Corazon Aquino và Sức Mạnh Nhân Dân

Đặng Vũ Chấn

Ngày 1 tháng 8 vừa qua, cựu tổng thống Phi Líp Pin, bà Corazon Aquino đã từ trần vì Ung Thư, hưởng thọ 76 tuổi. Bà là người phụ nữ đầu tiên làm tổng thống tại Phi, từ năm 1986 đến 1992, sau khi đã phục hồi lại nền dân chủ qua cuộc cách mạng “Sức mạnh Nhân Dân” (People Power Revolution) chấm dứt chế độ tham nhũng, độc tài Ferdinand Marcos.

Xuất thân từ một gia đình địa chủ giàu có theo đạo công giáo, bà được đi du học tại Mỹ và tốt nghiệp đại học về Pháp Văn và Toán. Sau đó bà trở về Phi Líp Pin để học thêm luật và tại đây bà đã gặp và thành hôn với Benigno Aquino, một chính trị gia đầy triển vọng. Trong nhiều năm sau đó, bà làm người vợ hiền, thầm lặng, ngoan đạo bên cạnh ông chồng Begnino hoạt bát nhiều cao vọng, từng làm thống đốc và nghị sĩ. Ông này có nhiều triển vọng thắng cử tổng thống trước khi bị nhà độc tài Marcos dở mặt, ban hành thiết quân luật và bắt giam vào năm 1972.

Đến năm 1980, Begnino Aquino được Tổng Thống độc tài Marcos phóng thích và cho phép sang Mỹ chữa bệnh tim cùng với gia đình. Bà Corazon mô tả 3 năm ở bên Mỹ với gia đình là thời gian êm ấm nhất đời bà. Năm 1983, ông Aquino quyết về nước để vận động chính trị và bị những quân nhân Phi sát hại ngay tại phi trường khi ông mới đáp xuống và bị dẫn đi. Bà Corazon luôn quả quyết rằng chính ông Marcos đã ra lệnh thủ tiêu chồng mình. Từ đó bà miễn cưỡng trở thành một nhân vật của quần chúng để cho lý tưởng và hình ảnh của chồng mình được sống mãi. Bà dần dần trở thành một khuôn mặt biểu tượng kết hợp các lực lượng đối lập đang phân mảnh, mặc dù bà đã nhiều lần từ chối việc ra tranh cử tổng thống.

Nhưng khi Marcos kêu gọi và mở ra một cuộc bầu cử gấp rút vào tháng 2 năm 1986 cốt để nắm chắc phần thắng trong lúc hàng ngũ đối lập còn phân hóa chưa chuẩn bị củng cố kịp, bà miễn cưỡng chấp nhận ra tranh cử đối đầu với Marcos, thể theo nguyện vọng của những người ủng hộ đã vận động được cả triệu chữ ký đề cử bà. Trong đơn ghi danh tranh cử, bà kê khai nghề nghiệp là “nội trợ” và không ngần ngại cho biết mình chả biết gì về việc làm tổng thống.

Thế nhưng bà đã mau chóng chứng tỏ khả năng vận động tranh cử một cách quyết liệt, không mặc cảm sợ hãi, trong y phục cố hữu màu vàng, màu của những nơ vàng mà quần chúng Phi đã đeo và treo đầy đường khi đón chồng mình trở về nước trước kia. Bà thề sẽ giải thể chế độ độc tài mà ông Marcos đã củng cố xây dựng trong cả hai thập niên, và loại trừ “căn bệnh ung thư xã hội từ phe đảng và tham nhũng” dưới thời Marcos cũng như bắt Marcos phải chịu trách nhiệm về cái chết của chồng bà, ông Aquino. Những thông điệp bà đưa ra: “Ông Marcos liệu hồn đừng bao giờ khinh thường nguyện vọng của quần chúng vì ông sẽ phải đương đầu với sự thịnh nộ của nhân dân”, “đây là giai đoạn một mất một còn, là thời điểm của sự thật, nhân dân phải ra sức tối đa vì cơ hội có thể không bao giờ trở lại”. Tiên đoán trước Marcos sẽ gian lận bầu cử khi thấy kết quả không thuận lợi cho mình, bà đe trước sẽ dẫn đầu một cuộc biểu tình quy mô vĩ đại nếu chiến thắng của mình bị Marcos cướp đi.

Quả nhiên, sau một thời gian kiểm phiếu kéo dài để lộ nhiều dấu tích gian lận và bạo động, một cơ chế pháp định bù nhìn đã tuyên cáo chuẩn nhận ông Marcos tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống 6 năm vào ngày 16 tháng 2 năm 1986. Bà Aquino phản ứng bằng cách tung ra một chiến dịch bất tuân dân sự quy mô.

6 ngày sau, tổng trưởng quốc phòng Phi, Juan Ponce Enrile, dẫn đầu một cuộc bất tuân quân sự tại Manila, và được tư lệnh quân đội, tướng Fidel Ramos, nhập cuộc ủng hộ. Lực lượng ly khai tuyên bố ủng hộ Corazon Aquino, và Đức Hồng Y Jaime Sin, vị chủ chăn tối cao của người công giáo Phi vốn chiếm đa số, kêu gọi tất cả con chiên xuống đường để ngăn chặn quân trung thành với Marcos kéo về tấn công quân đảo chánh. Hàng triệu người dân Phi hưởng ứng đổ ra đường làm chùn tay quân của Marcos, thể hiện “Sức mạnh Nhân Dân”. 3 ngày sau Marcos phải chạy khỏi dinh tổng thống Malacanang, nơi ông trị vì suốt hai thập niên từ 1965, và sau đó lưu vong tại Hawaii cho đến chết năm 1989.

Cuộc cách mạng dân chủ bất bạo động dựa vào “Sức Mạnh Nhân Dân” đã thành công tại Phi, tạo hứng khởi và tiền lệ cho những cuộc cách mạng bất bạo động giải thể chế độ độc tài tại nhiều nơi khác trên thế giới sau đó.

Nhưng nhiêm kỳ tổng thống của Corazon Aquino đã không thuận buồm xuôi gió. Chính phủ của Bà đã phải vượt qua bẫy toan tính đảo chánh từ giới quân nhân, chiến đấu dai dẳng với phiến quân cộng sản Phi, đương đầu giải quyết nhiều thiên tai từ bão lụt, hạn hán, đến động đất và núi lửa bùng phát. Bà đã không thành công trong việc xóa đói giảm nghèo, diệt trừ tham nhũng, vực dậy kinh tế suy sụp. Nhưng bà đã chủ trì một cuộc chuyển giao quyền hành êm ái lần đầu tiên sau 26 năm tại Phi, qua thể thức bầu cử dân chủ. Theo bà, mãn nhiệm, rời bỏ quyền hành tổng thống là một trong những giờ phút bà hãnh diện nhất trong đời mình, vì đã trao quyền Tổng Thống cho người kế vị, nguyên tổng trưởng quốc phòng Ramos, được bầu chọn một cách chính danh và hợp pháp, trong hòa bình không đổ máu. Đó là sự thành công vinh quang của nền dân chủ, theo đúng ý nguyện của chồng bà khi còn sống. Ông đã liều mình trở về nước cốt để ngăn chặn mọi sự nắm hay chuyển quyền bất hợp pháp.

Trong bài diễn văn nhận giải thưởng J William Fullbright For International Understanding năm 1996 tại Mỹ, bà đã có những lời đáng ghi nhớ khi giải thích tại sao bà không muốn chia quyền hành với quân đội:

“Tôi muốn tái dựng lại một nền dân chủ thực sự, và như thế không thể có chỗ cho nền quân phiệt (junta) trên nước tôi….Có lẽ quân đội them muốn việc tôi cầm quyền bằng pháp lệnh trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng Thống của tôi. Đây là việc làm cần thiết để giải tán quốc hội bù nhìn, quy tụ lại các tài sản bị chiếm đoạt, xóa bỏ hiến pháp độc tài của Marcos, chặt bớt quyền hành của tổng thống, dọn sạch nền tư pháp. Mỗi luật tôi đề ra làm giảm đi quyền lực của chính tôi, cho tới qua pháp lệnh cuối cùng, tôi tự tước bỏ hết quyền lập pháp của mình…”

Vài bài học rút ra từ sự nghiệp chính trị của Corazon Aquino:

Một người dân bình thường, ở đây là một người nội trợ, vợ hiền ngoan đạo, có thể trở thành một lãnh tụ quốc gia, nếu có được niềm quyết tâm lo việc nước và được đa số quần chúng ủng hộ, chứ không nhất thiết phải là một chính trị gia dầy dặn kinh nghiệm.

Khi cuộc cách mạng dân chủ xẩy ra nhanh chóng trước khi các bối cảnh và cơ chế đa nguyên dân chủ được định hình và bám rễ, vai trò và bản chất của người lãnh đạo mới rất quan trọng. Bà Aquino đã chứng tỏ mình là người không say mê quyền lực, không chủ trương nắm chính quyền bằng mọi giá, nên đã không bẻ lái đưa đất nước Phi vào một chế độ độc tài mới, mà đã xây dựng củng cố cơ chế dân chủ bằng cách tự cắt giảm đi khả năng chuyên quyền của chính mình và chống chọi với những manh nha quân phiệt.

Các chế độ độc tài luôn tìm cách duy trì sự ổn định của chế độ dựa trên những cột trụ chính là bộ máy bạo lực như công an quân đội. Nhưng cột trụ quân đội tuy thế lại khá mong manh, vì bản chất nhiệm vụ của quân đội là bảo vệ đất nước, chống ngoại xâm, nội giặc bạo động, chứ không phải là quay súng bắn vào nhân dân không vũ khí trong tay để bảo vệ cho một đảng phái hay một chế độ nào. Cho nên quân đội là thành phần dễ dàng và mau chóng đứng về phía nhân dân khi thấy rõ nhà cầm quyền không còn được nhân dân ủng hộ; hoặc khi thấy dân chúng không thể chịu đựng được nhà cầm quyền đó nữa. Chỉ cần quân đội bất tuân lệnh đàn áp, quay lại che chở cho nhân dân là độc tài sụp đổ, vì lúc đó cột trụ công an sẽ không dám manh động mà dễ rã ngũ theo.

Muốn thấy như trên, người dân cần có những biểu lộ chán ghét, bất hợp tác quy mô với nhà cầm quyền độc tài. Một vài nhóm thì còn dễ sợ hãi, dễ bị khuất phục, nhưng nếu hàng loạt cùng biểu lộ bất đồng với cầm quyền, thì người dân sẽ không còn sợ hãi, mà bộ máy bạo lực lúc đó phải chùn tay. Ta đang thấy sự biểu lộ không sợ hãi của đông đảo giáo dân hiệp thông với giáo xứ Tam Tòa ở Việt Nam là ví dụ. Số đông và quy mô, kỷ luật là yếu tố quyết định thành công trong đấu tranh bất bạo động một khi đạt tới lượng điểm làm xoay chuyển tình hình.

Tóm lại, điểm then chốt cổ điển trong bài học từ Corazon Aquino, người gắn liền với cuộc Cách Mạng Sức Mạnh Nhân Dân, là chế độ độc tài không thể cưỡng lại sức mạnh nhân dân luôn vô địch.

Vây chừng nào nhân dân ta thể hiện được sức mạnh này của mình đây?

Đặng Vũ Chấn