giữa Cty này với Cty kia có sự phối hợp với nhau, thậm chí có một số nam CN cầm đầu tổ chức”. Báo này còn gọi những người cầm đầu là thành phần quá khích.

Không những huy động tổ chức Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Công đoàn Lao động (một bộ phận của đảng CSVN) vào cuộc để bảo vệ cho các công ty nước ngoài mà còn chính thức ra văn bản bênh vực các công ty này về việc không cần phải tăng lương cho công nhân. Rõ ràng là chính quyền CSVN đứng về phía các công ty nước ngoài để tiếp tục chèn ép người lao động Việt Nam.