CSVN Đã Làm Gì Trong Hội Đồng Bảo An LHQ ?

Trần Đức Tường

Điểm lại 7 tháng, sau khi cộng sản Việt Nam được bầu vào Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, và nhất là 1 tháng làm chủ tịch luân phiên của cơ chế này, người dân Việt Nam không thấy được gì ngoài nỗi thất vọng. Vì với vị trí và thời cơ hiếm có đó, Hà Nội đã không làm điều gì có lợi thiết thực cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Cuối năm ngoái, sau bao nhiêu nỗ lực vận động để các quốc gia châu Á nhường chỗ, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Người dân ít nhiều cũng cũng cảm thấy tự hào, hãnh diện… Tự hào và hãnh diện vì Việt Nam đã vào được diễn đàn quan trọng nhất của nhân loại, đứng ngang hàng với ngũ cường và các nước khác trên thế giới. Cùng với sự tự hào đó là niềm hy vọng. Hy vọng rằng , với vị trí thuận lợi, cùng sự chú ý, quan tâm của cả thế giới, Việt Nam có thể đưa những vấn đề uất ức của đất nước, dân tộc ra trước diễn đàn quốc tế. Đó vấn đề Trung Quốc bá quyền xâm lấn các quần đảo Hoàng Sa và Trường sa, cũng như sự ngang ngược của nước này trong vấn đề hải phận, thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thậm chí bắn giết ngư dân ta và đe dọa thuyền bè ngay trong lãnh hải Việt Nam.

Những gì Cộng Sản Việt Nam làm trong một tháng giữ ghế chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An chẳng có gì đáng nói. Vì thực ra từ trước đến nay bao nhiêu nước nhược tiểu Á, Phi ở trong cương vị đó cũng đều làm được như vậy. Đáng nói chăng là việc Hà Nội luôn luôn đi theo các nước đàn anh, để bỏ phiếu chống lại nghị quyết lên án độc tài, gian lận bầu cử, đàn áp, giết hại đối lập ở Zimbabue; hoặc phê phán Irael, mà không hề đả động đến những hành động khủng bố của các nhóm Palestine đối với Israel. Nhất là trong khi Hà Nội đang xúc tiến mở đại sứ quán tại Israel, trao đổi thương mại với Israel, tiếp nhận những phái đoàn nhân đạo của Israel tới giúp đỡ nhân dân Việt Nam.

Mạnh miệng, đối với Israel, quốc gia chỉ giúp đỡ, chứ không làm gì hại đến quyền lợi của Việt Nam, nhưng trước việc Bắc Kinh đánh chiếm Hoàng Sa, Trường sa, xâm phạm hải phận, bắn giết ngư phủ Việt Nam ngay trên lãnh hải của ta, thì Hà Nội lại câm như hến. Cũng nên nhớ là, ngày 4 tháng 8 năm 1958, Bắc Kinh đã phổ biến “Bản Tuyên Bố Của họ về lãnh Hải” được Ủy Ban Thường Trực Quốc Vụ Viện thông qua một tháng sau đó. Khoản 1 của Bản tuyên bố này khẳng định nhiều hải đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thuộc về Trung Quốc. Ông Phạm Văn Đồng, dưới sự chỉ đạo của ông Hồ Chí Minh và bộ chính trị, đã gửi công hàm ngày 14/09/1958, tán thành bản tuyên bố vừa kể của Trung Quốc. Phải chăng vì vậy mà bây giờ Cộng Sản Việt Nam không dám mở miệng ? Thực ra thì vào lúc đó, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Ông Phạm Văn Đồng và cộng sản Việt Nam không có thẩm quyền gì để dâng bán cho Trung Quốc. Thế nhưng nay Hà Nội vẫn không dám dùng lý lẽ vừa kể, vì há miệng mắc quai. Có lẽ vì vậy mà năm 1978, phó thủ tướng Lý Tiên Niệm của Trung Quốc đã nói rằng, 80 năm nữa Trung Quốc mới bàn chuyện Hoàng sa Trường Sa với Việt Nam.

Trong quá trình ký kết hiệp định biên giới trên đất liền, cũng như hiệp nghị phân chia Vịnh Bắc Bộ và Hợp tác nghề cá, các quan chức chóp bu của đảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam đã thì thọt qua lại thiên triều Bắc Kinh. Chuyện đảng cộng sản Việt Nam xem đất nước là của riêng của họ, dâng đất, dâng biển cho quan thầy Trung Quốc là chuyện đã rõ như ban ngày. Chẳng ai bàn cãi nữa. Tuy nhiên, sự nhượng bộ của Cộng Sản Việt Nam đối với Trung Quốc đến mức nào thì phải chờ lịch sử tiết lộ mới biết được.

Cũng nên nhắc lại rằng, trong những tranh chấp về các hải đảo với các nước Philippines, Indonêxia, Malasia, Việt Nam,… Bắc Kinh đã theo lối chia để trị, tránh quốc tế hoá vấn đề, chỉ thảo luận song phương với từng nước liên quan. Lẽ ra, với vị trí chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An trong tháng qua, Nếu khôn khéo, và đặt quyền lợi đất nước lên trên quyền lợi của đảng cộng sản, thì Hà Nội đã phải tận dụng vị thế vừa kể để quốc tế hoá vấn đề các hải đảo của ta bị xâm chiếm, tìm kiếm thêm đồng minh, hầu phần nào giảm bớt sự ngang ngược của Trung Quồc, cho dù nghị quyết về việc này sẽ bị Trung Quốc phủ quyết. Hà Nội đã không làm như vậy. Điều này cũng dễ hiểu. Vì nếu Lê Chiêu Thống trong lịch sử không đời nào dám mở miệng cãi thiên triều, thì Lê Chiêu Thống ngày nay cũng thế mà thôi.

Trần Đức Tường

– Nghe bài này qua radio Chân Trời Mới