Cộng Sản Sẽ Đổ Như Thế Nào?

Ngô Nhân Dụng
Nông dân Trung Quôc biểu tình.

Một biến cố trong tháng 12 năm 2007 cho thấy chế độ cộng sản ở Trung Quốc đã thua những người đấu tranh dân chủ, trong một trận đấu ngoạn mục. Hàng ngàn nông dân cùng “nổi dậy” một lúc tại 4 địa điểm rải rác từ Ðông Bắc xuống Tây Nam nước Trung Hoa. Công an cộng sản đã dẹp tan và bắt bớ nhiều người, nhưng còn rất nhiều người đã trốn được, trong số đó có những người chủ mưu. Nhóm chủ mưu này đã liên lạc, tổ chức, huấn luyện, cung cấp tài liệu cho các nông dân trong suốt 2 năm trời. Nhưng họ không phải nông dân mà lại là giới trí thức, giáo sư, nhà báo, trong đó có cả những đảng viên cộng sản lâu năm. Cho tới nay những người chủ mưu vẫn còn chưa bị bắt và hành tung của họ có thể vẫn chưa bị tiết lộ.

Vụ “nổi dậy” của nông dân thực ra không bạo động mà rất hiền lành, diễn ra tại ba tỉnh Hắc Long Giang (Ðông Bắc), Giang Tô (phía Ðông), Thiểm Tây (Tây Nam), và cảng Thiên Tân (phía Bắc). Trong cùng một ngày, nhiều nông dân ở 4 nơi đó họp nhau lại ký tên, tuyên bố họ chia ruộng đất cho dân chúng, tự động tư nhân hóa chủ quyền ruộng, đất mà theo hiến pháp Trung Hoa vẫn thuộc về nhà nước.

Bản tuyên bố của những nhóm nổi dậy này hỏi: “Ðất nước này thuộc về ai? Ai hưởng lợi lộc khi mang công ích ra bắt dân vâng lời?” Họ xác định: “Chỉ khi nào bảo vệ quyền của quần chúng và giúp đỡ quần chúng thì mới đáng gọi là chính phủ.”

Bản tuyên bố và giấy tờ dùng làm mẫu để mọi người ký tên được truyền đi trên mạng Internet. Bao nhiêu người cùng ký một bản văn giống hệt nhau ở 4 nơi cách xa nhau vạn dặm. Một phóng viên nhật báo Financial Times đã đi thăm các địa điểm trên trong cả tháng trời, gặp gỡ những người đã ký tên, đã bị bắt và được thả, để tìm hiểu về phong trào bất ngờ này. Một nông dân ở Thiểm Tây đã gặp nhà báo, sau đó bị công an tìm bắt nhưng đến nay vẫn trốn. Bài tường thuật trên báo đầu tuần lễ này cho thấy chế độ Cộng Sản Trung Quốc không vững chắc như thấy từ bên ngoài.

Nông dân Trung Quốc đổ lên thành phố sống lây lất trên vỉa hè.

Tin tức chính thức của đảng Cộng Sản Trung Hoa cho biết gần đây mỗi năm có hàng 100,000 cuộc biểu tình của nông dân khiếu kiện về đất đai. Nhưng chưa bao giờ có một phong trào có tổ chức tinh vi và quy mô lớn như trong tháng 12 vừa qua. Chưa bao giờ những nông dân hoặc thị dân bị mất đất, mất nhà, mất ruộng lại đoàn kết được để cùng nổi dậy một lúc, với sự tiếp tay của giới trí thức, sử dụng những phương tiện thông tin hiện đại. Một bên là những người dân chịu oan khuất, cần tranh đấu cho nhu cầu thiết thực của họ. Bên cạnh họ là những nhà trí thức sẵn sàng tiếp trợ họ bằng các lý luận, tư tưởng, chiến thuật và kỹ thuật tranh đấu. Ðoàn kết lại, họ là một sức mạnh có thể thay đổi lịch sử.

Chúng ta có thể nhớ đến những người có mặt trong đám tang cụ Hoàng Minh Chính vừa qua. Có những “dân oan” từng biểu tình đòi đảng Cộng Sản trừng phạt cán bộ tham nhũng cướp đất của dân, họ đã đến nghiêng mình trước áo quan. Có Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, Ðại Tá Phạm Quế Dương, các nhà văn Dương Tường, Hoàng Tiến, Luật Sư Trần Lâm, Hòa Thượng Thích Không Tánh, ký giả Nguyễn Vũ Bình, vân vân, đã tới lễ. Ðám tang cụ Hoàng Minh Chính trở thành nơi gặp mặt của những người dân hằng chịu oan khuất và đã đứng lên tranh đấu, cùng với những nhà trí thức sẵn sàng tiếp trợ họ. Ðây chỉ là một dấu hiệu thấy trên mặt nổi. Có thể đoán còn nhiều mạng lưới của giới sinh viên, thanh niên trí thức mang bầu máu nóng đang tìm những phương cách tổ chức các đồng bào bị oan khuất, không khác gì những nhà trí thức bên Trung Hoa. Họ đã từng huy động được những cuộc biểu tình đòi Hoàng Sa. Họ có khả năng thay đổi đời sống dân ta, để thay đổi chế độ chính trị.

“Chế độ cộng sản sẽ sụp đổ như thế nào?” Nó sẽ sụp đổ như lời Bình Ngô Ðại Cáo do Nguyễn Trãi viết: “Tổ kiến hổng sụt toang đê cũ” (bản dịch trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, nguyên văn là “Quyết tý nghị ư băng đê”). Chế độ cộng sản ở Trung Hoa cũng như Việt Nam là những cái đê cũ. Những biến động nho nhỏ trong xã hội giống như những tổ kiến tạo thành lỗ hổng. Bên ngoài trông rất tầm thường nhưng khi nước dâng lên thì chỉ cần một tổ kiến cũng có thể làm vỡ đê.

Ngày 20 Tháng Hai vừa qua, từ ngày 14 Tháng Giêng năm Mậu Tý, các huynh trưởng gia đình Phật tử ở Huế đã vượt qua những hành động ngăn cản và đe dọa của công an cộng sản để đến dự lễ cầu nguyện cho các nạn nhân Tết Mậu Thân ở Huế. Từ năm 1975 đến nay, cộng sản vẫn cấm bàn tới những vụ thảm sát ở Huế 40 năm trước, khi cán bộ cộng sản tháo chạy giết những nhóm thường dân bị họ bắt giữ, mỗi nhóm hàng trăm hoặc hàng ngàn người. Khi dân chúng tình cờ tìm ra một cái ao có xác chết, chính quyền cộng sản đã ra lệnh lấp cái ao và cấm bàn tán. Việc tổ chức lễ tưởng niệm của tăng ni và Phật tử ở Huế cho thấy người dân Việt Nam không còn sợ công an nữa. Bộ máy cai trị của cộng sản dựa trên công an. Khi người dân đã hết sợ công an, chúng ta thấy cái đê cộng sản quả thật đang cũ nát rồi.

Trong khi đó thì những tổ kiến hổng đang xuất hiện khắp nơi, chỉ đợi cơn nước lên là đê sẽ sụp tan. Cơn nước lũ sẽ là những nỗi bất mãn chồng chất của nông dân, công nhân, trước cảnh chênh lệch giàu nghèo giữa cán bộ và người dân, giữa bọn tư bản đỏ và giới lao động, giữa nông thôn và thành phố. Trong khi nhà đất ở Hà Nội, Sài Gòn tăng giá tới mức có nơi bán 17,00 đô la Mỹ một mét vuông biến bao người thành triệu phú đô la, thì nông dân vẫn có thể bị chính quyền cướp đất để cho các tay tư bản đỏ hay người ngoại quốc kiếm lời. Những vụ cán bộ công khai chiếm đất ở Bình Dương, Thủ Thiêm, cho tới Hải Dương, Vĩnh Phúc chỉ là những hiện tượng nổi bật nhất, bên dưới là hàng trăm ngàn vụ cướp đoạt khác không ai dám kêu oan. Những cuộc đình công hàng chục ngàn công nhân cho thấy những lỗ hổng khắp nơi trong cái đê cộng sản.

Vụ nổi dậy cùng một lúc ở 4 tỉnh bên Trung Quốc có thể sẽ thúc đẩy đảng Cộng Sản xứ này phải thay đổi cơ cấu chính trị. Hành động tự tư hữu hóa của các nông dân đã diễn ra giống như một biến cố năm 1978 khiến Ðặng Tiểu Bình phải bắt đầu cuộc cải tổ kinh tế. Người ta thường tưởng lầm rằng cuộc cải tổ là do sáng kiến của Ðặng Tiểu Bình; nhưng thực ra tất cả giới lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc đã bị đặt vào thế không thay đổi không được. Mà biến cố đầu tiên gây ra cuộc cải tổ là ở làng Tiểu Cương, tỉnh An Huy, ngày 23 tháng 12 năm 1978.

Ngày hôm đó, 18 nông dân đã bí mật họp nhau, do một cán bộ lãnh đạo công xã chủ mưu. Họ cùng ký vào một hợp đồng (phần lớn in ngón tay vì không biết chữ), chia ruộng đất trong công xã cho các xã viên. Ai làm người đó hưởng, miễn đóng góp đủ cho công xã để báo cáo với cấp trên. Thỏa ước của họ hoàn toàn bí mật, bên ngoài họ vẫn có hình thức một “công xã nhân dân” như Mao Trạch Ðông lập ra.

Nhưng bản hợp đồng bí mật của những gia đình này bị lộ, và chính quyền cộng sản bắt những người chủ mưu. Khi điều tra, người ta mới biết rằng dân làng Tiểu Cương sắp chết đói nếu không cho nông dân tự canh tác thửa ruộng của mình! Bản thỏa ước chia đất đã cứu dân làng thoát cảnh chết đói!

Ðặng Tiểu Bình đã bắt lấy ý kiến của dân Tiểu Cương, đặt ra chế độ khoán sản. Cuộc cải cách ở Trung Hoa bắt đầu từ đó, dần dần từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, tiến đến kinh tế tư bản. Ngày nay ông Nghiêm, người cán bộ đứng ra lập bản hợp đồng bí mật vẫn được bầu làm trưởng thôn, và ngôi nhà nơi họ bí mật ký kết trở thành một viện bảo tàng. Ở đầu làng có tấm biển ghi “Làng đầu tiên đổi mới!” Chính 18 người ở làng Tiểu Cương đã mở đầu cuộc cách mạng cơ cấu kinh tế ở Trung Quốc. Nếu muốn biết thêm chi tiết quý vị có thể vào Baidu.com, tìm những tài liệu liên can tới Yan Juncheng, Xiaogang, Anhui.

Chúng ta không thể đoán những cuộc họp ở 4 nơi bí mật tư nhân hóa ruộng đất trong tháng 12 vừa qua có ảnh hưởng đến chính sách của đảng Cộng Sản Trung Hoa như hành động của 18 nông dân ở Tiểu Cương 30 năm trước hay không. Nhưng theo phóng viên báo Financial Times thì những người tổ chức 4 cuộc nổi dậy đó cho biết mạng lưới của họ đã bắt rễ tới 20 tỉnh trên lục địa Trung Hoa và vẫn tiếp tục hoạt động. Từ nay đến ngày khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 không biết họ có thể gây một biến cố ngoạn mục nào hay không.

Cũng trên nhật báo Financial Times, một bản tin đầu tuần này cho biết cơ quan nghiên cứu của đảng Cộng Sản Trung Quốc mới phát hành một cuốn sách dầy trên 300 trang trình bày về nhu cầu cải tổ chính trị. Cuốn sách được bày bán trong các tiệm sách ở Bắc Kinh, nhưng không được đề cao trong báo chí, đưa ra những ý kiến có thể nói là táo bạo. Các nhà nghiên cứu cộng sản này dám nói rằng nước Trung Hoa cần phải có những cuộc tranh cử thật sự chứ không chỉ theo lối Ðảng cử dân bầu, tuy họ không nói đến nhu cầu đa đảng. Họ cũng nêu lên một đề nghị phải cho báo chí tự do, nếu không kinh tế sẽ khó phát triển. Ðó là những ý kiến chúng ta coi là bình thường nhưng trong một nước cộng sản thì đó là những tư tưởng “cách mạng!”

Việc phát hành cuốn sách dưới hình thức nghiên cứu diễn ra không liên can tới những cuộc nổi dậy đòi tư nhân hóa ruộng đất của nông dân 4 tỉnh, nhưng cùng một lúc sẽ thúc đẩy Cộng Sản Trung Quốc đến việc cải tổ chính trị. Riêng việc bãi bỏ chế độ nhà nước làm chủ ruộng đất không những được nhiều giới trí thức không cộng sản ủng hộ mà còn được nhiều nhà tư bản đỏ hoan nghênh nữa. Vì việc cải tổ đó sẽ củng cố quyền lợi của chính các cán bộ cộng sản đã tích lũy được tài sản trong những năm qua. Khi giai cấp tư bản đỏ đã trở thành chủ nhân thì họ cũng cần một cơ chế pháp luật bảo đảm quyền tư hữu. Như vậy sẽ bảo đảm cho con cháu họ được hưởng những gì họ đã cướp được. Một chế độ tự do dân chủ là cơ chế bảo đảm quyền tư hữu, nếu còn duy trì một chế độ độc tài thì người ta còn lo không biết lúc nào mình sẽ bị mất hết tài sản! Cho nên nếu có một vụ “nổ từ bên trong” thay đổi cả chế độ cộng sản, điều có cũng không phải ngạc nhiên!

Ðảng Cộng Sản Việt Nam vẫn theo gót Cộng Sản Trung Quốc trên lộ trình đổi mới, nhưng họ thường đi sau hàng chục năm vì thành phần lãnh đạo cộng sản ở Trung Hoa nhiều người có học vấn khá hơn. Giới thanh niên trí thức nước ta sẽ kết hợp với nông dân, công nhân, tạo một liên minh buộc các lãnh tụ cộng sản phải thay đổi sớm hơn; không thể chỉ nhìn coi các quan thầy làm chi thì bắt chước. (Người Việt; Friday, February 22, 2008)

Ngô Nhân Dụng