Đại Học Hay… Học Đại?

Trần Trọng Nghĩa

Thời buổi nào thì đất nước cũng cần nhân tài. Lịch sử cho ta thấy, triều đại nào, quân vương nào biết trọng dụng người tài đức thì triều đại đó thịnh vượng, quân vương đó được dân chúng ca tụng là minh quân. Nền văn học Việt Nam hãnh diện vì còn lưu giữ được danh tính các vị tiến sĩ từ gần 600 năm qua trên những tấm bia đá đặt ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội, Văn Miếu Huế và Văn Miếu Bắc Ninh. Ở thời đại ngày hôm nay, tuy sự học đã khác trước rất nhiều; nhưng học vấn vẫn là phương tiện để con người tiếp thu được tri thức hầu trở nên người tài giỏi, hữu ích cho nhân quần, xã hội. Dù dưới thời phong kiến hay hiện đại thì học vấn luôn là một giá trị cao quý bất biến.

Nhu cầu giáo dục, đào tạo cho đất nước một đội ngũ chuyên gia có trình độ quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay đã trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Nhu cầu này không chỉ dành cho những nước đang mở mang, mà cả các nước tiên tiến trên thế giới cũng không ngừng đầu tư sức người, sức của để đạt được những thành quả vượt trội. Việt Nam mới hội nhập vào nền kinh tế thế giới với thế và lực rất yếu kém về mọi mặt của một nước kém mở mang, sau hơn nửa thế kỷ chiến tranh cũng như bị kìm hãm bởi chủ thuyết cộng sản lạc hậu, bởi những người lãnh đạo ngu tối. Nếu không dồn hết nỗ lực vào lãnh vực giáo dục, đào tạo thì Việt Nam sẽ chỉ là địa bàn để tư bản thế giới khai thác và con người Việt Nam chỉ là nô bộc cho chủ tư bản mà thôi. Đã có nhiều người trong nước, nhất là giới sinh viên ý thức được vấn đề và đang nêu nó lên với chính quyền. Người trách nhiệm trên lãnh vực này là bộ trưởng Giáo Dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã thực hiện nhiều cuộc đối thoại, giao lưu trực tuyến, những bài diễn văn, những cuộc phỏng vấn về tình trạng giảng dạy tại các trường Đại Học tại Việt Nam.

Nói đến sự học là nói đến thầy, đến trò, đến sách giáo khoa. Trong bài này, chỉ xin viện dẫn những gì ông Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu liên quan đến các bậc thầy Đại Học. Theo ông Nhân thì “trong 6 năm, VN ra đời 117 trường Đại Học và Cao Đẳng, trong khi tỷ trọng Tiến Sĩ không tăng bao nhiêu”. Với con số trường xuất hiện trong một thời gian ngắn như thế này, không hiểu đây là ưu tư của chính quyền muốn có nhiều “lò sản xuất” chuyên gia hay là đó chỉ là biểu hiện của một khía cạnh kinh tế thị trường? Dù sao thì đây cũng là một sự “nở rộ” trường Đại Học và Cao Đẳng. Với sự phát triển nhanh và nhiều như thế, chắc ít có nước nào trên thế giới đạt được thành tích này, tất nhiên là sẽ xảy ra tình trạng thiếu giáo sư.

Vấn đề Giáo Sư Đại Học tại Việt Nam hiện nay có hai khía cạnh: thiếu và yếu. Theo những con số của chính quyền CSVN thì “từ năm 1981 tới năm 2006,sau nhiều đợt công nhận, cả nước hiện có 7.192 Giáo Sư và Phó Giáo Sư (trong đó, GS: 1.217: PGS: 5.975). Tính riêng từ năm 2000 cho tới 2006, theo quy định mới được thực hiện hàng năm, đã có 2.753 người được công nhận các chức danh này”. Báo điện tử VietNamNet ngày 6/11/2006 đưa tin: “Thống kê mới nhất đến tháng 11/2006 của Hội đồng chức danh GS Nhà nước cho thấy, độ tuổi trung bình của các chức danh GS, PGS Việt Nam hiện đang đứng ở mức cao. Cụ thể, 80% GS độ tuổi trên 60”. Thực ra, tuổi tác đối với chức vị giáo sư đại học không phải là mối quan ngại lớn. Điều đáng quan ngại là phẩm chất của các vị được Nhà Nước phong làm giáo sư đại học. Cũng theo tờ báo này thì “Qua khảo sát 360 GS và 1.100 PGS, còn tới 30,3% GS, 28,5% PGS không dùng máy vi tính. Và chỉ có 41,7% GS; 53,3% PGS sử dụng internet”. Ở thời đại tin học ngày hôm nay, với tình trạng thiếu thốn thông tin cũng như sách vở, tài liệu tại Việt Nam, việc không sử dụng máy vi tính và internet là điều không thể hiểu được trong giới Đại Học. Ngoài ra, phần lớn giáo sư và phó giáo sư đại học không có khả năng ngoại ngữ, nên rất bị hạn chế trong việc tiếp cận với các tài liệu khoa học, văn hóa quốc tế. Trong Bức thư ngỏ gửi Bộ rưởng Giáo Dục-Đào Tạo của ông Nguyễn Hòa, cựu giáo sư đã viết: “Bộ trưởng thử cho tiến hành kiểm tra trực tiếp, công khai, khách quan về trình độ ngoại ngữ xem trong đội ngũ GS, PGS hiện có của nước ta có trình độ tương đương với văn bằng ngoại ngữ mà họ đã trình ra trong hồ sơ chức danh hay không?”

Là một nước nhỏ, đang mở mang, chúng ta không kỳ vọng có những đại học tiên tiến có chất lượng cao như những nước Âu Mỹ hay một số nước trong vùng như Thái Lan, Đại Hàn, Nhật Bản… Nhưng, không thể giữ mãi tình trạng yếu kém này. Muốn đào tạo giáo sư thì phải đào tạo những người có bằng tiến sĩ. Vấn đề này hiện đang gây dị nghị trong dư luận là các tiến sĩ của Việt Nam không có chất lượng, luận án không có giá trị, tiến sĩ x đạo văn… Muốn trở thành giáo sư hay phó giáo sư, những ứng viên có học vị tiến sĩ phải được Hội đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước xét và cấp chức danh. Trả lời về chất lượng kém của giáo sư, ông GS Đỗ Trần Cát, Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước về Chức danh Giáo sư đã tuyên bố đại ý, với tiêu chuẩn thấp thì Việt Nam mới có giáo sư. Ông nói: “nếu chúng ta cũng yêu cầu như nước ngoài thì sẽ không có GS và PGS”(!). Sao mà nền giáo dục đại học Việt Nam nó thảm đến thế ? Thế mà ông Bộ trưởng Giáo Dục Đào Tạo còn tuyên bố: “Từ nay đến 10 năm nữa Việt Nam phải đào tạo 20.000 tiến sĩ”. Đúng là học đại chứ không phải là đại học.