CSVN Cho Phát Triển Đô Thị Bừa Bãi Tàn Phá Môi Trường

Kế hoạch phát triển đô thị một cách bừa bãi của chính quyền CSVN đã làm cho cây xanh ở thành phố Sàigòn Gia Định lần lượt bị đốn để nhường chổ cho các cao ốc mọc lên khiến cho diện tích cây xanh của thành phố trước đây 4,5 m2 (mét vuông)/ đầu người (các thành phố hiện đại khác trên thế giới trung bình từ 10 đến 15 m2/ đầu người) nay chỉ còn 0,7 m2/ đầu người, vậy mà những quan chức đứng đầu thành phố lại còn định cắt 2,3ha đất công viên 23-9 để bán cho những người đầu tư xây cao ốc 54 tầng. Điều này đã làm cho người dân rất bất mãn và đứng lên phản đối một cách quyết liệt khiến cho ông Phạm Dương Thảo, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Sài Gòn phải rút lui ý định. Đối với câu chất vấn tại sao phải hy sinh cây xanh để xây cao ốc? thì Giám đốc Sở Qui hoạch kiến trúc thành phố là ông Nguyễn Trọng Hòa trả lời ngang rằng: ‘‘Dự án cao ốc lẽ ra đưa ra khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng khu đô thị này xây dựng chậm nên nhà đầu tư xin vô đây. Thành phố không chờ và đã cho phép. Đâu có hy sinh công viên làm nhà, vì tỉ lệ xây dựng ở đây chỉ chiếm 10%’’.

Người chất vấn là đại biểu Thành phố Trương Trọng Nghĩa không đồng ý với câu trả lời đó và nói rằng ‘‘Tôi có cảm giác ông Giám đốc bảo vệ tòa cao ốc hơn là xem xét về lợi ích môi trường và quyền lợi của người dân. Nếu để nguyên như hiện nay, công viên 23-9 phục vụ cho nội ô đó vì nó phải gánh khí thải, nhiệt độ (từ máy lạnh) của 54 tần nhà này’’. Ông Nguyễn Trọng Hòa của sở Qui hoạch kiến trúc thành phố, sau một hồi đưa ra nhiều lý do để bảo vệ dự án cao ốc, nhưng càng đưa càng lòi ra thêm nhiều điều vô lý nên cuối cùng nói rằng: Đây là bài toán đầu tư, còn tôi là chuyên gia qui hoạch. Nếu ý nguyện của đồng bào là không xây cao ốc ở đây thì cứ đề đạt lên lãnh đạo thành phố xem xét. Trước đó ông Hòa nói rằng công tác qui hoạch thời gian chậm, trong số 10.000ha đã phê duyệt hiện đang điều chỉnh có nhiều qui hoạch ‘‘treo’’, nhưng sau đó ông ta lại kết luận rằng với tiến độ vừa qua, không thể nói là qui hoạch chậm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hoàng, đại biểu hội đồng nhân dân thành phố đã chất vấn ông Hòa của sở Quy hoạch rằng qua giám sát, sở quy hoạch thừa nhận là chậm nay lại nói không chậm là điều mâu thuẫn. Ngoài ra, khi giám sát ở Bình Thạnh, UBND huyện báo cáo không có qui hoạch ‘‘treo’’ vì có được duyệt đâu mà treo, nay sở Quy hoạch thành phố lại nói là bi treo cho thấy là lối làm việc thiếu trách nhiệm và câu thả. Khi bị ông Hoàng dí như vậy, ông Nguyễn Trọng Hòa phản pháo lại rằng: Sở Quy hoạch không nói chậm, ở đây chỉ nói là tiến độ phủ kín qui hoạch như thế là kịp thời. Còn chậm là có chậm ở khâu phối hợp giữa sở và quận , huyện chưa nhịp nhàng. Tuy nhiên không ai hiểu điều ông Hòa phát biểu nói là gì?

Cũng do kế hoạch phát triển đô thị bừa bãi nên mỗi khi có mưa lớn thành phố thường bị ngập nước vì hệ thống cống rảnh không thoát nước được. Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc sở Giao thông công chính thành phố Sài Gòn lại báo cáo rằng sở của ông ta đã xóa được 6 điểm ngập, làm giảm ngập ở 19 điểm ngập nặng, khống chế được triều cường ở khu vực Bình Thạnh, quận 6. Khi nghe ông Phượng khoe khoan, hầu hết những người có mặt đều lắc đầu, trong khi bên ngoài thì người dân cư ngụ tại quận Bình Thạnh đã điện thoại phản đối báo cáo của ông Phượng là không đúng. Khi bị hỏi là tại sao dự án thoát nước Nhiêu Lộc-Thị Nghè trễ đến 12 tháng, ông Phượng lại chống chế rằng: ‘‘Đến giờ nói vậy chứ không chậm, vì chỉ tiêu đến cuối năm mới hoàn thành. Nhưng rồi …sẽ chậm, vì đến nay mới làm được 30%’’.

Qua một số phát biểu qua lại giữa các đại biểu thành phố và công chức nhà nước Cộng sản Việt nam người ta thấy rõ hai điều:

Thứ nhất là cán bộ nhà nước đã tiến hành các dự án một cách vô tội vạ, miễn làm sao thuận lợi cho họ mà thôi. Họ không quan tâm gì đến đời sống của dân chúng nên mới xảy ra những cảnh ngập lụt triền miên mỗi khi mưa xuống trong thành phố, hay cho xây cất các cao ốc một cách thiếu kế hoạch, tàn phá môi sinh.

Thứ hai là khi bị dân chúng phản đối, tố giác là sai lầm mà cán bộ nhà nước vẫn khư khư từ chối, không nhận lỗi kể cả việc ngưng những kế hoạch gây nguy hại đời sống của người dân. Từ trong quan điểm ’đảng’ đứng lên trên tất cã nên cán bộ nhà nước đã tự coi họ là người ban phát những ’ân huệ’ cho người dân nên vì thế mà họ đã không bao giờ quan tâm các ý kiến của dân.

Điều cần nhấn mạnh là trong thời mở cửa trước đây, Hà Nội đã cho cán bộ đốn rừng xẻ cây bán kiếm tiền nên tạo ra nạn lở đất, lụt lội mỗi khi mùa mưa đến. Ngày nay, Hà Nội lại cho tư bản ngoại quốc vào xây cao ốc làm Hotel, văn phòng trong kế hoạch chiêu dụ đầu tư nên đã phá các công viên để bán cho các chủ nhân ông ngoại quốc. Với đà này, Việt Nam trong tương lai sẽ không còn những cảnh thiên nhiên, cây cối sẽ bị tàn phá và chắc chắn làm ảnh hưởng trầm trọng lên đời sống người dân. Đây là một vấn nạn mà chúng ta không thể không quan tâm để có những kế hoạch ngăn chận sự tàn phá vô tội vạ này của tập đoàn lãnh đạo CSVN.