Đại gia đánh caddie gãy gậy golf: Hội chứng Stockholm hay Hội chứng Việt Nam?*

GS Nguyễn Văn Tuấn - FB Nguyễn Tuấn

Cây driver bị gãy vì chủ nhân của nó “đập cây gậy golf phát bóng sượt qua nón của chị L., hướng xuống dưới đất khiến cây gậy golf bị gãy làm đôi và bật lại, dẫn đến chị L. bị thương nhẹ phần mềm ở vùng mặt.” Ảnh: FB Nguyễn Tuấn

Câu chuyện chị nhân viên phục vụ sân golf (caddie) biện minh hay thỏa hiệp với kẻ hành hung mình có vẻ là một biểu hiện của Hội chứng Stockholm.

Hội chứng Stockholm là một hội chứng tâm lý, mà theo đó nạn nhân trở nên có cảm tình với kẻ ngược đãi mình. Câu chuyện gốc là mấy nhân viên của ngân hàng ở Stockholm (Thụy Điển) bị một nhóm cướp bắt làm con tin, và sau này họ có cảm tình với những kẻ cướp.

Nhưng sau này thì các nhà khoa học quan sát thấy sự phản ứng còn áp dụng cho nhiều trường hợp khác như trẻ con bị cha mẹ bạo hành, vợ bị chồng hành hung, nạn nhân bị bọn khủng bố bắt giữ, người dân cảm thấy có thiện cảm với mấy kẻ độc tài, v.v. Hội chứng này còn có tên là ‘Battered Syndome’ — Hội chứng Bóp méo.

Thành ra, câu chuyện chị caddie bị kẻ quyền thế kia hành hung đến phải nhập viện, nhưng sau đó lại nói những điều tốt đẹp, thậm chí biện minh cho hành động dã man của kẻ hành hung mình, rất nhứt quán với Hội chứng Stockholm.

Nhưng ở Việt Nam ngày nay, có khi đồng tiền và quyền thế làm người ta thay đổi quan điểm một cách dễ dàng. Trong tình huống bình thường, họ than vãn về cuộc sống khó khăn, nhưng khi có mặt của một quan chức họ nói khác 180 độ.

Tương tự, khi nạn nhân nghèo được thủ phạm đút lót một số tiền lớn, họ cũng thay đổi câu chuyện sao cho kẻ thủ phạm trở thành một ‘thiện nhân.’ Có thể tạm gọi đó là Hội chứng Việt Nam – Vietnam Syndrome.

Vietnam Syndrome còn có thể giải thích nhiều phản ứng khác ở cấp cộng đồng. Tôi đã gặp vài bạn mà cha mẹ họ là nạn nhân trong thời Cải cách ruộng đất, và họ biện minh cho chánh sách đó là đúng đắn. Họ bác bỏ những con số và câu chuyện bi thảm thời đó, và biện minh rằng các ‘quan toà’ thời đó là… công minh.

Tương tự, nhiều người sống qua thời bao cấp và rất đau khổ vì cái chánh sách bất nhơn đó nhưng sau này lại viết bài, thậm chí viết sách, để ca ngợi những ‘sáng kiến’ thời đó! Họ không thấy đó là sai lầm. Hiện tượng này chẳng khác gì những nhân viên ngân hàng ở Stockholm bị giam cầm, nhưng theo thời gian họ có cảm tình với những kẻ giam cầm mình.

Hội chứng Stockholm khi đặt trong bối cảnh Việt Nam nó trở thành một hội chứng rất hấp dẫn cho nghiên cứu khoa học.

Hình [đầu bài]: Cây driver bị gãy vì chủ nhân của nó “đập cây gậy golf phát bóng sượt qua nón của chị L., hướng xuống dưới đất khiến cây gậy golf bị gãy làm đôi và bật lại, dẫn đến chị L. bị thương nhẹ phần mềm ở vùng mặt.”

Cách viết ‘phần mềm’ làm tôi phì cười vì sự y khoa hóa ngôn ngữ, cố tình làm nhẹ sự việc. Mô mềm là soft tissue; tức là môi, má trên mặt? Sao không viết ‘đánh vào mặt người ta’ cho dễ hiểu?

GS Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

*) Tựa do BBT đặt