Cuộc Vận Động Cho Tự Do Tại Quốc Hội Hoa Kỳ Trong Hai Ngày 28 và 29 Tháng 4 Năm 2005

Tưởng Niệm 30 Năm Quốc Hận 30 Tháng 4

Cuộc Vận Động Cho Tự Do Tại Quốc Hội Hoa Kỳ Trong Hai Ngày 28 và 29 Tháng 4 Năm 2005

Trần Đông Đức tường trình từ Hoa Thịnh Đốn

Ngày 28 Tháng 4 Năm 2005: Vận Động Tại Hạ Viện.

Trước thềm không khí thiêng liêng để tưởng niệm 30 năm của ngày Quốc Hận, các nơi sinh hoạt có đông người Việt tại vùng DC đều có bóng dáng của đồng hương khắp nơi đang tụ về. Chiếc thuyền vượt biên của bà Madelein Lài đang được triển lãm lưu động trên các đường phố ở thủ đô đã làm gợi lại bao nhiêu ký ức đau buồn, bi tráng và những bồi hồi không dứt.

Để cho cuộc hành trình tới ngày 30/4 có một tiếng nói hành động, VPAC (Uỷ ban vận động chính trị người Mỹ gốc Việt) đã tổ chức một vận động trong 2 ngày (28 và 29 tháng Tư) tại lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ về những vấn đề liên quan đến công cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam. Chương trình vận động cũng là tiền đề cho nội dung cuộc tuần hành cho Tự Do Việt Nam lớn nhất từ trước vào chiều thứ Bảy 30/4 sắp tới tại tiền đình điện Capitol.

Đây là một thời điểm nhạy cảm nhất đối với cộng đồng và chính phủ Hoa Kỳ về bang giao Việt Mỹ. Hệ thống phân quyền giữa Lập pháp và Hành pháp của chính phủ Hoa Kỳ đang có những cuộc đối đầu gay cấn về vấn đề Hoa Kỳ đối xử với CSVN. VPAC đã có kinh nghiệm vận động chính trị một đội ngũ chuyên môn về ngoại vận. Bốn nhóm của đoàn bao gồm đủ các thành phần cử tri gốc Việt, để gặp đủ đại diện các chính khách có đối sách cứng rắn (lẫn mềm mỏng) với những quốc gia vi phạm nhân quyền trầm trọng như Việt Nam. Do thời lượng và yêu cầu đặc biệt, các vị dân biểu lần này tiếp xúc với cử tri Việt Nam trực tiếp. Cuộc tiếp xúc lần này mang đầy tính thú vị và kịch tính nhất trong quá trình vận động ủa VPAC.

Dân biểu Frank Wolf gọi thẳng bộ ngoại giao để cảnh cáo

Bằng một thái độ bất tương nhượng và phong cách đầy chính khí của người đại diện cho dân, dân biểu Frank Wolf đã làm mọi người ngạc nhiên đến bất ngờ khi ông cho gọi điện thoại ngay tới bộ ngoại giao để cộng đồng Việt Nam chất vấn. Sự việc xảy ra sau khi anh Hoàng Tứ Duy, đoàn trưởng thông báo thời điểm “15 tháng 3” đang bị bỏ lơ một cách mờ ám. (Do BNG không muốn làm chuyến viếng thăm của thủ tướng CS Phan Văn Khải sắp tới bị sỉ nhục). Dân biểu Wolf bức xúc cao độ. Chỉ còn 2 phút là ông phải qua quốc hội để bầu phiếu cho nghị quyết về ngân sách đang truyền hình trực tiếp tại văn phòng – Ông đã nán lại kêu người phụ tá gọi điện thoại ngay đến bộ ngoại giao để gặp một nhân sự trách nhiệm ở đó. “Tôi chỉ còn 1 phút 26 giây đồng hồ để đi bầu cho một dự luật. Tôi cảnh cáo văn phòng ngoại giao đang có hành động phạm luật. Tôi muốn thấy bản tường trình trong đó có ba chữ Việt Nam, Saudi Arabia, và Eritria. Nếu không đáp ứng được yêu cầu trên, tôi sẽ đưa vấn đề ra cuộc điều trần thính chúng (Public Hearing).” Rồi, ông tiếp: “Đây, cử tri Việt Nam, họ đang ở trước mặt tôi, hãy giải thích với họ với sự chứng kiến và ghi nhận của nhân viên văn phòng tôi. Không khí văn phòng lúc đó như nén lại. Hoàng Tứ Duy tiếp máy và điềm tĩnh trình bày quan điểm. Nhân viên ngoại giao lúc này mềm giọng sau lời cảnh cáo nảy lửa trên. Họ đã hứa sẽ có một cuộc gặp trực tiếp vào tuần tới để “đối diện” với vấn đề. Anh Hoàng Tứ Duy cho biết: “trong lịch sử vận động của VPAC, đây là sự kiến chứng ngoài tưởng tượng”

Chuyến viếng thăm của Phan Văn Khải – “Vũ điệu” chống bá quyền Trung Cộng

Tại văn phòng dân biểu Jim Leach, Uỷ hội Á-Thái Bình Dương, cuộc vận động chuyển qua thành một cuộc đối thoại có chiều sâu. Theo quan điểm các giới chuyên môn đã ảnh hưởng lên nhận thức chung, Mỹ khẳng định vai trò Việt Nam là quá đặc biệt mang tính duy nhất đối với quan hệ của Trung Quốc trong khối Đông Nam Á. Do đó, “dìu” Việt Nam đi về phía mình là chiến lược tại khu vực Á-Thái. Trong thời điểm này, họ cho biết BNG đang cố gắng tránh không sỉ nhục Phan Văn Khải khi ông ta tới Mỹ. Nhưng trên các cuộc đối thoại, vấn đề nhân quyền sẽ được coi là trọng tâm cho sự phát triển quan hệ. Mỹ sẽ nêu rõ những mối quan tâm đến vấn đề người Thượng, sự đàn áp đạo Tin Lành và các tổ chức tôn giáo đang bị cấm. Mỹ sẽ yêu cầu để các tổ chức phi chính phủ (NGO) có quyền đi vào Việt Nam trong chương trình nghị sự. Việt Nam theo vũ điệu để cất bước hay là tự đạp chân mình là tuỳ phong cách. Tuy nhiên, chuyến đi của thủ tướng CS Phan Văn Khải coi như là sự nhận lời nhập vũ. Họ nói bằng thuật ngữ ngoại giao nhẹ nhàng tuỳ thái độ tiếp thụ của người nghe nhưng nội dung thì rất rõ ràng. Nếu có nhu cầu và sự đồng tình chung, văn phòng của cũng ông sẽ ký vào nghị quyết lên án tình trạng nhân quyền và những kế hoạch đàn áp tinh vi do hồ sơ mà VPAC đã đưa ra.

Dân biểu chống Cộng gốc Cuba – Ileana Ros-Lehtinen

Tại văn phòng này, bà dân biểu rất vui mừng khi gặp những người gốc Việt Nam lưu vong cùng cảnh ngộ với kiều dân Cuba. Bà đã chụp hình lưu niệm và vồn vã như gặp người thân. Bà cho biết càng ngày càng nhiều các nhà lập pháp Hoa Kỳ càng chia xẻ chung quan điểm chống độc tài mà chế độ CS là một trong những sự tiêu biểu. Bằng sự hài hước, bà nói rằng dân biểu Wolf khôn ngoan như chính cái tên ông. Chúng tôi sẽ có những liên minh trong quốc hội để đấu tranh cho khát vọng của người Việt Nam.

Đó là những cuộc đối thoại tiêu biểu trong ngày tại các văn phòng. Có những hài lòng và những sự không hài lòng. Nhưng hầu như ai cũng đã chứng kiến sự bất đồng gay gắt giữa lập pháp và hành pháp qua vấn đề. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách tích cực là ngay cả xu hướng ôn hoà nhất cũng không có ý định rút Việt Nam ra khỏi CPC trong năm nay; Cho dù, họ đồng ý có sự chần chừ mang tính chiến lược lợi cho BNG vào thời điểm này. Chứng kiến được sự đối chất gay go giữa hai văn phòng, chúng ta thấy được địa vị của cử tri và sức mạnh của lá phiếu. Tiếng nói mạnh mẽ của họ chính là tiếng nói của cộng đồng Việt Nam tại Mỹ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài SBTN, bà dân biểu Loretta Sanchez đã cám ơn cộng đồng Việt Nam đã dạy cho bà về giá trị nhân quyền nhờ đó mà trở thành một mục tiêu lớn lao cho sự nghiệp chính trị. Tất cả các văn phòng mà phái đoàn viếng thăm đều đã ra tâm thư ủng hộ ngày tuần hành cho tự do Việt Nam tại tiền đình điện Capital. Bà dân biểu Sanchez tán dương việc làm và sự chọn địa điểm rất là ý nghĩa. Bà hy vọng đồng nghiệp trong lưỡng đảng sẽ chú trọng hơn về Việt Nam sau tuần lễ tưởng niệm Quốc Hận này.

Ngày 29Tháng 4 Năm 2005: Vận Động Tại Thượng Viện

Ngày 29/4, Uỷ Ban Vận Động Chính Trị Người Mỹ Gốc Việt (VPAC) đã chia thành sáu nhóm đi vào lưỡng viện quốc hội tiếp tục với sứ mệnh vận động dân chủ cho Việt Nam. Tổng kết hai ngày, phái đoàn đã tiếp xúc với 60 văn phòng dân biểu, thượng nghị sĩ và các cơ cấu chính giới khác.

Thành phần vận động là do công lao của nhiều tình nguyện viên có chuyên môn, các sinh viên thuộc đại học UCLA và các đại diện cử tri khắp nơi. Nếu hoán đổi những công sức và trí tuệ này ra, thì đó là một chi phí rất lớn cho công cuộc tranh đấu cho dân chủ ở quê nhà. Đó là phương tiện đến Washington, là nơi ăn chốn ở và là tất cả các chi phí liên quan cho cả tuần lễ tưởng niệm Quốc Hận.

Hồ Sơ Nhân Quyền

Trong những cuộc gặp gỡ tại các văn phòng Thượng nghị sĩ, các đại diện Việt Nam đã trao tập hồ sơ nhân quyền dày 49 trang. Hồ sơ nhấn mạnh 3 vấn đề quan tâm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt: tự do tôn giáo, cởi mở chính trị, và ổn định khu vực. Đây chính là mục tiêu cho công cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam có đủ diện mạo gia nhập cộng đồng quốc tế. Nếu đảng cộng sản Việt Nam cố tình trì hoãn xu thế này thì Hoa Kỳ, trên phương diện lợi ích chung vị trí quốc tế đặc thù phải có ngay hành động. Hồ sơ nhân quyền của VPAC: yêu cầu đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam phải quan tâm đặt biệt đến tình trạng của những nhân vật bất đồng chính kiến với ĐCS; Tiếp tục duy trì Việt Nam vào danh sách những nước đáng quan ngại (CPA); Thúc đẩy các nghị quyết nêu cao giá trị nhân quyền, đặc biệt là nếu trong trường hợp thủ tướng CSVN Phan Văn Khải thăm Mỹ được tiến hành.

Ấn Tượng Việt Nam.

Hồ sơ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong thượng viện đã được phát tán khắp các văn phòng qua nhiều tổ chức khác của cộng đồng. Xúc động nhất là tại văn phòng thượng nghị sĩ Saxby Chambliss, bà Heather Reilly đại diện văn phòng đã nêu tên của một nạn nhân mới. Đó là bà Lê Thị Hồng Liên đang bị đàn áp tại Việt Nam. Văn phòng Saxby Chambliss đã cho phái đoàn VPAC coi lá thư đang được chờ ký tại thượng viện với nội dung yêu cầu thủ tướng Phan Văn Khải giải quyết hồ sơ một cách minh bạch. Chúng tôi chưa rõ thông tin về trường hợp của bà Lê Thị Hồng Liên, nhưng xin ghi nhận đây là một trường hợp nằm ngoài hồ sơ 19 vị Hòa-Bình nhân sĩ mà VPAC đã yêu cầu các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ can thiệp, phóng thích và giải trừ mọi phương thức quản chế tại gia.

Trong hồ sơ đó có những nhân vật như nhà báo Nguyễn Vũ Bình, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Hòa Thượng Thích Quảng Độ …Nếu đây là trường hợp thứ 20 của hồ sơ thì có sự đặc biệt vì đây là trường hợp của một phụ nữ bị đàn áp.

Chuyến đi của Phan Văn Khải có nguy cơ gặp chướng ngại về luật pháp.

Chúng tôi đã có thêm một sự hiểu biết đặc biệt về hệ thống phân quyền trong chính phủ Hoa Kỳ. Kiến chứng cuộc cảnh cáo nảy lửa trên speaker phone của dân biểu Frank Woft tới bộ ngoại giao trước mặt mọi người là một kinh nghiệm đáng giá trong sự hiểu biết về hệ thống Tam quyền phân lập. Đúng là xúc động và bất ngờ như đang coi sân khấu hoạt kịch! Nhưng đây tuyệt đối không phải là kịch bản của chính quyền mà là hiện thực của một cơ chế pháp luật tiến bộ nhất hành tinh. Đây không phải là tương nhượng của nhân sự bộ ngoại giao Hoa Kỳ giành cho Việt Nam mà là vấn đề pháp lý công quyền. Đây không phải là sự phẫn nộ đột nhiên mà chính là phong thái đấu tranh cho nguyện vọng cử tri của một vị dân cử do dân bầu.

Cũng theo dân biểu Frank Wolf ngày 28/4, đa số nhân viên ngoại giao, kể cả đại sứ Hoa Kỳ trên các “điểm nguội” trên thế giới đều là viên chức hành chánh. Không như những thời xưa, họ là các nhà chiến lược, các nhà tranh đấu vì niềm tin vào giá trị dân chủ Hoa Kỳ. Cho nên, việc sắp xếp cho một chuyến viếng thăm của một lãnh tụ độc tài đến Mỹ, xét trên một phương diện nào đó – Đó chính là thành tích cho công việc họ đang làm, chứ không phải là hồ sơ thành công về ngoại giao của chính phủ. Cho nên, việc mời Phan Văn Khải qua Mỹ lúc này có biểu hiện của sự lách luật để tạo thành tích ngoại giao. Tại văn phòng thượng nghị sĩ John E. Sununu, người phụ tá cao cấp là ông Williams Martin, một nhân viên ngoại giao đổi ngạch cho biết “giải thích luật pháp ở Mỹ theo Bộ Ngoại Giao thì có thể mênh mông như sắc thể trên cầu vồng, hoặc là biên tế mỏng manh như sợi chỉ, như đường kim tuyến. Tùy theo đó mà người ta được diễn giải việc gia hạn ngày “15 tháng 3”. Nhưng rõ ràng, theo đúng luật ngày 15 tháng 3, bộ ngoại giao phải có hành động trừng phạt dù bất cứ hình thức tượng trưng nào. Quy hạn cho việc trừng phạt có thể biến thiên từ trừng phạt kinh tế (nặng nhất) cho đến việc trừng phạt mang tính biểu tượng (nhẹ hơn). Một trong những trừng phạt mang tính biểu tượng đó là việc cấm cấp visa nhập cảnh của các quan chức cao cấp của chính quyền trong danh sách CPC vào Mỹ. Mỹ đã từng làm như vậy với Thái Lan, Nam Dương và Singapore. Do lộ trình sắp xếp của chuyến viếng thăm vào tháng 6 kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ, cho nên nếu Bộ Ngoại Giao dù chỉ trừng phạt nhẹ mang tính biểu tượng cũng làm cho việc nhập cảnh của Phan Văn Khải bị chướng ngại theo pháp luật. Vì thế, đây là một sơ hở về hành pháp rất quan trọng khiến dân biểu Frank Wolf đã tức giận và cảnh cáo đòi điều trần.

Tại văn phòng thượng nghị sĩ Rick Santorum, bất ngờ hơn là bà Courtney J. Kaplan đã nghe được tin này. Bây giờ mọi khôn khéo của bộ ngoại giao không còn là vấn đề duy cảm của quan hệ Việt Mỹ mà là vấn đề duy lý của hệ thống phân quyền tại Mỹ. Chấp pháp phạm pháp, hành pháp lạm quyền, nếu đúng như thế, bà Kaplan hứa sẽ trình bày đặc biệt với thượng nghị sĩ Rich Santorum về vấn đề này. Đây có thể là đề tài sẽ gây tranh cãi lớn trong chính trường Mỹ. Ông Lê Quyền, một nhà hoạt động nhân quyền tại vùng DC cho biết rằng ông rất hứng thú để tìm hiểu sự kiện này. “Phan Văn Khải tới Mỹ thì sẽ gặp biểu tình lớn. Đó cũng là bài học dân chủ. Nếu như không tới được Mỹ thì được học thêm bài học về pháp lý công quyền.”

Cuộc vận động của VPAC để đề nghị một nghị quyết về nhân quyền, nhưng nếu theo luật mà bộ ngoại giao phải trừng phạt dù bất cứ phương pháp nào bằng văn bản cũng là một lời cảnh tỉnh cho chế độ CS Việt Nam. Cho nên thúc đẩy theo chiều hướng này cũng là một sự kiện đặc biệt đáng quan tâm trong cộng đồng.