CSVN Hủy Bỏ Nghị Định 31/CP

Theo nguồn tin mới nhất nhận được từ văn phòng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, chính quyền CSVN đã quyết định hủy bỏ Nghị định 31/CP, như là một chỉ dấu bày tỏ thiện chí và cũng có thể hiểu là một trong những bước nhượng bộ đầu tiên của Hà Nội đối với áp lực của quốc tế cũng như cộng đồng người Việt khắp nơi. Sự kiện chính quyền CSVN chọn lựa thời điểm bãi bỏ nghị định kể trên, vài tuần trước khi Tổng Thống Hoa Kỳ Goerge Bush đến Việt Nam tham dự hội nghị APEC, cho thấy Hà Nội muốn làm hài lòng Hoa Thịnh Đốn về những vấn đề chính trị đang trở nên sôi bỏng ở Việt Nam hiện nay. Được biết đảng Việt Tân đã có những nỗ lực đầu tiên vận động quốc hội Hoa Kỳ áp lực CSVN hủy bỏ Nghị Định 31/CP, ngay khi mới được hình thành vào năm 1997.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho ký giả P. Parameswaran của hãng thông tấn AFP, ông Michael Orona, Phó Giám Đốc Văn Phòng đặc trách vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động thuộc bộ ngoại giao Hoa Kỳ, xác nhận chính quyền CSVN đã thông báo cho Hoa Kỳ quyết định bãi bỏ Nghị định 31/CP. Ông Michael Orona cũng cho biết thêm trong cuộc đàm phán của Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Barry Lowenkron tại Hà Nội, đại diện Bộ Tư Pháp CSVN đồng ý bãi bỏ Nghị Định 31/CP, như là một trong những điều kiện cần được đáp ứng trong tiến trình giải quyết vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, gián tiếp ảnh hưởng đến việc cứu xét Việt Nam tham gia WTO cũng như được Hoa Kỳ chấp thuận quy chế mậu dịch bình thường vĩnh viễn (PNTR).

Kể từ ngày 14.4.1997, khi Nghị định 31/CP gồm 4 chương với 28 điều, do Võ Văn Kiệt ban hành và chính thức áp dụng, những thành phần dân tộc đấu tranh cho tự do dân chủ, báo chí, tín ngưỡng, v.v… đã bị trù dập nặng nề. Nghị định này cho phép công an bắt giam tại chỗ mà không cần xét xử từ 6 tháng tới 2 năm. Điều nghịch lý là công an được quyền bắt mà không cần chứng cớ phạm pháp, sau đó dư thời gian để ngụy tạo hay ép cung, nhằm ghép đối tượng vào diện 31/CP. Với phương tiện “pháp lý” này, nhân viên an ninh, công an có toàn quyền cô lập tức khắc, tự do tra tấn, khủng bố nạn nhân để ép cung hoặc êm thắm thủ tiêu, mà thân nhân hay cơ quan quốc tế khó kiểm chứng được. Dưới đây là một vài trích dẫn đáng lưu ý về nghị định này:

“Điều 1.- Quản chế hành chính là biện pháp xử lý hành chính, buộc những người có hành vi phạm pháp luật… phải cư trú, làm ăn sinh sống ở một địa phương nhất định và chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền, nhân dân địa phương.

Thời hạn quản chế từ 6 tháng đến 2 năm. Điều 2.- …áp dụng đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến an ninh quốc gia….

Điều 4.- …thi hành tại nơi cư trú của người bị quản chế… ở những nơi quan trọng xung yếu về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng…

Điều 5.- …Cơ quan công an cấp huyện và ủy ban nhân dân xã, phường… thu thập tài liệu và lập hồ sơ… Nghĩa là hoàn toàn không thông qua viện kiểm soát hay tòa án, dù chỉ là trên phương diện hình thức giấy tờ.

Điều 11.- Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét ra quyết định quản chế…

Điều 17.- Trong thời hạn quản chế người bị quản chế hành chính phải cư trú, làm ăn sinh sống tại xã, phường, thị trấn nơi thi hành quyết định quản chế hành chính và phải chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền, nhân dân địa phương, chỉ được đi lại trong phạm vi nơi người đó bị quản chế. Nếu có lý do chính đáng… muốn đi ra khỏi phạm vi… thì phải làm đơn xin phép…

Điều 18.- Một tháng một lần, người bị quản chế hành chính phải đến trình diện và báo cáo việc thực hiện quyết định quản chế hành chính của mình tại ủy ban nhân dân cấp xã (phường) nơi thi hành quyết định quản chế. … nếu vắng mặt mà không có lý do chính đáng… lập biên bản và yêu cầu làm kiểm điểm…

Điều 19.- … không được hành nghề kinh doanh đặc biệt hoặc một số nghề nghiệp khác và với các nghề đó người bị quản chế có điều kiện để vi phạm pháp luật.

Điều 22.- …Công an nhân dân cấp xã (phường) giúp ủy ban nhân dân cấp xã (phường), lập hồ sơ theo dõi…

Điều 25.-… Hồ sơ quản chế do cơ quan công an lưu giữ.

Điều 28.- Bộ nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra thực hiện qui chế này…

Theo giới chức bộ ngoại giao Hoa Kỳ, việc yêu cầu CSVN hủy bỏ Nghị định 31/CP đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong các cuộc thương thảo về vấn đề nhân quyền giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội, kể từ tháng 2 năm 2006. Được biết trước thời gian Tổng thống George Bush tham dự hội nghị APEC tại Hà Nội, 18-19 tháng 11, quốc hội Hoa Kỳ cũng sẽ nhóm họp để thảo luận và cứu xét quy chế mậu dịch bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam. Cũng theo giới chức Hoa Kỳ, chính quyền CSVN sẽ không chính thức công bố quyết định hủy bỏ Nghị định 31/CP, nhưng trên căn bản thỏa thuận, nghị định này sẽ không còn hiệu lực, và không thể dùng như một căn bản pháp lý để giam giữ hay buộc tội. Mọi án phạt sẽ phải được phân sử trước tòa án, với sự hiện diện của luật sư đôi bên. Ngoài ra, ông Michael Orona cho biết Hoa Kỳ vẫn tiếp tục áp lực Hà Nội trả tự do cho 2 tù nhân chính trị là ông Nguyễn Vũ Bình và ông Phan Văn Bản.

Trong bản tin của hãng AFP, loan tải ngày 30.10.2006, ký giả P. Parameswaran cho biết đảng Việt Tân đã có những nỗ lực đầu tiên vận động quốc hội Hoa Kỳ áp lực CSVN hủy bỏ Nghị Định 31/CP, đồng thời trích dẫn lời phát biểu của ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng, về vấn đề này: “Chúng ta vẫn phải tiếp tục soi rọi vào những hành vi lạm dụng hệ thống luật pháp của chính chế độ Hà Nội, trong mưu đồ đàn áp chính trị của họ”.